[MINH HUỆ 30-07-2020] Ngày 21 tháng 7 năm 2020, các học viên Pháp Luân Công tại New Zealand đã tổ chức nhiều sự kiện tại thủ đô Wellington để ghi dấu năm thứ 21 cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cuộc bức hại bắt đầu cách đây 21 năm, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Vào buổi trưa, các học viên bắt đầu diễu hành từ phố Cuba ở trung tâm của Wellington, đi qua những tuyến phố thương mại sầm uất nhất, rồi qua phố Willis và bến tàu Lambton.
Các học viên Pháp Luân Công tổ chức diễu hành qua [các con phố] của Wellington, thủ đô của New Zealand.
Đoàn nhạc Tian Guo dẫn đầu đoàn diễu hành. Mọi người trên phố bị thu hút bởi âm nhạc hùng tráng của họ, và nhiều người đã vui vẻ nhận những tờ thông tin để tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.
Các học viên tổ chức lễ mít-tinh ôn hòa phía trước Tòa nhà Nghị viện.
Sự kiện diễu hành kết thúc vào buổi chiều bằng một lễ mít-tinh trước Tòa nhà Nghị viện. Hai Nghị sỹ đã có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực phản bức hại của các học viên. Bốn học viên đã kể về sự bức hại mà họ từng phải chịu đựng khi còn ở Trung Quốc, và kêu gọi chính phủ New Zealand và công chúng ủng hộ công lý, trợ giúp để chấm dứt cuộc bức hại này ở Trung Quốc.
Nghị sỹ Đảng Xanh: “Đây là lúc chúng ta đứng lên vì những học viên Pháp Luân Công đang phải chịu thống khổ”
Nghị sỹ Đảng Xanh Golriz Ghahraman
Nghị sỹ Đảng Xanh Golriz Ghahraman phát biểu: “Ngày hôm nay, tôi chấp nhận đơn kháng nghị này mà trong tâm nặng trĩu, bởi vì tất cả chúng ta đều biết tình hình của cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc không có gì tiến triển và vẫn rất tàn khốc. Hàng ngàn người đã mất đi mạng sống, và hàng ngàn người đang sống trong sợ hãi.
“Chúng tôi đã nhận được báo cáo ủy ban về hiến hoặc thu hoạch nội tạng. Chúng tôi biết tình hình là hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi cũng biết thực hành đức tin trong hòa bình mà không bị bức hại là một nhân quyền cơ bản và quyền lợi hợp pháp của con người trên thế giới…nhưng đây lại chính là những gì chính phủ Trung Quốc đang vi phạm.
“Vậy nên, đã đến lúc chính phủ New Zealand phải bảo vệ hòa bình, con người và nhân quyền ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời mạnh mẽ phản đối chính phủ Trung Quốc, một quốc gia mà nhiều khi là đồng minh và đối tác thương mại của chúng ta. Đây là lúc để chúng ta đứng lên vì những học viên Pháp Luân Công đang chịu thống khổ.
“Hôm nay, tôi cảm ơn các bạn đã đệ trình vấn đề này tới Nghị viện. Tôi cảm ơn vì sự bền bỉ của các bạn. Tôi biết đây là điều mà cộng đồng Pháp Luân Công đang tiếp tục thực hiện với một cam kết mạnh mẽ, và tôi cảm ơn tất cả mọi người đã có mặt tại đây.
“Đây là Nghị viện của các bạn. Hôm nay, tôi vô cùng vinh hạnh được làm người đại diện đệ trình bản kiến nghị này tới Nghị viện. Bất kể là ở Ủy ban Đối ngoại, trên phố, trước giới truyền thông, ở Trung Quốc hay ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ tiếp tục lên tiếng trước Nghị viện. Bởi vì chúng ta biết rằng nếu tất cả chúng ta không được tự do thì không ai có thể tự do cả. Vậy nên, cảm ơn các bạn”.
Nghị sỹ Đảng Lao động: Tín ngưỡng là một nhân quyền cơ bản
Nghị sỹ Đảng Lao động Louisa Hareruia
Nghị sỹ Đảng Lao động Louisa Hareruia đã có bài diễn văn tại lễ mít-tinh, bà nói: “Tất cả chúng ta đều có quyền được làm người. Trong những quyền này có quyền tự do biểu đạt và tự do tín ngưỡng. Bởi vậy, sự ngược đãi mang tính hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công là sai trái, cho dù xét từ phương diện nhân quyền hay từ phương diện dân chủ.
“Tôi muốn tri ân những người trong số các bạn đã kiên định với đức tin của mình ở Trung Quốc. Hiện tại, các bạn đang sống tại New Zealand và có thể tu luyện Pháp Luân Công mà không bị bức hại. Vì vậy, tôi cảm ơn lòng can đảm bước về phía trước của các bạn và lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới, những người không được hưởng những quyền lợi tương tự.
“Đối với tôi, nhân quyền có hai nguyên tắc cơ bản, đó là quyền được tôn trọng và quyền lợi. Tất cả chúng ta đều có quyền làm điều mình muốn theo cách được tôn trọng và ôn hòa. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải có trách nhiệm. Vậy nên, nếu chúng ta thấy các nhóm người khác bị bức hại, bị cầm tù và các quyền lợi của họ bị xâm phạm thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm đứng ra bảo vệ họ.
“Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cầu nguyện và ủng hộ nhân quyền của tất cả mọi người và của toàn nhân loại. Tất cả chúng ta đều có quyền được là chính mình, sống theo cách riêng của chúng ta, được thực hành tín ngưỡng, thiền định, theo triết lý sống của chúng ta, và phản đối chính phủ theo cách riêng của chúng ta.
“Cuối cùng, tôi muốn tuyên bố rằng, trong một xã hội dân chủ thì việc kháng nghị là lành mạnh. Điều này có nghĩa là họ có liên quan; có nghĩa là họ biết điều gì đang xảy ra và họ muốn có tiếng nói. Chúng tôi không im lặng. Chính vì vậy, tôi coi những điều mà các bạn đang thực hiện ngày hôm nay là một sức mạnh to lớn. Các bạn đã bước ra và lên tiếng, cảm ơn các bạn vì đã cho phép tôi tham gia vào quá trình này”.
Nhà ngôn ngữ học: Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh vì đức tin và các nguyên tắc đạo đức của các học viên Pháp Luân Công
Ông Paul Raynr là nhà ngôn ngữ học đã từng làm cố vấn cho Nghị viện New Zealand. Khi ông sống gần Đại sứ quán Trung Quốc, ông thường xuyên thấy các học viên kháng nghị tại đó. Ông đã chú ý tới Pháp Luân Công và các vấn đề Trung Quốc trong những năm qua.
Ông nói: “Gần đây, có lan truyền một số video nói về các trại tập trung của [chính quyền] Trung Quốc. Sau khi xem các video này, tôi rất lo lắng. ĐCSTQ đang làm một số việc mà Đức Quốc xã đã làm trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
“Các học viên Pháp Luân Công không làm hại bất kỳ ai. Họ đáng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng. Việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng của họ để kiếm lời thật sự tàn nhẫn. Các học viên đấu tranh cho đức tin và các nguyên tắc của họ. Tôi tới đây để bày tỏ sự ủng hộ của mình.
“Tôi hy vọng tất cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ gây áp lực lên ĐCSTQ và cử người điều tra những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Trong thế giới này, những tội ác đó là tuyệt đối không thể dung thứ. Có quá nhiều bằng chứng đã lộ diện, những điều mà tôi tuyệt đối không nghĩ là có thể giả mạo, và tội ác vẫn tiếp tục diễn ra”.
Ông Raynr tiếp tục: “Tôi cho rằng chính phủ New Zealand nên làm những việc mà họ cho là nên làm. Mặc dù tất cả các quốc gia đang gây áp lực về thương mại lên ĐCSTQ, nhưng là một chính phủ độc tài, họ sẽ không giữ hình tượng tốt trên trường quốc tế. Họ không tuân theo luật lệ và vô đạo đức. Thật kinh hoàng!”
Cư dân Wellington: Cuộc bức hại này đã kéo dài quá lâu rồi
Bà Alison Smith, một cư dân Wellington, hy vọng bà có thể trợ giúp chấm dứt cuộc bức hại càng sớm càng tốt.
Bà Alison Smith, một cư dân địa phương, đã lắng nghe các bài diễn văn tại lễ mít-tinh. Bà cho biết bà đã sống ở New Zealand được 15 năm rồi và luôn thấy các học viên Pháp Luân Công phát tặng các tờ thông tin tại Ga tàu Wellington.
Bà nói người ta không đáng bị bức hại vì chiểu theo đức tin của mình, và các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại quá lâu rồi.
Bà kể bà đã tìm hiểu về cuộc bức hại này từ lâu và bà cũng đã xem bộ phim tài liệu Điều khó tin (Hard to believe), bộ phim vạch trần hành vi thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Bà đã sốc khi biết về tội ác này.
Bà Alison cho biết bà làm việc trong chính phủ và từng thảo luận về cuộc bức hại Pháp Luân Công với người thân và bạn bè, nhưng không có gì thay đổi. Bà nói bà muốn trợ giúp các học viên truyền rộng thông điệp này và chấm dứt cuộc bức hại càng sớm càng tốt.
Cư dân New Zealand gốc Hoa: Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự là một tà giáo
Anh Hình Giám, cư dân New Zealand gốc Hoa, ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì sự đóng góp của họ cho xã hội.
Anh Hình Giám, một cư dân New Zealand gốc Hoa, đã ký tên vào bản thỉnh nguyện để lên án cuộc bức hại. Anh nói: “Các học viên Pháp Luân Công thực hành thiền định và sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Làm sao mà pháp môn này có thể là một tà giáo như ĐCSTQ đã quy cho được? ĐCSTQ mới là tà giáo thực sự. Nó cưỡng ép con người ở các tôn giáo khác phải hát những bài hát ca ngợi đảng, khuất phục mong muốn của người dân, nô dịch họ và không bao giờ đối xử với người dân như đối với con người. Nó thực sự rất tà ác”.
“Hãy nhìn vào đại dịch virus corona và lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc, rất nhiều người đã mất nhà cửa. Dưới sự [cai trị] của ĐCSTQ và phong tỏa Internet của nó, người dân không được tiếp cận với thông tin chân thực”.
Anh còn cho biết tất cả người Hoa tại hải ngoại cần phản đối ĐCSTQ và giúp người dân trên thế giới nhìn ra bộ mặt thật của nó.
Anh Hình nhận xét các học viên Pháp Luân Công đã có những đóng góp to lớn cho xã hội. Anh ca ngợi những kênh truyền thông do các học viên bên ngoài Trung Quốc vận hành, và nói: “Nó cung cấp thông tin trung thực cho người Trung Quốc, và để cho thế giới thấy được Trung Quốc thực sự là thế nào và điều kiện thực tế mà người dân Trung Quốc đang sinh sống”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/23/409462.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/30/186109.html
Đăng ngày 13-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.