Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan

[MINH HUỆ 18-01-2022] Ngày 16 tháng 1 năm 2022, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở miền Trung Đài Loan đã tổ chức một buổi tụ họp cả ngày để học Pháp và thảo luận về trải nghiệm tu luyện của họ. Những người tham dự đến từ các thành phố và quận lân cận bao gồm Chương Hóa, Nam Đầu và Vân Lâm. Họ chia sẻ về cách loại bỏ quan niệm người thường để hiểu rõ hơn các Pháp lý và đề cao trong tu luyện.

4d2badf31f2edb9989aa6135bb75237d.jpg

Các học viên từ năm thành phố và quận ở miền Trung Đài Loan cùng nhau tham dự buổi họp mặt kéo dài một ngày tại Trung tâm Hoạt động Quốc Dân Trương Nam. Họ học Pháp và trao đổi trải nghiệm tu luyện.

Vào buổi sáng, các học viên chia thành 58 nhóm, bao gồm cả nhóm trẻ em, mỗi nhóm khoảng 10-12 người. Đây là lần đầu tiên họ chia thành các nhóm nhỏ hơn để trao đổi tâm đắc thể hội tu luyện. Trong bầu không khí hòa ái này, mọi học viên có cơ hội nói về quá trình họ nhận ra và loại bỏ các chấp trước của mình trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc hoặc trong khi tham gia các hạng mục giảng chân tướng.

1d72358fb38cac480c56bd0061ce5339.jpg

Các học viên chia thành 58 nhóm vào buổi sáng và đọc Chuyển Pháp Luân.

Nhiều học viên chia sẻ về những hiểu biết của họ sau khi nhận ra quan niệm hậu thiên, tin tưởng vào Sư phụ, vào Đại Pháp và minh bạch về trách nhiệm của một đệ tử Đại Pháp. Trải nghiệm của họ đã truyền động lực tu luyện tinh tấn cho những người tham dự.

Thay đổi tư duy một người

Anh Gia Thăng cho biết trong quá trình tìm kiếm các quan niệm gốc rễ, anh đã phát hiện ra các chấp trước cơ bản của mình. Trước đây, anh thường đấu tranh trong khi điều phối các hoạt động vì anh luôn nghĩ nếu chiểu theo Pháp anh đã đúng.

Thông qua việc học Pháp và chia sẻ với các học viên khác, anh nhận ra suy nghĩ của mình là ích kỷ. Thiện tâm có thể lay động và thay đổi người khác.

Anh bắt đầu nói chuyện với người khác bằng giọng điệu và thái độ tử tế, và học cách nhìn mọi việc từ quan điểm của họ. Anh phát hiện ra rằng việc điều phối các hoạt động không còn khó khăn nữa.

Từng mù chữ, giờ bà đã đọc được Chuyển Pháp Luân

Bà A Thì, 80 tuổi, chia sẻ về những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bà sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Khi bà bước vào thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi 50, sức khỏe của bà bắt đầu kém đi. Bà trở nên rất yếu, đôi khi bị chóng mặt và thậm chí bất tỉnh. Bà còn bị loãng xương nghiêm trọng, xương của bà cực kỳ giòn và dễ gãy. Bà trở nên trầm cảm. “Tôi đã trực chờ cái chết,” bà nói.

Bà A Thì thường để ý đến các hình ảnh trên xe buýt về một người đang ngồi thiền. Bà nghĩ người đó trông rất thanh thản nên bà cũng muốn thiền. Một hôm, bà nhận thấy các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang ngồi thiền trong công viên. Bà kể khi bà đến gần họ, bà cảm nhận được một nguồn năng lượng mạnh mẽ, cảm giác thật ấm áp và tuyệt vời. Bà đã quyết định tu luyện.

Bà cho biết khi học bài công pháp thứ hai, bà cảm thấy trước ngực mình có một luồng điện mạnh xoay tròn. Nước mắt bà tuôn rơi không kiểm soát được. Bà biết Pháp Luân Đại Pháp có tác động lớn và Sư phụ đã bắt đầu chăm sóc cho bà, vài năm trước, bà bị gãy bốn xương lồng ngực và bà nhận ra rằng Sư phụ đang điều chỉnh cơ thể cho bà.

Bà A Thì không biết chữ và thậm chí không biết viết tên của mình. Khi các học viên nói với bà rằng Pháp Luân Đại Pháp không chỉ yêu cầu một người luyện công mà còn phải học Pháp, bà đã quyết tâm học cách đọc Chuyển Pháp Luân.

Bà đã tìm mọi cách để học cách đọc cuốn sách. Bà hỏi những học sinh tiểu học đi ngang qua nhà bà trên đường đi học và trở về nhà, hỏi những người thân trong gia đình, họ hàng, chép cuốn sách bằng tay, v.v. Sau nhiều năm, cuối cùng bà cũng có thể đọc được cuốn Chuyển Pháp Luân.

Bà chia sẻ, “Tôi đã trải qua nhiều điều mà Sư phụ giảng.” Bà dẫn một ví dụ. Có lần, bà ngất đi không rõ lý do. Gia đình đưa bà đến bệnh viện để các bác sỹ tiêm cho bà. Nhưng kim tiêm không chọc được vào. Bà ngộ ra: “Mình là một học viên, mình không bị bệnh. Mình phải có niềm tin vào Đại Pháp”. Với niệm đầu này, bà quyết định về nhà. Khi trở về nhà, bà thấy vẫn ổn.

Bà A Thì đã tu luyện được hơn 12 năm và sức khỏe của bà rất tốt. Bà đã đến nhiều quốc gia để nói với mọi người về Đại Pháp. Bà năm nay đã 80 tuổi, nước da bà hồng hào. Bà nói: “Sư phụ đã cứu vớt tôi khỏi địa ngục!”

Cuối cùng cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Cô A Trà, đến từ Chương Hóa, có một công việc kinh doanh tại nhà. Cô đã biết đến Pháp Luân Đại Pháp được 5 năm, nhưng bị quan niệm hậu thiên của cô cản trở. Cô luôn nghĩ mình là người tốt. Cô cảm thấy làm việc thiện là đủ và cô không cần phải tu dưỡng bản thân. Cô chia sẻ, “Nhiều năm trước, ai đó đã nói với tôi rằng có Phật, Đạo, Thần sau mỗi chữ trong Chuyển Pháp Luân, nhưng tôi không tin điều đó. Cho đến một ngày một học viên nói với tôi, “Chị có thể nghĩ rằng chị đang làm điều gì đó tốt nhưng có thể không phải vậy.” Tôi đã rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Trước khi bước vào tu luyện, thị lực của cô A Trà rất yếu. Cô không thể nhìn rõ ngay cả khi đeo kính. Một lần, cô tháo kính ra để đọc Chuyển Pháp Luân và phát hiện ra rằng cô có thể nhìn rõ cuốn sách. Sau đó, cô nhận ra những gì người học viên nói là đúng, “Có Phật, Đạo, Thần đằng sau mỗi lời giảng. Đây là một cuốn sách phi thường!”

Thị lực của cô A Trà đã trở lại bình thường.

Cô cũng kể về việc cô vượt qua nguy hiểm trong ba vụ tai nạn xe hơi. Có lần, cô bị lăn vào gầm xe và mọi người nghĩ chắc rằng cô đã chết. Vậy mà cô vẫn ngồi dậy một cách bình an vô sự. Như thể có một tấm khiên bảo vệ cô. Cô hiểu rằng Sư phụ đã bảo hộ cô một lần nữa.

Những người hàng xóm đã hỏi gia đình cô A Trà, “Cô ấy cầu vị nào vậy? Cô ấy đã thoát chết ba lần, hẳn là phải có một vị Sư phụ rất cao tay”. Chồng cô A Trà trả lời: “Chúng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Các tiểu đệ tử yêu quý

Cô Nghi Trân, người điều phối nhóm tiểu đệ tử, cho biết trong xã hội ngày nay có đủ loại cám dỗ. Lối suy nghĩ lệch lạc trong xã hội đang ảnh hưởng và thay đổi hành vi của mọi người. Vậy mà những đứa trẻ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp lại cùng nhau đọc Chuyển Pháp Luân và vui vẻ ngâm các bài thơ trong Hồng Ngâm. Chúng nghĩ ra các thiết kế sáng tạo cho những tấm thiệp năm mới và gửi tặng người thân trong gia đình. Điều đó thực sự đáng kinh ngạc.

706d5ef04353643d43294facf3c496cd.jpg

Phụ huynh trợ giúp các con làm thiệp chúc mừng năm mới.

0cf266cdc786a5354f2fc49b562e409f.jpg

Một bé gái mới bắt đầu đi học giơ tấm thiệp năm mới tự thiết kế chúc mọi người một năm mới an khang thịnh vượng.

“Tôi rất vui khi dành thời gian với những tiểu đệ tử ngây thơ này. Trách nhiệm và sứ mệnh của tôi là dạy chúng thật tốt”, cô Nghi Trân nói. “Quá trình đó khiến tôi cảm thấy mình ngây thơ và trong sáng như các em. Cũng giống như lời chúc mừng năm mới của các em, tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục đối xử tốt và lan tỏa lòng tốt này tới những người xung quanh”.

Co Tư Huệ phụ trách nhóm mẫu giáo. Cô cho hay việc bảo ban các tiểu đệ tử là một khảo nghiệm đối với trạng thái tu luyện của cô. Chỉ cần cô có thể dạy chúng bằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, mọi thứ sẽ thay đổi.

Cô đưa ra một ví dụ, rằng trong quá trình học Pháp, các tiểu đệ tử đôi khi bị phân tâm. Cô khích lệ các em: “Cháu đọc tốt lắm, cháu đọc to hơn một chút được không?” Chúng sẽ chú ý và đọc bài giảng của Sư phụ một cách hào hứng, to và rõ ràng.

Cô cho biết, trên thực tế, các tiểu đệ tử là những món quà do Sư phụ ban tặng. “Chúng tôi ở đây để cùng nhau tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi chỉ nhìn vào hành vi tốt của các em, khen ngợi cũng như động viên các em. Những đứa trẻ này tràn đầy sức sống và giàu lòng nhân ái”.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/18/436981.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/20/198221.html

Đăng ngày 23-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share