Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-4-2016] Tôi năm nay 69 tuổi, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1997.

Bà Ya, hàng xóm của tôi, hiện giờ đã 86 tuổi. Bà và chồng bà bắt đầu tu luyện sau tôi một năm.

Mỗi buổi sáng, cả ba chúng tôi đều đi đến điểm luyện công gần đó để luyện công.

Thật không may, ngay sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, cảnh sát đã đến nhà họ nhiều lần để sách nhiễu họ, khiến hai ông bà sợ hãi đến mức phải ngừng tu luyện.

Một năm sau, chồng bà qua đời vì bệnh ung thư. Bà Ya bị suy sụp tinh thần, con gái bà đã phải chuyển đến sống chung với bà trong khoảng một năm.

Trong năm đó, tôi đã cố gắng nhiều lần thuyết phục bà Ya trở lại tu luyện Pháp Luân Công, nhưng không thành công. Một học viên trẻ đã chép tay Kinh văn mới “Kiến nghị” của Sư phụ, và yêu cầu tôi đưa nó cho bà. Bà Ya đọc bài viết của Sư phụ, và cuối cùng bà đã quyết định tu luyện trở lại.

Vượt qua chấp trước về tình

Mặc dù bà Ya đã trở lại tu luyện Pháp Luân Công, nhưng tâm sợ hãi của bà vẫn còn rất mạnh. Bà sợ có ai đó, kể cả các con của bà, biết rằng bà là một học viên. Thậm chí bà còn giấu sách Đại Pháp mỗi khi các con của bà đến thăm.

Khi đó bà đã 73 tuổi, nhưng với sức mạnh của Đại Pháp, bà có thể tự làm tất cả mọi thứ và sống độc lập.

Tôi nhìn nhận rằng mối quan hệ giữa tôi với bà Ya không phải là thân nhân, bạn bè, hay hàng xóm, mà là mối quan hệ đồng tu. Vì vậy, chúng tôi không nên phụ thuộc vào người khác khi bản thân mình có thể làm hết được mọi việc.

Tình là của người thường. Là người tu luyện, chúng ta cần phải tu bỏ nó đi. Chính duyên phận đã khiến chúng ta trở thành đồng tu với nhau. Chúng ta cần phải trân trọng mối quan hệ đó và không được trói buộc bởi những cảm xúc của người thường, mà chính nó sẽ cản trở chúng ta tu luyện và đề cao tâm tính.

Tôi cùng luyện công với bà Ya, và chúng tôi thường xuyên học Pháp cùng nhau. Tôi thường dẫn bà đi phát tài liệu Đại Pháp cùng tôi. Không lâu sau bà đã có thể tự mình đi phân phát tờ rơi và các tài liệu Đại Pháp.

Năm 2003, tôi bị bắt và bị đưa đến trung tâm tẩy não. Bà Ya vẫn tiếp tục làm công việc Đại Pháp cùng với các học viên khác, thậm chí bà đã vài lần đi một mình đến gần nơi tôi bị giam giữ để phát chính niệm trợ giúp tôi.

Tháng 4 năm 2009, bà Ya tròn 80 tuổi, cũng là lúc điểm sản xuất tài liệu Đại Pháp được thiết lập ở nhà tôi bắt đầu đi vào hoạt động.

Cứ một hoặc hai lần một tuần, bà Ya lại đi đến các tòa nhà dân cư lân cận để phân phát sách, tuần báo và các tài liệu Đại Pháp. Bà có thể phát tài liệu cho cả hai tòa nhà, bà leo lên 6 tầng lầu trong từng tòa nhà để đặt tài liệu trước cửa mỗi căn hộ mà chưa bao giờ bị thất bại.

Hàng ngày, bà Ya và tôi học Pháp cùng nhau từ 8 giờ đến 11 giờ sáng. Hai chúng tôi học hết một bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân, sau đó chúng tôi học các bài giảng khác của Sư phụ. Đôi khi, có thêm 1 đến 4 đồng tu khác tham gia cùng chúng tôi.

Không ly khai chỉnh thể, không chấp trước vào khái niệm tuổi già

Khi bà Ya bước sang tuổi 81, các con bà đã rất lo lắng khi bà phải sống một mình. Bản thân bà cũng cảm thấy mùa đông ở vùng Đông Bắc quả thực có hơi lạnh một chút. Vì vậy, gia đình bà quyết định rằng bà sẽ ở nhà con gái của bà từ sáu đến bảy tháng trong một năm.

Hai mùa đông đầu tiên, bà Ya vẫn có thể kết nối với các học viên địa phương, tham gia học Pháp nhóm, phân phát tài liệu Đại Pháp, và thậm chí đi ra ngoài giảng chân tướng.

Năm thứ ba, con gái của bà chuyển nhà và bà mất liên lạc với các đồng tu. Xa rời môi trường chỉnh thể, bà thấy thật khó để làm tốt ba việc một mình.

Khi trạng thái nghiệp bệnh xuất hiện, bà đã nghe theo lời con gái mình, bà đã uống và tiêm thuốc. Bà cảm thấy xấu hổ vì đã làm như vậy nên khi trở về nhà, bà đã không đến nhà tôi học Pháp nhóm trong nhiều ngày.

Nhưng Sư phụ đã không bỏ rơi bà. Một ngày, tôi đi ra ngoài và vô tình gặp bà. Tôi nhận thấy sắc diện của bà ảm đạm và xám xịt, dường như trông bà già đi nhiều.

Tôi đưa bà về nhà tôi. Khi biết những gì đã xảy ra, tôi động viên bà, nói với bà rằng Sư phụ sẽ không bỏ rơi bà cho dù bà đã từng mắc sai lầm, miễn là bà cố gắng chính lại những thiếu sót của mình. Tôi đã mời bà tham gia học Pháp cùng với chúng tôi.

Tại thời điểm đó, có hai nhóm học Pháp ở nhà tôi: một nhóm gồm 7-8 học viên gặp nhau một lần một tuần để học các Kinh văn của Sư phụ, và một nhóm có khoảng 2-3 người học Chuyển Pháp Luân vào các buổi sáng.

Tôi đề nghị bà tham gia vào cả hai nhóm. Bằng cách như vậy, bà đã nhanh chóng trở lại trạng thái tinh tấn trước đây. Mỗi tuần bà còn có thể đi phân phát tài liệu Đại Pháp cho 18 hộ gia đình mà không hề phàn nàn bị đau chân như trước kia.

Tôi nói với bà rằng: “Sư phụ đang kéo dài cuộc sống của chúng ta để chúng ta có thể cứu thêm nhiều chúng sinh. Phát tài liệu Đại Pháp là cứu người. Sư phụ sẽ bảo hộ và chăm sóc chúng ta.”

Bà cũng nói với tôi: “Từ bây giờ, tôi sẽ không rời xa môi trường tu luyện này nữa. Tôi cần ở cùng với các đồng tu. Môi trường này giúp tôi tinh tấn hơn.”

Bà Ya hiện giờ đã 86 tuổi. Bà vẫn tự chăm sóc bản thân mình, và tiếp tục phát tài liệu Đại Pháp để cứu người. Điều duy nhất là bà không thể đi bộ quá xa.

Bà đã không đến nhà con gái bà trong hai năm. Các con bà lo lắng, do đó họ thay phiên nhau đến thăm nom và chăm sóc bà.

Mỗi khi bà xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh, con gái bà đều khuyên bà uống thuốc, nhưng giờ đây bà Ya đã có thể trả lời kiên định rằng: “Mẹ sẽ ổn trong vài ngày tới.” Và quả thực là bà khoẻ mạnh trở lại chỉ trong ít ngày, do đó trong lòng con gái bà đã dần dần tin phục.

Tôi thường nhắc nhở bà rằng chúng tôi là người tu luyện, không nên có suy nghĩ và hành động như người thường, vì vậy từ “già” không tồn tại trong vốn từ vựng hay suy nghĩ của chúng tôi.

Bà Ya như là tấm gương phản chiếu quá trình tu luyện của tôi

Khi bà Ya và tôi học Pháp với nhau, tôi thường là người đưa ra quyết định học cái gì và dừng lại ở đâu, mà không bao giờ hỏi ý kiến của bà Ya.

Thời gian trôi đi, tôi bắt đầu cảm nhận được bà không hài lòng với tôi về một điều gì đó.

Lúc đầu, tôi không thể tìm ra lý do tại sao, nhưng sau khi hướng nội tìm và cẩn thận để ý đến những lời nhận xét của bà Ya, tôi nhận ra điều gì đã khiến bà không hài lòng về tôi.

Nếu không ý thức được việc này, nhiều năm làm việc với tâm thái luôn cố gắng dẫn đầu đã vô tình biến tôi trở thành một người luôn tự cho mình là đúng, chỉ muốn được người khác lắng nghe, và muốn nổi trội hơn người khác.

Sau khi phát hiện ra những chấp trước ẩn sâu trong tâm này, bước tiếp theo là tôi cần phải có quyết tâm mạnh mẽ để tu bỏ chúng đi. Vì vậy, tôi đã xin lỗi bà Ya và tất cả những ai mà tôi đã đối xử như vậy với họ. Tôi cũng khiêm tốn đề nghị với bà rằng nếu trong tương lai tôi vô tình phạm phải sai lầm tương tự, bà hãy vui lòng cho tôi biết ngay.

Từ đó về sau, tôi luôn cố gắng nói với giọng điệu bình tĩnh và ôn hòa với bà Ya và những người khác. Tôi quan tâm đến suy nghĩ của họ, thay vì chỉ nghĩ cho bản thân mình.

Bà Ya đọc Pháp rất lưu loát, nhưng đôi khi bà bỏ sót hay thêm vào một từ nào đó. Khi tôi chỉ ra những lỗi sai của bà, bà cảm thấy không vui hoặc trở nên căng thẳng, và thậm chí còn tuyên bố bà không thể tiếp tục học với tôi nữa vì tôi cứ hay để ý đến bà trong khi những người khác đọc sai thì tôi lại không chỉ ra.

Tôi biết rằng đó là chấp trước sợ mất thể diện và không muốn bị chỉ trích của bà, do vậy tôi cần cố gắng tu Nhẫn hơn nữa.

Cả bà Ya và tôi đều lưu sách Đại Pháp được xuất bản trước ngày 20 tháng 7 năm 1999. Khi một số từ trong cuốn sách cần phải sửa lại, bà Ya và tôi đã cùng sửa lại trong nhiều giờ liền cho đến khi bà Ya phải dừng lại vì mệt mỏi và đau lưng. Bà không vui và nói rằng hôm sau bà sẽ không đến được.

Tôi nhận ra tôi đã không cân nhắc đến tuổi tác của bà, cũng không cân nhắc đến năng lực chịu đựng của bà, tôi chỉ để ý đến khả năng của bản thân mình khi sắp xếp công việc của chúng tôi. Vì vậy, trong các buổi làm chung sau đó, tôi đã để bà có thể tự làm theo khả năng của mình. Sau đó, bà Ya cũng đã nhận thức được rằng công việc sửa từ này cũng là một quá trình tu luyện.

Đôi khi bà Ya phàn nàn với tôi về các con của bà, bà đổ lỗi cho họ về chuyện này chuyện kia với tâm oán giận và trách móc, có lúc bà còn khóc lóc kể lể với tôi. Tôi nhận ra đó là những biểu hiện của chấp trước vào tình của bà. Tôi cũng ý thức được rằng ở đây có vấn đề tu luyện của chính tôi, tôi không được phép để các cảm xúc của bà dẫn động, tôi không được tự biến mình thành người thường. Tôi cũng cần vượt qua chấp trước này để nó không ảnh hưởng tiêu cực đến tôi khi tôi nghe những câu chuyện của bà.

Tôi biết đó là Sư phụ đang cấp cơ hội cho chúng tôi để khảo nghiệm tâm tính và giúp chúng tôi nâng cao tầng thứ. Tôi nhìn nhận rằng bà Ya và tôi là một chỉnh thể, vấn đề của bà cũng là vấn đề của tôi.

Vì vậy, tôi đã nói: “Không phải tất cả những điều này là để giúp bà đề cao tâm tính hay sao? Không phải Sư phụ yêu cầu chúng ta đối xử tốt với tất cả mọi người hay sao, gồm cả con của chúng ta? Là người tu luyện, chúng ta phải dùng các tiêu chuẩn của Pháp mà yêu cầu chính mình, chứ không phải dùng các tiêu chuẩn của Pháp để yêu cầu người thường.”

“Hiện tại toàn thể nhân loại đều đang bại hoại, nếu chúng ta không đắc Đại Pháp, chẳng phải chúng ta cũng giống như người thường sao? Vì vậy, cho dù ngôn hành của họ biểu hiện xuất ra như thế nào, chúng ta cũng vẫn phải thấu hiểu, bao dung, và đối đãi từ bi với họ.”

“Chúng ta phải Nhẫn và Thiện để hoá giải các mâu thuẫn phát sinh. Khi xuất hiện mâu thuẫn, chúng ta phải hướng nội tìm để xem chúng ta chưa tu luyện tốt ở đâu. Nếu chúng ta phát hiện ra những chấp trước như tư tâm, tâm oán hận, tâm cầu danh, thì chúng ta cần phải tu bỏ chúng đi.”

Đôi khi bà Ya nói với tôi: “Tôi chưa đạt được cảnh giới cao như cô.” Tôi đã cố gắng không bị động tâm bởi những lời nói của bà.

Có lần bà Ya kể với tôi về mâu thuẫn giữa bà và con gái bà, và những xung đột của con gái bà ở nhà cô ấy, tôi đã giúp bà phân tích hai tình huống.

Tôi nói: “Bà đã chưa đặt mình vào vị trí của con gái mà nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của cô ấy. Bà cũng chưa hướng nội tìm. Bà đã suy nghĩ như một người mẹ mà không phải là một người tu luyện.”

Tôi đã khuyên bà Ya đến gặp con gái, quên đi vai trò làm mẹ của mình, và chân thành xin lỗi con gái như một việc mà người tu luyện nên làm.

“Đối với con gái, bà hãy khuyên cô ấy nên chăm sóc và đối xử với chồng mình ân cần và dịu dàng hơn.”

Bà Ya nhận xét: “Tại sao trước đây tôi không nhìn nhận mọi thứ theo cách này nhỉ? Cô nói đúng rồi.”

Sau đó, bà đã xin lỗi con gái mình, hành động này đã hóa giải mâu thuẫn giữa họ và đồng thời giúp bà đề cao tâm tính của mình.

Đôi khi tôi nói với bà Ya rằng: “Trong xã hội người thường, bà và con gái bà là người thân. Trong tu luyện, bà và tôi là người một nhà. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.”

“Những gì tôi chia sẻ với bà có thể không chính xác và có thể chúng ta có thể ngộ khác nhau. Nhưng chúng ta chỉ cần ghi nhớ những gì Sư phụ yêu cầu chúng ta. Chúng ta phải dĩ Pháp vi Sư. Nếu chúng ta tu luyện tốt, hàng xóm của chúng ta sẽ được hưởng lợi và chúng ta có thể cứu được họ.”

“Nếu chúng ta luôn giữ Sư phụ và Đại Pháp ở trong tâm mọi lúc mọi nơi, thì chúng ta không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì, cho dù chúng ta nhiều tuổi đến đâu…”

Mỗi lần sau khi nói chuyện với bà Ya, tôi đều đối chiếu xem những gì mình nói có phù hợp với tiêu chuẩn của người tu luyện không, ngôn từ và quan niệm của mình có phù hợp với Pháp không. Hay là tôi đang chứng thực bản thân, tin rằng mình siêu việt hơn người khác và tự cho rằng tôi có khả năng suy xét mọi việc rõ ràng hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn?

Nếu tôi phát hiện ra tôi đang chệch khỏi Pháp, dù chỉ một chút, tôi sẽ nhanh chóng quy chính lại ngay, và sử dụng cơ hội này để tu luyện và đề cao bản thân, chứ không xem đó là việc giúp giải quyết các mâu thuẫn gia đình của người thường.

Tôi nhận ra rằng, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta phải làm tốt ba việc. Nhưng làm việc gì hay làm hạng mục nào đều không thay thế được cho tu luyện. Chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta là người tu luyện trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ sự việc gì.

Chúng ta phải tu luyện bằng cả trái tim và bằng bản tính thuần khiết của mình. Những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta thấy – không có gì là ngẫu nhiên. Chúng đều là những cơ hội giúp chúng ta đề cao tâm tính.

Trong khi chúng ta đang tu luyện chính mình, chúng ta cũng cần quan sát các đồng tu, nhận biết trạng thái tu luyện của họ để chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau trên con đường tu luyện của mỗi người, sẵn lòng giúp đỡ đồng tu khi cần thiết để tất cả chúng ta cùng nhau tinh tấn và đề cao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/26/324812.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/2/157657.html

Đăng ngày 25-8-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share