Bài viết của Tất Thành, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 06-01-2025]

Đọc hai bài viết, “Bài phỏng vấn đặc biệt: Sư phụ của chúng tôi” trên trang Minh Huệ và “Đôi nét về cuộc sống thường nhật và công việc của Sư phụ Lý Hồng Chí” trên thời báo Epoch Times, thật sự khiến tôi bồi hồi xúc động. Tôi nghĩ đại bộ phận đồng tu sau khi đọc cũng sẽ ngấn lệ như tôi. Sau khi đọc xong, lúc tôi nâng cuốn “Chuyển Pháp Luân” lên để học Pháp, miệng vừa đọc đến hai chữ ‘Sư phụ’ tôi liền không kìm được nước mắt. Dường như hai chữ này đã được mang một ý nghĩa mới.

Sư phụ lại một lần nữa đích thân đứng ra để làm sáng tỏ, như thể lại một lần nữa che mưa chắn gió cho những ‘việc làm chưa tốt’ của đệ tử. Chúng ta vẫn luôn nói trợ Sư chính Pháp, trợ Sư chính Pháp, nhưng sau khi đọc hai bài kinh văn mới gần đây, tôi thật sự cảm thấy hổ thẹn sâu sắc, đây sao có thể gọi là chúng ta đang trợ Sư? Đây chẳng phải là Sư phụ luôn trợ giúp chúng ta sao?

Đọc xong “Bài phỏng vấn đặc biệt: Sư phụ của chúng tôi”, ngoài cuộc sống giản dị đến khó tin của Sư phụ và việc Ngài luôn luôn làm gương cho mọi người, không nề hà vất vả tham gia vào mọi công việc trên núi, điều khiến tôi cảm động sâu sắc nhất là lời của một đồng tu đã theo Sư phụ trong suốt 20 năm về ấn tượng đối với Ngài: “Ý chí siêu phàm, cuộc sống giản dị, mục tiêu minh xác.”

“Ý chí” và “mục tiêu” khiến tôi nghĩ đến ý chí của đệ tử Đại Pháp chúng ta thể hiện ở đâu? Là trong những năm qua dưới sự dẫn dắt của Sư tôn bền bỉ không ngừng cứu độ chúng sinh? Hay là bất chấp khó khăn trong các hạng mục vẫn tiến về phía trước? Hay là khi chúng ta đối diện với việc đối xử bất công và không lý giải của thế nhân mà vẫn bảo trì tâm thái từ bi và ý chí kiên định để chính niệm đối đãi với những vấn đề xuất hiện?

Sau khi đọc bài “Đôi nét về cuộc sống thường nhật và công việc của Sư phụ Lý Hồng Chí” do Epoch Times đăng tải, tôi thấy có rất nhiều bình luận bên dưới, phần lớn có lẽ là do các đồng tu viết. Một đồng tu bình luận đại ý rằng anh biết cuộc sống của Sư phụ khi Ngài truyền Pháp trước kia rất giản dị, nghĩ rằng sau khi Ngài đến Hoa Kỳ chắc sẽ tốt hơn nhiều, nhưng anh không ngờ mọi thứ vẫn như vậy…

Tôi phát hiện bản thân cũng có suy nghĩ như thế, nhưng hướng nội tìm, tôi phát hiện ra ẩn tàng sau điều này là do bản thân thiếu khả năng kiên định ý chí, trước sau như một tiến về phía trước hướng đến một mục tiêu rõ ràng.

Theo lý giải của cá nhân tôi, ‘ý chí’ chính là năng lực bài trừ can nhiễu khi đối mặt với khó nạn, tiền đề của ý chí là có một ‘mục tiêu’ phi thường minh xác, và hơn nữa luôn kiên tín rằng ‘mục tiêu’ đó nhất định có thể đạt được. Cũng như mục tiêu ‘Chính Pháp tất thành’ mà Sư phụ đã sớm nói với chúng ta rồi, nếu chúng ta không thể kiên tín điều đó, tự nhiên sẽ không có cách nào có đủ ‘ý chí siêu phàm’ như vậy được. Khi tiếp tục hướng nội sâu hơn, tôi phát hiện ‘tín Sư tín Pháp’ của bản thân đã bị suy giảm.

Chính cách nghĩ này đã vô tình khiến tôi thừa nhận rằng mục tiêu của chúng ta có thế thay đổi tùy theo thay đổi của hoàn cảnh và thời gian. Mà bản thân nhân loại vốn là xã hội mê, theo thời gian, mọi thứ của thế gian dường như đều đang bào mòn ý chí của người tu luyện, khiến mục tiêu của chúng ta trở nên không còn rõ ràng nữa. Cho nên mới xuất hiện những gì như giải đãi trong khi cứu người, an dật trong tu luyện, không nghiêm cẩn trong các hạng mục v.v.. những điều này có thể đều là nhân tố cấu thành Pháp nạn lần này.

Sư phụ đã lại lần nữa dùng hành động thực tế để nói cho chúng ta: Một vị Thần sẽ không bao giờ thay đổi thệ ước mà mình đã lập ra, chỉ có luôn luôn ghi nhớ thệ ước của bản thân, thực hiện sứ mệnh của mình mới có thể có được ‘ý chí siêu phàm’ đó. Nếu không, một người bình thường nhất định sẽ theo sự thay đổi của thời gian và hoàn cảnh mà bị đủ loại nhân tố của thế tục can nhiễu không ngừng, dần dần quên đi mục tiêu ban đầu của bản thân. Sư phụ không có chút thay đổi nào theo thời gian, Sư phụ không thay đổi, Đại Pháp không thay đổi, chỉ có chúng ta đã theo thời gian trôi qua mà dần phóng túng tu luyện của bản thân.

Các đồng tu, trước Pháp nạn, chúng ta có còn nhớ đến “mục tiêu” ban đầu không? Có còn nhớ lúc đầu chúng ta bước vào Đại Pháp như thế nào? Hồi đó Sư phụ đã giúp chúng ta trừ bệnh khỏe người, biến nguy thành an ra sao? Khi sinh mệnh của chúng ta không còn hy vọng, Đại Pháp thức tỉnh chúng ta như thế nào?

Tại đây, tôi kêu gọi các đồng tu hãy nhấc bút Thần lên, đem những trải nghiệm kia viết ra một lần nữa. Một mặt là để cho thế nhân thấy chúng ta rốt cuộc là một đoàn thể như thế nào? Vì sao có hàng trăm triệu người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp? Vì sao chúng ta có thể xả tận tất cả để theo Sư phụ đến bây giờ? Bản thân những câu chuyện sống động đó chính là vũ khí sắc bén để vạch trần những lời bịa đặt và phỉ báng của tà ác. Mặt khác, cũng có thể thúc đẩy chúng ta tìm lại trạng thái ‘tu luyện như thuở đầu’, chỉ khi triển hiện ra phong thái thuần tịnh nhất của người tu luyện, chúng ta mới có thể có được ‘ý chí siêu phàm’ đó, mới có thể không ngừng tiến về phía trước theo Sư phụ.

Chúng ta có thể in hai bài viết này ra và gửi đến những đồng tu đã bị rơi rớt lại phía sau, giúp họ nhớ lại năm đó Sư phụ đã dẫn dắt chúng ta bước trên con đường đại đạo phản bổn quy chân như thế nào? Giúp chúng ta thoát khỏi biển khổ ra sao? Thức tỉnh chính niệm của đồng tu, giúp họ nhanh chóng quay trở lại Đại Pháp.

Theo tôi thấy, bài viết ‘Bài phỏng vấn đặc biệt: Sư phụ của chúng tôi’ chính là Sư phụ tại tình huống Pháp nạn trước mắt đã một lần nữa giảng Pháp cho chúng ta, bởi vì mỗi lời Sư phụ giảng đều là triển hiện của Pháp. Chúng ta cần trân quý cơ hội quý giá này, đồng thời cứu thêm nhiều chúng sinh, tìm thêm nhiều đồng tu năm xưa. Nói cho cùng, chúng ta có Sư phụ vĩ đại như vậy, còn điều gì có thể cản trở chúng ta hướng đến thệ ước đương sơ của mình, không ngừng tiến về phía trước hướng đến ‘mục tiêu’ của chúng ta?

Tầng thứ có hạn, có điều gì chưa phù hợp, xin các đồng tu chỉ chính!

Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/6/488016.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/12/223590.html

Đăng ngày 26-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share