Bài viết của Lưu Tịnh, một học viên ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-03-2015] Mặc dù đã tham gia vào nhiều hạng mục giảng chân tướng, tôi vẫn chưa minh bạch tu luyện bản thân là như thế nào. Sau nhiều lần vấp ngã, cuối cùng tôi đã học được cách hướng nội trong quá trình phối hợp với đồng tu ở các hạng mục giảng chân tướng.

Tôi và một đồng tu mà tôi gọi là “chị” cùng thiết kế tài liệu. Chúng tôi cần làm một bản thiết kế đồ họa mới cho trang bìa. Một học viên đã giúp chúng tôi thiết kế nó và chúng tôi cần gửi nó cho một học viên khác để in. Tuy nhiên, tôi đã nhờ chị đi thay tôi. Trước khi đi tôi đã nói với chị rằng: “Bản thiết kế mới trông rất đẹp. Chúng ta hãy sử dụng nó cho trang bìa mặt trước và dùng bản đồ họa năm ngoái cho mặt sau.”

Vài ngày sau đó, chị mang về bản in. Hóa ra cả bìa trước và sau đều là các hình ảnh đồ họa từ năm ngoái. Tôi thất vọng nói: “Chúng ta đã làm việc chăm chỉ mà chẳng có kết quả gì.” Chị ấy bỗng nhiên hiểu ra: “Đúng vậy! Thế nào mà đầu óc chị lại trống rỗng khi gặp cô ấy (học viên phụ trách việc in ấn) nhỉ? Tất cả những gì chị có thể nhớ là nói bản đồ họa đã được lưu giữ trong ổ đĩa USB.” Tôi tự trách mình đã không trực tiếp đi. Vì vậy, tôi đã cố gắng an ủi chị bằng cách nói: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Bản đồ họa nào cũng sẽ khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.”

Tôi hướng nội và nghĩ: “Phải chăng mình quá chấp trước vào ý tưởng của bản thân? Mình đã yêu cầu đồng tu giúp làm công việc của mình, nhưng cuối cùng lại phàn nàn về cô ấy.” Tuy nhiên, tôi đã không đào tận gốc chấp trước cũng như loại bỏ chúng. Tôi đơn giản chỉ hướng nội trên hình thức.

Sau khi tài liệu của chúng tôi được sử dụng hết, tôi đã nói chuyện với chị: “Chúng ta không cần phải lãng phí thời gian để thiết kế đồ họa mới mỗi lần. Hãy chọn ra hai bản tốt nhất từ năm ngoái và in chúng ra.” Chị cũng nhanh chóng bắt tay vào làm các việc. Vì vậy, tôi đã gửi lại cho chị bản đồ họa để tiến hành in. Chị đã mang về những bản in trong cùng ngày.

Tuy nhiên, tôi thấy cả hai trang bìa mặt trước và sau đều sử dụng bản đồ họa giống hệt nhau. Ngay lập tức tôi biết rằng mình cần đề cao bản thân. Tôi không nên đổ lỗi cho chị. Tôi đã đột phá các quan niệm người thường bằng việc đối chiếu bản thân với các Pháp lý.

Đêm hôm đó tôi không ngủ. Tôi bắt đầu hướng nội: “Không có gì sai khi cố gắng giúp người dân thức tỉnh, nhưng tại sao hai lần bản in đều bị lỗi? Lần trước mình đã tìm thấy thiếu sót của bản thân. Mình đã yêu cầu người khác làm công việc của bản thân và đáng lẽ nên mua máy in riêng. Mình đã dựa dẫm vào đồng tu quá nhiều.”

Khi nghĩ về các học viên khác, tôi không thể không tìm thấy thiếu sót của chị: “Chị là một người không có trách nhiệm và không cẩn thận. Nếu mình bảo chị làm một việc nào đó, chị sẽ làm ra một việc khác. Một lần hai người hẹn gặp nhau ở một địa điểm, nhưng chị lại đến địa điểm khác. Chị không chú ý khi mình nói với chị điều gì đó.” Những suy nghĩ đổ lỗi cho chị cứ lảng vảng trong đầu tôi.

Sau khi trằn trọc trên giường đến tận nửa đêm, cuối cùng tôi đã nhận ra điều mà mình đang tìm kiếm là gì. Những phàn nàn của tôi về chị là nguyên nhân cản trở chúng tôi làm việc cùng nhau. Nhân tâm của tôi chính là gốc rễ của vấn đề.

Sư phụ đã giảng:

“Chư vị biết chăng? Chừng nào chư vị là một người tu luyện, bất kể là ở hoàn cảnh hoặc bất kể tình huống nào, thì tất cả những việc rắc rối và không vui gặp phải, thậm chí cả công tác vì Đại Pháp nữa, dẫu chư vị nhận thức rằng đó là việc tốt đến mấy, việc thần thánh đến mấy, tôi thảy đều lợi dụng để trừ bỏ tâm chấp trước của chư vị, bộc lộ ma tính của chư vị, và trừ bỏ nó đi. Bởi vì sự đề cao của chư vị mới là chủ yếu bậc nhất.

Thật sự có thể đề cao lên như thế, thì tất cả các việc chư vị làm với tâm thuần tịnh mới là việc tốt nhất, mới là thần thánh nhất.”(Nhận thức tiếp nữa, Tinh tấn yếu chỉ)

Sư phụ đã lợi dụng những sự việc này để dạy tôi cách hướng nội, tu luyện bản thân và đề cao tầng thứ! Ngài đã giảng cho chúng ta cách đối đãi với điều này trong các bài giảng. Nhưng tôi đã không học Pháp cẩn thận và “dĩ Pháp vi Sư”. Sự “đãng trí” của chị đã cho tôi cơ hội hết lần này đến lần khác nhằm phơi bày chấp trước của mình và loại bỏ chúng. Tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Sư phụ đã phải lo lắng để giúp tôi đề cao.

Sư phụ đã giảng:

“Từ nay trở đi chư vị sẽ là như thế, dẫu chư vị đúng hay không đúng, vấn đề [đúng-sai] ấy đối với một người tu luyện mà giảng là hoàn toàn không trọng yếu. Không được cứ tranh luận mãi, không được nhấn mạnh vào là ai đúng ai sai. Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác. Tại Thần mà nhìn một người tu luyện ở thế gian, [thì] đúng và sai của chư vị hoàn toàn không trọng yếu; mà tống khứ tâm chấp trước nhân tâm mới là trọng yếu. Trong tu luyện chư vị buông bỏ tâm chấp trước nhân tâm như thế nào mới là quan trọng.”(Giảng Pháp tại Manhattan 2006)

Lời của Sư phụ đã giải thể một ngọn núi lớn trong tâm tôi. Mặc dù tôi tu luyện khá tinh tấn trong mấy năm vừa qua, nhưng tâm tôi vẫn mệt mỏi và nặng nề. Bây giờ, nó đột nhiên trở nên khoáng đạt và nhẹ nhõm! Cuối cùng tôi đã học được cách hướng nội và tu luyện bản thân mình! Tôi quá hạnh phúc đến nỗi không thể ngủ. Tôi lên giường sau khi phát chính niệm vào lúc nửa đêm và thức dậy vào 3 giờ 50 phút sáng để luyện công. Nhưng tôi không cảm thấy buồn ngủ chút nào. Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi đang ngồi đả tọa.

Khi suy nghĩ phàn nàn về chị đi vào tâm trí tôi một lần nữa lúc đả tọa, tôi ngay lập tức nhận ra rằng đó không phải là suy nghĩ của mình. Đó là can nhiễu của ma. Thay vì ức chế nó, tôi đã kiên định diệt trừ nó. Tôi nói trong tâm mình: “Sư phụ, đồng tu của con rất tốt! Những lời phàn nàn đó không phải là suy nghĩ của con. Con không muốn chúng.”

Sau khi lặp lại điều này ba hoặc bốn lần, tôi nhập định và nhìn thấy một con đường rộng lớn trước mắt mình. Tôi nhanh chóng bước về phía trước và leo thẳng lên những nấc thang rộng như con đường. Tầm nhìn của tôi từ trên đầu của bậc thang như giống như nhìn xuống từ đỉnh của một tòa nhà. Tôi đã nhìn thấy những cánh đồng và người dân đang thu hoạch. Mặc dù họ rất xa và nhỏ nhưng tôi có thể nhìn thấy rõ ràng. Tôi nghĩ: “Thật tốt! Rất nhiều người ở đây! Mình có thể thức tỉnh họ và khuyên họ ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Cảm giác thoải mái mà tôi trải nghiệm trong khi đả tọa thật chính xác với những gì mà Sư phụ miêu tả trong “Chuyển Pháp Luân”. Tôi biết Sư phụ đã khích lệ mình khi tôi hướng nội và đề cao bản thân giống như một người tu luyện chân chính. Con xin cảm tạ Sư phụ!


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/3/20/-306452.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/4/1/149555.html

Đăng ngày 21-06-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share