Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-02-2023] Một người phụ nữ 49 tuổi ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt vào ngày 24 tháng 10 năm 2021 và sau đó bị kết án 4 năm tù vào khoảng tháng 4 năm 2022 vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.
Gia đình bà Chu Minh Dung không được thông báo về phiên tòa xét xử bà, họ cũng không nhận được bản sao phán quyết mà thẩm phán đã tuyên cho bà.
Cảnh sát cho hay bà đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Long Tuyền Dịch ở thành phố Thành Đô (còn được gọi là Nhà tù Nữ Thành Đô) từ hồi tháng 11 năm 2022.
Lính canh trong nhà tù thường xúi giục tù nhân tra tấn các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, bằng cách hứa hẹn giảm án cho họ. Lưu Văn Trân, một tù nhân bị kết án tù chung thân vì buôn bán ma túy, cùng một số tù nhân đã rất tích cực tham gia tra tấn bà Chu. Khi bà hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, các tù nhân đã nhét băng vệ sinh vào miệng bà. Trong mùa đông, bà chỉ được phát hai chiếc áo sơ mi mỏng, hai chiếc quần dài và không có tất để giữ ấm cho chân.
Để đổi lấy việc giảm án, tù nhân sẽ dùng mọi thủ đoạn để tra tấn bà Chu và các học viên kiên định khác. Họ bắt các học viên đứng yên với hai chân chụm sát vào nhau hoặc đứng trong tư thế quân đội (đứng nghiêm), ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ hoặc ngồi xổm trong nhiều giờ đồng hồ. Thời gian các học viên sẽ bị bắt ngồi xổm thường từ 6:20 sáng sau khi thức dậy cho đến tận đêm khuya khi đến giờ đi ngủ. Các học viên bị giới hạn sử dụng nhà vệ sinh hai lần một ngày. Đôi khi các tù nhân còn cố ép các học viên phải đi tiểu vào những bức ảnh Pháp Luân Đại Pháp. Khi các học viên đến kỳ kinh nguyệt, họ không được phép thay băng vệ sinh.
Hình minh họa tra tấn: đứng yên trong nhiều giờ liên tục
Bức hại trong quá khứ
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Chu đã đi tới chính quyền tỉnh ở thành phố Thành Đô để nói lời công đạo cho Pháp Luân Đại Pháp. Cảnh sát đã bắt và giam bà 15 ngày.
Vào tháng 10 năm 1999, bà đi tới chính quyền trung ương ở Bắc Kinh để kháng nghị cuộc bức hại, và bị giam giữ 1 tháng. Cũng trong năm đó, bà đã bị kết án phi pháp 3 năm tù.
Vụ bắt giữ thứ ba của bà xảy ra vào năm 2003, sau đó bà bị kết án 6 năm tù.
Năm 2010, bà bị bắt lần thứ tư và cũng bị kết án 6 năm tù.
Trong tháng 5 năm 2021, trong suốt 4 ngày liên tiếp, cảnh sát của Đồn Công an đường Bạc Thủy và một viên chức địa phương tên Lý Duật Dân đã đến căn hộ mà bà thuê để sách nhiễu mỗi ngày.
Đến ngày 11 tháng 7, Lý và một số quan chức lại đến và tịch thu tất cả các sách và ấn phẩm Pháp Luân Đại Pháp của bà. Vài tháng sau, vào ngày 24 tháng 10, cảnh sát đã bắt giữ bà vì nói với một sinh viên về Pháp Luân Đại Pháp, và giam bà ở trong Trại tạm giam Mã Biên.
Nhà tù Nữ Thành Đô
Nhà tù Nữ Long Tuyền Dịch nằm trên đường Long Hồng ở thị trấn Hồng An, quận Long Tuyền Dịch, thành phố Thành Đô. Các phương pháp tra tấn mà lính canh sử dụng để ép các học viên từ bỏ đức tin của họ ở cơ sở này bao gồm: sốc điện bằng dùi cui điện, treo ngược lên bằng còng tay, phơi mình trong cực kỳ lạnh hoặc cực kỳ nóng, đứng và ngồi trong nhiều giờ liên tiếp trong tư thế quân đội, bức thực, tiêm thuốc hủy hoại thần kinh, trói ở tư thế gây đau đớn, cưỡng bức lấy máu, đâm kim, dìm nước, đập đầu vào tường, hạn chế đi vệ sinh, biệt giam, tước quyền thăm nuôi, bỏ thuốc vào thức ăn và sống trong điều kiện vô nhân đạo… Các lính canh đã cho phát các video phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp và người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp nhằm tẩy não các học viên.
Kể từ năm 2013, đã có ít nhất 7 học viên chết trong tù do bị tra tấn. Họ gồm bà Trần Thế Khương, bà Hồ Hà, bà Nghiêm Hồng Mai, bà Hồ Diên Thuận (hay còn gọi là Hồ Đình Thuận), bà Lương Văn Đức, bà Đinh Quốc Cầm, và bà Cao Xuân Tú. Nhiều người khác bị tàn tật hoặc rối loạn tinh thần sau khi bị tra tấn. Ví dụ trường hợp bà Nghiêm Hồng Mai, bà đã chết ở trong nhà tù vào ngày 28 tháng 12 năm 2017. Khi gia đình bà đến nơi, họ thấy đầu bà quấn băng và thân thể được phủ bằng một tấm vải. Lãnh đạo nhà tù đã tự ý hỏa táng thi thể của bà mà không có sự đồng ý từ phía gia đình.
Bài liên quan:
Từng bị cầm tù 15 năm, người phụ nữ Tứ Xuyên lại bị kết án bí mật 8 năm tù
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/12/456698.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/21/207407.html
Đăng ngày 08-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.