Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 4-7-2010] Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) đã từng nói, “Hoa lan mọc trong rừng, tỏa hương thơm ngay cả khi không có ai xung quanh thưởng thức. Tương tự như vậy, người có nhân cách cao quý sẽ không để cảnh nghèo làm nhụt chí tu Đạo và xây dựng uy đức.” Người quân tử luôn hiểu chân nghĩa của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền. Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý. Hiệu quả và sự ảnh hưởng của những lời dạy ấy đã khắc họa rõ phẩm chất đạo đức của họ. Sau đây là một vài câu chuyện về Khổng Tử và các học trò đã được ghi lại trong 2 cuốn sách Luận ngữKhổng Tử gia ngữ.

Người quân tử nói bằng hành động

Có một lần, Nhan Hồi hỏi thầy của mình là Khổng Tử: “Lời nói của phường tiểu nhân có những điểm gì chung? Là người quân tử, cần phải hiểu cho rõ.” Khổng Tử đáp: “Một người quân tử nói bằng hành động. Trong tất cả lời nói và việc làm, người ấy đều thực hiện theo những chuẩn mực mà thánh nhân đã dạy. Một kẻ tiểu nhân chỉ giỏi nói miệng mà thôi. Kẻ ấy chỉ giỏi đòi hỏi và tìm lỗi của người khác, trong khi lại chẳng đóng góp gì. Một người quân tử đối nhân xử thế bằng sự chân thành. Khi nhìn thấy bạn bè của mình vi phạm đạo đức, người đó sẽ cảnh báo những hậu quả mà bạn mình phải gánh chịu và khuyên bạn hành động theo lương tâm. Lời nói của họ là phát xuất từ trong tâm bởi vì họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Kết quả là tình bạn sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Kẻ tiểu nhân thì lại thường kết thành bè đảng để gây rối. Tuy nhiên, chúng không thể không đổ lỗi và đâm sau lưng nhau.” Khổng Tử cũng giảng: “Quân tử nghĩ về đức hạnh, tiểu nhân truy cầu hưởng thụ. Quân tử nghĩ về đạo lý; tiểu nhân truy cầu những đặc ân mà hắn có thể kiếm được.” Điều này đã nói rõ những điểm khác nhau trong tâm của hai loại người. Người quân tử không xuôi theo dòng nước, huống hồ là thông đồng với kẻ khác. Tất cả những gì họ nghĩ đến là làm thế nào để thực hành đạo nghĩa. Còn kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho bản thân. Người quân tử tôn trọng phép tắc và quy củ. Kẻ tiểu nhân luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết thảy mọi thứ, và tâm kẻ ấy chứa đầy những món lợi nhỏ nhen. Điều này đã được đề cập đến trong cuốn “Đệ tử quy” (“Chuẩn mực của người học trò”), viết vào thời nhà Thanh (1644 – 1912), “Nhắc nhở người khác bằng lòng tốt; đức hạnh vẹn toàn cả đôi bề; Tìm bới sai lầm của người khác; chắc chắn mất lòng cả đôi bên.” Đây là một ví dụ nữa về sự khác nhau giữa hành động của kẻ tiểu nhân với người quân tử.

Lời nói và hành động của một người đều dựa trên những suy nghĩ của người đó. Một người quân tử luôn nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp và lẽ phải. Lời nói và hành vi của người đó là kết tinh của tình thương, lòng tốt, và sự vị tha. Ở những nơi nào người quân tử đến, những suy nghĩ tinh khiết, tốt đẹp của họ sẽ lan tỏa ra những người xung quanh, thức tỉnh lương tâm của mọi người và trồng những hạt giống của sự chính trực và lòng nhân ái.

Dùng trí tuệ để tránh một cuộc chiến

Khổng Tử đã dẫn các học trò đến đất Khuông, một vùng thuộc nước Tống. Những người dân địa phương đã nhầm Khổng Tử với Dương Hổ, kẻ đã từng tấn công tàn bạo người dân đất Khuông. Họ ngay lập tức báo động cho Giản Tử, thủ lĩnh của người Khuông. Giản Tử vội vã tập hợp binh sĩ mặc giáp, rồi họ cưỡi ngựa đến bao vây Khổng Tử và các học trò của Ngài.

Tử Lộ, một trong những người học trò của Khổng Tử, có lòng dũng cảm thiên phú. Ông thấy khó chịu ngay khi nhìn thấy những người Khuông hung tợn vây xung quanh. Ông nắm lấy vũ khí sẵn sàng nghênh chiến. Khổng Tử ngăn ông lại và nói: “Không lẽ những người đang tu luyện, hành thiện và công bình lại không thể ngăn chặn điều ác này sao? Ta thực sự sai lầm nếu không truyền rộng những áng thơ cổ cùng những tác phẩm lớn và đề cao nghi lễ và âm nhạc… Lại đây đã, Tử Lộ. Con hãy chơi nhạc và hát lên, rồi ta sẽ hòa tấu.” Tử Lộ đặt vũ khí của mình xuống và lấy ra một nhạc cụ. Khổng Tử cũng tham gia. Sau ba vòng ca hát, người dân Khuông nhận ra rằng Khổng Tử là một vị thánh hiền, chứ không phải là Dương Hổ tàn bạo. Họ cởi bỏ áo giáp và bỏ đi.

Ngay cả khi ở trong vòng vây, Khổng Tử vẫn giữ được sự điềm tĩnh. Đầu tiên ông tự nhìn lại chính mình để xem xem mình có làm gì sai hay không. Nếu không thì ông sẽ tiếp tục việc giảng dạy của mình và tác động tới những người Khuông thông qua lễ nghi và âm nhạc. Hành động của ông minh chứng rõ sự khác biệt giữa ông và Dương Hổ. Những người dân Khuông nhận ra rằng Khổng Tử là một người nhã nhặn, một người quân tử, một bậc thánh hiền, mặc dù dung mạo bề ngoài của ông rất giống Dương Hổ. Họ đã bị đẩy lui và cảm thấy thẹn. Cuối cùng, họ đã cởi bỏ áo giáp và trở về một cách yên bình. Khổng Tử đã thay đổi người khác bằng đức hạnh của mình, ông đã đảo ngược tình thế nguy hiểm. Khổng Tử đã minh chứng được lòng tốt xuất phát từ nội tâm. Mọi người đều có thể cảm nhận được lòng độ lượng cùng ý thức trách nhiệm của ông trong việc duy trì văn hóa truyền thống.

Tập trung vào vấn đề chính

Một ngày nọ, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử, “Ngày xưa, vua Thuấn đã đội loại vương miện gì?”

Khổng Tử không trả lời.

Nhà vua hỏi lại: “Ta đang cố gắng học hỏi từ ngài. Tại sao ngài không trả lời?”

Khổng Tử cúi đầu đáp: “Bởi vì câu hỏi Bệ Hạ đưa ra không tập trung vào những vấn đề chính. Đó là lý do tại sao thần đang suy nghĩ làm thế nào để trả lời.”

Nhà vua thấy tò mò và hỏi: “Những vấn đề chính là gì?”

Khổng Tử trả lời: “Trong suốt triều đại vua Thuấn, ông luôn thương dân như con của mình. Ông đề cao giáo dục đạo đức và bổ nhiệm những người hiền tài. Đức hạnh của ông lan xa khắp chốn. Tuy vậy, ông vẫn luôn giản dị khiêm nhường. Ông đã làm mọi thứ thay đổi thật nhẹ nhàng, giống như bốn mùa luân phiên thay đổi trong tự nhiên. Ông khuyến khích việc giáo hóa đạo đức trong dân chúng. Lòng tốt của ông trải rộng ra cho mọi chúng sinh. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của ông được lưu truyền rộng rãi. Ngay cả những con chim Phượng hoàng và Kỳ Lân huyền thoại cũng đã xuất hiện trên mảnh đất mà ông cai trị, chứng tỏ rõ uy đức của ông. Tất cả điều này có được là nhờ ân đức vua Thuấn dành cho nhân dân. Bệ Hạ hỏi về loại vương miện mà vua Thuấn đã mang thay vì hỏi những vấn đề quan trọng hàng đầu như thế, vì thế thần không trả lời ngay được.”

Sống với người tốt cũng giống như được vào một căn phòng đầy hoa lan

Khổng Tử từng nói với Tăng Sâm, “Tử Hạ sẽ tiến bộ rất nhanh vì trò ấy rất thích dành thời gian để ở bên những người có đức hạnh cao hơn mình. Ở với những người tốt cũng giống như sống trong một căn nhà đầy hoa lan. Con người sẽ đồng hóa với môi trường. Vì vậy, một người quân tử phải cẩn thận trong việc lựa chọn người cùng chung sống.” Điều đó cũng đã được nói đến trong cuốn “Đệ tử quy”, “Thật vô cùng ích lợi nếu một người được sống gần những người có thiện tâm. Mỗi ngày trôi qua, đức hạnh của người đó sẽ một tăng, và những thiếu sót của người ấy cũng bớt đi. Phải sống xa những người tốt thì thật là nguy hại. Người mà bị đẩy vào chỗ của những kẻ tiểu nhân thì rồi cũng sẽ hư hỏng.”

Điều này cho chúng ta biết rằng, bằng cách sống gần với những người nhân đức, kết bạn với họ hoặc nhận họ làm thầy, người ta có thể mở rộng kiến thức của mình cũng như giúp bản thân họ ngày một thêm hoàn thiện. Một người quân tử sẽ là một tấm gương tốt. Những người xung quanh anh ta sẽ học cách nhìn vào bản thân họ để tìm những thiếu sót của mình và liên tục tự đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho mình. “Thường xuyên tự tìm thấy những khuyết điểm của bản thân, thay vì đổ lỗi cho người khác” đòi hỏi một người phải thật trong sáng khoáng đạt trong lời nói và hành vi của mình. Nghiêm khắc với bản thân nhưng khoan dung với người khác là biểu hiện của lòng độ lượng. Khổng Tử nói: “Một người quân tử học Đạo và yêu thương mọi người.” Ông đã chỉ ra rằng một người quân tử có Đạo cần phải biết quan tâm đến mọi người, biết áp dụng các nguyên tắc người đó đã học được từ Đạo để đối đãi với người khác. Tâm đại từ bi cũng giống như nước vậy, làm lợi cho tất cả trong khi bản thân không giữ lại gì.

Đức hạnh của một người quân tử sẽ đem lại sự hòa hợp và thái bình, sẽ nhắc nhở người ta tu chỉnh bản thân mình và không làm điều gì trái với lương tâm. Trong thế giới vật chất ngày nay, nơi mà có quá nhiều người mang lòng tham danh lợi, thì điều đó còn chính yếu hơn nữa trong việc giúp con người có thể giữ vững được lương tâm và đạo đức.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/7/4/226458.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/8/15/119263.html
Đăng ngày 21-10-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share