Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc

[MINH HUỆ 20-9-2015] Bà Lý Ngọc, 71 tuổi, là một giáo viên nghỉ hưu ở Khánh Dương, tỉnh Cam Túc. Bà bị Tòa án quận Tây Phong kết án hai năm tù giam và phán quyết đã được thông báo vào ngày 11 tháng 9 năm 2015. Bà đã đệ đơn kháng án vào ngày hôm sau.

Bà Lý viết trong đơn kháng án của mình như sau: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công, người sống chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, vì tôi mong muốn được trở thành một người tốt. Tôi chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công mà tôi có được một thân thể khỏe mạnh.”

“Chiểu theo hiến pháp của quốc gia chúng ta, mỗi người dân Trung Quốc đều có quyền được thực hành đức tin của mình. Tôi bị kết án dựa trên các bằng chứng giả và đây là kết quả của cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Vì thế, bản án trên nên được xem xét lại”.

Kể từ khi chính quyền cộng sản phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên ở Trung Quốc đã phải đối mặt với bắt bớ, cầm tù và tra tấn khi chính quyền cố gắng buộc họ phải tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Tống tiền, bắt giữ nhiều lần và tra tấn

Sau lần bà Lý bị bắt giữ gần đây nhất tại căn hộ của bà ở Lan Châu vào ngày 15 tháng 9 năm 2015, cảnh sát đã lục soát căn hộ của bà và tống tiền gia đình bà 5.000 nhân dân tệ. Bà đã được thả ra để được điều trị y tế. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát quận Tây Phong đã buộc tội bà vào ngày 27 tháng 10 năm 2014. Tòa án quận Tây Phong đã tổ chức một phiên xét xử vào ngày 2 tháng 3 năm 2015.

Bà Lý trước đây từng bị giam giữ một năm rưỡi trong một trại lao động cưỡng bức vì đã tham gia thỉnh nguyện lên chính phủ cho quyền tu luyện Pháp Luân Công tại Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2000. Tháng 5 năm 2006, bà đã phải lẩn trốn tám năm để tránh bị đàn áp.

Dưới đây là phần tường thuật của bà Lý về những ngược đãi mà bà đã phải chịu đựng trong 16 năm qua.

Một số lần bị bắt và giam giữ trong năm 2000

Ngày 20 tháng 3 năm 2000, tôi đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công. Cảnh sát từ Sở Cảnh sát Tây Phong đã bắt giữ tôi và đưa tôi đến Trại tạm giam Tây Phong. Họ đã lên kế hoạch giam giữ tôi ở đó một tháng, nhưng cuối cùng đã quyết định tống tiền gia đình tôi 2.000 nhân dân tệ. Họ đã thả tôi ra sau 19 ngày.

Lần bắt giữ tiếp theo là khi tôi đến thăm một học viên khác vào tháng 9 năm 2000. Sỹ quan Phó Ngọc Khuê của Sở Cảnh sát Tây Phong đã đi theo tôi đến nhà của người học viên này và bắt giữ cả hai chúng tôi, thu giữ nhiều đồ đạc cá nhân của học viên đó. Chúng tôi đã bị giam giữ một tháng.

Là một học viên tâm huyết, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 2000. Cảnh sát tại Quảng trường Thiên An Môn đã bắt giữ và giam tôi trong một công trường lớn cùng hàng trăm học viên. Chúng tôi không được cung cấp thức ăn, nước uống và phải ngồi trên mặt đất qua đêm.

Tôi bị xếp vào một nhóm nhỏ năm người và bị chuyển đến một nơi bí mật, ở đó cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn tôi cả đêm. Họ muốn biết thông tin cá nhân của tôi, nhưng tôi đã từ chối cung cấp cho họ. Sau đó, họ chuyển tôi đến một trại tạm giam ở Bắc Kinh và bị giam giữ ở đó sáu ngày.

Sau khi được thả ra, tôi đã gặp một học viên ở tỉnh Tứ Xuyên trên tàu hỏa. Chúng tôi quyết định quay trở lại Bắc Kinh và tiếp tục thỉnh nguyện. Ngay khi đến Quảng trường Thiên An Môn, cảnh sát đã đưa chúng tôi đến nơi giam giữ và giam tôi ở đó sáu ngày.

Bị tra tấn trong một trại lao động vào năm 2001

Ngày 10 tháng 1 năm 2001, hai cảnh sát của Đồn Cảnh sát Bắc Nhai đã đến nhà và bắt giữ tôi. Họ đưa tôi đến một trung tâm cai nghiện ma túy. Theo lệnh bắt giữ, tôi phải bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức vì thỉnh nguyện ở Bắc Kinh.

Sau đó, vào ngày 18 tháng 1 năm 2001, tôi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức số 1 tỉnh Cam Túc, còn được gọi là Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài. Sau khi đến nơi, các lính canh đã lệnh cho các tù nhân lột đồ tôi ra để kiểm tra và phân công cho hai tù nhân giám sát tôi 24/24. Tôi không được phép nói chuyện với bất kỳ ai.

Tháng 9 năm 2001, trại lao động cưỡng bức bắt đầu một đợt “chuyển hóa” mới đối với các học viên. Các phương pháp tra tấn khác nhau đã được áp dụng để buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Các phương pháp đó bao gồm cấm ngủ, bắt đứng im trong nhiều giờ và đánh đập bất kỳ ai nhắm mắt.

Chúng tôi phải lao động nặng nhọc cả ngày. Các học viên từ chối “chuyển hóa” sẽ bị treo lên. Một số học viên đã bị tàn tật và không còn có thể tự chăm sóc cho bản thân được nữa.

Đổi chỗ ở liên tục trong hơn tám năm

Ngày 10 tháng 6 năm 2002, tôi được thả ra. Sau khi về đến nhà, cảnh sát từ đồn cảnh sát địa phương liên tục sách nhiễu tôi. Bốn cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Bắc Nhai đã lục soát nhà của tôi vào năm 2003.

Khoảng 10 giờ tối ngày 18 tháng 5 năm 2006, tôi đến thăm học viên Quách. Một cảnh sát đã chặn tôi lại, lấy trộm những đồ đạc cá nhân của tôi và đánh tôi. Tôi trốn thoát được, nhưng ngón tay cái của tôi đã bị thương vĩnh viễn. Ngày hôm sau, cảnh sát đã lục soát nhà tôi và nhà của những người thân của tôi.

Tôi đã phải đổi chỗ ở liên tục trong tám năm. Tuy nhiên, cảnh sát của Sở Cảnh sát Tây Phong vẫn đến nhà tôi. Họ đe dọa người thân và sách nhiễu con gái tôi tại nơi làm việc. Cảnh sát đã tống tiền người thân của tôi 5.000 nhân dân tệ và gọi đó là “tiền đặt cọc”. Cuộc đàn áp đã gây thiệt hại to lớn cho gia đình tôi.

Ngày 15 tháng 9 năm 2014, cảnh sát từ Sở Cảnh sát Lan Châu đã thu giữ máy tính của tôi và của những học viên khác, giá trị tổng cộng gần 30.000 nhân dân tệ.

Hơn 16 năm qua, cảnh sát từ Sở Cảnh sát Tây Phong và Đồn Cảnh sát Bắc Nhai đã tống tiền gia đình tôi 15.200 nhân dân tệ.

Phục hồi sức khỏe sau khi học Pháp Luân Công

Bà Lý Ngọc sinh ngày 15 tháng 9 năm 1944. Bà từng bị đau đầu, mất ngủ, viêm mũi và huyết áp thấp trong hơn 30 năm qua. Sau một cơn đột quỵ, bà mắc chứng run chân tay. Bà đã khỏe mạnh trở lại sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/9/20/316023.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/3/153934.html

Đăng ngày 21-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share