Bài viết của Phóng viên Minh Huệ Trần Tâm Ninh, Mục Văn Thanh và Hoa Thanh
[MINH HUỆ 17-11-2014] Ấn tượng trước cuộc kháng nghị ôn hòa của Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công), cảnh sát đã ủng hộ và bảo vệ nhóm học viên Pháp Luân Công trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo G20 tổ chức tại Brisbane, Úc.
Cảnh sát đã hiểu được bản chất thiện lương của các học viên khi nói chuyện với họ và đọc các tấm áp phích. Cảnh sát đã đề nghị treo một tấm băng rôn của Pháp Luân Đại Pháp tại văn phòng của họ sau khi hoạt động này kết thúc.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 2014 được tổ chức vào hai ngày 15 và 16 tháng 11 tại Brisbane, bang Queensland. Theo Bà Rose Barnett, Phó Chủ tịch Hội đồng bang Queensland, 6.000 cảnh sát từ các bang khác của Úc và New Zealand đã được điều động tới phục vụ “công tác an ninh lớn nhất thời bình trong lịch sử nước Úc”.
Học viên Pháp Luân Đại Pháp diễu hành trong Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo G20 tại Brisbane, Úc
Cảnh sát đọc thông tin về Pháp Luân Đại Pháp
Cảnh sát: “Thành viên trong nhóm các bạn thật ôn hòa!”
Gần nơi trưng bày băng rôn của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Quảng trường King George, một cảnh sát trực tại đây cả ngày đã bình luận: “Tôi hiếm khi thấy một nhóm biểu tình nào ôn hòa như các bạn.” Khi rời đi, anh đã bắt tay với các học viên và cảm ơn họ về những biểu hiện tuyệt vời của họ.
Ông Dean Godfrey từ Cục Cảnh sát bang Queensland đã đồng hành cùng các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong cuộc diễu hành của họ ngày 15 tháng 11. Ông nói với một học viên: “Tôi rất vui được đồng hành cùng các bạn trong lễ diễu hành G20 này, dễ chịu hơn nhiều so với những người biểu tình khác tôi gặp hôm qua, rất hung hăng. Mỗi người trong số các bạn đều rất tường hòa, xin cảm ơn các bạn. Mong các bạn hãy gửi thông điệp này đến những người khác.”
Nhiệt độ lên đến gần 40 độ C tại Brisbane vào hôm Chủ nhật. Cảnh sát đã mang nước cho các học viên và dặn họ cần uống đủ nước.
Cảnh sát đưa nước cho các học viên trong lễ diễu hành
Cảnh sát bảo vệ các học viên Pháp Luân Đại Pháp khỏi các nhóm thân Trung Cộng
Lãnh sự quán Trung Quốc đã xúi giục nhiều nhóm thân cộng đến quấy nhiễu các học viên trong suốt hai ngày biểu tình, song mọi nỗ lực đó đều bị cảnh sát ngăn chặn.
Ông John Andress từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp bang Queensland kể lại một vụ việc xảy lúc 7 giờ sáng ngày 16 tháng 11. Một số người Trung Quốc đột nhiên xuất hiện khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang chuẩn bị dựng băng rôn tại phố William, nơi các đại biểu và lãnh đạo chính phủ các quốc gia sẽ đi qua. “Một người trong số họ có lẽ là cầm đầu nhóm này. Họ đến đây, chặn chúng tôi lại và dựng cờ Trung Quốc tại nơi chúng tôi đã xin phép treo băng rôn.”
Vài cảnh sát đã đến nói chuyện với trưởng nhóm sinh viên Trung Quốc này và cậu sinh viên này tranh cãi với cảnh sát. Cảnh sát đã chỉ rõ rằng Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp đã được cấp phép cho vị trí đó từ vài tuần trước. Vì vậy, những sinh viên không có giấy phép được yêu cầu phải rời khỏi đó.
“Sau đó, không ai trong số những sinh viên đó đến gần các học viên Pháp Luân Đại Pháp nữa.” Ông Andress giải thích: “Thực ra mấy ngày trước, chúng tôi đã biết Lãnh sự quán Trung Quốc tìm kiếm sinh viên đại học hoặc nhân viên người Trung Quốc của các công ty Trung Quốc, để họ đến quấy nhiễu chúng tôi trong hai ngày này.” Cảnh sát đã rất lo ngại khi Andress nói với họ việc này.
Các đại biểu Trung Quốc đã cố ý thay đổi tuyến đường và đi lối sau để vào hội nghị sau khi nhìn thấy băng rôn phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó cảnh sát đã giúp các học viên Pháp Luân Đại Pháp chuyển các tấm băng rôn đến vị trí dễ nhìn hơn để các đại biểu Trung Quốc phải nhìn thấy chúng.
Cảnh sát: “Chúng tôi sẽ treo một băng rôn của các bạn trong văn phòng của chúng tôi cho mọi người xem!”
Ông William La, một thành viên khác trong Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp bang Queensland, khi tiếp xúc với cảnh sát, đã hiểu được rằng họ thường phải chịu nhiều áp lực và đôi khi phải xử lý tội phạm. “Tuy nhiên, khi đi cùng chúng tôi, họ không những không có áp lực nào cả mà còn được thưởng thức giai điệu nhạc êm dịu của Pháp Luân Đại Pháp,” ông La nói.
Nhiều cảnh sát đã chụp ảnh với các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong lễ diễu hành và chụp ảnh nhóm với các học viên sau buổi diễu hành.
Cảnh sát chụp ảnh trước một tấm băng rôn có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”
Cảnh sát chụp ảnh cùng các học viên Pháp Luân Đại Pháp sau cuộc diễu hành
“Sáng hôm 16 tháng 11, cảnh sát đã đề nghị xin lại một tấm băng rôn của chúng tôi. Họ nói họ ấn tượng với thái độ điềm đạm, tường hòa của chúng tôi dù rằng cuộc bức hại tại Trung Quốc thật tàn khốc. Họ nói: ‘Chúng tôi sẽ treo một băng rôn của các bạn trong văn phòng của chúng tôi cho mọi người xem.’”
Ông La hồi tưởng lại lần đầu xin phép diễu hành mấy năm trước và ban đầu đã bị từ chối.
Ông nói: “Vị cảnh sát phụ trách nói không biết chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã nói với ông ấy về Pháp Luân Công, rồi ông xem trang web Minh Huệ và thấy tôn chỉ của Pháp Luân Đại Pháp là Chân – Thiện – Nhẫn. Sau đó ông quyết định cấp phép cho chúng tôi và tiếp tục xem chúng tôi có thực sự tuân theo những nguyên lý đó không, và thực tế là chúng tôi đã thể hiện những nguyên lý đó.”
Vị cảnh sát này đã chụp ảnh cuộc diễu hành của các học viên ngày hôm đó và trưng tấm ảnh đó tại văn phòng. Ông nói: “Tôi đã làm cảnh sát 10 năm nay. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một nhóm ôn hòa như thế này. Đáng tiếc là họ lại bị đàn áp tại Trung Quốc. Tôi nghĩ là chỉ cần nhìn cử chỉ của họ thôi, mọi người sẽ thấy được sự ôn hòa của họ.”
Hai tuần sau đó, cảnh sát mời ông La và một số học viên Pháp Luân Đại Pháp khác đến họp cùng với một số cảnh sát người Trung Quốc tham dự một chương trình đào tạo chéo. Mỗi nhóm có vài phút để thuyết trình, sau đó là phần tổng kết của người cảnh sát phụ trách, ông nói: “Pháp Luân Công đã bị đàn áp lâu rồi song họ [các học viên] vẫn thể hiện vô cùng hòa bình.“
Vị cảnh sát này quay sang các cảnh sát người Trung Quốc nói tiếp: “Đây là cách chúng tôi đối xử với họ ở Úc. Cảnh sát chúng tôi không thích bạo lực và những học viên Pháp Luân Công này cũng thế.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/17/300402.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/18/146922.html
Đăng ngày 25-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.