Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-01-2020] Không biết các bạn đồng tu có để ý đến một tình huống như này không. Đó là áp lực mà các học viên nam, nữ độc thân hoặc đến tuổi kết hôn gặp phải. Những năm gần đây, mỗi khi đến dịp Tết Nguyên đán, thì đây là một chủ đề được bàn luận đến nhiều giữa các thành viên trong gia đình ở Trung Quốc.
Tất nhiên, khi tụ tập gia đình và người lớn để tâm đến chuyện yêu đương và kết hôn của những người trẻ tuổi là hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên một số cha mẹ lại khiển trách và gây áp lực cho con cái về vấn đề này. Những thành viên khác trong gia đình cũng xen vào và đưa ra ý kiến của họ. Kết quả là việc đó đã gây áp lực cho các bạn trẻ cũng như cha mẹ họ.
Là người tu luyện, tôi đã từng gặp áp lực và khổ nạn liên quan đến vấn đề này. Con trai tôi tu luyện từ khi còn nhỏ và bây giờ đã là một thanh niên lớn tuổi nhưng vẫn độc thân. Nhiều bạn bè và các thành viên trong gia đình tôi đã hiểu sai về vấn đề này. Họ cho rằng việc con trai tôi vẫn còn độc thân là do tu luyện. Họ thường xuyên trách móc tôi, đổ lỗi cho tôi vì đã không giáo dục cho con trai tư tưởng hiện đại về tình yêu và hôn nhân.
Quan niệm hiện đại về hôn nhân là: Nếu hai phía gặp mặt và có ấn tượng tốt với nhau, thì họ sẽ chuyển về sống thử cùng nhau, dù sau đó họ có kết hôn với nhau hay không, hoặc kết hôn rồi thì ly hôn lúc nào cũng được, đừng sợ khi nói đến ly hôn. Dù sao đi nữa những người khác cũng đang làm như thế, vậy sao phải theo đuổi lý tưởng “chỉ có cái chết mới chia lìa được chúng ta?” Nhưng còn một suy nghĩ khác luôn ám ảnh tâm trí họ, đó là không có gì tồi tệ hơn việc không có người nối dõi.
Tôi cũng đã gặp những người được gọi là nhà cố vấn hoặc chuyên gia tư vấn hôn nhân nói chuyện rất thẳng thừng về ý tưởng kết hôn của họ. Họ đề xuất rằng nếu không có mối quan hệ nào, một người vẫn nên có quan hệ tình dục vì để thỏa mãn ham muốn. Hoặc nếu một người không có một mối quan hệ nào thì họ đã thất bại trong vấn đề hôn nhân.
Tôi không đồng ý với những tư tưởng và quan niệm đó của người thường về vấn đề hôn nhân. Chúng chính xác là những chấp trước mà những người tu luyện chúng ta cần từ bỏ. Tuy nhiên, mỗi khi tôi thấy cảnh những đứa cháu thân thiết với ông bà của chúng, tôi lại không nhịn được mà mong muốn và tưởng tượng xem cuộc sống sẽ ra sao nếu tôi cũng có một đứa cháu.
Những khi đó, tôi cẩn trọng hỏi con trai mình xem liệu cháu có sẵn sàng để bước vào một mối quan hệ không. Con trai tôi trả lời rằng thực ra cháu rất sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ và kết hôn, nhưng chỉ là chưa gặp đúng người. Cháu muốn người vợ của mình phải có đạo đức ngay chính, mà người như vậy rất khó tìm trong xã hội ngày nay.
Tôi cũng nghe về những trường hợp các học viên vì “áp lực dư luận xã hội” mà ép con của họ kết hôn với một người thường. Sau khi kết hôn, con của học viên ấy không còn học Pháp nữa và từ bỏ tu luyện. Cũng có những trường hợp mà các học viên kết hôn với nhau, sau đó họ tập trung vào cuộc sống hôn nhân hơn là tu luyện, và trở thành người thường.
Đó không phải để nói các học viên không thể kết hôn, là người tu luyện, chúng ta phải sống [dung hòa] với những quy luật của xã hội người thường. Sư phụ yêu cầu chúng ta cần phù hợp tối đa với xã hội người thường. Tôi nghĩ rằng chỉ cần chúng ta không bị động tâm với những gì người thường nói, thì việc một học viên kết hôn với một người thường cũng không có vấn đề gì.
Người ta thường nói rằng con người thì cần phải có con cái để tiếp nối thế hệ, duy trì nòi giống. Nhưng là các học viên, con cái của chúng ta đều có vị trí và duyên phận riêng của họ. Họ có thể đầu thai ở nơi này và cũng có thể đầu thai ở một nơi khác. Luân hồi, các mối quan hệ nhân duyên đều là do các sinh mệnh cao tầng hơn an bài.
Người thường hay nhấn mạnh việc “có con cái” để nương tựa khi về già. Khi già đi, cha mẹ thường phải dựa dẫm vào con cái. Đó là cách mà xã hội nhân loại được an bài phát triển, và người thường trong vô minh không biết đã bị an bài như thế mà cứ sống vì những điều đó.
Là người tu luyện, con đường của chúng ta là do Sư phụ an bài, mọi thứ đều là duyên phận. Những người tu luyện không có vấn đề già yếu khi chúng ta nhiều tuổi hơn. Chỉ cần chúng ta tín Sư tín Pháp, làm tốt ba việc, chúng ta sẽ không cảm thấy đơn độc. Một người tu luyện sẽ phải đối diện với những khổ nạn trên con đường tu luyện của họ. Trong xã hội người thường, chúng ta hoặc có thể dùng cách thức tích cực, ngay chính để thay đổi hoàn cảnh của mình, hoặc sẽ bị hoàn cảnh đó làm cho ô nhiễm.
Đây là thời kỳ Chính Pháp đầu tiên và duy nhất trong vũ trụ, mà các sinh mệnh có thể được cứu độ. Chúng ta thật may mắn vì có thể đắc Pháp, làm người tu luyện và nhìn thấu thế giới trần tục này. Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất: “Đồng hóa với Pháp, phản bổn quy chân, trân quý thệ nguyện từ tiền sử, trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh.”
Sư phụ đã giảng:
“Cơ duyên chỉ có một lần, mộng ảo chưa buông bỏ được kia một khi qua đi, mới hiểu ra đã đánh mất là điều gì.” (Về hưu rồi mới tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Mỗi người đều có cuộc đời riêng, mỗi người đều có khát vọng và ý chí riêng của bản thân, và tự lựa chọn những gì mình muốn.
Trên đây là nhận thức của cá nhân tôi tại thời điểm hiện tại. Nếu có điều gì không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ giúp. Hợp thập!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/20/399224.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/16/183264.html
Đăng ngày 13-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.