Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-11-2024]
Họ và tên: Tôn Nhuận Đào
Giới tính: Nữ
Tuổi: 64
Thành phố: Trương Gia Khẩu
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Làm nông
Ngày qua đời: Tháng 11 năm 2024
Ngày bị bắt giữ gần nhất: Ngày 17 tháng 8 năm 2019
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù nữ tỉnh Hà Bắc
Thể trạng bà Tôn Nhuận Tào vô cùng gầy gò ốm yếu khi ra tù vào tháng 7 năm 2023 sau thời gian thụ một án tù phi pháp 4 năm chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà kể cho gia đình biết, khi ở trong tù, bà bị ép dùng một loại thuốc sền sệt khiến bà sau đó không thể ăn được nhiều. Tháng 11 năm 2024, bà qua đời ở tuổi 64.
Ngày 17 tháng 8 năm 2019, bà Tôn ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, bị bắt giữ sau khi bị tố giác vì giảng chân tướng cho người dân về Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, bà bị giam giữ hình sự và bị đưa vào Trại tạm giam thành phố Trương Gia Khẩu.
Tòa án huyện Trương Bắc tổ chức phiên xét xử trực tuyến bà vào ngày 15 tháng 9 năm 2020 và kết án bà 4 năm tù cùng 20.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 3 tháng 12 cùng năm. Bà kháng cáo tới Tòa án Trung cấp thành phố Trương Gia Khẩu, thế nhưng tòa án này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu mà không hề tổ chức phiên xét xử. Tháng 5 năm 2021, bà bị chuyển vào Khu 14 của Nhà tù nữ tỉnh Hà Bắc.
Cả Khu 13 và Khu 14 của nhà tù này đều là nơi giam giữ các tù nhân mới, ở đây, các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn tàn bạo nhất. Trong Khu 14, cũng được gọi là khu “chuyển hóa”, các học viên bị tra tấn và tẩy não tàn độc. Sau khi học viên nào bị ép từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện, họ vẫn phải tiếp tục “học tập” trong một khoảng thời gian nhất định trước khi được chuyển sang những khu giam giữ thông thường, ở những nơi đó họ bị ép buộc lao động không công. Còn những học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công thì sẽ tiếp tục bị tra tấn và tẩy não.
Chưa rõ chi tiết những phương thức tra tấn mà bà Tôn phải chịu trong tù.
Bức hại trong quá khứ
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, cảnh sát liên tục sách nhiễu bà Tôn tại nhà, bất kể là ban ngày hay ban đêm, trời mưa hay tuyết rơi. Những người tham gia sách nhiễu bà Tôn gồm có Cảnh sát trưởng Dương Chí Vinh và Nghiêm Hữu Minh, Thủ trưởng lực lượng vũ trang địa phương Ngô Lượng, các nhân viên phòng 610 là Lý Chiêm Vinh và Dương Chiêm Lâm, Bí thư thị trấn là Trần Thanh Sơn và Chủ tịch thị trấn là Lưu Kiến Quân. Họ thường xuyên đột kích vào nhà bà, tìm kiếm các kinh sách Pháp Luân Công và các tài liệu thông tin chân tướng. Họ cũng đe dọa bà cùng gia đình, cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công và ngăn bà ra khỏi thị trấn.
Trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 20 tháng 7 năm 2000, cảnh sát và Phòng 610 đã bố trí người tới sống tại nhà bà để giám sát bà. Khi vợ chồng bà ra đồng làm việc, họ lục soát nhà bà.
Ngày 29 tháng 9 năm 2002, trong khi chồng bà Tôn, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đang giúp một người bạn thu hoạch khoai tây thì Cục phó Cục công an huyện là Điền Thanh cùng Mạnh Hiến, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa tới bắt giữ ông. Họ đưa ông vào trại tạm giam huyện và đột kích nhà ông, tịch thu một chiếc tivi mới và một đầu đĩa VCD mới, trong khi trước đó không lâu, họ đã lấy đi từ nhà ông một đầu đĩa VCD cũ.
Ba ngày sau, hai bí thư thôn là Lý Sâm Lâm và La Vĩnh cùng Thủ trưởng lực lượng vũ trang địa phương Ngô Lượng, đã tổ chức một khóa tẩy não bà Tôn và một số học viên khác, khóa tẩy não này kéo dài 28 ngày.
Sau 15 tháng giam giữ, chồng bà Tôn bị kết án 3 năm tù. Ông bị đưa vào Trại tạm giam Thập Tam Lý. Khi bên ngoài trời đang lạnh cóng, lính canh trại giam cởi quần áo ông ra và đổ 80 xô nước lạnh lên người ông. Họ tra tấn ông như vậy vài ngày một lần. Hàng ngày ông cũng bị đánh đập và bị bắt lao động không công. Ông cũng không được phép ngủ nếu chưa hoàn thành chỉ tiêu công việc. Có lần, lính canh còn giam ông chung phòng với các tử tù, ông bị các tử tù dùng còng tay và xiềng chân đánh đập. Sau khoảng sáu tuần, ông bị chuyển vào Nhà tù Ký Đông, ở đây, tám tù nhân giám sát ông cả ngày lẫn đêm.
Ngày 22 tháng 11 năm 2004, bà Tôn tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt tại quảng trường Thiên An môn, bị áp giải về nhà và phải thụ án phi pháp 1 năm trong Trại lao động cưỡng bức Cao Dương. Trong trại lao động này, bà bị ép làm đủ mọi loại công việc, trong đó có cắt cỏ, nuôi lợn và đóng sách. Thỉnh thoảng, bà phải làm việc ngoài đồng trong mùa hè dưới nhiệt độ cao. Các lính canh cũng tùy tiện lệnh cho bà và các nữ học viên khác cởi quần áo để lục soát người. Nếu không tuân theo lệnh, họ sẽ bị đánh đập, bị sốc điện bằng dùi cui điện, hay bị bắt đứng hoặc ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ mà không được cử động.
Khi bà Tôn được trả tự do vào ngày 5 tháng 10 năm 2005, nhà bà tan hoang do không có người trông nom bảo trì và cuộc sống khó khăn tới mức thậm chí không có tiền mua nhu yếu phẩm hàng ngày.
Ngày 25 tháng 7 năm 2008, bà Tôn lại bị bắt trong khi đang nấu ăn tại nhà. Bà bị giam giữ trong Trung tâm tẩy não thị trấn Tiểu Hà Tử hai tháng.
Tin tức liên quan:
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/30/485592.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/7/221976.html
Đăng ngày 14-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.