Bài viết của Gu Guang
[MINH HUỆ 03-08-2014] Sư phụ giảng:
“Chỉ có học Pháp tu tâm, thêm vào đó phương tiện viên mãn là luyện công nữa, thật sự thay đổi chính mình từ căn bản, tâm tính đang đề cao, tầng thứ đang đề cao, đó mới là tu luyện chân chính.” (“Thế nào là tu luyện?” – Tinh tấn yếu chỉ)
Chân tu có thể rất khó bởi vì thật khó mà buông bỏ hàng loạt chấp trước, cân bằng cuộc sống gia đình khi chúng ta còn giúp mọi người nhận thức được chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, là một học viên thì phải tu luyện thật tốt. Sau đây, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm tu luyện của mình với các bạn đồng tu.
Lựa chọn
Mùa xuân năm 2001, cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên dữ dội chưa từng thấy. Nhiều học viên trong vùng chúng tôi bị bắt giữ. Vợ tôi không phải là một người tu luyện nhưng rất sợ hãi. Cô ấy cùng cha mẹ tôi, con gái và con rể tôi cố gắng ép tôi từ bỏ tu luyện. Lúc đó tôi không biết phải làm gì. Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.
Vài ngày sau, vào một đêm tôi nói với vợ mình: “Anh đã quyết định tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, anh hiểu nỗi lo lắng của em. Để đảm bảo an toàn cho em và tránh nguy cơ tổn thất về tài chính trong tương lai, em có thể chọn ly hôn hoặc chúng ta có thể ly thân. Khi đó hoàn cảnh của anh sẽ không ảnh hưởng đến em.” Cô ấy nói: “Thế thì chúng ta sẽ ly hôn vào ngày mai!” Tuy nhiên, cô ấy không bao giờ đề cập đến ly hôn một lần nữa và không cố ngăn tôi tu luyện Pháp Luân Công.
Buông bỏ sắc dục
Một năm sau, vợ tôi nói với tôi rằng cô ấy muốn tu Phật, vì vậy cô đã đến thăm một vài ngôi chùa. Một ngày, cô ấy trở về và nói với tôi rằng: “Em muốn thờ Bồ Tát. Bồ Tát yêu cầu những ai đã quy y phải buông bỏ dục vọng thậm chí giữa vợ chồng.” Với lời thề nguyện này, một lần nữa cô ấy cố gắng ngăn tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi trả lời: “Đúng, người tu luyện phải buông bỏ sắc dục.” Sau đó cô ấy dành rất ít thời gian ở nhà. Tâm tôi không động, và chúng tôi hiếm khi bị can nhiễu bởi môn tu luyện của người kia.
Bốn năm sau, vợ tôi đề nghị chúng tôi cùng nhau tới một nhà tắm và kỳ cọ cho nhau. Chúng tôi tới một phòng đơn cao cấp. Tôi dùng ý chí mạnh mẽ kiềm chế bản thân trong gần một giờ, cuối cùng tôi đã vượt qua khảo nghiệm về sắc dục.
Sau đó, tôi ngộ ra rằng, với sự trợ giúp của Sư phụ, chấp trước về sắc dục của tôi đã biến mất, và kể từ đó tôi không bao giờ bị tâm sắc dục can nhiễu. Đúng như Sư phụ giảng: “Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ.” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)
Khi tôi chính lại bản thân và đề cao thông qua học Pháp, vợ tôi cũng thay đổi. Bây giờ cô ấy ủng hộ tôi học Pháp và cũng giúp các tín đồ Phật giáo thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Loại bỏ nghiệp bệnh
Một đêm nọ khi đang luyện bài Pháp Luân Trang Pháp, đột nhiên tôi cảm thấy chóng mặt và không thể đứng vững. Tôi bị ngất ngay sau khi bật đèn. Khi tỉnh lại, ý niệm đầu tiên của tôi là không cho bất cứ điều gì can nhiễu đến việc tu luyện; nếu không thể luyện bài công pháp đứng tôi sẽ luyện tĩnh công hoặc phát chính niệm. Tôi thấy kiệt sức, ra mồ hôi nhiều đến ướt đẫm cả quần áo. Tôi luyện tĩnh công khoảng 40 phút và sau đó đi ngủ. Sáng hôm sau tôi đã bình phục.
Một lần khác, sau khi đọc xong Cửu Bình lần thứ ba, đột nhiên tôi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của nghiệp bệnh. Toàn thân đau nhức, tôi ngã xuống giường và không thể cử động. Tôi không sợ – chỉ có một niệm rằng: “Đừng để vợ và các con tôi từ xa về nhà, vì họ sẽ không thể giúp gì tôi.” Ngay sau khi niệm đầu này xuất khởi, tôi đỡ đau hơn, nhưng vẫn không thể nhúc nhích. Tôi nằm trên giường, không ăn không uống, trong suốt ba ngày. Vào ngày thứ tư tôi trở lại bình thường.
Về vấn đề nghiệp bệnh, tôi đã ngộ ra rằng một học viên nên hướng nội tìm cách đề cao tâm tính theo các nguyên lý của Pháp. Nếu không thể tìm được nguyên nhân, người đó vẫn phải cố gắng hết mình để làm tốt ba việc. Sư phụ đã loại bỏ một nửa số nghiệp lực của học viên khi người đó bắt đầu tu luyện. Sư phụ an bài phần nghiệp còn lại của người đó trên con đường tu luyện là để đề cao tâm tính. Khi học viên đề cao tâm tính của mình, Sư phụ sẽ giúp anh ấy gỡ bỏ nghiệp lực.
Học Pháp thật tốt, tu luyện vững vàng
Một ngày khi đọc:
“Sinh vô sở cầu,
Tử bất tích lưu;
Đãng tận vọng niệm,
Phật bất nan tu.”
(“Vô tồn” – Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Sống chẳng truy cầu
Chết không lưu luyến
Sạch bong vọng niệm
Tu Phật không khó”
Tôi ngộ ra rằng, buông bỏ chấp trước về sinh tử, buông bỏ tâm sinh tồn là khó khăn nhất. Danh, lợi, tình tại nhân gian hết thảy đều là vì sinh tồn. Nếu một người có thể “Sinh vô sở cầu”, anh ta sẽ có thể “tử bất tích lưu”, và sau đó, đối với anh ta, tu luyện trở thành một vị Phật sẽ không hề khó khăn.
Kể từ đó, Pháp này đã khắc sâu trong tâm tôi, ngộ được điều này đã làm cho tôi xem nhẹ nhiều chuyện tại thế gian hơn. Ngay cả vấn đề ăn uống cũng trở nên đơn giản; Tôi ăn hai bữa một ngày và nếu bận rộn thì chỉ ăn một bữa. Tôi đã sử dụng tất cả số tiền tiết kiệm để làm ba việc. Tôi nhận ra rằng kỳ tích đã xuất hiện – tiền cứ liên tục đến với tôi!
Không thừa nhận cuộc bức hại
Khi các học viên vững tin vào Đại Pháp, tà ác sẽ bị đánh bại. Suốt 15 năm tu luyện, nhiều lần tà ác đã cố gắng can nhiễu tôi. Vì tôi không thừa nhận cuộc bức hại, chúng không dám bắt giam tôi.
Cuối năm 2001, tôi bán hàng ở cửa hàng của mình trong khu chợ, khi một sĩ quan công an tới yêu cầu: “Mời ông đến phòng công an. Chúng tôi chỉ muốn nói chuyện thôi.” Tôi nói: “Hiện nay tôi đang kinh doanh. Chúng ta có thể nói chuyện ở đây.” Anh ta nói: “Hãy đến phòng công an. Sau một vài lời, ông có thể quay về.” Tôi nói: “Tôi phải kiếm sống. Nếu anh nhất quyết muốn vậy, anh có thể bồi thường 200 nhân dân tệ cho tôi ngày hôm nay. Ngoài ra, anh cần phải chờ tôi đóng cửa hàng đã thì tôi mới có thể đi cùng anh.”
Viên công an không biết trả lời thế nào. Anh ta do dự một lúc rồi rời đi. Ngày hôm sau tôi nghe nói rằng công an đã có một danh sách tên các học viên và họ đi tìm từng người một. Những người tới phòng công an đã bị bắt giữ. Gia đình của họ buộc phải đặt cọc 2.000 nhân dân tệ, và các học viên được lệnh phải hứa sẽ không đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Nếu gia đình không trả tiền, các học viên sẽ không được phép về nhà.
Vào ngày mùng 03 Tết Nguyên đán năm 2000, tôi đến thăm cha mẹ. Vào thời điểm đó tất cả các học viên được lệnh không được đi bất kỳ đâu mà không được phép. Cha mẹ tôi sống cách nhà tôi khoảng chín km. Khi đến khu lân cận nhà cha mẹ, một chiếc xe ô tô dừng lại trước mặt tôi và năm người bước ra. Họ muốn tôi trở về nhà.
Tôi hỏi: “Liệu anh có cha mẹ không? Anh không về thăm họ dịp năm mới sao?” Người chỉ huy cho phép tôi tới thăm cha mẹ khi có người của anh ta hộ tống, một thanh niên trẻ tên là Vương. Vương từ chối ăn cùng chúng tôi và dường như bồn chồn muốn về thăm gia đình của chính mình.
Tôi đồng ý rời nhà cha mẹ sớm để Vương có thể về thăm gia đình. Sau đó, em gái của cậu ta nói với tôi: “Anh trai tôi nói với tôi rằng bác thật có trách nhiệm. Bác vui vẻ cho phép anh ấy về thăm gia đình.” Tôi nói: “Các học viên Pháp Luân Công của chúng tôi luôn luôn nghĩ đến người khác trước!”
Phối hợp với các đồng tu
Khoảng năm 2009, tôi nhận ra rằng chúng tôi không còn bị can nhiễu thường xuyên như trước, cuộc sống dường như dễ thở hơn. Tuy nhiên, một số học viên trong vùng của chúng tôi có vẻ lại nhìn nhận mọi việc với tâm người thường. Một số coi thường người khác, mâu thuẫn giữa họ xảy ra thường xuyên hơn. Tôi nhìn thấy sự nguy hiểm tiềm ẩn và đã tới thảo luận về tình hình này với hai trong số các điều phối viên.
Họ nói với tôi: “Đây là nhận thức người thường của anh, ý niệm của anh không chính.” Tôi không giữ được bình tĩnh và tranh luận với họ. Cuối cùng, các điều phối viên cho biết: “Hãy nhìn vào thái độ của anh, liệu nó có dựa trên Pháp hay không?” Tôi đã không nói nên lời. Sau đó, tôi đã nói chuyện với một học viên khác. Ông ấy nói rằng tôi không nên tiếp tục khăng khăng giữ quan niệm của mình. Nếu không, nhiều học viên sẽ nghĩ rằng tôi đang hướng tới vị trí điều phối viên.
Vào năm 2010, hết hè lại đến thu, năm học viên đã qua đời vì bệnh nghiệp, và một trong số họ là điều phối viên. Đến cuối năm, 10 học viên bị bắt giữ. Những học viên không tinh tấn lo sợ và không muốn bước ra. Và tôi vẫn hướng ngoại, nghĩ rằng những sự tình này là do quan niệm của các học viên khác.
Do những trải nghiệm đau thương này, tôi cố gắng học Pháp với tâm thuần tịnh. Tôi đã hiểu tại sao các học viên không lắng nghe những quan ngại của tôi khi tôi đọc những lời giảng của Sư phụ:
“Trong “Chân” có “Chân, Thiện, Nhẫn”. Trong “Thiện” có “Chân, Thiện, Nhẫn”. Trong “Nhẫn” cũng có “Chân, Thiện, Nhẫn.” (Giảng Pháp tại Pháp Hội Úc năm 1999)
Đó là vì tôi vẫn chưa tu xuất được tâm từ bi thực sự. Mục đích của tôi là làm cho họ thay đổi suy nghĩ. Tôi đã chấp vào thể ngộ của mình về Pháp, nghĩ rằng mình tu tốt hơn những người khác. Chấp trước này, nếu không loại bỏ, sẽ can nhiễu đến khả năng hình thành một chỉnh thể của chúng tôi.
Sau khi phát hiện chấp trước của mình, tôi bắt đầu nỗ lực loại bỏ chúng. Tôi chủ động hợp tác với các đồng tu khi họ cần giúp đỡ làm ba việc. Khi tôi thay đổi bản thân, tôi nhận thấy rằng nhiều học viên lại bắt đầu bước ra.
Tôi biết ơn sự hợp tác của các bạn đồng tu trong khi chúng tôi đang phối hợp cùng nhau trong các hạng mục. Con xin cảm tạ sự khích lệ và gia trì của Sư phụ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/3/实修与配合-295193.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/14/146371.html
Đăng ngày 10-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.