Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2023] Trong vài năm gần đây, nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án vì kiên định đức tin đã bị cục an sinh xã hội địa phương đình chỉ lương hưu.

Hầu hết các cục an sinh xã hội đều viện dẫn một lá thư của Bộ Lao động và An sinh Xã hội vào năm 2001 với tiêu đề: “Thư phúc đáp của Tổng Văn phòng Bộ Lao động và An sinh Xã hội về vấn đề liên quan tới phúc lợi bảo hiểm hưu trí cho người về hưu bị kết án tù.” Họ lập luận rằng theo thư trả lời này, bất cứ ai về hưu bị kết án tù đều không được hưởng phúc lợi hưu trí trong thời gian thụ án.

Nhưng Luật Lao động Trung Quốc quy định, lương hưu là tài sản hợp pháp của công dân về hưu và không thể bị tịch thu chỉ vì họ bị kết án. Là một cơ quan hành chính, cục an sinh xã hội chỉ quản lý quỹ cho người về hưu chứ không có thẩm quyền để đình chỉ lương hưu của bất kỳ cá nhân nào.

Bất chấp việc thiếu cơ sở pháp lý, cục an sinh xã hội trên khắp Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu cầu học viên Pháp Luân Công trả lại số tiền lương hưu mà họ đã nhận được trong thời gian thụ án tù. Khi học viên từ chối hợp tác, các cục an sinh xã hội đã đình chỉ lương hưu của họ nhằm ép họ “trả lại” tiền lương hưu.

Ví dụ như trường hợp của bà Chu Thuần Vinh, một cư dân thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang dưới đây.

Vài ngày sau khi bà Chu được trả tự do (vào tháng 5 năm 2021) sau khi mãn hạn án tù 2,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, bà đã bị yêu cầu trả lại 81.782,64 Nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà đã nhận trong thời gian ngồi tù.

Cục an sinh xã hội tuyên bố rằng theo một chính sách mới, bà Chu không đủ điều kiện để nhận bất kỳ khoản phúc lợi hưu trí nào trong thời gian thụ án. Họ nói rằng miễn là bà trả lại tiền, họ có thể bắt đầu đợt trả lương hưu mới cho bà vào tháng 6 năm 2021.

Để đảm bảo rằng bà vẫn có thu nhập ổn định, gia đình đã nhanh chóng gom góp được 53.873,94 Nhân dân tệ và nộp số tiền này cho cục an sinh xã hội.

Vào tháng 7, sau 2 tháng phục hồi sức khỏe từ sự tra tấn trong nhà giam, bà Chu đã tới cục an sinh xã hội cùng với gia đình và yêu cầu cơ quan này đưa ra cơ sở pháp lý mà họ dùng làm căn cứ để yêu cầu bà trả lại tiền lương hưu. Các viên chức đã đưa ra lá thư được đề cập ở trên.

Bà Chu nói với các viên chức rằng nội dung trong lá thư đó là trái với luật lao động Trung Quốc. Bà quyết định không tuân thủ yêu cầu của cục an sinh xã hội và từ chối trả khoản tiền 27.908,7 Nhân dân tệ còn lại. Do đó, cục an sinh xã hội đã đình chỉ lương hưu của bà bắt đầu từ tháng 7.

Ngày 28 tháng 8 năm 2021, bà Chu viết thư cho cục an sinh xã hội, yêu cầu họ khôi phục lại lương hưu cho bà, nhưng vô ích. Sau đó, bà đã liên hệ với cục thêm vài lần, nhưng luôn bị gây khó dễ.

Ngày 16 tháng 12 năm 2021, bà Chu đã nộp đơn kiến nghị xem xét hành chính tới văn phòng khiếu nại của chính quyền thành phố Kê Tây, yêu cầu một cuộc điều tra cho trường hợp của bà. Ngày 27 tháng 12, cơ quan này đã tiếp nhận vụ việc và sau đó đưa ra quyết định bác đơn kiến nghị của bà vào ngày 26 tháng 1 năm 2022.

Ngày 16 tháng 2 năm 2022, bà Chu đệ đơn kiện hành chính tới Tòa án Quận Kỳ Quan. Ngày hôm sau, thẩm phán đã tiếp nhận vụ việc của bà.

Trước phiên tòa ngày 15 tháng 8 năm 2022, viên chức tòa án đã yêu cầu bà tránh đề cập tới việc bà tu luyện Pháp Luân Công và liệu tài liệu mà cục an sinh xã hội đưa cho bà có hợp pháp hay không ở trong phần tranh tụng của mình, nhưng bà từ chối.

Trong phiên tòa, bà Chu lập luận rằng Luật Lao động Trung Quốc không có điều khoản nào quy định rằng công dân Trung Quốc sẽ bị tước lương hưu trong thời gian thụ án tù. Bản thân thông báo trên chỉ là một thư phúc đáp, nó không phải là luật được ban hành. Do đó, việc cục an sinh xã hội dùng nó làm căn cứ pháp lý để đình chỉ lương hưu của bà là bất hợp pháp.

Bà chỉ ra rằng theo một văn kiện khác do Bộ Lao động và An sinh Xã hội ban hành vào năm 2017, quy định rằng “Các văn bản quy phạm không được thiết lập và đặt ra giấy phép hành chính, xử phạt hành chính, cưỡng chế hành chính, thu phí hành chính và các vấn để khác nằm ngoài phạm vi phạm luật; các cơ quan liên quan không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hay bất kỳ tổ chức nào mà không dựa trên cơ sở pháp luật hoặc quy định hành chính”. Như vậy, lá thư do Bộ Lao động ban hành vào năm 2001 kia rõ ràng vi phạm điều mà văn kiện năm 2017 nêu ra.

Bà Chu nói thêm rằng khi cục an sinh xã hội đình chỉ lương hưu của bà, họ đã thi hành luật tịch thu tài sản. Nhưng thực thế, với chức năng là một cơ quan hành chính, cục không có quyền làm điều này.

Ngày 19 tháng 5, bà Chu được thông báo về quyết định bác bỏ vụ kiện của bà. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Kê Tây vào ngày 1 tháng 6 năm 2022. Bà cũng trình lên vài ví dụ về các thẩm phán ở các tỉnh khác đã đưa ra phán quyết có lợi cho học viên Pháp Luân Công trong các vụ tranh chấp lương hưu tương tự. Nhưng vào ngày 31 tháng 9 năm 2022, tòa án cấp cao hơn này vẫn đưa ra quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu của bà.

Bà Chu cho biết, dù cho có nhiều khó khăn trắc trở, bà vẫn không nản lòng và sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm công lý.

Thông tin liên lạc của các cá nhân tham gia bức hại bà Chu:

Tôn Dũng (孙勇), chánh án, Tòa án Trung cấp Thành phố Kê Tây
Điền Tinh Huy (田晶辉), thẩm phán: +86-467-2881897
Diêm Quảng Đan (闫广丹), chánh án, Tòa án Quận Kỳ Quan: +86-17645355001, +86-467-2638333
Từ Xuân Ba (徐春波), cục trưởng, Cục An sinh Xã hội Thành phố Kê Tây: +86-15604675077, +86-467-2386601

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)

Bài liên quan bằng tiếng Trung

养老金被停发-黑龙江鸡西市朱纯荣写信申辩

被剥夺养老金-鸡西市朱纯荣诉讼-法院立案

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/4/454491.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/16/207351.html

Đăng ngày 08-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share