Minh Nguyệt chỉnh lý
[MINH HUỆ 2-6-2009] Phục Hy còn gọi là Thái Hạo, là một trong “Tam Hoàng” – 3 vị vua thời thượng cổ Trung Quốc. Ngày sinh ngày mất của ông không rõ. Tương truyền ông làm vua 116 năm, hưởng thọ 175 tuổi.
Phục Hy quan sát sự vận hành của bầu trời, nhật nguyệt tinh tú, quan sát sự biến hóa của các hiện tượng tự nhiên như gió, sương, tuyết, mưa, rét, nóng. Ông lại quan sát sông ngòi trên mặt đất, quan sát dáng hình các loài động thực vật, quan sát hoa văn của các loài chim thú, quan sát đủ chủng loại mà ông cho rằng thích hợp để tham khảo. Thông qua việc quan sát tìm tòi nghiên cứu, ông đã cảm ngộ được. Thế là ông: gần thì từ trên thân thể của mình, xa thì từ hoàn cảnh xung quanh, ông lấy những sự vật mà mình đã biết phân loại theo thuộc tính, lấy 8 loại ký hiệu khác nhau để biểu thị, sáng chế được Bát Quái. Thông qua sự diễn dịch của Bát Quái ông hiểu rõ được ý chí của Thần thánh, mô phỏng được tình huống của vạn vật.
Thời thượng cổ, mọi người dùng cách thắt dây thừng để ghi nhớ các sự việc, nhằm bảo trì sự ổn định của cuộc sống. Phục Hy đã phát minh ra chữ viết, từ đó có thể ghi chép và mô tả các sự vật một cách tinh tế tỉ mỉ và chuẩn xác. Thế là những nhà quản lý có thể thông qua chữ viết để quản lý thần dân thuộc hạ, mà trăm họ cũng có thể nhờ vào chữ viết để đưa ra chuẩn mực cho hành vi của bản thân mình.
Quan Thái sử Phạm Tổ Vũ thời Tống Triết Tông đã nói rằng những đức tính Phục Hy phù hợp với Trời Đất, quán thông với Thần linh. Phục Hy đã phát minh ra Bát Quái để vạch rõ chân tướng của sự vật, khiến mọi việc đều được xử lý thích hợp.
Những quy phạm trong việc quản lý quốc gia, và quy phạm hành vi đạo đức đã được sinh ra từ thời đại Phục Hy, tới thời Đường Nghiêu mới được hoàn bị. Cho nên nếu như không nhờ Phục Hy, không nhờ Đường Nghiêu thì dù có rất nhiều người nói chuyện Lễ nghĩa, đó cũng chỉ là nói suông mà thôi. Việc học tập của các bậc Đế Vương đời sau đều lấy Phục Hy làm cội nguồn.
Chú thích: Tam Hoàng: chỉ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/6/2/201870.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/6/12/108225.html
Đăng ngày: 24-09–2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.