Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan
[MINH HUỆ 12-05-2025] Khi Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5 đang đến gần, các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm. Ngày 10 tháng 5 năm 2024, các học viên tại Tây Bắc Đài Loan đã tổ chức một lễ hội âm nhạc trước Văn Miếu ở thành phố Tân Trúc để đón mừng ngày đặc biệt này. Ngày 13 tháng 5 năm nay ghi dấu kỷ niệm 33 năm Pháp Luân Đại Pháp được hồng truyền ra thế giới. Đây cũng là ngày sinh của Sư phụ Lý Hồng Chí.
Dù buổi sáng hôm đó trời mưa, các học viên vẫn tiến hành kế hoạch như đã định. Họ cùng nhau luyện các bài công pháp và chụp ảnh tập thể để chúc mừng sinh nhật Sư phụ. Sau đó là một loạt các tiết mục âm nhạc trên sân khấu, bao gồm màn trình diễn của Đội trống cờ Pháp Luân Đại Pháp, Đội trống lưng, múa cổ điển Trung Hoa, các học viên nhỏ tuổi ngâm thơ và hát.
Các học viên luyện công tập thể để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 26.
Các học viên hợp thập chúc mừng sinh nhật Sư phụ Lý Hồng Chí.
Màn trình diễn của Đội trống cờ Pháp Luân Đại Pháp
Màn trình diễn múa cổ điển Trung Hoa
Các học viên nhỏ tuổi vừa múa vừa ngâm các bài thơ trong tập thơ Hồng Ngâm.
Màn trình diễn của Đội trống lưng Pháp Luân Đại Pháp
Các học viên triển lãm hình ảnh Pháp Luân Đại Pháp được đón nhận khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh các hoạt động, ba học viên đã chia sẻ câu chuyện về hành trình tu luyện của bản thân, cũng như về việc sức khỏe và nhân sinh quan của họ đã được cải thiện như thế nào.
Cuộc sống trở nên tươi sáng và tốt đẹp
Bà Hồ Nhã Linh đắc Pháp vào tháng 10 năm 2001. Bà cho biết điều tốt đẹp nhất của cuộc đời mình là được trở thành học viên Pháp Luân Đại Pháp. Bà nói: “Tôi đã có được một cuộc sống mới, tươi sáng và tốt đẹp hơn”.
Học viên Pháp Luân Đại Pháp Hồ Nhã Linh
Bà Hồ lớn lên trong tình yêu thương bao bọc của cha mẹ và học rất giỏi. Bà coi tình yêu là thứ quan trọng nhất trong đời người. Bà từng hẹn hò một người đàn ông bất chấp sự phản đối của gia đình và bè bạn. Thế nhưng vài năm sau, điều bà nhận lại là sự phản bội khiến bà vô cùng đau khổ.
Sau khi bị bỏ rơi, bà cảm thấy cuộc đời không đáng sống và muốn tự tử. Bà cố tình hủy hoại bản thân, có lối sống không lành mạnh và nghiện rượu. Bà đã ngất xỉu nhiều lần tại nơi làm việc và được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu.
Đúng lúc cuộc đời bà gần như rơi xuống vực thẳm, tâm hồn đau khổ tột cùng, thì bước ngoặt xuất hiện. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu bà: “Mình không thể tiếp tục như thế này nữa. Mình phải tìm cách cứu lấy bản thân và phải có trách nhiệm với chính mình”. Không lâu sau, một đồng nghiệp nói với bà: “Em còn trẻ mà sức khỏe đã tệ thế này, lớn tuổi hơn thì sẽ ra sao? Chị giới thiệu cho em một môn khí công rất đơn giản, dễ tập lại miễn phí. Vừa hay chị có hai cuốn sách ở đây, cho em mượn đọc trước.”
Khi đọc sách Chuyển Pháp Luân và Đại Viên Mãn Pháp mà đồng nghiệp cho mượn, bà quyết định tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp trên mạng. Sau khi có hiểu biết cơ bản, bà trở nên có động lực và tự khích lệ bản thân ra ngoài tìm đến điểm luyện công. May mắn thay, bà đã gặp được một nhóm học viên luyện công tại công viên gần đó.
Bà nhớ như in những ngày đầu luyện công. Mỗi sáng, bà đều háo hức đến công viên, bắt đầu ngày mới bằng những bài tập an hòa, tĩnh tại trong bầu không khí trong lành và tiếng chim ca.
Dần dần, cùng với việc học Pháp sâu hơn, bà bắt đầu giải đáp được những thắc mắc trong tâm bấy lâu. Bà hiểu được tại sao con người đến thế giới này cũng như các đạo lý làm người, bà nhận ra rằng mọi khổ nạn của bản thân đều bắt nguồn từ những chấp trước và dục vọng của chính mình. Bà nói: “Những nút thắt trong tâm tôi dần được tháo gỡ, tâm chấp trước từ từ được buông bỏ, cảm giác như trút được gánh nặng vậy. Giờ đây, mỗi ngày tôi đều thấy hạnh phúc và nhìn đâu cũng thấy tốt đẹp”.
Bà chiểu theo các Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để đo lường những hành vi của mình để trở thành một người tốt hơn và nhân ái hơn. Bà chân thành hy vọng nhiều người hơn nữa có thể thực hành Pháp Luân Đại Pháp và được thụ ích cho bản thân, gia đình và bè bạn của họ.
Học viên trẻ hiểu được sự trân quý của Pháp Luân Đại Pháp
Học viên Pháp Luân Đại Pháp Lý Chính Lâm
Bố mẹ của anh Lý Chính Lâm đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Khoảng năm 2004, khi mới học lớp một, anh đã theo cha mẹ học Pháp luyện công. Sau này, vì bận rộn học hành, anh lơ là và dừng việc tu luyện.
Mãi tới 20 năm sau, vào tháng 5 năm 2024, anh mới quay trở lại con đường tu luyện và nhận ra sự trân quý của Đại Pháp. Anh cho biết lý do khiến anh trở lại tu luyện là vì cơ thể xuất hiện vấn đề, bị đau dạ dày rất khó chịu. Anh nhớ rằng ban đầu hiệu quả không rõ rệt, mặc dù đã luyện công và học Pháp nhưng anhh vẫn bị đau bụng. Anh ngộ ra Pháp lý “tinh thần và vật chất là nhất tính” và nhận thấy mình cần buông bỏ tâm cầu khỏi bệnh, thay vào đó thành thật dùng Pháp để đối chiếu bản thân. Cuối cùng, chứng đau bụng của anh đã biến mất.
Anh Lý và bố mẹ ngày càng hòa thuận hơn vì họ tuân theo các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp. Trước đây, anh hay trì hoãn việc nhà đến phút cuối mới làm. Sau khi tu luyện, Pháp Luân Đại Pháp dạy anh biết quan tâm đến người khác. Anh nhận ra: “Bố mẹ cũng mệt khi phải làm nhiều việc nhà”. Từ đó, anh chủ động làm việc nhà để giảm gánh nặng cho gia đình chứ không còn trì hoãn nữa.
Trong hành xử với bạn gái, anh học được cách kiểm soát tính khí trong những lúc xung đột. Thay vì tranh cãi, anh bắt đầu tự truy xét lại mình xem liệu trong thái độ hoặc giọng điệu của anh có điều gì khiến cô ấy cảm thấy khó chịu hay không. Anh cố gắng quan tâm hơn khi biết cô ấy cảm thấy không tốt. Mỗi khi có thể đứng từ góc độ của cô ấy, mọi xung đột đều qua rất nhanh. Anh nói: “Tu luyện thật tuyệt vời”.
Tại nơi làm việc, anh hòa đồng với đồng nghiệp và thường tình nguyện nhận đi công tác thay cho họ vì thấu hiểu họ còn phải chăm sóc cho gia đình và con cái. Đồng nghiệp rất biết ơn những gì anh làm và họ cũng thường sẵn sàng giúp đỡ anh trong những phương diện khác. Mọi người tương trợ lẫn nhau, bầu không khí làm việc trở nên vui vẻ, hài hòa.
Trí huệ được khai mở từ các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp
Cô Lý Nghi Nhuế bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng bố mẹ từ khi học cấp hai, đến nay đã được 17 năm. Cô rất biết ơn sự giúp đỡ của Sư phụ Lý trong nhiều phương diện của cuộc sống.
Học viên Pháp Luân Đại Pháp Lý Nghi Nhuế
Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp mang đến cho cô Lý sự bình an và trí huệ cần thiết khi còn đi học cũng như tại nơi làm việc. Thông qua việc không ngừng học Pháp, cô có thể làm người tốt ở mỗi giai đoạn của cuộc đời. Khi gặp khó khăn, Pháp lý đã giúp cô có một tấm lòng rộng mở và tư duy rõ ràng để giải quyết. Cô biết rằng mọi việc xảy ra đều có lý do và đó là cơ hội tốt để cô đề cao tâm tính.
Công việc chính của cô Lý là sáng tạo thiết kế nghệ thuật, và cô phụ giúp nhà hàng của bố mẹ. Hai công việc có tính chất rất khác nhau. Khi thiết kế, cô cần tĩnh tâm tập trung cao độ, còn khi phục vụ ở nhà hàng, cô phải tiếp khách, lúc vào bếp thì phải nhanh chóng chế biến món ăn. Thường xuyên chuyển đổi vai trò như vậy, nhưng trí huệ có được nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp cô có thể cân bằng tốt giữa các công việc khác nhau, chuyển đổi tư duy và hoàn thành chúng tốt hơn.
Cô cảm thấy rất may mắn vì được biết đến Pháp Luân Đại Pháp từ khi còn nhỏ. Môn tu luyện đã dạy cô ý nghĩa của cuộc sống và khích lệ cô đối xử với mọi người xung quanh bằng lòng biết ơn, sự chân thành và nhân ái.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/5/12/494257.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/14/227423.html
Đăng ngày 18-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.