Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Trùng Khánh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-3-2016] Bác sỹ Ngũ Quần, 58 tuổi, người Trùng Khánh, đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì tội đàn áp học viên Pháp Luân Công. Bác sỹ Ngũ cáo buộc Giang đã cầm tù phi pháp, tra tấn, và tước quyền tự do tín ngưỡng của ông mà hiến pháp đã quy định.

Trong đơn kiện được gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 12 tháng 6 năm 2015, bác sỹ Ngũ thuật lại chi tiết về việc ông bị tra tấn trong bốn năm tù giam và ba năm lao động cưỡng bức chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Khi ông Ngũ bị bức hại, vợ ông không chịu nổi áp lực tinh thần to lớn nên đã ly dị ông. Tại thời điểm viết bài, bác sỹ Ngũ đang phải bỏ nhà để tránh bị bắt trở lại. Từ khi được tại ngoại để điều trị y tế vào tháng 1 năm 2013 đến nay, ông vẫn phải sống lưu lạc để tránh bàn tay của chính quyền.

Bác sỹ Ngũ thuật lại việc bị cầm tù và tra tấn chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Tôi là một bác sỹ làm việc tại bệnh xá của Công ty Sản xuất Gốm sứ Thành phố Trùng Khánh. Sau khi bị mất việc, tôi mở một tiệm thuốc riêng vào năm 1997.

Mặc dù là một bác sỹ, nhưng tôi từng mắc nhiều chứng bệnh khác nhau như viêm mũi, viêm dạ dày, và viêm khớp. Mọi bệnh tật đó đều biến mất ngay sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Tôi nghiêm khắc chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong quan hệ tương tác giữa tôi với bệnh nhân, đồng nghiệp, gia đình, và bè bạn. Tôi đã được tận hưởng khoảng thời gian mà mọi thứ quanh tôi đều tốt đẹp.

Tuy nhiên, mọi thứ đều thay đổi khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Tôi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công; tôi hy vọng rằng nếu tôi nói với chính phủ về những trải nghiệm của bản thân và về những thụ ích từ môn tập, thì chính phủ sẽ biết rằng Pháp Luân Công là vô tội.

Nhưng ngay sau khi trở về nhà, tôi đã bị bắt và tống vào Trại tạm giam Cú Đông ở khu Ba Nam tới 31 ngày.

Tháng 8 năm 2000, cảnh sát của Đồn Cảnh sát phường Lý Gia Đà ở khu Ba Nam đột nhập vào căn hộ của tôi. Tôi yêu cầu họ xuất trình lệnh khám nhà, nhưng họ không hề có. Rốt cuộc họ vẫn bắt tôi và đưa tôi vào trại tạm giam Cú Đông. Sau đó tôi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Tây Sơn Bình và bị giam cầm ở đó một năm.

Khi ở trong trại lao động cưỡng bức, tôi bị tra tấn tàn bạo vì kiên định với đức tin vào Pháp Luân Công. Có lần, khi tôi cố gắng ngăn lính canh tra tấn một học viên khác cùng bị giam giữ trong trại, cảnh sát Diệp Hoa đã đánh tôi đến gãy xương sườn.

Thời gian bị giam trong trại này, tôi bị gãy xương sườn đến bốn, năm lần; Phải đến nửa năm trời, tôi không thể ngủ yên được vì bị tràn khí màng phổi.

Đến cuối tháng 11 năm 2001, tôi bị tra tấn đến độ bị tàn tật và được tại ngoại để điều trị y tế. Song bức hại vẫn tiếp diễn.

Tháng 5 năm 2002, cảnh sát Đường Quốc Chí của phường Trần Gia Loan đã đến tiệm thuốc của tôi và thấy tôi đang đọc sách của Pháp Luân Công. Ông ta gọi cảnh sát tiếp viện và sau đó đưa tôi đến đồt cảnh sát phường Lý Gia Đà. Sau đó, tôi lại bị chuyển đến trại tạm giam Cú Đông và một lần nữa vào Trại Lao động Cưỡng bức Tây Sơn Bình mất một năm.

Lần thứ ba tôi bị giam ở trại lao động cưỡng bức là vào tháng 10 năm 2004. Khi tôi đang phân phát tài liệu phơi bày cuộc bức hại thì cảnh sát Vương của Đồn cảnh sát Lý Gia Đà đã bắt giữ tôi. Họ tống tôi vào Trại Lao động Cưỡng bức Tây Sơn Bình trong hai năm.

Tháng 12 năm 2007,một năm sau khi được trả tự do, tôi lại bị Đồn cảnh sát phường Thổ Kiều bắt và giam tại trại tạm giam Cú Đông đến 31 ngày. Đó là khi tôi phát tài liệu cho một phụ nữ cao niên và bị con gái bà báo cảnh sát.

Tháng 6 năm 2010, tôi đến trường học Long Nhân thuộc khu Du Trung để tặng bạn học của tôi là Dương Lục Hán một đĩa DVD chân tướng cuộc bức hại. Tuy nhiên, một giáo viên đã báo tôi với chính quyền. Cảnh sát Vương Vân của Đồn cảnh sát phường Lưỡng Lộ Khẩu thuộc khu Du Trung đã bắt giữ tôi vào giam tôi trong trại tạm giam Lý Tử Bá.

Sau một năm bị giam giữ, Tòa án khu Du Trung kết án tôi bốn năm tù giam và giam tôi vào Nhà tù Vĩnh Xuyên. Ở đó, tôi lại bị tra tấn đến thập tử nhất sinh. Đến tháng 1 năm 2013, tôi mới được thả ra để điều trị y tế.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “ Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.

Bài viết liên quan

Bác sỹ Ngũ Quần bị ngược đãi nghiêm trọng trong Nhà tù Vĩnh Xuyên và gia đình không được phép vào thăm


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/3/27/325839.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/6/156183.html

Đăng ngày 26-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share