“Cơn sốt Trung Quốc” tại thị trấn nhỏ ở Đức
Bài viết của Ngô Tư Tĩnh, một phóng viên báo Minh Huệ ở Đức
[MINH HUỆ 17 – 09 –2012] Gần đây, “cơn sốt Trung Quốc” đã đổ bộ vào thị trấn Oberursel ở miền Trung nước Đức. Tháng 08 năm 2012, ông Hans-Georg Brum, Thị trưởng của Oberursel, đã bắt đầu chuyến du lịch đầu tiên tới thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Tính khả thi của một chương trình kết nghĩa giữa hai thành phố đã được thảo luận. Nhưng sau khi những vi phạm nhân quyền ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo bị phơi bày ở Oberursel, trong công chúng đã dấy lên một mối quan ngại. Tất cả các tờ báo lớn ở địa phương đã đưa tin về việc này như một tin tức nóng hổi, làm thị trấn vốn yên ả này bị khuấy động giống như ném một hòn đá vào một mặt hồ tĩnh lặng.
Ngày 10 tháng 09, năm 2012, tờ Frankfurt Review đưa tin về việc các học viên Pháp Luân Công ở Oberursel phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Vào sáng thứ Bảy, ngày 08 tháng 09, các học viên Pháp Luân Công đã dựng một gian hàng trên khu phố đi bộ ở trung tâm thành phố Oberursel. Họ muốn cho người dân Oberursel biết về một khía cạnh khác của thành phố Hồ Lô Đảo mà Thị trưởng của họ vừa tới thăm: Các trại lao động cưỡng bức đang thực hiện cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Thị trưởng thành phố Oberursel tìm hiểu sự thật
Mặc dù Thị trưởng Brum đã gặp mặt các học viên Pháp Luân Công một vài ngày trước khi tìm hiểu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chế độ cộng sản, ông vẫn tới thăm hoạt động của các học viên vào ngày 08 tháng 09 và nói chuyện với họ trong suốt hơn một giờ đồng hồ.
Ông Quách Cư Phong đã đi từ Dortmund tới Oberursel để tham dự sự kiện này. Là một học viên Pháp Luân Công, ông từng bị giam giữ bất hợp pháp tại một số trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc trong vòng hai năm rưỡi. Trong thời gian đó, ông đã bị cầm tù ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo trong khoảng sáu tháng. Thông qua một thông dịch viên, ông Quách đã kể lại cho Thị trưởng Brum về việc ông bị tra tấn ở đó như thế nào. Vì ông tuyệt thực để phản đối, lính canh trại đã bức thực ông bằng cách ra lệnh cho bốn tù nhân giữ ông nằm xuống giường trong khi một bác sĩ dùng một chiếc ống nhựa để đổ thức ăn vào dạ dày của ông thông qua đường mũi. Những gì mà họ đổ vào dạ dày của ông toàn là bia. Điều đó làm ông Quách bắt đầu nôn mửa và chiếc ống thức ăn bị mắc kẹt dưới thực quản của ông. Trận nôn mửa và cơn co thắt dạ dày khiến ông đau khủng khiếp. Cổ họng của ông bị sưng lên, và mỗi khi nuốt, ông cảm thấy đau đớn cùng cực. Sự trừng phạt bằng cách bức thực thường được sử dụng trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Ông Quách tiếp tục mô tả về việc mình bị xích hai tay, hai chân vào một chiếc giường trong suốt chín ngày như thế nào. Sự tra tấn này còn được gọi là giường tử hình.
Ông Quách chỉ vào tấm bảng có bức ảnh của 12 học viên Pháp Luân Công mà ông biết ở Trung Quốc. Ông nói rằng tất cả bọn họ đều đã chết trong các trại lao động cưỡng bức hoặc các nhà tù bởi vì họ từ chối từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công. Ông Tào Ngọc Cường và anh Vương Triết Hạo đều bị đàn áp ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo. Năm 2004, ông Cao đã bị tra tấn đến chết với thể trọng chỉ còn hơn 40 cân. Ông ấy đã bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức khác nhau ở tỉnh Liêu Ninh, và lần cuối cùng, ông ấy bị giam ở một trại giam thuộc thành phố Hồ Lô Đảo. Tào Hiểu Đông, người con trai đang trong độ tuổi vị thành niên của ông, đã phải đến sống cùng ông nội. Anh Vương Triết Hạo đã bị tra tấn ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo bằng hình thức bức thực tàn bạo. Anh ấy qua đời do kết quả của cuộc đàn áp năm 2004, khi mới chỉ 27 tuổi.
Ông Tào Ngọc Cường
Tào Hiểu Đông, con trai của ông Tào Ngọc Cường
Anh Vương Triết Hạo bị tra tấn ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo bằng hình thức bức thực tàn bạo. Anh qua đời trong cuộc đàn áp năm 2004 khi mới chỉ 27 tuổi
Ông Quách đã chỉ ra rằng những người vốn chỉ nhìn vẻ bên ngoài của Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được những gì đã và vẫn đang diễn ra đằng sau những bức tường của nó. Khách qua đường chỉ thấy những ngôi nhà ngăn nắp, những bãi cỏ được cắt tỉa, và thậm chí cả những vật nuôi nhỏ. Tuy nhiên, mặt tiền ấm áp và lôi cuốn này đã cố tình được tạo ra để che đậy những điều khủng khiếp đang thực sự diễn ra bên trong nó.
Người dân ký tên để phản đối cuộc đàn áp
Ngày 08 tháng 09, mọi người liên tục tới gian hàng của các học viên để ký tên ủng hộ các nỗ lực chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Rất nhiều người mua hàng tại Oberursel đã dừng lại để nhận tài liệu thông tin. Nhiều người trong số họ đã biết một vài điều về Trung Quốc.
Một người đàn ông trung niên địa phương cho biết, ông ấy đã đến Trung Quốc trong một chuyến công tác vào đầu những năm 80. Sau đó, ông ấy rất quan tâm về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc và cũng hiểu rõ tình hình hiện tại ở đó, ví dụ như việc các quan chức cấp cao ở đó đã gửi hết tiền tiết kiệm (hoặc đúng hơn là các khoản thu nhập bất hợp pháp) vào các ngân hàng nước ngoài và đưa gia đình của họ ra nước ngoài. Đó là thực tế phổ biến trong chế độ cộng sản tham nhũng này. Ông ấy đề nghị sẽ truyền các thông tin về Pháp Luân Công với những người quen của mình ở Trung Quốc.
Một cặp vợ chồng trẻ đã dừng lại để nhận tờ rơi thông tin. Sau khi cẩn thận lắng nghe giới thiệu ngắn gọn về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại thành phố Hồ Lô Đảo, người phụ nữ trẻ đã nói rằng chương trình kết nghĩa giữa hai thành phố nên quan tâm tới vấn đề nhân quyền thay vì chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế. Cô ấy cho biết mình rất quan tâm về vấn đề nhân quyền và cô ấy đã nghe nói về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công cách đây khá lâu. Cô ấy hy vọng rằng ngày càng có nhiều người dân Oberursel biết về cuộc đàn áp này.
Frankfurter Neue Presse và Frankfurter Rundschau, hai tờ báo lớn ở địa phương, đã đưa tin về sự kiện này. Năm công dân Oberursel đã được phỏng vấn trong bài tin tức đó. Họ chia sẻ cùng một quan điểm rằng không một chính phủ nào có thể phớt lờ những vi phạm nhân quyền để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Sau hoạt động này, ông Kalmund, một học viên Pháp Luân Công, cho biết mục đích của hoạt động này không phải để ngăn chặn các chương trình kết nghĩa giữa Oberursel và Hồ Lô Đảo, cũng như không nhằm phản đối các quan hệ kinh tế giữa hai thành phố. Tuy nhiên, không ai nên tìm kiếm lợi ích kinh tế bằng cái giá phải phớt lờ những tội ác tàn bạo của cuộc đàn áp và sát nhân này. Ông Kalmund nói rằng Pháp Luân Công sẽ tiếp tục phơi bày các cuộc đàn áp ở Trại Lao động Cưỡng bức Hồ Lô Đảo với các chính trị gia, các tổ chức dân sự, và các cư dân của Oberursel.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/9/17/德国小城的“中国热”(图)-262916.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/9/24/135573.html
Đăng ngày: 27-09-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.