Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 9-11-2015] Một vị thẩm phán ở Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã không cho phép luật sư bào chữa cho các thân chủ sau khi vị luật sư này nhiều lần phản đối việc đưa ra bằng chứng có được thông qua tra tấn.

Mặc dù theo luật pháp Trung Quốc thì thẩm phán không thể ngăn luật sư bào chữa cho thân chủ của họ, nhưng việc này lại khá phổ biến trong các trường hợp liên quan đến các học viên Pháp Luân Công.

Cô Cốc Quy Dân và cô Dương Tú Hoa bị bắt giữ vào tháng 5 vì nói cho mọi người biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và cả hai đều bị các lính canh trong trại tạm giam tra tấn. Cô Cốc đã từng một lần bị còng cả hai tay ra sau lưng trong suốt hai ngày và chân của cô bị xích trong hai tuần. Cô Dương đã bị đánh vì từ chối không chịu mặc đồng phục tù nhân trong trại tạm giam. Gương mặt cô sưng lên, và quai hàm của cô bị trật khớp.

Trong phiên xét xử vào ngày 3 tháng 11, thẩm phán Lưu Thanh Hoa của tòa án quận Phú Lạp Nhĩ Cơ đã phớt lờ yêu cầu của luật sư về việc xem xét lại bằng chứng được đưa ra bởi bên khởi tố và thậm chí còn ra lệnh đuổi một trong các luật sư bào chữa.

Thẩm phán né tránh bằng chứng về tra tấn

Khi bước vào phòng xử án, cô Cốc đã cho những người có mặt thấy những vết sẹo mới rất sâu vẫn còn hằn trên cổ tay của cô do bị còng. Luật sư của cô đã biết về việc cô bị tra tấn, và đã yêu cầu xem xét những thương tích của cô tại tòa.

Thẩm phán đã từ chối đề nghị này. Thẩm phán cũng từ chối yêu cầu của luật sư trong việc đặt câu hỏi với cô Cốc về những thương tích của cô và cách cảnh sát đã thẩm vấn cô.

Thay vào đó thẩm phán yêu cầu các luật sư phải thu thập bằng chứng về việc cảnh sát tra tấn và sau này nộp lên Viện kiểm sát.

Ông Vương Đại Lôi, một trong những luật sư, liên tục yêu cầu thẩm phán bác bỏ bất kỳ bằng chứng nào được thu thập thông qua tra tấn. Mỗi lần như vậy, thẩm phán lại ngăn không cho ông nói.

Luật sư bào chữa bị áp giải ra khỏi phòng xử án

Ông Vương tiếp tục phần bào chữa của mình, ông nói: “Tòa án đang vi phạm Luật Hình sự bằng việc bỏ qua các vấn đề về chứng cứ bất hợp pháp”.

Thẩm phán đã vặn lại: “Ông không được phép nhắc đến Luật Hình sự”.

Ông Vương phản đối: “Điều đó chống lại Hiến pháp”.

Thẩm phán tuyên bố: “Ông không được phép nhắc đến Hiến pháp”.

Ông Vương phản đối, nói rằng ông chỉ đơn giản là đang thực hiện quyền pháp lý của mình trong việc bảo vệ cho thân chủ của ông.

Trong khi trình bày lý lẽ bào chữa của mình, ông nói: “Tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người được bảo đảm bởi Tuyên ngôn nhân quyền”.

Yêu cầu đó đã khiến cho vị thẩm phán này quát vào mặt ông Vương như sau: “Tôi sẽ loại ông ra khỏi phiên tòa này ngay lập tức!“ Sau đó, ông đã ra lệnh cho nhân viên tòa án đến để áp giải ông Vương ra khỏi phòng xử án.

Phiên xét xử vẫn tiếp tục với phần tiếp quản của luật sư Lưu. Cô lập luận rằng không có luật nào quy tội đối với Pháp Luân Công.

Vào cuối phiên tòa cả hai học viên đã tuyên bố khẳng định mình vô tội. Phiên xét xử kết thúc mà không có bản án nào.

Các bài viết có liên quan: Hai học viên ở Tề Tề Cáp Nhĩ bị bắt chỉ vì nói về Pháp Luân Công


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/9/318889.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/24/153795.html

Đăng ngày 07-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share