Bài viết của một học viên từ Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-03-2015] Gần đây tôi rất buồn vì mẹ tôi, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đang bị nghiệp bệnh. Tôi hết sức lo lắng cho bà. Cảm xúc của tôi đã phản ánh chấp trước đối với gia đình cũng như nhận thức chưa đúng đắn của tôi về nghiệp bệnh cũng như việc điều trị tại bệnh viên.

Tôi thậm chí cảm thấy bối rối trong một khoảng thời gian, và tự hỏi: “Liệu một người tu luyện chưa ở cao tầng có thể được chữa lành bởi bác sĩ không? Căn bệnh có trở nên tồi tệ không nếu ông ấy hoặc bà ấy từ chối đi đến bệnh viện vì lòng tự trọng? Điều gì sẽ xảy ra nếu sau đó bà ấy quyết định đi đến bệnh viện? Liệu bà ấy có được chữa lành không?”

Tôi đã có một nhận thức tốt hơn sau khi đọc các bài giảng của Sư phụ về nghiệp bệnh cũng như chia sẻ những khúc mắc của mình với các bạn đồng tu. Tôi nhận ra rằng những suy nghĩ và sự lo lắng của mình là dựa trên quan niệm người thường. Nhìn lại, tôi cảm thấy xấu hổ vì đã suy nghĩ theo cách ấy.

Sư phụ đã giảng:

“Chư vị phát nguyện vĩnh viễn tu, cái ‘vĩnh viễn’ ấy hẳn là cũng không tuyệt đối; không đắc chính quả không viên mãn mà cứ tu mãi ư? Tu là phải có mục tiêu, tu tới tầng thứ cao, là căn cứ theo nguyện bản thân chư vị phát ra, kết hợp với chư vị rốt cuộc có thể tu cao ngần nào, Sư phụ mới an bài cho chư vị, đều rất là khoa học. Chư vị nguyên vốn là một khối thép, [mà lại] an bài cho chư vị thành khối sắt, thế thì không được. Chư vị có thể tu tới quả vị Bồ Tát, [mà lại] an bài cho chư vị quả vị La Hán, thế thì không được. [Tôi] nhìn rất chuẩn, không nhìn sai lệch một chút nào.” (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994], Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải)

Từ lời dạy này, tôi nhận ra rằng mọi việc đều đã được Sư phụ an bài, bắt đầu từ ngày đầu tiên trong sự tu luyện của chúng ta: mỗi khảo nghiệm và khổ nạn, mỗi bước đi trên con đường tu luyện, tầng thứ mà chúng ta có thể đạt tới, và khi nào chúng ta đạt tới nó. Từng chi tiết đều được Sư phụ an bài một cách tỉ mỉ và dưới sự kiểm soát của Ngài. Điều mà tất cả chúng ta cần làm là nghe theo Sư phụ và thực hiện tốt ba việc. Chỉ cần chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi khảo nghiệm, mặc dù đôi khi chúng ta sẽ có những thất bại tạm thời.

Miễn là chúng ta bước đi vững chắc trên con đường tu luyện của mình thì chúng ta không cần phải lo lắng. Nếu chúng ta dũng cảm đi theo Sư phụ và để cho Ngài an bài mọi thứ cho mình, thì liệu điều gì còn có thể khiến chúng ta lo sợ? Không cần phải lo lắng. Khi tôi nghĩ về những lo âu mà tôi có từ trước, tôi thấy quan niệm người thường của mình thật buồn cười.

Có một nhân tố khác khiến tôi có ý nghĩ bất chính về nghiệp bệnh của người tu luyện. Và đó chính là sự ảnh hưởng của khoa học và y học hiện đại, thứ mà khiến chúng ta càng ngày càng vứt bỏ niềm tin vào các vị thần.

Y học hiện đại đối xử với cơ thể người giống như một cái máy, với các bộ phận có thể được sửa chữa. Nhưng nhận thức này là quá nông cạn. Thậm chí y học cổ truyền Trung Quốc cũng cao thâm hơn so với khoa học hiện đại, mặc dù nó cũng là ở trình độ người thường.

Niềm tin mù quáng của tôi đối với khoa học và y học hiện đại đã củng cố qua rất nhiều năm và trở thành một rào cản lớn ngăn tôi khỏi sự nhận thức đúng đắn về nghiệp bệnh.

Tôi nhận ra rằng mình nên dùng chính niệm để phá bỏ rào cản này và từ bỏ những quan niệm người thường của mình để thấy được bản chất của vấn đề từ nhận thức sâu sắc của một người tu luyện.

Trước khi bắt đầu tu luyện, tôi ra sức bảo vệ cuộc sống của mình. Tôi luôn bị hoảng sợ bất cứ khi nào cảm thấy không khỏe và lo lắng rằng liệu mình có bị bệnh nào khác không. Trong suốt 19 năm tu luyện, tôi vẫn chưa hoàn toàn vứt bỏ được chấp trước này. Trong năm qua, tôi thường lo lắng về cái gì đó đang phát triển trong bụng của mình. Tôi biết rằng nó là sai khi có suy nghĩ tiêu cực này, nhưng tôi đã bị mắc kẹt trong trạng thái đó một thời gian dài.

Dần dần tôi đã tăng thêm chính niệm, khi gần đây tôi có nhận thức mới về nghiệp bệnh. Sư phụ giảng:

“Vì chư vị đã là người tu luyện, nên chư vị mới gặp phải [như thế]; vì chư vị đã là người tu luyện, nên những việc đó vô luận là phản ứng chính diện, hay là phản ứng phụ diện, thì đều là ‘hảo sự’. (vỗ tay nhiệt liệt) Là vì chúng là trên con đường tu luyện của chư vị, là chuẩn bị cho chư vị đề cao.” (Giảng pháp tại Pháp hội San Fransico 2014)

Cựu thế lực luôn cố gắng lợi dụng những sơ hở của chúng ta và bức hại chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải phủ nhận sự bức hại bằng chính niệm của mình. Chúng ta nên coi nghiệp bệnh như một cơ hội để đề cao bản thân và chúng ta sẽ làm được điều đó nếu tống khứ những sơ hở của mình

Là đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, chúng ta không nên sợ nghiệp bệnh. Sư phụ đã giảng cho chúng ta: “Người xưa có câu rằng: ‘Triêu văn đạo, tịch khả tử’” (Hòa tan trong Pháp, Tinh tấn yếu chỉ). Chúng ta đã được học về chân lý của vũ trụ và cố gắng đồng hóa với Pháp. Khi chúng ta hòa tan trong Pháp, mọi thứ của chúng ta sẽ được chính lại.

Chúng ta thật may mắn khi được làm đệ tử Đại Pháp. Đối mặt với nghiệp bệnh, nếu chúng ta có thể dùng chính niệm của mình thì không gì có thể ngăn cản chúng ta trên con đường tu luyện.

Đây là những thể ngộ của tôi về nghiệp bệnh. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/3/4/-305846.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/3/21/149419.html

Đăng ngày 29-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share