Bài viết của Dần Hổ, học viên tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-01-2022] Trong số các nhóm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp, Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất với khoảng 100 triệu học viên tại thời điểm cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Nhưng tác động của cuộc bức hại không chỉ ảnh hưởng đến chừng ấy học viên. Khi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công bị đả kích và các giá trị đạo đức cơ bản bị xâm phạm thì toàn bộ xã hội đang gặp nguy hiểm và người người đều trở thành nạn nhân.

Khi Trung Quốc phục hồi sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và bước vào những năm 1980, phần lớn dân chúng phải vật lộn với đói nghèo, nhưng trình độ đạo đức tương đối ổn định. Khi cải cách kinh tế bắt đầu vào những năm 1990, tình hình xã hội và văn hóa thay đổi mạnh mẽ. Nhiều quan chức ĐCSTQ và viên chức chính phủ, gồm cả cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án, đã lạm dụng quyền lực để kiếm tiền riêng. Khi tham nhũng hoành hành, nhiều dân thường nhận thấy các nhân quyền cơ bản của họ bị vi phạm và không thể sống một cuộc sống bình thường. Để tìm kiếm công lý cho mình, họ đã đệ đơn khiếu nại các quan chức.

Dữ liệu từ Đại học Trung Quốc Hồng Kông cho thấy từ năm 1978 đến năm 1982, hệ thống tòa án của Trung Quốc đã xử lý 83.700 đơn khiếu nại, thư từ và cuộc gặp. Con số này đã tăng gấp 504 lần lên 42,2 triệu từ năm 1998 đến năm 2002.

Số vụ xung đột đám đông (nghĩa là hơn 100 người tham gia) cũng tăng cao, từ 8.700 vào năm 1993 và khoảng 10.000 vào năm 1994, lên 60.000 vào năm 2003. Như phân tích dưới đây, mức tăng vọt này có liên quan chặt chẽ đến sự ra đời của Phòng 610 – một cơ quan ngoài vòng tư pháp chuyên trách việc bức hại Pháp Luân Công – cũng như việc mở rộng hệ thống Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) hiện hành.

Sự xuất hiện của Pháp Luân Công

Khí công, một phương pháp tu luyện tự thân giúp nâng cao tinh thần và thể chất, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1980. Nhưng hầu hết các trường phái khí công chủ yếu chỉ để chữa bệnh khỏe người chứ không đề cập đến việc đề cao đạo đức. Nhưng Pháp Luân Công, được Đại sư Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào tháng 5 năm 1992, lại hoàn toàn khác. Môn tu luyện cả thân lẫn tâm này bao gồm năm bộ bài công pháp phù hợp cho mọi lứa tuổi, và dạy con người trở thành người tốt bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Vì thế, công pháp này đã nhanh chóng thu hút nhiều người học, rồi cứ người này giới thiệu cho người kia mà phát triển ra khắp Trung Quốc. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, đâu đâu cũng có thể thấy các học viên luyện công ở những nơi công cộng.

Vào thời điểm đó, có vô số câu chuyện về những tấm gương học sinh giỏi ở trường, nhân viên gương mẫu và thành viên gia đình có trách nhiệm hơn. Một số ví dụ đã được các phương tiện truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát đưa tin, trong đó có Bản tin tối Dương Thành, Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, Tin Y tế và Sức khỏe, v.v. Không chỉ Trung Quốc, Pháp Luân Công còn có ở Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển và các quốc gia khác.

Một hệ thống tương tự Gestapo

Nguyên lý của Pháp Luân Công tương phản rõ rệt với hệ tư tưởng cốt lõi giả-ác-đấu của ĐCSTQ. Vì đố kỵ, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã một tay khởi xướng cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, thề sẽ nhổ tận gốc Pháp Luân Công trong ba tháng. Để đạt được điều đó, ông ta còn ra lệnh thành lập Ban Lãnh đạo Phòng 610 Trung ương và Phòng 610 Trung ương, và trao cho họ quyền kiểm soát hệ thống hành pháp và tư pháp.

Tuy nhiên, vì Pháp Luân Công được đón nhận rộng rãi, các quan chức ở một số tỉnh không tích cực lắm trong việc bức hại các học viên. Trong một cuộc họp vào cuối năm 2000, Giang đã khiển trách Phòng 610 không xóa sổ được Pháp Luân Công một cách hiệu quả. Do đó, ông ta ra lệnh thành lập Phòng 610 trong sở cảnh sát các cấp để thực thi đầy đủ chính sách bức hại.

Phòng 610 cũng được thành lập ở tất cả các cấp trong mạng lưới PLAC (Ủy ban Chính trị và Pháp luật). Nó đã tạo ra một tiêu chuẩn để các quan chức hàng đầu của hệ thống cảnh sát trở thành lãnh đạo Phòng 610. Ở cấp tỉnh thành, trưởng hoặc phó của PLAC cũng được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của Phòng 610. Điều quan trọng cần chỉ ra là PLAC chỉ đạo hoạt động của cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án và hệ thống tư pháp, trong khi Bí thư Đảng ủy PLAC thường là ủy viên thường trực của Ủy ban ĐCSTQ. Điều này có nghĩa là Phòng 610 ở tất cả các cấp được phép giám sát cảnh sát, an ninh nhà nước, tư pháp, viện kiểm sát và tòa án cấp tương ứng.

Trao cho Phòng 610 và PLAC quyền kiểm soát hệ thống hành pháp và tư pháp đã gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống pháp luật ở Trung Quốc. Theo chỉ thị của hai cơ quan này, các quan chức chính phủ, cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án các cấp đã ra tay bức hại Pháp Luân Công để giành địa vị chính trị và thăng tiến trong sự nghiệp. Một số quan chức và cảnh sát còn công khai tuyên bố: “Các người đốt nhà, giết người hay trộm đồ cũng được, nhưng không được tập Pháp Luân Công.”

Các học viên bị cảnh sát bắt, viện kiểm sát truy tố và tòa án kết án mà không cần bất kỳ cơ sở pháp lý nào, và phải chịu đựng nhiều thống khổ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Ước tính có từ 2-3 triệu học viên đã bị bắt trong 23 năm qua. Họ bị phạt tiền, lục soát nhà, đuổi việc, lao động cưỡng bức, tra tấn, bỏ tù, giết hại và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Một xã hội hỗn loạn

Tội ác chưa từng này có đối với Pháp Luân Công, về cơ bản, đã phá hoại hệ thống chính trị, luật pháp và tư pháp, khiến các hệ thống này vi phạm pháp luật, trong khi lẽ ra, họ phải thực thi luật pháp và bảo vệ công lý. Theo dữ liệu của Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao Trung Quốc, từ năm 1999 đến năm 2003, xác suất phạm tội ở dân thường là 1 trên 400 người. Tỷ lệ này tăng lên 1 trên 200 người đối với các quan chức chính phủ và 3 trên 200 đối với các quan chức trong ngành tư pháp.

Các cơ quan hành pháp, cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án và tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Tuy nhiên, khi lạm dụng quyền lực để trục lợi thì toàn bộ xã hội phải chịu thiệt hại về tài chính, tư tưởng và đạo đức.

Chẳng hạn như tình trạng phá dỡ nhà và di dời để phát triển đô thị ở Trung Quốc. Vì nắm quyền lực tối cao, chính quyền của Giang bắt đầu đầu tư vào đất đai để kiếm tiền, dẫn đến việc cưỡng chế phá dỡ và di dời. Theo dữ liệu của Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc, Doanh thu chuyển nhượng đất đai của Trung Quốc tăng từ 130 tỷ Nhân dân tệ năm 2001 lên 2.900 tỷ Nhân dân tệ năm 2010, tỷ trọng trong tổng thu ngân sách của chính quyền địa phương tăng từ 16,6% lên 76,6%.

Trong quá trình này, PLAC là một lực lượng chính, dùng công an và cảnh sát vũ trang, nhắm vào những nông dân dễ bị tổn thương. Tạp chí Phố Walltrích dẫn số liệu thống kê của Đại học Thanh Hoa, đưa tin rằng, trong năm 2010, Trung Quốc có đến 180.000 cuộc biểu tình và các loại sự vụ lớn khác, phần lớn là do cưỡng chế phá dỡ. Trong thời gian đó, chi phí duy trì ổn định đã vượt quá chi phí quốc phòng, một điều chưa từng có ở các nước khác.

Khi nông dân đi khiếu kiện vì bị mất đất, hệ thống tòa án, do PLAC kiểm soát, cũng không trợ giúp gì. Một bài báo của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc ngày 15 tháng 8 năm 2011 đưa tin về một tài liệu nội bộ của Tòa án Cao cấp Tỉnh Hắc Long Giang. Nó ra lệnh cho các tòa án cấp dưới trong tỉnh bác bỏ các vụ tranh chấp nông nghiệp, lâm nghiệp và đất đai. Những tình huống tương tự cũng tồn tại ở những nơi khác, và nông dân khó có thể thắng kiện sau khi nhà của họ bị cưỡng chế phá dỡ.

Hệ thống luật pháp không bảo vệ công lý dẫn đến tỷ lệ tội phạm tăng cao. Theo Sách Xanh về Pháp luật Trung Quốc do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản năm 2010, tỷ lệ tội phạm ở Trung Quốc trước năm 2000 còn tương đối ổn định, nhưng từ năm 2000 đến 2009, tỷ lệ này đã tăng cao, trong đó tội phạm bạo lực và tài sản tăng mạnh.

Kết luận

Khi con người bị trừng phạt vì tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, những người khác cũng trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp có tính hệ thống này.

Tả truyện, một trong những cuốn sách lịch sử nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã viết: “Khi đạo đức bị quên lãng, khi những hành vi trái đạo đức được cổ xúy thì thảm họa sẽ xảy ra.”

Sự xuống dốc đạo đức ở Trung Quốc trong 20 năm qua thật đáng báo động. Ngày nay, nhiều người vì tiền mà việc gì cũng dám làm. Gặp người già bị ngã trên đường, hiếm có người nào lại đỡ họ đứng dậy. Đâm ngã người đi đường xong, tài xế có thể nhấn ga đè lên người nạn nhân.

Nếu ĐCSTQ không khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, thì có thể nhiều người hơn nghe theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và hệ thống hành pháp và tư pháp có lẽ đã không thối nát như chúng ta thấy ngày nay.

Một cựu chánh văn phòng Sở Tư pháp Tỉnh Hải Nam cho biết trong một cuộc họp: “Thật đau xót khi thấy độ tuổi phạm tội hiện nay ngày càng giảm, và tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng qua từng năm. Nếu mọi người có thể ước thúc bản thân thì sẽ giảm gánh nặng cho chính phủ. ĐCSTQ không cho người ta có đức tin. Nhưng nếu có thêm một người có đức tin, thì sẽ có ít hơn một tội phạm. Như vậy chẳng phải tốt hơn cho xã hội và đất nước sao?“

Điều đáng mừng là, sau bao nỗ lực bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công suốt 23 năm qua, nhiều quan chức chính phủ và dân thường đã dần dần biết được sự thật và không còn tuân theo chính sách bức hại một cách mù quáng.

Trong những người vẫn đang tham gia bức hại các học viên, nhiều người đã phải chịu quả báo. Tính đến tháng 1 năm 2021, có 47 quan chức cấp tỉnh hoặc trung ương đã bị hạ bệ vì dính líu đến cuộc bức hại. Riêng trong năm 2021, gần 30 quan chức nữa trong hệ thống PLAC đã bị cách chức và điều tra.

Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ nhận ra sự tàn bạo và dối trá của ĐCSTQ. Bằng cách chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, Trung Quốc sẽ khôi phục lại đức tin và các giá trị đạo đức, trở thành một đất nước tốt đẹp hơn, và thế giới cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/28/437366.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/11/199144.html

Đăng ngày 25-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share