Bài viết của Tống Thanh Truyền

Tiếp theo Phần 1

[MINH HUỆ 1-1-2016] Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 AD) là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống (960-1279 AD). Trong lịch sử, ông là một vị Hoàng đế tử tế, cao thượng và luôn giữ lời. Những câu chuyện sau đây về Tống Thái Tổ được trích ra từ “Tống sử” và từ các ghi chép từ thời nhà Tống, cho chúng ta thấy được toàn diện hơn về uy tín và nhân cách của ông.

Sống đạm bạc giúp con người biết quý trọng phúc phận hơn

Tống Thái Tổ đã sống một cuộc đời thanh đạm và luôn tránh xa những thú vui nhục dục. Tâm trí của ông rất thuần tịnh và đó là tấm gương cho các công thần của ông. Các thế hệ sau này ca ngợi ông vì đã đảo ngược lại các giá trị đạo đức và văn hóa vốn đang trên đà trượt dốc vào thời điểm ông lên ngôi Hoàng đế.

Tống Thái Tổ ra lệnh rằng các tấm mành bằng lau sậy trong hoàng cung đều phải bọc lại bằng vải bố để chúng được bền hơn. Khi Thái Tổ thấy trưởng công chúa Ngụy Quốc mặc váy ngắn có trang trí lông chim thủy phí (chim bói cá), ông đã khuyên răn cô không được làm như thế nữa.

Ông nói: “Con sinh trưởng trong một gia đình phú quý, nên con cần phải hiểu biết và quý trọng phúc phận. Sống đạm bạc giúp con người biết quý trọng phúc phận hơn.”

Mạnh Sưởng là Hoàng đế cuối cùng của nước Hậu Thục, trị vì vùng đất mà ngày nay là tỉnh Tứ Xuyên từ 934 – 964 AD. Ông ta đã đầu hàng nhà Tống khi quân đội Hậu Thục bị nhà Tống đánh bại. Khi Tống Thái Tổ thấy cái bô của Mạnh Sưởng có gắn 7 viên kim cương quý hiếm, ông đã nghiền nát nó.

Ông nói với Mạnh Sưởng: “Ngươi dùng bảy viên kim cương để trang trí cho một cái bô? Vậy thì ngươi sẽ trang trí cho cái bát ăn cơm thế nào đây? Hành vi của ngươi như vậy, không mất nước thì còn như thế nào nữa?”

(Theo “Tống sử: Thái Tổ bản ký”)

Kẻ sát nhân hung bạo vẫn bị trừng phạt dù có lệnh ân xá

Tống Thái Tổ nổi tiếng về sự rộng lượng khoan hồng của ông. Tuy nhiên sự rộng lượng đó đã không ngăn cản ông duy trì việc thực thi công lý xã hội.

Tại Thiểm châu (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), do tư thù cá nhân, Nghĩa Siêu đã giết chết 12 người trong nhà Thường Cổ Chân. Người duy nhất may mắn trốn thoát được là Thường Lưu Lưu, con trai út của Thường Cổ Chân. Việc sát hại này xảy ra vào thời Hậu Chu, trước khi Tống Thái Tổ lên ngôi, khi đó Nghĩa Siêu vẫn tự do và không bị bắt.

Khi Tống Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế, ông đã ban hành lệnh ân xá cho các phạm nhân. Sau một vài năm, Thường Lưu Lưu bắt được Nghĩa Siêu và đưa hắn ta tới quan phủ xử lý. Quan viên ở Thiểm châu tấu lên Hoàng thượng: “Dựa theo lệnh ân xá ban hành trong những năm đầu của triều Tống, Nghĩa Siêu nên được tha tội.”

Thái Tổ nói: “Làm sao mà một người giết chết 12 người trong một gia đình lại được tha tội bởi lệnh ân xá?” Ông liền hạ lệnh xử tử Nghĩa Siêu vì tội sát nhân.

(Theo “Tống sử: “Hình pháp chí”)

Coi trọng lịch sử

Trước khi lên ngôi, Tống Thái Tổ đã từng là một võ tướng và ông rất tinh thông võ thuật. Ông vô cùng gan dạ dũng cảm. Tuy nhiên có một điều mà ông sợ, đó là những ghi chép của quan chép sử, ghi chép lại toàn bộ những hoạt động hàng ngày ở trong Hoàng cung.

Tống Thái Tổ rất tôn trọng lịch sử, ông minh bạch rằng vô luận là việc thiện hay việc ác thì đều sẽ được quan chép sử ghi lại vào sử sách, để cho người đời sau đánh giá. Biết sai liền hối cải là ưu điểm lớn nhất của ông.

Một ngày nọ, khi Tống Thái Tổ đang bắn chim ở khu vườn phía sau Hoàng cung thì có một quân thần xin được cầu kiến vì có việc khẩn cấp. Thái Tổ gấp rút triệu kiến ông ta nhưng thấy rằng tấu thư của ông ta chỉ là một việc nhỏ rất đỗi bình thường. Thái Tổ tức giận, trách mắng ông ta vì đã nói đó là việc khẩn cấp.

Quân thần nói: “Thưa Bệ hạ, hạ thần cho rằng việc này khẩn cấp hơn việc bắn chim.”

Thái Tổ càng tức giận hơn, liền dùng cán rìu đánh vào mặt ông ta, làm rơi ra hai chiếc răng cửa. Quân thần từ từ cúi xuống nhặt hai chiếc răng của ông ta và cho vào túi áo.

Thái Tổ phẫn nộ hỏi ông ta: “Nhà ngươi cất răng vào trong túi, muốn tố cáo ta hay sao?”

Quân thần trả lời: “Thần không có tư cách tố cáo Bệ hạ, tuy nhiên sự việc ngày hôm nay là có sử quan ghi chép lại.”

Thái Tổ sợ hãi, đồng thời cũng thấy cao hứng, ông biết rằng người bề tôi này là một trung thần. Ông liền ban thưởng cho người đó vàng và tơ lụa để khen thưởng.

(Theo “Thúc thủy ký văn” của Tư Mã Quang)

Ba thệ ước bí mật của Thái Tổ

Sau khi lập quốc, Tống Thái Tổ cho khắc ba thệ ước lên đá để lưu cấp cho con cháu. Bia đá khắc lời thệ ước được đặt trong mật thất trong Hoàng cung. Thệ ước này cực kỳ cơ mật, ngoài những người đặc biệt trong cung thì người ngoài, thậm chí ngay cả Tể tướng cũng không được biết. Mỗi vị Hoàng đế của Tống triều khi lên ngôi đều được dẫn vào mật thất, quỳ xuống và đọc ba lời thệ ước.

Mãi cho đến khi nhà Kim đánh bại nhà Tống rồi chiếm lĩnh Hoàng cung thì mới phát hiện ra bia đá khắc ba lời thệ ước này.

1. Nếu con cháu của Sài Thị (Hoàng tộc của nước Hậu Chu) có tội, họ sẽ không bị nhục hình, dù họ có phạm tội mưu phản, chỉ được ban chết cho họ ở trong ngục, không được hành quyết họ trước công chúng, cũng không được liên đới tới thân quyến của họ. 2. Không được sát hại các sĩ phu và những người dâng thư trình bày quan điểm của họ. 3. Không tăng thuế đối với nông dân.

Qua ba thệ ước này, Tống Thái Tổ đã thiết lập điểm mấu chốt trong chính sách cai trị của triều Tống. Con cháu của Sài Thị đã cùng tồn tại với nhà Tống và ủng hộ nhà Tống trong mọi khó khăn, chứng thực được sự khoan hồng độ lượng, sự ảnh hưởng và tầm nhìn xa của Tống Thái Tổ. Tuân thủ thệ ước này, các Hoàng đế của nhà Tống cũng chưa từng tùy tiện sát hại các đại thần.

Thệ ước thứ hai “không được sát hại các sĩ phu” là cực kỳ trọng yếu. Thệ ước này đã trở thành một sự bảo đảm của chế độ; khiến cho vương triều nhà Tống do Tống Thái Tổ, vốn xuất thân là một võ tướng khai sáng, trở thành một hình mẫu hoàn hảo về một thời kỳ “thịnh trị” trong lịch sử.

Đại văn hào Tô Thức đã từng dùng thi văn để châm chọc triều đình nhà Tống, thậm chí còn nói bóng gió tới cả Hoàng đế. Nếu việc này xảy ra ở trong các triều đại khác, ông ta không bị tru di cửu tộc thì cũng phải bị chết nhiều lần. Tuy vậy, dưới triều nhà Tống “không sát hại các sĩ phu”, ông ta chỉ bị giáng chức mà thôi, sau này ông ta lại còn được tái nhậm chức.

So với những Hoàng đế khai quốc của nhà Tây Hán (Lưu Bang), Đông Hán (Lưu Tú), nhà Đường (Lý Thế Dân), nhà Minh (Chu Nguyên Chương), xung quanh họ có vô số văn thần mãnh tướng; thì bên cạnh Tống Thái Tổ chỉ có Triệu Phổ. Hầu như là Tống Thái Tổ đã tự mình kết thúc bảy thập kỷ chiến loạn trên khắp Trung Quốc, đặt định ra 300 năm cơ nghiệp của đại Tống. Ông đã bắt đầu bằng niên hiệu Kiến Long từ năm 960 – 963 AD, là một giai đoạn đáng lưu truyền lại cho hậu thế.

Tư Mã Trì đã từng nói với con trai là Tư Mã Quang (một sử gia nổi tiếng bởi tác phẩm “Tư trị thông giám”), “Sở dĩ quốc gia có thể thống nhất bốn bể, phúc lành lâu dài, nội ngoại không còn hoạn nạn, đều là do sự ngay thẳng và nhân nghĩa của Thái Tổ mà có.”

Danh thần của Bắc Tống là Phạm Trọng Yêm và đại nho Trình Di đều ca ngợi đức hạnh của Tống Thái Tổ vì chưa từng tùy tiện sát hại bất cứ một quân thần nào.

Chu Nguyên Chương, Hoàng đế khai quốc của triều Minh vô cùng tôn sùng Tống Thái Tổ, “Duy chỉ có Tống Thái Tổ Hoàng đế là thuận theo ý trời và chiểu theo lòng người, mang đến sự thống nhất và thịnh trị trong suốt 300 năm, công lao và đức hạnh của ông đã mang lại thịnh vượng và thái bình cho muôn đời.”

(Ba thệ ước bí mật được trích từ cuốn “Tống luận” của Vương Phu Chi)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/10/17/317610.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/1/154470.html

Đăng ngày 14-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share