Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-3-2016] Một học viên Pháp Luân Công ở khu Lật Thủy, Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bị xét xử chỉ vì tín ngưỡng tinh thần của bà vào ngày 16 tháng 3 năm 2016. Luật sư của bà thay mặt bà bào chữa vô tội.

Trước đây, các học viên ở khu Lật Thủy từng bị truy tố vì tu luyện Pháp Luân Công hoặc là không có đại diện pháp lý hoặc là luật sư của họ dưới sức ép từ phía chính quyền mà nộp đơn nhận tội. Vụ xét xử bà Tiếu Ngọc Trân là trường hợp đầu tiên trong khu vực mà luật sư bào chữa vô tội.

Khi nhiều người hiểu bản chất ôn hòa và lương thiện của Pháp Luân Công, họ đã lên tiếng phản đối chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại môn tu luyện. Luật sư của bà Tiếu là một trong số những người tin chắc rằng thân chủ của mình hoàn toàn vô tội.

Luật sư: Cuộc bức hại thiếu cơ sở pháp lý

Bà Tiếu bị bắt giữ vào tháng 9 năm 2015 sau khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về tội phát động bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Trong đơn kiện, bà Tiếu thuật lại khoảng thời gian hai năm ở trại lao động cưỡng bức và liên tục bị đưa đến các trung tâm tẩy não chỉ vì bà cự tuyệt từ bỏ tín ngưỡng của mình. Bà cũng cảm tạ Pháp Luân Công đã giúp bà cải thiện đáng kể cả về tâm tính lẫn sức khỏe.

Bản cáo trạng này đã khiến bà Tiếu bị đưa ra xét xử vào tháng 3, công tố viên cáo buộc bà “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ thường được sử dụng để vu khống các học viên Pháp Luân Công.

Luật sư của bà Tiếu bác bỏ cáo buộc, nói rằng không hề có bất kỳ một điều luật nào quy định rằng Pháp Luân Công là phạm pháp, và rằng cuộc bức hại do Giang Trạch Dân phát động đã là phi pháp ngay từ đầu. Luật sư nhấn mạnh rằng thân chủ của ông chỉ đơn thuần là thực hiện quyền hiến pháp của mình để yêu cầu Giang phải chịu tội trước pháp luật.

Tòa đã không tuyên án sau phiên xét xử.

Bà Tiếu hiện đang bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Bạch Mã ở khu Lật Thủy, sau hơn một tháng bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Nam Kinh.

Học viên địa phương bị sách nhiễu trước phiên xét xử

Kể từ tháng 5 năm 2015, hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc từng bị tra tấn, cầm tù hoặc tống tiền trong cuộc bức hại đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Sau khi đệ đơn kiện Giang, cảnh sát đã bắt giữ hoặc sách nhiễu nhiều người trong số họ.

Trước phiên xét xử bà Tiếu, cảnh sát đe dọa rằng sẽ bắt giữ hoặc gây sức ép khiến các học viên Pháp Luân Công ở khu Lật Thủy bị đuổi việc nếu họ tham dự phiên tòa.

Vào ngày xét xử, cảnh sát và nhân viên của Phòng 610 địa phương và Ủy ban Chính trị và Pháp luật canh chừng trước phòng xử án và ngăn cản học viên Pháp Luân Công địa phương tham dự phiên tòa.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610,” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài.

Bài viết liên quan:

Gần 700 học viên Pháp Luân Công ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô khởi kiện Giang Trạch Dân kể từ tháng 5

Các học viên ở thành phố Nam Kinh bị bắt giữ vì kiện cựu độc tài Trung Quốc


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/3/23/325690.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/31/156102.html

Đăng ngày 25-4-2016; Bản dịch có thể hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share