Vũ Tường biên tập

(Tiếp theo Phần 1)

[MINH HUỆ 18-4-2016] Nhân quả báo ứng là chân lý bất biến trong vũ trụ, vô luận con người tin hay không tin thì đều phải chịu nhận sự chế ước này. Có người khi nghe nói đến nhân quả báo ứng liền lập tức tin tưởng, từ đó tự giác tuân thủ đạo đức. Nhưng cũng có người không tin và cũng không muốn nghe, cho rằng người khác không nhìn thấy những việc mình làm, không có ước thúc của tâm linh, tùy tiện gây ra nhiều tội nghiệp, vì làm trái với thiên lý và lương tri nên phải gặp ác báo. Nhiều thí dụ cụ thể đã được ghi chép lại trong các cuốn cổ thư để cảnh báo hậu nhân, dưới đây là một số câu chuyện.

Nhân quả là công chính

Hướng Tử Trường là quan Tư lý (một chức quan chuyên xử lý các vụ kiện) ở Viên Châu vào triều Tống. Một lần nọ, sau khi Hướng Tử Trường đến phủ Nam An để làm việc, ông đã trở về cùng với Hoàng mỗ – Huyện lệnh Tân Xương và Trịnh mỗ – Phán quan Biệt Châu. Trịnh mỗ nhân dịp có việc cần phải đến Viên Châu, liền cùng với Tử Trường thỉnh mời Hoàng mỗ cùng đi với họ. Hoàng mỗ lúc đầu không muốn đi, nhưng vì họ một mực thỉnh mời nên cuối cùng ông đã đồng ý, nhưng trong lòng rất miễn cưỡng. Khi đến Viên Châu, Hoàng mỗ muốn nghỉ lại ở bên ngoài thành, nhưng Hướng Tử Trường nhất định đưa ông đến công thự của mình. Vừa đến nơi, Hoàng mỗ bỗng nhiên bị đau bụng quằn quại, đau đến mức rên rỉ suốt cả đêm. Hướng Tử Trường và Trịnh mỗ nói với Hoàng mỗ: “Ông vốn không định đi, chỉ vì hai chúng tôi mà ông đã cùng đi. Ông có chuyện gì thì hãy nói cho chúng tôi biết được không?”

Hoàng mỗ nói ông muốn gặp lại thân mẫu và thê tử của ông. Hướng Tử Trường lập tức biên thư và phái người đưa đến cho gia quyến của Hoàng mỗ. Trong lúc chờ đợi, Hoàng mỗ đã kể cho họ câu chuyện của mình.

Trước đây, tôi nguyên là quan Tư lý ở Viên Châu. Khi đó, Đô úy huyện Nghi Xuân đã phái ba cung thủ đi mua gà và heo ở một thôn trang, nhưng mãi sau 40 ngày mà họ vẫn chưa trở về. Thê tử của ba người đó đã thỉnh cầu Quận thủ (người đứng đầu quận) tìm kiếm tung tích phu quân giúp họ. Đô úy và Quận thủ từng có sự giao hảo. Đô úy đã nói dối Quận thủ rằng ở trên núi có một nhóm đạo tặc, nên ông ta đã phái ba người kia đến đó trinh sát, có lẽ hiện giờ họ đã chết trong tay của nhóm đạo tặc, ông ta hy vọng có thể đi bắt nhóm đạo tặc kia. Quận thủ đã tin lời của Đô úy. Ngay sau đó Đô úy liền dẫn theo một toán quân đi lùng bắt đạo tặc. Họ đã tìm kiếm khắp vùng núi trong suốt hai tháng, nhưng không có kết quả gì.

Trong lúc đang tuyệt vọng, Đô úy nhìn thấy bốn nông dân đang cày ruộng trên cánh đồng, bộ dạng của họ trông rất chất phác. Đô úy liền kêu thuộc hạ mang hai vạn quan tiền ra và nói với họ: “Có ba cung thủ đã bị chết trong tay đạo tặc. Đô úy đi lùng bắt đã lâu mà chưa tìm thấy phạm nhân. Nếu bốn người các ngươi tạm giả trang làm đạo tặc để ứng phó, đến ngày kết án, nói là bị xử trảm, nhưng thực tế là chỉ bị đánh bất quá 10 roi rồi sẽ được phóng thích. Các ngươi bần cùng thế này, bây giờ mỗi người có năm ngàn quan tiền mang về cho gia tiểu, không phải là rất tốt hay sao? Khi đến nha môn, nếu hỏi các ngươi có phải đã sát nhân không, thì hãy trả lời là đã sát nhân. Sau đó các ngươi sẽ phải ngồi trong nhà lao, dự tính là không lâu lắm, rồi sẽ phóng thích cho các ngươi được hồi gia.”

Bốn người nông dân đã đồng ý. Thế là họ bị trói lại và bị đưa đến nha môn huyện. Khi đó chức vụ Huyện lệnh đang bị khuyết, nên quan Tư hộ đã chịu trách nhiệm thẩm vấn các phạm nhân. Sau khi bốn người nông dân nhận tội, họ liền bị đưa đến phủ Viên Châu để xét xử. Khi đó chính tôi là người phụ trách việc xét xử. Căn cứ vào báo cáo tình tiết vụ án, tôi đã phán quyết họ phải bị xử trảm. Tuy nhiên, khi tôi quan sát bốn người kia, tôi thấy họ không có vẻ gì hung ác. Nhân tiện có việc tới nhà ngục, tôi đã đến hỏi thăm hỏi họ thật tình, họ đều nói không bị oan uổng, tôi liền nói với họ: “Nếu như các ngươi thực sự phạm tội này, tương lai các ngươi sẽ bị xử trảm đấy!” Lời hăm dọa đó khiến họ khiếp sợ đến mức khóc lóc nỉ non, họ nói: “Chúng tôi tưởng rằng chúng tôi vẫn có thể sống sót trở về, sau khi về sẽ có tiền để sinh sống, không ngờ chúng tôi phải chết!” Thế là họ liền kể lại cho tôi nghe toàn bộ đầu đuôi câu chuyện thực sự.

Nghe xong tôi đã vô cùng thất kinh, tôi liền cởi trói cho họ. Sau khi Đô úy phát giác ra việc này, ông ta đã nói với Quận thủ rằng tôi đã nhận hối lộ của các tù nhân nên mới dẫn tới việc phản cung. Ngày hôm sau, khi tôi đến phủ để báo cáo, Quận thủ đã tức giận và trách mắng tôi: “Chính ngươi đã quyết định bản án xong rồi. Tại sao lại còn nhận hối lộ mà thay đổi ngông cuồng như vậy?” Tôi trả lời: “Đã biết họ bị oan khuất, tôi đâu dám không biện bạch cho họ? Đâu có việc nhận hối lộ nào đâu?” Quận thủ muốn giữ nguyên phán quyết, còn tôi căn cứ vào đạo nghĩa mà cố gắng tranh biện, suốt hơn mười ngày mà vẫn chưa minh oan được cho họ.

Gần đến ngày thi hành án, Quận thủ nói: “Nếu như quan Tư lý họ Hoàng không chịu ký tên đồng ý xử trảm, chắc chắn ta sẽ bị báo cáo lên Triều đình.” Do vậy ông ta đã nhờ đồng sự nói với tôi: “Phạm nhân nhất định sẽ phải chết. Ông có cố chấp cũng vô dụng. Hôm nay ông cứ miễn cưỡng ký tên vào hồ sơ vụ án. Mọi người đều biết việc này là do Quận thủ quyết định. Ông có tội gì đâu?” Tôi cảm thấy sức mình yếu ớt, không địch lại được số đông, đành phải miễn cưỡng ký tên vào đó.

Hai ngày sau khi bốn người vô tội bị xử tử, bốn quan viên liên quan tới vụ án đột nhiên tử vong. Sau đó vài ngày, người thay mặt cho Huyện lệnh xử lý vụ án cũng tử vong. Đô úy bị điều đi nơi khác nhậm chức, bị sét đánh chết. Rồi đến Quận thủ bị trúng gió, không dậy được nữa. Từ đầu đến cuối, những sự việc này xảy ra cách nhau có vài tháng.

Một đêm nọ, tôi mơ thấy bốn người chết oan kia đến gặp tôi. Họ nói: “Chúng tôi đã bị chết oan. Thượng thiên đã ra chiếu lệnh bắt ông. Chúng tôi đã thỉnh cầu không truy cứu ông nữa vì ông đã cố gắng giúp chúng tôi. Hiện tại bảy người đã chết rồi, cũng đủ để bồi thường cho sinh mệnh của chúng tôi rồi. Tuy nhiên, Thượng đế đã nói rằng nếu như ông không ký tên vào đó thì chúng tôi đã không bị chết, hơn nữa lúc đầu chính ông đã tuyên án xử trảm chúng tôi. Chúng tôi đã khóc lóc bái lạy lên Thiên đình ở 49 tầng trời, Thượng đế mới đồng ý cho ông sống thêm ba năm.”

Hoàng mỗ nói với Hướng Tử Trường và Trịnh mỗ rằng ba năm đã trôi qua, vừa mới đây thôi, ngay khi vừa tiến vào cửa, ông đã nhìn thấy bốn người kia đợi sẵn ở đây rồi. Đó là lý do vì sao ông không muốn đến đây.

Hướng Tử Trường và Trịnh mỗ liền lễ bái cầu khấn: “Hoàng quân sắp chết rồi, tình thế không thể thoát được nữa, chỉ hy vọng ông ấy có thể giảm bớt đau đớn, có thể gặp lại mẫu thân và thê tử để nói lời ly biệt.” Quả nhiên Hoàng mỗ cảm thấy bệnh tật đau đớn giảm nhẹ đi. Vài ngày sau, nghe tin mẫu thân và thê tử đã tới, ông liền đi ra ngoài nghênh đón, sau đó ông chết ngay lập tức.

Xem tiếp Phần 3


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/18/326694.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/29/156469.html

Đăng ngày 3-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share