Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 27-01-2025] Trước ngày 10 tháng 12 năm 2024, Ngày Nhân quyền Thế giới, các học viên Pháp Luân Công tại 45 quốc gia đã đệ trình một danh sách danh tính các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bức hại Pháp Luân Công và các học viên khác, tới các chính phủ tương ứng của họ. Bởi những quan chức này đã tham gia bức hại nên các học viên đã yêu cầu cấm nhập cảnh đối với những người này cũng như người nhà của họ, đồng thời đóng băng tài sản của họ.
45 quốc gia này gồm: 5 nước thuộc Liên minh Five Eyes, 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), và 13 nước ở các châu lục khác, cụ thể:
Liên minh Five Eyes: Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand
27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU): Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, Ireland, Áo, Đan Mạch, Romania, Séc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Bulgaria, Luxembourg, Croatia, Litva, Slovenia, Latvia, Estonia, Síp và Malta.
13 nước còn lại nằm ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Argentina, Colombia, Chile, Cộng hòa Dominica và Paraguay (đây là lần đầu tiên Paraguay có mặt trong danh sách này).
Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài suốt 25 năm qua và gần đây, chính quyền này đã tăng cường hoạt động ở hải ngoại. Theo một báo cáo do Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã tiết lộ rằng trong cuộc họp vào tháng 5 năm 2024 do Bộ Công an chủ trì, ĐCSTQ đã chỉ rõ một mục tiêu: “Đặc biệt chú ý đến sự hợp tác giữa Pháp Luân Công và các chính trị gia phương Tây nhằm trừng phạt các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Hãy ngăn chặn hành động này bằng mọi giá”.
Trong số những thủ phạm này có Trương Ngoc Long, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm.
Lý lịch thủ phạm
Họ và tên: Trương Ngọc Long
Tên tiếng Trung: 张玉龙
Giới tính: Nam
Dân tộc: Hán
Ngày tháng năm sinh: Tháng 9 năm 1972
Nơi sinh: không rõ
Vị trí, chức vụ
Trước năm 2012: đội phó Đội 5, đội trưởng Đội 1 và đội trưởng Đội 5 của Phòng An ninh Nội địa tỉnh Cát Lâm (Phòng An ninh Nội địa đã đổi tên thành Phòng An ninh Chính trị).
Năm 2012 – tháng 7 năm 2020: ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, phó Phòng An ninh Nội địa thành phố Trường Xuân
Tháng 8 năm 2020 – Nay: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm
Tội ác chính
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, các cơ quan công an ở tất cả các cấp chịu trách nhiệm bắt giữ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công. Trong số 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị ở Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm đứng thứ tư về số lượng học viên Pháp Luân Công bị chết đã được xác nhận.
Trong nhiều nhiệm kỳ của Trương trong ngành công an tại tỉnh Cát Lâm, ông ta tích cực thúc đẩy chính sách bức hại Pháp Luân Công, dẫn đến nhiều học viên bị bắt, sách nhiễu và kết án. Một số người đã bị tra tấn đến chết.
Sau khi Trương trở thành Phó Bí thư [Ủy ban Chính trị và Pháp luật] tỉnh Cát Lâm vào tháng 8 năm 2020, ông ta tiếp tục thực hiện chính sách bức hại bằng cách phối hợp với các cơ quan công an và tư pháp.
Bức hại trong nhiệm kỳ Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm của Trương (tháng 8 năm 2020 – nay)
Bức hại trong năm 2024
Trong nửa đầu năm 2024, 4 học viên đã chết vì bị bức hại ở Cát Lâm, 47 người bị kết án, 238 người bị bắt, 122 người bị sách nhiễu, 138 người bị lục soát nhà và 11 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não.
Ngày 1 tháng 3 năm 2024, 12 học viên bị bắt giữ trong một cuộc bắt giữ tập thể tại thành phố Thông Hóa. Ông Tống Điện Hoành, bà Lưu Hiểu Yến, bà Tôn Hiểu Na, ông Khúc Hiểu Phi và vợ là bà Khúc Đan, ông Trương Học Kiệt, và một học viên họ Từ bị đưa đến một trung tâm tẩy não.
Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 năm 2024, ít nhất 46 học viên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt. Ngày 19 tháng 4 và ngày 10 tháng 5 có nhiều vụ bắt giữ nhất, với 16 vụ bắt giữ mỗi ngày.
Theo những người trong cuộc, các vụ bắt giữ hàng loạt do Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) tỉnh Cát Lâm và cấp dưới là Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trường Xuân cùng Phòng 610 dàn dựng. Cả PLAC và Phòng 610 đều là các cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hầu hết các vụ bắt giữ do Công an quận Nhị Đạo và các đồn cảnh sát trực thuộc thực hiện. Những vụ bắt giữ còn lại do Công an quận Lục Uyển và huyện Nông An thực hiện.
Ngày 5 tháng 6 năm 2024, một cuộc bắt giữ tập thể khác với ít nhất 35 học viên đã diễn ra tại thành phố Thư Lan.
Ngày 18 tháng 4 năm 2024, ông Điền Ngọc Xuân đến từ thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt tại nhà. Ngày 20 tháng 6 năm 2024, một lính canh Trại tạm giam thông báo cho gia đình ông rằng ông đã nôn mửa và bất tỉnh vào ngày hôm đó, và được chẩn đoán mắc bệnh tắc ruột. Gia đình ông yêu cầu được đến thăm ông, nhưng bị từ chối. Khi trại tạm giam phát hiện ông Điền còn bị ung thư đường mật 8 ngày sau đó, họ kiến nghị gia đình ông nộp đơn xin bảo lãnh cho ông.
Phải mất vài ngày để xử lý các giấy tờ cần thiết, và đến khi ông Điền được tại ngoại vào ngày 3 tháng 7 năm 2024, ông đã yếu đến mức không thể đi lại nếu không có người trợ giúp. Ông qua đời 21 ngày sau đó. Thậm chí sau khi ông Điền qua đời, Tòa án quận Triều Dương đe dọa kết án ông 3 năm tù.
Bức hại trong năm 2023
Trong nửa đầu năm 2023, 11 học viên bị bức hại đến chết ở Cát Lâm, 56 người bị kết án, 239 người bị bắt và 283 người bị sách nhiễu. 38 học viên khác đã phải chịu nhiều hình thức bức hại tài chính và tống tiền, với tổng số tiền là 184.728 Nhân dân tệ.
Ngày 9 tháng 2 năm 2023, ông Lý Trường Hải ở thành phố Cát Lâm bị bắt và bị quản thúc tại gia. Ngày 16 tháng 1 năm 2024, Viện Kiểm sát quận Xương Ấp truy tố ông, và đề nghị mức án 4,5 năm tù. Từng phải thụ án 7 năm tù từ năm 2012 đến năm 2019, ông Lý vẫn chưa hồi phục từ việc tra tấn và tổn thương tinh thần. Nguy cơ bị cầm tù một lần nữa khiến ông đau khổ đến mức qua đời vài ngày sau đó, vào ngày 28 tháng 1 năm 2024. Ông hưởng thọ 77 tuổi.
Ngày 19 tháng 2 năm 2023, ông Tiêu Truyền Phúc, ngoài 50 tuổi, bị cảnh sát của Đội An ninh Nội địa quận Nhị Đạo bắt giữ. Giữa tháng 5 năm 2024, có thông tin xác nhận rằng ông đã bị đưa đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh để thụ án tù 10 năm. Trước lần bị kết án gần đây nhất, ông Tiêu từng nhiều lần bị bắt và bị giam trong trại lao động cưỡng bức một lần vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Lương Lập Tân, ở Minh Hưng An, Nội Mông, qua đời 6 ngày sau khi bị bắt vào tháng 3 năm 2023, trong khi đến thăm con gái ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Bà qua đời tại trại tạm giam Cửu Đài trong khi cảnh sát đang lập hồ sơ chống lại bà.
Ngày 4 tháng 6 năm 2023, Phòng 610 và Công an thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, điều động một lượng lớn đặc vụ và bắt giữ hơn 30 học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát đã theo dõi các học viên trong một thời gian dài, và trích xuất các đoạn phim từ camera giám sát trước khi thực hiện các vụ bắt giữ. Nếu học viên hoặc người nhà của họ từ chối mở cửa, cảnh sát sẽ đột nhập, đôi khi bằng cách phá cửa sổ, để bắt giữ các học viên và lục soát nhà của họ.
Ngày 28 tháng 11 năm 2023, cảnh sát thuộc Đội An ninh Chính trị của Công an thành phố Đôn Hóa, Đồn Công an phố Đan Giang và Đồn Công an Dân Chủ đã bắt giữ bà Vương Hướng Cúc và hơn 10 học viên lớn tuổi. Họ lục soát nhà và tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công của các học viên. Cảnh sát trùm đầu các học viên bằng mũ trùm đen khi đưa họ ra khỏi nhà. Bà Vương, 70 tuổi, bị tạm giam 9 ngày. Bà Lâm Sinh Hoa, ngoài 60 tuổi, bị tạm giam 10 ngày, và bà Mạnh Khánh Linh, ngoài 70 tuổi, được tại ngoại.
Bức hại trong năm 2022
Năm 2022, 4 học viên bị bức hại đến chết, 40 người bị kết án, 338 người bị bắt, 384 người bị sách nhiễu, 41 người bị đình chỉ lương hưu, 34 người bị giam giữ tại các trung tâm tẩy não và 7 người buộc phải sống phiêu bạt.
Ngày 11 tháng 11 năm 2022, ông Giang Binh, ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt trong khi phân phát tờ rơi thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đánh đập và lăng mạ ông trong quá trình bắt giữ. Ngày 13 tháng 11, ông Giang bị đưa đến trại tạm giam Số 2 thành phố Trường Xuân, nhưng bị từ chối giam giữ do tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, thay vì thả ông, cảnh sát giam ông tại một khách sạn bí mật. Khi tình trạng thể chất của ông trở nên tồi tệ hơn, cảnh sát chuyển ông đến bệnh viện cảnh sát vào ngày 16 tháng 11. Chân ông bị cùm vào giường. Ông bị bắt uống các loại thuốc không rõ chủng loại, và bị truyền 7 chai dịch trong khi vẫn phải ngồi thay vì nằm. Sau đó, ông buồn nôn, phù nề toàn thân, khó đi lại và khó thở.
Ngày 28 tháng 11 năm 2022, ông Giang bị đưa trở lại đồn công an, và được tại ngoại vào buổi tối. Đến lúc đó, tình trạng phù nề toàn thân của ông đã kéo dài gần 2 tuần, và ông không thể tự đi lại được.
Ngày 19 tháng 3 năm 2023, cảnh sát lại gõ cửa nhà ông Giang. Ông không mở cửa. Họ chờ trong hành lang tòa nhà chung cư của ông nửa giờ trước khi rời đi. Sự sách nhiễu khiến ông Giang vô cùng đau khổ. Tình trạng của ông nhanh chóng xấu đi, và ông qua đời 9 ngày sau, vào ngày 28 tháng 3 năm 2023. Ông hưởng thọ 60 tuổi.
Bà Chu Ngọc Hà, cư dân của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt tại nhà vào ngày 29 tháng 9 năm 2022. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe bắt buộc, bà được phát hiện mắc bệnh viêm gan B và xơ gan. Sau đó, bà được thả và bị quản thúc tại gia, và điện thoại của bà bị giám sát chặt chẽ.
Vào 3 giờ chiều ngày 7 tháng 11 năm 2022, 2 cảnh sát xuất hiện tại trung tâm mua sắm nơi bà Chu điều hành một cửa hàng, và yêu cầu bà đến viện kiểm sát để lấy lời khai. Bà Chu nói mình không có thời gian, nhưng khi cảnh sát đe dọa sử dụng vũ lực, bà đi cùng họ. Bà nhìn thấy một cảnh sát cầm tờ đơn có tiêu đề “Phán quyết vụ án hình sự” có tên của bà. Bà phải chịu áp lực rất lớn khi trở về nhà, và lo sợ bị cầm tù. Bà không thể làm việc trong 2 ngày.
Ngày 5 tháng 6 năm 2023, bà Chu chính thức bị Viện Kiểm sát quận Khoan Thành truy tố. Vào thời điểm đó, sức khỏe của bà đã suy giảm do áp lực từ việc bức hại liên tục. Bụng và phần dưới cơ thể của bà sưng tấy, và bà rơi vào trạng thái hôn mê vào ngày 7 tháng 7 năm 2023. Tuy nhiên, vài ngày sau, một nhóm người từ Tòa án quận Khoan Thành vẫn đến nhà bà và tổ chức xét xử bà ngay tại nhà. Họ đe dọa nhanh chóng hoàn tất việc truy tố bà. Bà Chu qua đời vài ngày sau đó, khi chỉ mới 54 tuổi.
Bức hại trong năm 2021
Năm 2021, 10 học viên bị tra tấn đến chết, 96 người bị kết án, 6 người bị xét xử, 14 người bị truy tố, 287 người bị bắt, 732 người bị sách nhiễu, 79 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não, và 43 người bị tống tiền với tổng số tiền là 115.160 Nhân dân tệ. ĐCSTQ cũng phát động chiến dịch “Xóa sổ” để truy lùng tất cả các học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của ĐCSTQ, bao gồm cả các học viên ở độ tuổi 90. Nếu chính quyền không thể tìm thấy các học viên, họ sẽ sách nhiễu người nhà học viên.
Bà Vương Khánh Văn từng bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù chính quyền cho phép bà thụ án ngoại giam, cảnh sát vẫn bắt giữ bà và đưa bà đến trại tạm giam thành phố Liêu Nguyên vào khoảng năm 2021. Sau đó, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm, và bà xuất hiện các triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Cuối tháng 10 năm 2021, bà được đưa đến bệnh viện cảnh sát, và qua đời ở đó vào ngày 26 tháng 10 năm 2021. Chính quyền đã hỏa táng thi thể bà vào ngày hôm sau, và gửi tro cốt của bà về quê nhà ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. Bà hưởng thọ 78 tuổi. Nhà tù từ chối cung cấp cho gia đình bà Vương bất kỳ chi tiết nào về cái chết của bà. Một số quan chức nói bà chết vì ung thư trực tràng, trong khi những người khác nói bà chết vì ung thư phổi.
Ngày 28 tháng 6 năm 2021, anh Giang Dũng, một cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt, sau đó bị kết án 8,5 năm tù ở Nhà tù Công Chủ Lĩnh với tội danh ngụy tạo “lật đổ chính quyền”. Mặc dù anh đã ở trong tình trạng nguy kịch sau khi tuyệt thực kéo dài để phản đối việc bức hại, nhà tù từ chối cho anh tại ngoại để chữa bệnh, với lý do anh không từ bỏ Pháp Luân Công. Anh qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, ngày mồng 2 Tết Cổ truyền. Lúc đó anh chỉ mới 31 tuổi.
Bức hại trong nhiệm kỳ Phó Phòng An ninh Nội địa thành phố Trường Xuân của Trương
Tháng 5 năm 2012, Trương Ngọc Long được bổ nhiệm làm phó giám đốc Công an thành phố Trường Xuân. Từ năm 2016, ông ta làm phó Phòng An ninh Nội địa. Trong những cương vị này, ông ta đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trường Xuân.
Bức hại trong năm 2020
Năm 2020, 4 học viên ở Trường Xuân bị bức hại đến chết, 14 người bị kết án, 239 người bị bắt, 316 người bị sách nhiễu và 35 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, 13 cư dân huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Ngày 26 tháng 7 năm 2021, họ bị kết án, nặng nhất là 10 năm tù, bởi Tòa án thành phố Đức Huệ. Dưới đây là bản án của họ.
Bà Trương Tú Chi, 64 tuổi, bị kết án 10 năm tù; bà Cao Hiểu Kỳ, 56 tuổi, bị kết án 9 năm tù; bà Thái Ngọc Anh, 66 tuổi, bị kết án 9 năm tù; ông Phùng Lập Tề bị kết án 9 năm tù; bà Ngô Đông Mai, 50 tuổi, bị kết án 7 năm tù; cô Vu Giao Như (con gái bà Thái), 34 tuổi, bị kết án 6 năm tù; ông Đan Vĩ Hòa bị kết án 6 năm tù; ông Lục Tường Phúc bị kết án 6 năm tù; bà Triệu Tú Lan, 67 tuổi, bị kết án 5 năm tù; bà Tôn Tú Anh, 68 tuổi, bị kết án 4 năm tù; ông Trương Cảnh Nguyên bị kết án 2 năm tù; bà Tôn Phượng Tiên (trường hợp tử vong thứ hai được đề cập ở trên), 65 tuổi, bị kết án 2 năm tù; và bà Đổng Tú Huy bị kết án 18 tháng tù.
Từng chịu đựng nhiều năm đau khổ về tinh thần và thể xác do cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Triệu Hân, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, lại bị bắt vào năm 2020, và bị kết án 1 năm tù cùng 1 năm quản chế vào ngày 18 tháng 12 năm 2020. Sau khi được thả, bà bị huyết áp cao liên tục, và bị lú lẫn khi trở về nhà. Bà cũng có máu và mủ trong phân, cũng như đau nhức toàn thân. Tháng 9 năm 2022, các nhân viên từ phòng tư pháp địa phương sách nhiễu bà Triệu, yêu cầu bà ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sự đau khổ về tinh thần và thể xác đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, và bà qua đời vào đầu tháng 12 năm 2022. Bà hưởng thọ 71 tuổi.
Bức hại trong năm 2019
Trong nửa đầu năm 2019, ít nhất 27 học viên ở Trường Xuân bị kết án hoặc xét xử, 77 người bị bắt và 21 người bị sách nhiễu. Bà Tống Chiêu Hoành và bà Trương Viện Viện đã chết vì cuộc bức hại.
Ngày 27 tháng 8 năm 2018, bà Tống Chiêu Hoành, một giáo viên về hưu, 76 tuổi, bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Du Thụ. Bà phải hầu tòa vào ngày 16 tháng 11 năm 2018. Ngày 14 tháng 1 năm 2019, khi thẩm phán luận tội bà, ông ta cố gắng gây áp lực buộc bà phải từ bỏ Pháp Luân Công, và đe dọa bà bằng sự an toàn của con gái bà và bản án 9 năm tù. Bà Tống phải chịu áp lực tinh thần rất lớn, và qua đời ngay sau khi trở lại phòng giam ngày hôm đó.
Tháng 4 năm 2019, bà Trương Viện Viện bị bắt nhiều lần, và nhà của bà bị lục soát. Vì huyết áp cao, các trung tâm giam giữ từ chối nhận bà. Tuy nhiên, cảnh sát địa phương tiếp tục sách nhiễu bà Trương, và nộp hồ sơ của bà cho viện kiểm sát. Sáng ngày 24 tháng 6 năm 2019, cảnh sát bắt giữ bà một lần nữa, và đưa bà đến viện kiểm sát địa phương. Họ đe dọa bà và ra lệnh cho bà không được rời khỏi nhà trong 15 ngày. Bà phải luôn sẵn sàng để gọi đi bất cứ lúc nào. Họ nói nếu bà không tuân thủ, bà sẽ bị bắt lại.
Ngày 1 tháng 7 năm 2019, bà Trương bị đưa đến tòa án địa phương để xét xử mà gia đình bà không hề hay biết. Bà ngã xuống đất ngay khi trở về nhà lúc 4 giờ chiều. Bà bất tỉnh và qua đời 2 ngày sau đó.
Bức hại trong năm 2018
Trong nửa đầu năm 2018, ít nhất 24 học viên ở Trường Xuân bị kết án hoặc xét xử, 126 người bị bắt và 21 người bị sách nhiễu.
Trong nửa cuối năm 2018, 35 học viên bị kết án hoặc xét xử, 15 người bị giam giữ hình sự, 139 người bị bắt và 32 người bị sách nhiễu. Tiến sỹ Trâu Hướng Dương đã chết vì cuộc bức hại.
Bức hại trong năm 2017
Trong nửa đầu năm 2017, 2 học viên ở Trường Xuân – bà Lưu Thục Nham và bà Vu Quế Hương – bị bức hại đến chết, 28 người bị kết án hoặc xét xử, 94 người bị bắt và 24 người bị sách nhiễu.
Trong nửa cuối năm 2017, ít nhất 3 học viên nữa chết vì cuộc bức hại, 32 người bị kết án hoặc xét xử, 151 người bị bắt và 230 người bị sách nhiễu.
Bức hại trong năm 2016
Năm 2016, ít nhất 4 học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân, bao gồm ông Chu Hải Sơn, ông Thịnh Quế Trân, ông Nghiêm Cảnh Hữu và ông Tôn Thế Bân, chết vì cuộc bức hại; 24 người bị kết án hoặc xét xử; 276 người bị bắt; và hơn 10 học viên bị sách nhiễu.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/27/489523.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/10/225412.html
Đăng ngày 12-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.