Bài viết của một học viên trẻ

[MINH HUỆ 1-7-2016] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng cha mẹ khi được năm tuổi. Đối với tôi, ngồi song bàn rất dễ dàng và tôi không có nhiều quan niệm người thường. Nhiều học viên lớn tuổi nói rằng ước gì họ có thể như tôi.

Khi tôi tiếp xúc với nhiều thứ của người thường hơn, tư tưởng của tôi cũng dần dần trở nên phức tạp hơn. Ở trường đại học, nhiều bạn cùng lớp của tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ mạng xã hội trên Internet, và tôi cũng như thế.

Mỗi năm lại xuất hiện thêm những từ [lóng] mới trên Internet, tôi cũng học theo và sử dụng những từ ngữ ấy để chứng tỏ mình theo kịp [trào lưu]. Tôi chưa bao giờ nghĩ về nguồn gốc của những ngôn từ này và tôi cũng không dùng các tiêu chuẩn của Pháp Luân Đại Pháp để đo lường chúng. Tôi đã thường xuyên sử dụng những từ ngữ này và nghĩ rằng nếu tôi không dùng, các bạn cùng lớp sẽ đối xử với tôi khác đi.

Trong một khóa học vào năm cuối đại học, chúng tôi làm một bài tập lớn theo nhóm. Giáo viên đưa ra hơn 20 chủ đề để chúng tôi lựa chọn. Tôi chọn chủ đề “những ngôn từ lăng mạ trên Internet” và đề xuất chủ đề này với các thành viên trong nhóm của tôi. Họ đã nhất trí tán thành.

Tôi không biết làm thế nào mà tôi lại có rất nhiều ý tưởng hay về cách thiết kế bảng câu hỏi (để điều tra, thăm dò ý kiến), nên hỏi những câu hỏi nào, nên lựa chọn những từ ngữ thông dụng nào trên Internet và cách phân tích dữ liệu ra sao. Thường thì tôi không làm nhóm trưởng, nhưng tự nhiên tôi đã trở thành trưởng nhóm của nhóm tôi trong bài tập lớn này. Mọi người đều cho rằng những đề xuất của tôi rất hay.

Khi chúng tôi chuẩn bị bảng câu hỏi và phân tích dữ liệu, tôi phát hiện ra rằng nhiều từ lóng trên Internet có nguồn gốc từ những lời chửi bới lăng mạ. Có nhiều từ mà cách phát âm của chúng yếu đi. Những từ khác đã bị thay đổi cách sử dụng. Và có nhiều từ, bản chất của nó đã thay đổi.

Bất kể chúng đã thay đổi như thế nào, ý nghĩa lăng mạ của những từ này không hề biến đổi. Mọi người sử dụng những ngôn từ này hàng ngày, nhưng không nhận ra rằng họ đang lăng mạ những người khác vì những giá trị đạo đức của họ đã bị suy đồi. Cho tới lúc đó, tôi vẫn không nhận ra rằng mình cũng đang trôi theo dòng chảy đó.

Nhóm của chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt và giáo viên rất hài lòng với kết quả của chúng tôi. Thầy muốn chúng tôi cùng nhau viết một bài luận văn. Thầy cũng cho phép chúng tôi gác lại những việc khác để chúng tôi có nhiều thời gian hơn thực hiện bài tập lớn này. Điều này thực sự hữu ích, vì tôi có nhiều bài tập về nhà. Tôi đạt điểm rất cao ở môn học này.

Sau đó, tôi nhận ra rằng Sư phụ đã chỉ dẫn để tôi chọn chủ đề đó, để tôi có thể biết được nguồn gốc của những từ [lóng] phổ biến trên Internet. Tôi nhận ra rằng sử dụng những ngôn từ đó cũng không khác gì đang dùng những lời lăng mạ.

Tu khẩu và loại bỏ những ngôn từ không tốt

Tôi chưa bao giờ nói những lời lăng mạ, thậm chí cả khi còn nhỏ. Do đó, tôi vô cùng sốc sau khi tôi phát hiện ra những từ ngữ phổ biến trên Internet kia thực chất là những ngôn từ bẩn thỉu. Những người tu luyện không nên sử dụng loại ngôn ngữ ấy. Tôi quyết định chính lại thói quen không tốt này, nhưng quá trình không đơn giản như tôi nghĩ.

Một số từ đã trở thành thần chú của tôi và tôi thường xuyên sử dụng chúng. Chúng thường tuôn ra từ miệng tôi trước khi tôi kịp chặn lại. Một vài lần, sau khi đã nhận ra rằng tôi không nên nói những ngôn từ ấy, nhưng tôi vẫn tiếp tục sử dụng chúng, điều ấy khiến tôi cảm thấy buồn bực.

Tôi sống trong một ký túc xá trường học và nhiều học sinh khác đã sử dụng những từ ngữ phổ biến đó. Những ngôn từ ấy rót vào tai tôi ngay cả khi tôi không muốn nghe. Thay đổi thói quen nói rất khó khăn. Tôi đã không hướng nội, mà lại đổ lỗi cho những người khác và cho hoàn cảnh.

Trong suốt những tuần sau đó, mỗi buổi sáng sớm tôi thức dậy để nghiêm túc học Pháp và đọc các bài giảng của Sư phụ. Sư phụ dạy chúng ta hướng nội. Tôi đã hướng nội và phân tích tại sao mình lại sử dụng những từ ngữ phổ biến trên Internet kia.

Tôi nhận ra rằng mình đã không nghiêm khắc với bản thân. Tôi không chú ý tới mỗi tư tưởng của mình, và không chính lại chúng. Tôi không cân nhắc xem liệu những gì tôi nói ra có gây tổn thương cho người khác hay không và cũng không suy nghĩ liệu những người khác có muốn nghe những điều tôi nói hay không. Tôi chỉ tập trung vào việc mình cảm thấy tốt như thế nào khi sử dụng những ngôn từ đó.

Sau khi nhận ra vấn đề của mình, tôi đã kìm lại trước khi nói và điều chỉnh suy nghĩ trước khi mở miệng. Dần dần, tôi cảm thấy lúng túng nếu những ngôn từ không hay ấy vô tình tuôn ra từ miệng mình. Cuối cùng tôi đã có thể ước thúc bản thân, để không nói những ngôn từ ấy nữa. Khi đó, những ngôn từ ấy cũng đã hoàn toàn bị xóa khỏi tâm trí của tôi.

Tôi nhận ra một nguyên nhân khác khiến tôi sử dụng những từ ngữ thông dụng trên Internet đó. Tôi thường xuyên xem các trang xã hội. Mỗi buổi sáng, đầu tiên tôi sẽ đăng nhập vào các trang web này để xem có gì mới xảy ra không, chứ không học Pháp. Tôi đang tự làm ô nhiễm bản thân mình. Sau khi nhận ra điều này, tôi đã xóa các tài khoản của tôi trên những trang mạng xã hội ấy.

Bất cứ khi nào cơn nghiện nổi lên trong tâm trí, tôi phát chính niệm để loại bỏ nó đi. Tôi tự nhủ rằng đó không phải tư tưởng của mình. Chẳng bao lâu, tôi đã có thể loại bỏ ham muốn truy cập những trang web đó.

Khổ nạn này đã giúp tôi minh bạch ra điều mà Sư phụ đã giảng:

“Trong khi học viên chúng ta đang tu luyện dù cho gặp phải phiền phức nào, chư vị phải có thể xem xét tự mình, xem xét nguyên nhân của mình, thì vấn đề gì của chư vị cũng đều có thể giải quyết. Gặp phải vấn đề, nhất định phải hướng nội mà tìm. Khi nãy tôi vừa giảng, không phải vì người khác đối xử với chư vị như thế nào, mà là vì chỗ này của chư vị chưa đúng. Nếu chư vị nói, toàn bộ thiên thể đều rất thuận, chỗ này của chư vị có gì đó không đúng, chính là ở chỗ này của chư vị có vấn đề bướng bỉnh, là chư vị với người khác có gì đó không đúng. Khi chư vị tìm nguyên nhân ở bản thân chư vị, xoay chuyển vấn đề lại, thì nó liền đúng rồi, nó đã bình phục rồi, mọi người lại hòa ái với chư vị. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản như vậy để giảng về đạo lý này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Tôi từng nghĩ các bạn cùng lớp sẽ không thích tôi nếu tôi không dùng những ngôn từ đó. Hơn nữa, thay vì hướng nội, tôi cho rằng đó là hoàn cảnh khiến tôi gặp khó khăn khi loại bỏ [thói quen] sử dụng những ngôn từ không tốt ấy.

Sau khi thay đổi, các bạn cùng lớp của tôi cũng không còn sử dụng những ngôn từ ấy nữa, và mối quan hệ của chúng tôi không hề bị ảnh hưởng một chút nào. Các bạn cùng lớp thích thảo luận mọi thứ với tôi, và họ tìm tới tôi nếu họ các vấn đề khi làm bài tập về nhà.

Những học viên trẻ tuổi dễ bị Internet ảnh hưởng hơn vì họ quen với việc giao lưu qua Internet. Tôi muốn nhắc nhở các học viên trẻ tuổi cần chú ý tới ngôn từ sử dụng, và suy nghĩ về nguồn gốc của những từ ấy trước khi dùng chúng.

Tôi cũng để ý thấy một số học viên trách móc thời tiết. Giờ đây tôi nhận ra rằng thời tiết là do các sinh mệnh cao tầng quản lý. Do đó, nguyền rủa thời tiết cũng là đang trách móc họ, điều này là không tốt và cần phải chính lại.

Bất kỳ điều gì xảy ra trong tu luyện đều không phải là chuyện nhỏ. Tôi đã lấy ví dụ về việc tu khẩu của tôi để khuyến khích các học viên khác để cùng nhau đề cao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/1/330751.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/2/158075.html

Đăng ngày 26-8-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share