Bài chia sẻ tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiêm tu luyện khu vực San Francisco năm 2011
[MINH HUỆ 19-10-2011]
Kính chào Sư Phụ tôn kính!
Chào các bạn đồng tu!
Khi báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Hán được thành lập vào năm 2001, tôi từng bước tham dự vào công tác phân phát báo. Ở Sancramento không có nhiều học viên lắm, nên việc phân phát báo đã trở thành một phương tiện chủ yếu để chứng thực Pháp và giảng chân tướng trong khu vực. Suốt mười năm làm công tác phát báo xem ra là một công việc đơn giản, nhưng nó đã trở thành một phần trong quá trình tu luyện của tôi cũng như làm ba việc. Nhờ Sư Phụ từ bi bảo hộ và gia trì, cùng với sự hi sinh và hỗ trợ quên mình của các đồng tu, tôi đã kiên định đi tiếp đến ngày hôm nay. Khi còn là một người thường, tôi nhớ rằng lòng hăng hái với một công việc chỉ kéo dài được 5 phút trước khi tôi trở nên chán nản. Bất cứ khi nào nghĩ đến con đường tôi đã trải qua, trái tim tôi lại tràn đầy lòng biết ơn. Hôm nay tôi muốn chia sẻ một số thể ngộ của tôi với các bạn, xin hãy từ bi chỉ ra những điều không phù hợp.
1. Đột phá
Ban đầu tôi phải lái xe mất 2 giờ đến vùng Bay Area để lấy báo mỗi tuần một lần. Vào tối những hôm đó, tôi nhân cơ hội tham dự vào nhóm học Pháp lớn, nên thường khi về nhà đã 2 giờ sáng. Thời gian đầu kĩ năng lái xe và đọc bản đồ của tôi không tốt lắm, nên tôi sợ lái xe vào buổi tối vì có thể sẽ bị lạc. Vì thế việc tự đi lấy báo thật là một thử thách đối với tôi. Lúc đó tôi còn chưa có điện thoại di động hay GPS. Tôi không tìm được ai làm cùng nên tôi phải đột phá các chấp trước vào sự sợ hãi và lo lắng để có thể gánh vác trách nhiệm. Tôi nhớ lần đầu đến lấy báo, tôi đã thật sự bị lạc trên đường trở về. Đến khi nhận ra mình đã đi sai đường, tôi rẽ vào một lối khác để ra khỏi đó nhưng lại lạc vào một khu vực không an toàn. Đó là một đêm mùa đông, trời giá rét và đường phố vắng tanh không một bóng người ngoại trừ hai người say rượu đang đi bộ. Tôi không dám dừng lại để hỏi đường dù tôi không biết mình đang ở đâu. Tôi không muốn lái quá xa khỏi đường cao tốc vì sợ rằng mình có thể không tìm được đường quay lại. Lúc đó chỉ có tôi và con gái 2 tuổi đang ngủ trong xe… Khi nghĩ lại thì đó quả là một chuyến phiêu lưu hài hước, nhưng lúc đó tôi đã thực sự lo sợ. Từ sau sự cố đó tôi đã khắc phục được việc sợ lái xe, và cảm nhận được sự hân hoan khi có thể đột phá trong tu luyện.
2. Diệt trừ tà ác
Những ngày đầu, chúng tôi thấy một vài tờ báo thường bị đánh cắp, các hòm báo cũng thường xuyên bị đánh cắp hoặc bị phá hoại. Hầu hết những nơi phát báo đều ở khu trung tâm, rất xa so với nhà tôi, và thật khó khăn để ngăn chặn việc bị mất cắp. Nhiều lần sau khi bỏ các tờ báo xong, tôi giả trang một người khách ngồi gần đó hoặc ngồi trong xe để quan sát, và quả nhiên bắt gặp những kẻ trộm. Chúng tôi bắt đầu xem trọng vấn đề này và phát chính niệm; mỗi lần đến điểm phân phát báo, tôi thanh lý môi trường bằng cách phát chính niệm, xin Sư Phụ và các sinh mệnh chính diện từ không gian khác đóng vai trò bảo vệ.
Một buổi sáng mưa gió, tôi chở đầy báo trong một chiếc xe hàng đầy báo được phủ áo choàng lên rồi đi vào một siêu thị có nhiều người Trung Quốc, nhưng khi đi đến cửa, tôi không thấy hòm báo đâu. Tôi nhìn quanh và vẫn không tìm được chiếc hòm. Nhìn những tờ báo trong xe đẩy sắp bị ướt và nhìn thái độ lãnh đạm của những người đi qua, tôi thầm kêu: “Sư Phụ, con phải làm gì bây giờ? Ở đây có thật nhiều người Trung Quốc, nhưng họ không nhận được báo Đại Kỷ Nguyên.” Đột nhiên tôi cảm thấy có ai đó đang cười tôi sau lưng. Tôi đoán rằng những người nhân viên ở đây đã lấy chiếc hòm. Một niệm nảy ra trong đầu tôi rằng chiếc hòm đó đang ở gần đây, và theo bản năng tôi đi đến kho hàng đằng sau siêu thị. Chiếc hòm báo Đại Kỷ Nguyên hiện ra trên đỉnh một chiếc cọc cũ, bên cạnh có một chiếc hộp nhỏ dành cho những tờ báo khác. Tôi lau chùi hòm báo Đại Kỷ Nguyên và đặt nó lại chỗ thật sự dành cho nó. Ngay sau khi tôi chất báo vào, rất nhiều người vui vẻ đến lấy các bản sao. Lúc này mưa cũng ngừng rơi và bầu trời sáng lạn. Tôi biết rằng Sư Phụ đã giúp tôi thanh lý các tà ác ở không gian khác bởi vì tôi đã không quay mặt với khổ nạn. Thay vào đó, là một học viên, tôi đã thể hiện được mặt từ bi của mình và có chính niệm.
Chiếc hòm đó lại biến mất lần nữa. Lần này tôi thấy nó kẹt giữa một bức tường và một thùng rác lớn. Tôi cố hết sức để kéo nó ra, một nhân viên bảo vệ trẻ người phương Tây đến giúp tôi nhưng vẫn không lấy được. Cậu ta nói khoảng 2 ngày nữa tôi có thể lấy nó vì xe nhặt rác sẽ đến nhấc chiếc thùng rác lên. Tôi không muốn bỏ đi như vậy cũng như không muốn để mọi người thấy hòm báo Đại Kỷ Nguyên bị kẹt trong một thùng rác bẩn thỉu. Với quyết tâm mạnh mẽ, tôi tiến lại gần và đẩy cái hòm bằng hai tay, và thật ngạc nhiên – tôi đã lấy được nó ra. Người bảo vệ há hốc miệng vì không thể tin nổi; còn tôi thì biết rằng Sư Phụ đã giúp tôi.
Suốt những năm qua, chỉ có hòm và giá của báo Đại Kỷ Nguyên là được đặt ở cổng trước và sau của khu siêu thị đông đúc này. Thực ra chiếc hòm làm từ một loại nhựa rất nhẹ, bất cứ ai cũng có thể nhấc bổng nó bằng một tay. Nó được đặt ngay phía ngoài siêu thị, nhưng không còn ai động đến nó nữa, thậm chí sau khi tất cả số báo đã được lấy đi. Mỗi khi nhìn thấy nó, tôi nghĩ nó đã phải trải qua nhiều khổ nạn tương tự như một học viên, và tôi phải trân trọng nó. Tôi nghĩ rằng nó hẳn đã đạt đến cảnh giới của một La Hán, hoặc ở không gian khác nó là một sinh mệnh thần thánh đang hộ Pháp.
3. Giảng chân tướng
Sư Phụ giảng,
“Hễ khi nào xuất hiện vấn đề ở đâu, thì chính là cần chư vị đến giảng chân tượng. Chư vị không được tránh né nó, cũng không phải e sợ nó có biểu hiện tà ác đến mấy.” (“Giảng Pháp và giải Pháp tại Pháp hội ở trung tâm thành thị New York”)
Mỗi khi đi phân phát báo, tôi cố tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi để giảng chân tướng cho những người tôi tiếp cận. Khi có ai đó đến lấy báo, tôi hỏi tại sao họ lại thích nó. Thông thường chỉ cần đi thoáng qua là tôi có thể nhận ra ai là người Trung Quốc đại lục, và tôi sẽ hỏi xem họ đã nghe về “Tam thoái” được nhắc đến trong báo hay chưa, và khuyên nhủ họ thoái khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và hai tổ chức của nó – Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền Phong. Tôi chào hỏi thân thiện với những người bán hàng và nhân viên tháo dỡ hàng, đồng thời giảng chân tướng cho họ. Ban đầu họ xúm lại và công kích tôi, còn bây giờ họ đang dần dần có những niệm đầu chân chính hơn. Một số người bán hàng ở cổng siêu thị còn tình nguyện trông coi hòm báo cho chúng tôi. Chẳng hạn như có một phụ nữ người Việt Nam nói với tôi rằng có người cố tình lấy nhiều báo hơn cần thiết và cô ấy đã ngăn anh ta lại. Cô ấy hướng về các tượng Phật và Bồ Tát được bày bán cạnh quầy của cô để cảnh báo những người lấy trộm báo rằng họ có thể phạm tội với Phật và gặp xui xẻo. Tôi từng tặng cho cô gái này những tấm lịch Thần Vận và nói với cô rằng nếu trân trọng báo của chúng tôi, cô sẽ tích đức và được Thần Phật bảo hộ, cô ấy đã gật đầu tán thành. Ở vài nơi mà báo thường xuyên bị đánh cắp, tôi đều đến trực tiếp để nói chuyện với người quản lý hoặc người chủ và giảng chân tướng cho họ. Cùng với sự biến đổi của thiên tượng và chất lượng báo được cải thiện mỗi ngày, ngày càng có ít tình trạng báo bị đánh cắp.
Sau khi hiểu được chân tướng, những người bảo vệ và cảnh sát tuần tra tại các trung tâm buôn bán cũng giúp chúng tôi bảo vệ các tờ báo. Những ngày cuối tuần và những giờ cao điểm trong bữa tối thường rất khó để tìm chỗ đỗ xe. Một lần, có một học viên nhận vé phạt vì đỗ xe trong thời gian ngắn ở trên lề siêu thị. Tôi đến để nói với người cảnh sát đã đưa ra vé phạt và nói với anh ta sự thật về Đại Pháp, về ĐCSTQ đã khủng bố người Trung Quốc như thế nào và vì sao chúng tôi tình nguyện phát báo. Cuối cùng anh ta nói: “Được rồi, tôi sẽ cho bạn đỗ xe trước siêu thị khi bạn đi bỏ báo, nhưng bạn phải thật nhanh lên.” Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì không còn phải tìm chỗ đỗ xe nữa.
Tại một khu dưỡng lão ở Sacramento, mỗi sáng cuối tuần có một nhóm người cao tuổi tập trung ngoài trời để tập thể dục hoặc tán chuyện cùng nhau. Một hôm tôi đến đó để bỏ báo. Mọi người đến lấy báo và một người già có dáng dấp của một quan chức chính phủ Trung Quốc đại lục bất ngờ quát lớn: “Tại sao mọi người lại đọc báo của Pháp Luân Công. Pháp Luân Công là…” Tôi tiến đến và giảng chân tướng cho ông ta đồng thời phát chính niệm. Một lát sau, con trai ông ta đến đón. Sau đó tôi nói chuyện với người con trai và khuyên anh ta giúp bố mình hiểu được sự thật đúng đắn về Pháp Luân Công, điều mà bị ngăn cấm ở Trung Quốc. Từ đó bất cứ khi nào tôi đến bỏ báo, ông ta vui vẻ nói với những người khác “Báo mới đến rồi đây, báo mới đến rồi đây.” Ông ta vui vẻ nhận một bản cho mình và cảm ơn tôi. Tôi còn mang một số báo Đại Kỷ Nguyên bản tiếng Anh cho người gác cổng. Một lần tôi thấy hai người bảo vệ đang tìm cách gom những tờ báo tiếng Trung bị vo lại trong thùng rác. Tôi lập tức ra khỏi xe và hỏi xem báo của chúng tôi có bị vứt vào đó không. Họ đã không tìm thấy, người bảo vệ sau đó nói: “Không ai vứt báo của cô đi; thậm chí họ còn mang về nhà sau khi đã đọc chúng.”
Vào một dịp khác, có khoảng 4-5 người đứng ngoài siêu thị nói chuyện; tôi đi đến để đưa báo cho họ sau khi đã chất đầy báo vào hòm, rồi tôi bắt đầu nói với họ tờ báo này tốt ra sao. Một người đã không tán thành lắm nhưng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với anh ta. Sau khi tất cả rời đi, người đi cuối đoàn hỏi tôi rằng có biết mình đang nói chuyện với ai không. Tôi nói rằng mình không biết gì cả. Anh ta nói với tôi rằng người kia là chủ siêu thị. Tôi hiểu từ việc này rằng nếu chúng ta có tâm muốn giảng chân tướng, Sư Phụ sẽ sắp xếp những người có tiền duyên đến gặp chúng ta.
4. Thế nhân minh bạch chân tướng
Người chủ siêu thị vừa được đề cập đã đưa hơn chục thành viên trong gia đình và bạn bè đến xem Thần Vận khi anh ta minh bạch ra chân tướng. Đặc biệt, họ không cho dán các loại áp phích lên cửa sổ siêu thị, nhưng áp phích Thần Vận và Sê-ri Cửu Bình của Truyền hình Tân Đường Nhân luôn xuất hiện trên cửa sổ. Ở một siêu thị khác, có một công nhân phụ trách việc lau cửa sổ và gom các xe đẩy hàng. Anh ta lấy xuống tất cả những gì tôi đặt lên chỉ sau đôi ba ngày, nên tôi cố gắng nói chuyện với anh ta mỗi khi tôi đến bỏ báo. Đến khi quảng bá Thần Vận, anh ta nói với tôi rằng từ giờ không được dán gì lên nữa. Tôi cười và nói: “Bạn đã biết chân tướng, bạn phải cho phép các áp phích của Thần Vận đi chứ.” Anh ta ngập ngừng và nói: “Thôi được tôi sẽ cho cô một tuần.” Tôi đáp lại: “Đến khi các buổi diễn Thần Vận kết thúc!” Tôi đã quá tự tin khi nói điều đó và nghĩ rằng một tuần vẫn là quá tốt so với không gì hết, nhưng ngạc nhiên là anh ta đã phẩy tay và nói: “Thôi được rồi.” Tôi muốn cảm ơn anh ta, nhưng anh ta bỏ đi và đang tự nói to với mình: “Tôi đang quảng bá cho Đại Pháp, tôi đang tích đức.” Tôi đã rất ngạc nhiên vì anh ta có thể đổi ý nhanh đến vậy. Tôi hiểu rằng Sư Phụ đang nhắc nhở tôi từ những lời của người này, rằng chúng ta đang làm điều chân chính nhất, chúng ta phải thực hiện với một thái độ đường hoàng và bằng chính niệm. Sau đó áp phích Thần Vận quả nhiên được treo đến tận khi các buổi diễn kết thúc. Tôi nhận ra rằng người thường cũng có thể đạt được chính niệm nhờ vào các học viên mà có thể giúp gợi chính niệm của họ lên. Thuận theo thiên tượng, việc chúng ta cứu độ chúng sinh còn giúp họ đặt định một nền tảng tốt đẹp cho tương lai của họ.
Sư Phụ giảng rằng:
“…những sinh mệnh đã biết rõ sự thật, đều là môi trường truyền [tin], họ cũng đang giảng chân tượng.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội miền trung Mỹ quốc năm 2003”)
Một lần, tôi đặt báo Đại Kỷ Nguyên cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Trung vào thư viện của một trường đại học danh tiếng. Sau đó người điều hành thư viện liên lạc với tôi và nói rằng anh ta thường lấy báo của chúng tôi ở một nơi cố định và rất thích chúng; anh ta muốn tôi cho phép để báo ở khu lưu trữ của thư viện cũng như trong phòng đọc để mọi người cùng được đọc báo. Đương nhiên đây là điều chúng tôi mong muốn. Hiện giờ mỗi tuần tôi đều gửi một bản sao của Đại Kỷ Nguyên bản tiếng Trung và tiếng Anh cho thư viện này. Người điều hành thư viện gửi một lá thư cảm ơn tới chúng tôi. Một lần, tôi va vào một học sinh đến từ Trung Quốc đại lục, và cậu ta nói rằng thường xuyên đọc báo của chúng tôi trên thư viện. Chúng tôi còn có một hòm báo Đại Kỷ Nguyên ở một nơi khác trong thư viện. Một ngày nọ, có một tờ giấy ghi chú dán lên hòm báo, hỏi rằng liệu chúng tôi có thể mang cho họ nhiều báo Đại Kỷ Nguyên hơn không. Sau khi tăng cường số lượng báo cho nơi đó, chúng tôi thấy những tờ ghi chú mới trên hòm báo viết rằng “Cám ơn các bạn nhiều.” Thay mặt cho các độc giả, hôm nay tôi muốn cảm ơn các đồng tu vì đã làm việc không mệt mỏi cho tờ Đại Kỷ Nguyên, và cảm ơn sự hi sinh của họ để có thể làm ra một tờ báo chất lượng cao như vậy dưới một hoàn cảnh thật khắc nghiệt.
5. Cật khổ
Phải lái xe nhiều giờ trên đường khiến tôi cảm thấy kiệt sức. Mặc dù tôi có thể nghe Pháp nhưng rất khó tập trung, và tôi phải dùng ý chí để trấn áp cơn mệt mỏi. Tôi thường về nhà lúc 2 giờ sáng sau khi lấy báo, rồi lại phải rời nhà lúc 7 giờ để làm công tác phân phát trước khi đến điểm luyện công lúc 9 giờ sáng. Có một thời gian, vài học viên đã rời khỏi khu vực Sacramento, nên ngay sau đó gần như chỉ có mình tôi lo công tác phân phát báo. Để ngăn chặn việc trộm báo, tôi phải đi lòng vòng quanh điểm phân phát nhiều lần để bỏ từng ít một. Sau đó có thêm một học viên khác tham gia nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian để hoàn thành việc phát báo.
Để tham gia vào nhóm học Pháp lớn và cũng để dành thêm thời gian cho gia đình vào cuối tuần, tôi thường ở nhà của một học viên ở khu Bay Area vào đêm trước, sau đó lấy báo từ sáng sớm hôm sau hoặc về nhà lúc 5 giờ sáng để đến cửa hàng in ấn, rồi quay lại nhà khoảng 10 giờ 30 sau khi bỏ báo ở một vài điểm, tôi tranh thủ mang bữa sáng về cho gia đình. Sau bữa sáng, tôi đến chợ để mua tạp phẩm cùng bố mẹ tôi hoặc ra ngoài chơi cùng gia đình. Sau bữa tối, tôi đóng gói một số tập báo và đến bưu điện để gửi chúng cho học viên ở các khu vực khác. Buổi tối, sau khi cho bọn trẻ đi ngủ, tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và làm các việc vặt khác đến gần nửa đêm. Mẹ tôi nghĩ tôi là một nữ siêu nhân vì thấy tôi làm quần quật cả ngày mà không mệt. Người chủ hiệu in ấn thấy tôi lấy báo đều đặn 3-4 tuần một lần, kể cả vào những ngày lễ. Anh ta đã xúc động và nói rằng anh ta khâm phục sự hi sinh của các học viên. Tôi mời anh ta xem Thần Vận và anh ta nói đã xem 2 lần rồi. Có đôi lúc tôi không đến đúng giờ và anh ta bảo nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi xem tôi có ổn không. Đêm trước khi bố tôi quay lại Trung Quốc sau chuyến thăm chúng tôi, ông nói rằng mẹ tôi và ông đã ở với chúng tôi 10 tháng nhưng không một cuối tuần nào gặp tôi ở nhà cả ngày. Bố tôi phẩy tay và ngăn tôi giải thích. Ông thở dài, nói: “Bố mẹ không muốn trách mắng con, bố mẹ đã già rồi, và không muốn đi đâu nữa cả.” Ông sau đó tự nói với mình: “Học viên Pháp Luân Công các con thực sự đã hi sinh cuộc đời mình.” Kỳ thực, tôi hiểu rõ rằng sự hi sinh của chúng ta không là gì so với những học viên ở Trung Quốc lục địa. Họ phải đối mặt với khảo nghiệm sinh tử mỗi thời khắc, và họ thực sự dùng cuộc đời của mình để cứu những người khác.
6. Loại bỏ danh lợi cá nhân
Công việc phân phát báo khá đơn giản vì không yêu cầu phải có kỹ năng đặc biệt nào ngoài việc biết lái xe. Sau khi làm công việc phân phát báo năm này qua năm khác, đôi khi tôi cảm thấy như bị rớt lại. Đặc biệt khi tôi bắt gặp những người học viên khác đang tập trung làm một dự án nào đó mà có thể giúp họ phát triển các kĩ năng chuyên môn nhất định và trở nên chuyên nghiệp trong một số lĩnh vực. Nhìn lại bản thân ở một khía cạnh khác, tôi đang già đi, và cả cái xe cũng thế. Tôi cảm thấy như mình chưa đạt được gì ngoài khả năng lái xe được cải thiện. Đôi khi các học viên tổ chức các khóa huấn luyện, tôi không thể tham dự hoặc chỉ tham dự được một lát trước khi đi bỏ báo để không bị lỡ giờ độc giả đến lấy báo. Có những lúc tôi trở nên hơi chững lại, cảm thấy rằng việc phân phát báo là một công việc tầm thường, những lúc đó tôi không thấy sự thần thánh và khẩn trương của việc cứu độ chúng sinh. Thỉnh thoảng các tờ báo nằm trên giá rất lâu mà không có ai lấy. Đôi khi tôi nghĩ rằng có thể là do việc trình bày diện mạo tờ báo không được thu hút cho lắm. Liệu mọi người còn muốn đọc chúng nữa không? Tôi còn bắt đầu phàn nàn về các học viên mà lâu lâu mới hỗ trợ vài lần mà không sẵn lòng gánh vác trọng trách lâu dài. Tôi còn có gia đình, đôi khi con gái tôi thấy tôi, nó ngẫu nhiên gọi ‘Ba ơi’, vì nó đã quen dành phần lớn thời gian với bố.
Trong một sự kiện, với cương vị là một phóng viên, tôi đến phỏng vấn một giáo sư. Ngay ngày hôm sau, khi đến thư viện bỏ báo, tôi chạm trán với ông ấy. Ông đã nhìn tôi rất ngạc nhiên và nói: “Sao bạn lại làm việc này?” Một lần, một đồng nghiệp của tôi bắt gặp tôi đang phát báo trong một ngày nóng bức, mồ hôi của tôi tuôn lã chã. Cô ấy đã không dám nhận tôi vì ngượng. Hôm sau cô ấy đến buồng làm việc của tôi và nói: “Sao bạn có thể làm công việc như thế? Chỉ có đàn ông mới làm được công việc ấy.” Tôi còn bắt gặp người quen rất nhiều lần khác. Tôi có thể thấy tâm chấp trước vào danh của mình đang nổi lên mạnh mẽ. Tôi chăm chỉ học Pháp nhưng vẫn không thể bài trừ nó tận gốc. Có một lần, chồng tôi cương quyết đòi chuyển đến khu vực khác và tìm việc mới. Tôi đã bị hấp dẫn bởi vì tôi cũng không muốn sống ở một nơi quá lâu. Cuối cùng, ý thức về trách nhiệm và thệ nguyện của một học viên đã khiến tôi thay đổi ý định. Nhưng việc tu luyện quả thật rất khó khăn. Có lần khi đang đọc ‘Bài giảng thứ tư’ trong sách Chuyển Pháp Luân, một câu trong đó nhắc đến sự chuyển hóa nghiệp lực đã khiến tôi minh bạch.
Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:
“Có thể tu được không hoàn toàn [dựa] xem chư vị có thể nhẫn chịu không, có thể phó xuất không, có thể chịu khổ không. Nếu dốc lòng quyết tâm, khó khăn nào cũng không ngăn được, [thì] tôi nói rằng, [nó sẽ] không thành vấn đề.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi tự kiểm điểm lại bản thân và nhận ra rằng mỗi khi tôi không thể vứt bỏ các tâm chấp trước thì đó là bởi vì tôi không chịu phó xuất, hay không cố gắng chịu đựng thêm một chút khổ nạn. Tu luyện là vấn đề cá nhân. Tôi không thể phàn nàn bởi vì tự tôi đã lựa chọn và quyết tâm đi trên con đường tu luyện. Bên cạnh đó, các học viên khác đã cố gắng hết sức để giúp tôi. Ngày trước, tôi chỉ đi bỏ báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh ở tòa nhà Quốc Hội một tuần một lần, còn giờ có một học viên khác tình nguyện giúp tôi phân phát báo đến từng văn phòng chính phủ.
Thực tế là một chút nỗ lực đi bỏ báo của tôi trong những năm qua không thể sánh với những lợi ích mà tôi đã đạt được nhờ tu luyện Đại Pháp. Tôi có thể cảm nhận thấy Sư Phụ luôn từ bi và khuyến khích tôi suốt những năm qua.
Sư Phụ giảng trong ‘Bài giảng thứ Sáu’ sách Chuyển Pháp Luân rằng:
“Chỉ cần chư vị coi bản thân mình là người luyện công, thì đúng thời điểm ấy chư vị sẽ nghĩ ra được, [nên] chư vị có thể ước chế bản thân mình, cái quan này chư vị có thể vượt qua được.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã thật sự lĩnh hội được pháp lực trong lời giảng này của Sư Phụ. Một lần, khi đang đi bộ và bê hai tập báo, tôi đột ngột lùi lại mà quên mất rằng mình đang đứng trên cầu thang, tôi tóm lấy thành cầu thang. Tôi bị ngã sấp xuống nền. Lúc đó tôi tự nhủ: “Điều này chẳng hay chút nào!” Tôi ngã xuống một nền xi măng. Một suy nghĩ thoáng qua rằng tôi nên nằm im không nhúc nhích. Ngay lúc đó, một chiếc ô tô lao tới. Ngay lập tức tôi tỉnh táo lại và nghĩ: “Thật không đúng nếu một học viên lại nằm như thế này.” Tôi bật dậy, nhìn xung quanh và cực kỳ ngạc nhiên vì không thấy đau đớn chút nào. Lòng bàn tay tôi bị trầy da và tôi nhìn thấy máu đang chảy ra. Tôi nói với lòng bàn tay mình, giờ bạn không thể làm đau tôi được, tôi còn phải bê số báo này. Rồi một điều thần kỳ đã xảy ra, tôi tiếp tục bê báo và mang chúng đi; sau đó tôi nhìn lại tay mình: nó đã trở lại bình thường.
7. Phật ân hạo đãng
Nói đến điều thần kì, tôi nghĩ rằng không thể không nhắc đến lòng từ bi của Sư Phụ. Một lần, để kịp tham dự Pháp hội, tôi vội vã rời nhà vào nửa đêm để bắt chuyến bay lúc 6 giờ sáng, nghĩa là tôi phải đến sân bay từ lúc 4 giờ. Thật không may, đường cao tốc tôi quen đi hôm đó đang thi công, còn biển chỉ đường thì không rõ ràng. Hình như tôi đã lái xe vào một đường núi vì nó tối om, và sau đó đến một thị trấn nhỏ có chút ánh đèn nhưng không thấy một bóng người nào cả. Bằng trực giác, tôi lại tìm thấy lối ra đường cao tốc sau khi đi qua vài đoạn giao cắt, cuối cùng tôi vẫn kịp đến sân bay mặc dù phải đi đường vòng.
Còn một lần khác, khi đang lái xe ban đêm, tôi cảm thấy đèn pha phía trước tối sầm lại. May là lúc đó không có nhiều xe trên đường cao tốc lắm, và tôi chậm rãi lái xe về nhà. Ngày hôm sau chồng tôi kiểm tra đèn pha cho chiếc xe và phát hiện ra cả hai chùm đèn bên trên đã cháy. Thì ra tôi đã lái xe chỉ với đèn pha dưới trong đêm qua, mà lúc đó tôi chưa biết cách bật đèn chống sương. Chỉ chút nữa thôi rất có thể đã có một tai nạn lớn xảy ra với tôi. Còn có rất nhiều trường hợp tương tự. Bất cứ khi nào tôi gặp nguy hiểm, Sư Phụ đều ở cạnh tôi, lặng lẽ bảo vệ. 10 năm qua đã có rất nhiều lần tôi tránh được nguy hiểm và không bị đau đớn. Tôi chắc rằng các học viên làm công tác phân phát báo cũng đồng tình với những gì tôi nói. Một lần tôi ngủ quên khi đang chạy xe, đột nhiên một tiếng ồn đánh thức tôi dậy. Tôi mở mắt thì thấy những đám cỏ cao đang chà vào kính chắn gió. Tôi nhanh chóng đánh xe quay lại đường. Thì ra lúc đó tôi đã thực sự vượt khỏi lòng đường và sắp sửa đâm vào một bờ mương.
Tôi còn muốn kể về một kinh nghiệm khác. Tôi đã có một giấc mơ rằng mình đang đứng bên lề đường cùng một vài học viên. Trời lúc đó tối và lạnh. Tôi đi xung quanh và thấy Sư Phụ đang đứng đó, nhưng chiếc áo sơmi trắng của Ngài thấm đẫm máu. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tiếp theo sau khi tôi tỉnh dậy. Hai ngày sau, một số học viên và tôi lái xe đến khu Bay Area sau khi diễn tập cho Đoàn nhạc Tian Guo, bỗng nhiên những chiếc bánh xe phát ra tiếng ồn. Chúng tôi đã không chú ý lắm cho đến khi tiếng ồn trở nên tệ hơn và nhận ra có gì đó không ổn. Chúng tôi lập tức ra khỏi xe và thấy chiếc xe bị hỏng nặng. Chúng tôi có thể đã gặp một tai nạn nghiêm trọng nếu tiếp tục lái nó. Cảnh tượng các học viên đang thay lốp khiến tôi liên tưởng lại giấc mơ hôm trước. Tôi nhận ra rằng Sư Phụ đã dùng thân mình để che chở cho chúng tôi khỏi vụ tai nạn.
Sư Phụ dạy chúng ta trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải nghĩ đến người khác trước tiên. Lý do mà tôi nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc phân phát báo là vì hoàn cảnh của tôi tốt hơn so với người khác. Ví dụ như cả gia đình tôi đều tu Đại Pháp, và trong một thời gian, tôi đã không tìm việc nên tôi có thời gian,.v.v. Thỉnh thoảng, khi đang phân phát báo, tôi gặp các học viên khác đang mua sắm, ăn tối hoặc đang xem phim với gia đình họ. Mặc dù tôi chưa có cơ hội để về nhà, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc cho họ vì công việc của tôi đã giúp họ có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Hôm nay tôi muốn chân thành cảm ơn chồng tôi – cũng là một học viên, vì đã làm việc vất vả để chăm sóc con gái chúng tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn các học viên đã chuẩn bị chỗ tạm trú cho chúng tôi khi chúng tôi đến khu Bay Area để lấy báo. Sự quên mình và lòng khoan dung của họ đã khiến chúng tôi xúc động và trở nên tinh tấn hơn.
Chúng ta hãy trân quí cơ hội hiếm hoi trong quá trình Chính Pháp này. Nhìn lại con đường tôi đã đi qua, tôi thấy rằng trạng thái tu luyện của tôi gắn liền với việc học Pháp. Nếu chúng ta chiểu theo Pháp, mọi chuyện sẽ được an bài tốt đẹp. Dù chúng ta làm gì cũng đều có liên quan đến việc tu luyện. Tôi rất hài lòng về 10 năm vừa qua. Tôi đã nghe Pháp rất nhiều khi lái xe. Về khuya, cảm giác thật là mỹ diệu khi được hòa mình trong Pháp và đề cao tâm tính qua việc học Pháp.
Lần đầu đắc Pháp, cơ thể vật chất của tôi có sự cải biến rất rõ ràng. Sư Phụ đã khai thiên mục cho tôi, nên tôi có thể nhìn thấy Pháp Luân ở cảnh giới của mình, pháp thân của Sư Phụ, và mỗi chữ trong Chuyển Pháp Luân thực sự là một hình tượng Phật. Tôi còn chứng nghiệm được công lực lớn mạnh phi thường phát ra tại không gian khác khi phát chính niệm. Mặc dù giờ không còn thấy những điều đó nhiều nữa, tôi tin rằng mỗi lời Sư Phụ giảng đều là chân lý. Nếu có điều gì tôi không thể lý giải được, thì đó là vì nghiệp lực, các quan niệm người thường và các tâm chấp trước của tôi đang ngăn cản tôi. Kỳ thực, chúng ta có thể hiểu được mấy phần từ Pháp lý rộng lớn tinh thâm của Sư Phụ? Nếu chúng ta đợi đến khi có thể hiểu rõ tất cả trước khi trở nên tinh tấn, chúng ta có thể sẽ mất cơ hội tu luyện cho bản thân.
Trong ‘Bài giảng thứ ba’ sách Chuyển Pháp Luân, Sư Phụ giảng:
“…cần phải thật sự đề cao tâm tính bản thân; ấy mới là tu luyện chân chính.” (Chuyển Pháp Luân)
Tâm nguyện của tôi là tất cả chúng ta đều có thể trở thành những đệ tử Đại Pháp chân chính, và thật tu bản thân.
Cảm tạ Sư Phụ!
Cảm ơn mọi người!
________________________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/10/19/在送报中的修炼-248008.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/30/129083.html
Đăng ngày 04-12-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.