Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-06-2020] Bà Trình Lan là cảnh đốc đã nghỉ hưu ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Năm 1997, vì lý do sức khỏe, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thiền định cổ xưa.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999 do sự phổ biến rộng rãi của môn tu luyện. Kể từ đó, bà Trình đã nhiều lần trở thành mục tiêu bị nhắm đến. Bà từng bị giam giữ và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Nhà bà bị lục soát bốn lần. Dưới đây là tự thuật của bà Trình về những bức hại mà bà đã phải gánh chịu.

Năm nay tôi 67 tuổi và đã nghỉ hưu từ lực lượng công an vào năm 2007. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1997. Thời điểm đó, tôi mắc nhiều bệnh, gồm viêm dạ dày teo, viêm khớp, viêm túi mật và viêm mũi. Tôi đã thử dùng mọi loại thuốc của Tây y và Đông y nhưng không có tác dụng. Tôi có nghe người khác nói về Pháp Luân Công và đã quyết định thử xem sao. Thông qua tu luyện Pháp Luân Công, mọi bệnh tật của tôi đã biến mất mà không cần dùng thuốc. Thật là kỳ diệu. Tôi cảm thấy trẻ lại và vui vẻ.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công vào năm 1997. Tháng 12 năm 2011, một học viên đã bị bắt vì phát tặng tài liệu Pháp Luân Công. Kết quả là tôi đã bị liên luỵ. Tôi bị triệu tập đến Văn phòng Hưu trí của Sở Cảnh sát Quận Cổ Lâu. Khi đến đó, khoảng tám cảnh sát đã thẩm vấn tôi. Đến trưa, 10 cảnh sát đã đến nhà tôi và lục soát mà không đưa ra bất cứ văn bản pháp lý nào. Họ tịch thu một máy tính và hai máy in cũng như các sách Pháp Luân Công và một tấm ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Hai ngày sau, tôi bị đưa đến một trung tâm tẩy não, tại đây tôi bị hai người giám sát cả ngày đêm. Tôi không được rời khỏi phòng và bị ép phải xem các video lăng mạ Pháp Luân Công. Sau 20 ngày, tôi là người duy nhất ở trong trung tâm tẩy não. Tôi được thả trước Tết Nguyên đán hai ngày và bị yêu cầu không được rời Nam Kinh trong thời gian tết. Khi trở về nhà, tôi phát hiện thấy một camera đã được lắp đặt bên ngoài căn hộ của mình. Điện thoại nhà tôi bị nghe lén và tôi luôn bị theo dõi mỗi khi rời khỏi nhà.

Gia đình bị liên lụy

Con rể tôi là quản lý bộ phận tại một công ty nước ngoài ở Bắc Kinh. Mùa Đông năm 2012, cháu tôi vừa mới sinh và khi đó bị ốm nên con gái đã nhờ tôi đến Bắc Kinh để giúp cháu chăm sóc con. Tôi đã đến đồn cảnh sát địa phương để được chấp thuận và để lại địa chỉ và số điện thoại của con gái tôi cho họ trước khi tôi rời đi Bắc Kinh.

Một ngày khi tôi đang ở Bắc Kinh, một cảnh sát ở Sở Cảnh sát Khu Triều Dương và một cảnh sát của đồn cảnh sát địa phương đã đến gặp tôi tại nhà con gái tôi. Khi tôi ở Bắc Kinh, tôi thường đến bệnh viện lúc 4 giờ sáng để đăng ký và xếp hàng cho cháu thăm khám bác sỹ. Điều đó rõ ràng đã khiến cảnh sát nghi ngờ chú ý và tôi nhận thấy mình đang bị theo dõi. Họ liệt kê ra các quy định yêu cầu tôi thực hiện. Tôi đã từ chối hợp tác.

Vài ngày sau, con rể tôi bị công ty sa thải. Tôi biết lý do là vì tôi tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát ở Nam Kinh và Bắc Kinh đã cấu kết với nhau để khiến con rể tôi bị đuổi việc nhằm ép tôi phải quay về Nam Kinh.

Kiện cựu độc tài Trung Quốc

Tháng 6 năm 2015, tôi đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Đơn kiện hình sự của tôi đã được gửi đến Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Một ngày vào tháng 6 năm 2016, bảy cảnh sát đã vào nhà tôi mà không đưa ra bất kỳ văn bản pháp lý nào. Họ lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công mà tôi có. Tôi bị đưa đến Đồn Cảnh sát Hồ Nam Lộ để thẩm vấn. Họ hỏi có phải tôi đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân hay không. Tôi nói với họ rằng việc kiện ông ta là quyền hợp pháp của tôi.

Họ cũng cáo buộc tôi đã gửi những bức thư liên quan đến Pháp Luân Công cho các lãnh đạo cấp cao của thành phố Nam Kinh. Tôi đã bác bỏ lời buộc tội đó. Họ đã cố lấy dấu vân tay của tôi. Tôi từ chối hợp tác. Ba cảnh sát đã cố lôi tôi đến một căn phòng khác để lấy dấu vân tay. Tôi liều mình kéo lại và khóc lên: “Sư phụ, xin giúp con!”. Cả ba cảnh sát bị ngã xuống sàn cùng tôi. Một người hăm doạ: “Bà không thể về nhà mà vân tay chưa được lấy.”

Đêm đó, tôi bị giữ tại đồn cảnh sát đến rất muộn rồi mới được thả.

Viết thư cho các quan chức đã khiến tôi bị giam giữ

Tháng 8 năm 2018, tôi bị yêu cầu gặp trưởng phòng của Văn phòng Kỷ luật Cảnh sát và trưởng phòng của Văn phòng Chính trị của Sở Cảnh sát Khu Cổ Lâu. Họ xét hỏi xem tôi có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Tôi đã cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ nhưng họ không quan tâm. Sau đó, sau khi về nhà, tôi quyết định viết thư cho họ để giải thích những chân tướng cơ bản về Pháp Luân Công và trải nghiệm tu luyện của bản thân mình. Tôi cũng gửi những bức thư tương tự cho những trưởng phòng cảnh sát mới được bổ nhiệm.

Vài tuần sau, tôi bị yêu cầu đến đồn cảnh sát địa phương. Khi đến nơi, tôi gặp đội trưởng và giám đốc giáo dục của Đội An ninh Nội địa. Họ bảo tôi rằng những lá thư tôi viết đã được chuyển về cho họ. Họ nói với tôi: “Nếu bà ngừng tu luyện Pháp Luân Công thì việc này sẽ kết thúc. Nếu không thì nó sẽ trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng”. Tôi nói với họ một cách kiên định: “Đương nhiên là tôi vẫn sẽ tu luyện.”

Đến trưa, hai cảnh sát khác đến nói chuyện với tôi. Họ yêu cầu tôi phải viết ba tuyên bố và đe doạ phạt tiền tôi. Tôi nói với họ: “Cái gì của tôi sẽ là của tôi. Điều đó không phải tùy thuộc vào các anh”. Sau đó họ yêu cầu tôi viết các tuyên bố theo lời của họ và tôi cũng từ chối. Một vài cảnh sát đã đưa tôi về nhà và ép tôi phải mở cửa cho họ. Họ lại lục soát nhà tôi lần nữa.

Tôi bị đưa đến Đồn Cảnh sát Hồ Nam Lộ. Một cảnh sát nói với tôi rằng họ sẽ chụp ảnh, lấy máu và dấu vân tay của tôi. Tôi khóc to đến nỗi mọi người trong đồn cảnh sát đã đến xem việc gì đã xảy ra. Sau hôm đó, họ đưa cho tôi thông báo giam giữ hành chính 10 ngày và đưa tôi đến Trại tạm giam Thành phố Nam Kinh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/26/408196.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/13/185865.html

Đăng ngày 29-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share