Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-2-2017] Chồng tôi thường nói chuyện với mẹ anh bằng thái độ thiếu tôn trọng, nói những điều như: “Không ai ngăn bà đâu. Sao bà không nhảy xuống sông tự tử đi.” hoặc “Bà lo chuyện của mình đi. Đừng quấy rầy tôi.”

Lúc đầu khi thấy bà khóc, tôi cố gắng xoa dịu căng thẳng mối quan hệ của họ. Nhưng bà bắt đầu ghét tôi, vì con trai bà vẫn là cậu quý tử của bà. Cuối cùng, tôi dần quen với cách hành xử của họ và giữ im lặng để tránh tham gia vào mâu thuẫn.

Mẹ chồng tôi là một nông dân điển hình. Bà không có thu nhập và mù chữ. Năm 2011, bố chồng tôi qua đời và chồng tôi là con duy nhất của họ. Thỉnh thoảng khi tôi và mẹ chồng có những mâu thuẫn nhỏ, tôi luôn cố gắng kiềm chế bản thân. Vì muốn giữ hình ảnh bản thân nên tôi buộc mình phải chịu đựng bà. Nhưng những mâu thuẫn đó luôn làm tôi khó chịu.

Tháng 10 năm 2014, vợ chồng tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Sư phụ Lý Hồng Chí giảng:

“Chúng ta mở miệng nói, đều [cần] chiểu theo tâm tính của người luyện công mà nói, không nói những lộng ngữ thị phi, không nói những lời bất hảo. Là người tu luyện cần chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp mà nhận định bản thân mình, [lời] nào nên nói [lời] nào không. [Lời] nào nên nói, dùng Pháp nhận định thấy phù hợp với tiêu chuẩn tâm tính người luyện công thì không thành vấn đề.” (Tu khẩu, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ Lý Hồng Chí cũng giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Là một cá nhân, nếu thuận với đặc tính Chân Thiện Nhẫn này của vũ trụ, thì mới là một người tốt; còn người hành xử trái biệt với đặc tính này, thì đúng là một người xấu.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi từng nghĩ mình là một người vợ và người con dâu tốt vì tôi luôn im lặng trong mâu thuẫn giữa chồng và mẹ chồng. Tôi từng nghĩ rằng sự kiềm chế của mình chính là nhẫn. Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi nhận ra rằng có những tiêu chuẩn cao hơn để đánh giá xem một người là tốt hay xấu.

Đối đãi với mâu thuẫn giữa chồng và mẹ chồng, tôi nhận ra mình thiếu từ bi. Tôi không thực sự muốn làm dịu đi căng thẳng. Thay vào đó, đôi khi tôi muốn xem họ tranh đấu như thế nào. Vì cảm thấy mẹ chồng ức hiếp mình, nên đôi khi tôi cũng muốn thấy bà thua. Thỉnh thoảng tôi nói xấu sau lưng mẹ chồng với chồng mình, điều đó làm xấu đi mối quan hệ giữa họ.

Cách hành xử và thái độ của tôi đối với mẹ chồng là không phù hợp với nguyên lý Chân-Thiện–Nhẫn. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình thực sự là một người tồi tệ như vậy.

Sau khi nhận ra những thiếu sót của bản thân, tôi ngừng phàn nàn với chồng mình về bà. Tôi xin lỗi bà về hành xử của mình trước đây và hứa sẽ từ bi đối đãi với bà.

Chồng tôi cũng thay đổi. Anh ấy không những bình thường với mẹ mình, mà khi bà chỉ trích, anh cũng không cãi lại.

Mẹ chồng tôi thấy cách vợ chồng chúng tôi thay đổi. Bà ngừng phàn nàn về chúng tôi và ca ngợi rằng Pháp Luân Đại Pháp đã cải biến chúng tôi.

Chồng tôi nói anh lớn lên trong một môi trường gia đình nơi mà các thành viên có xung đột hàng ngày. Nhờ Pháp Luân Đại Pháp, bây giờ gia đình chúng tôi vui vẻ và hòa ái.

Tôi từng rất kén chọn. Tôi biết cách để chọn sản phẩm tốt nhất và thường hướng dẫn người khác cách chọn hoa quả và rau quả tươi và chất lượng cao ở chợ.

Sư phụ Lý Hồng Chí dạy chúng ta quan tâm đến người khác. Bây giờ tôi thấy được những tiểu thương phải chịu đựng bao nhiêu khổ cực. Họ thức dậy vào khoảng bốn giờ mỗi sáng, quanh năm như vậy và không bao giờ có ngày nghỉ. Vì vậy tôi không còn kén cá chọn canh nữa và mua bất cứ thứ gì cầm lên đầu tiên. Đôi khi, tất cả trên tay tôi là lá rau mà những khách hàng khác bỏ lại, nhưng tôi vẫn mua chúng.

Một ngày, một người bán dạo nói với tôi: “Tôi không thể kìm nén được nữa. Tôi đã để ý cô trong một thời gian dài. Cô không thể chọn thứ gì tươi ngon sao? Sao cô luôn mua những thứ như thế? Tôi không thể để người tốt bị lợi dụng được nữa.” Cô nhặt cho tôi một vài củ khoai tây to, sạch và rắn chắc.

Một người bán hoa quả nói với tôi: “Tôi muốn thấy cô ở chợ. Cô luôn mỉm cười.” Tôi nói với người tiểu thương này rằng lý do tôi luôn vui vẻ là vì tôi chiểu theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn.

Bây giờ tôi luyện công mỗi ngày và hướng nội về những sai lầm của bản thân trong mâu thuẫn. Tâm tôi từ trống trải, bồn chồn lo lắng, oán hận và cằn nhằn đã trở nên phong phú, bình hòa, hạnh phúc, hài lòng và chu đáo.

Tôi muốn nói với mọi người rằng chúng ta cần Chân–Thiện–Nhẫn để có thể “phản bổn quy chân.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/10/342883.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/22/162269.html
Đăng ngày 17-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share