Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-11-2019]

Tôi đã đi cùng con gái khi lần đầu tiên cháu nghe các bài giảng của Sư phụ Lý vào năm 1997. Trong khi nghe các bài giảng, tôi đã nhìn thấy một chiếc quạt màu trắng khổng lồ với một trục trông như lốc xoáy quay vòng trên đầu tôi. Sau khi nghe hết 9 bài giảng, tất cả những gì tôi có thể nhớ được là Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, dạy người trở thành người có đạo đức ngay thẳng. Hàng xóm của tôi là một học viên. Cô ấy đã nói với tôi rằng chiếc quạt khổng lồ mà tôi đã thấy chính là một Pháp Luân. Cô ấy nói tôi có căn cơ tốt và khuyên tôi hãy tu luyện tinh tấn. Vào tháng 7, tôi đã theo cô ấy đến một điểm luyện công và chân chính trở thành một học viên.

Thời điểm đó, tôi đang dạy học ở một trường trung học và giữ các vị trí bán thời gian tại 3 trường đại học. Tôi vô cùng bận rộn. Tôi hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp và được đồng nghiệp cũng như các học sinh rất kính trọng.

Tuy nhiên, tôi gặp một chút khó khăn trong việc dậy sớm buổi sáng để luyện công vào lúc 4 giờ 10 phút hàng ngày. Máy sưởi bên cạnh giường tôi sẽ bắt đầu kêu bíp một cách nhẹ nhàng. Nếu tôi vẫn không ra khỏi giường, cửa phòng ngủ sẽ bắt đầu đập mạnh cứ như thể có người đang đạp vào nó. Kể từ đó, ngay cả khi tôi buộc phải rời nhà và lang thang để tránh bị bức hại, âm thanh va đập của gỗ vẫn vang lên mỗi sáng, và tôi biết rằng Sư phụ đang nhắc nhở tôi thức dậy và luyện công.

Hai tháng sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi gặp một tai nạn ô tô. Bác sĩ đã khâu 4 mũi ở đầu tôi phía bên phải và xương đòn của tôi bị gãy. Chỉ trong vòng một tháng, tôi đã hồi phục hoàn toàn và quay trở lại làm việc.

Con gái tôi bị thấp khớp rất nặng và bị liệt do teo cơ nhưng cháu đã được ban một cuộc sống mới sau khi nghe các bài giảng của Sư phụ. Cháu đã có thể cử động lại được một phần.

Khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cấm môn tu luyện vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi đã đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Tôi đã bị đưa đến đồn công an. Tôi đã bị sốc và phẫn nộ trước sự phỉ báng của chính quyền đối với Pháp Luân Công và biết rằng họ sẽ không kiêng nể gì đến đạo lý mà mà bức hại các học viên. Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận được ý nghĩ phải từ bỏ đức tin của mình. Cuộc sống sẽ thật vô nghĩa nếu tôi không thể tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi đã 6 lần bị bắt giữ và bị lục soát nhà vô số lần. Tôi đã phải rời nhà trong 4 năm để tránh bị bắt giữ. Tuy vậy, tôi chưa từng từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Trong những thời điểm khó khăn như vậy, các đồng tu và tôi vẫn kiên trì thức tỉnh thiện niệm của nhiều chúng sinh. Chúng tôi giảng rõ chân tướng về Pháp Luân Công cho cảnh sát, những người đến để bắt và lục soát nhà chúng tôi, chia sẻ về những lợi ích khi tu luyện Pháp Luân Công, và thấy được những người này vẫn còn mặt lương thiện.

Giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho các cảnh sát và lính canh

Ngày 19 tháng 1 năm 2000, tôi bị bắt lần thứ hai. Vào buổi tối ngày hôm sau, trưởng đồn công an đã triệu tập tôi. Ông ta mắng nhiếc tôi thậm tệ ngay khi tôi vừa bước vào văn phòng ông ta. Trong đời tôi chưa từng bị nhiếc móc như thế. Tôi ứa nước mắt và nói với ông ta: “Ông có thể hỏi trường của tôi xem tôi là giáo viên như thế nào. Ông có biết lý do mà tôi tu luyện Pháp Luân Công là gì không? Con gái tôi mắc một căn bệnh di truyền của gia đình khi cháu đang học đại học. Tôi đã dành toàn bộ tiền của mình để tìm cách chữa trị từ nhiều danh y ở Trung Quốc nhưng không ai có thể trị được bệnh cho cháu. Có người đã khuyên chúng tôi nên thử luyện Pháp Luân Đại Pháp và cuối cùng con gái tôi đã hồi phục nhờ tu luyện Đại Pháp.”

Ông ta im lặng và ghi lại từng lời tôi nói. Tuy nhiên, ông ta vẫn đưa tôi đến trại tạm giam, chỉ là tôi không bị đeo còng tay trên đường đến nhà tù mà thôi.

Vào ngày thứ hai ở trại tạm giam, nhiều cảnh sát đã thẩm vấn tôi. Tôi nói với họ rằng tôi không quan tâm ai đã ngăn cản chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công, hay Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, người đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã ra lệnh những gì – tôi sẽ không từ bỏ đức tin của mình. Một cảnh sát mỉm cười và nói: “Vậy sao bà không viết ra những trải nghiệm tu luyện Pháp Luân Công của bà đi?” Tôi đã viết về lý do tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và về những lợi ích mà cả tôi và con gái đã được thụ ích nhờ tu luyện. Viên cảnh sát nhìn qua rồi nhận xét: “Bà đang ca tụng Pháp Luân Đại Pháp.” Anh ta mỉm cười rồi bỏ đi cùng mảnh giấy mà tôi đã viết.

Hai tháng sau, tôi bị bắt giữ lần thứ ba khi đang chụp ảnh tốt nghiệp cùng học sinh của mình. Lý do của việc bắt giữ này đó là tôi đã đến nhà một học viên và ở đó trong 5 phút.

Tôi bị hỏi rất nhiều câu hỏi về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã nói chuyện với những cảnh sát đó đến tận 4 giờ sáng, nhưng họ vẫn đưa tôi đến đồn công an địa phương. Trên đường đi, một cảnh sát cho biết anh ta đã nghe những người khác nói rằng Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời như thế nào, nhưng anh ta không biết nhiều về điều đó cho đến khi anh ta gặp tôi. Anh thật sự hiểu được những lợi ích của môn tu luyện từ trải nghiệm của tôi.

Sau khi tôi bị bắt ở trường, cảnh sát đã đột nhập vào nhà tôi và tiến hành lục soát. Con gái tôi là người duy nhất ở nhà khi đó. Tôi đã hỏi cảnh sát về con gái tôi. Một viên cảnh sát nói với tôi rằng con gái tôi đã khóc và cầu xin họ để lại cho cháu một cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi hỏi rằng họ có chấp nhận thỉnh cầu của cháu không. Anh ta nói họ đã làm như vậy.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị tổ chức một buổi họp quan trọng ở Bắc Kinh, tôi đã thiết kế một số đơn kiến nghị để kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề Pháp Luân Công. Tôi đã để một vài mẫu đơn trống kẹp giữa những tài liệu dạy học của tôi ở nhà. Khi tôi trở về nhà, tôi nhìn thấy những mẫu đơn đó đã được đặt lên trên các tài liệu này. Cảnh sát đã phát hiện ra những mẫu đơn kiến nghị này khi họ lục soát nhà tôi nhưng đã không tịch thu chúng. Sau đó, khi tôi gặp một trong các cảnh sát, tôi đã nói cảm ơn họ, và anh ta ngay lập tức hiểu ý tôi. Anh ta nói rằng anh đã không thấy gì cả.

Ở đồn công an, một người đưa cơm cho các tù nhân đã nhận ra tôi và gọi tên tôi. Kể từ đó trở đi, tôi nhận được 2 đĩa cơm và nhiều bánh bao hấp trong các bữa ăn. Tất nhiên tôi chia sẻ chúng với các đồng tu và các tù nhân khác. Khi được thả, tôi đã mua một chiếc váy và tặng nó cho người đưa cơm để cảm ơn cô ấy đã quan tâm đến tôi.

Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh, ngày 1 tháng 10 năm 2000, tôi lại bị bắt lần nữa vì đã kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhiều học viên, trong đó có tôi, bị đưa lên một chiếc xe. Chúng tôi mở cửa sổ xe và cố gắng giương một biểu ngữ với dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” bên ngoài xe. Người lái xe đã cố gắng ngăn chúng tôi và còn định đánh chúng tôi. Một số người trong chúng tôi đã giữ tay anh ta lại và nói: “Anh bạn trẻ, đừng làm như vậy. Tại Trung Quốc có 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chính vì đó là một môn tu luyện tốt. Chúng tôi là những người kháng nghị ôn hòa và chúng tôi không làm điều gì sai cả. Hiến pháp quy định rằng chúng ta có quyền tự do tín ngưỡng. Ở tuổi này thì chúng tôi giống như những bậc lớn tuổi trong gia đình anh đó. Anh không nên đánh chúng tôi.” Các lính canh đã lắng nghe và đứng im ở đó.

Những hành động tốt đẹp của các hiệu trưởng và đồng nghiệp

Hiệu trưởng trường tôi là một người đàn ông trẻ. Khi tôi bị bắt trong buổi lễ tốt nghiệp, vị hiệu trưởng này đã phá khóa cửa văn phòng tôi và mang sách Chuyển Pháp Luân của tôi cất giữ ở một nơi an toàn. Cậu ấy và một số trưởng khoa đã đến đồn công an để yêu cầu thả tôi. Cậu ấy nói: “Người giáo viên này là một người tốt, và tất cả mọi người ở trường đều nhớ bà ấy. Hôm nay tôi đến đây để đưa bà ấy về nhà.” Cảnh sát đã từ chối yêu cầu của cậu. Cậu ấy đã yêu cầu họ hãy gọi điện thoại cho cậu khi họ thả tôi, và cậu sẽ đến và đón tôi. Cậu ấy cũng để lại cho tôi 1000 tệ để tôi mua nhu yếu phẩm hằng ngày.

Sau 2 tuần bị giam giữ, tôi trở lại chỗ làm, cậu ấy đã đưa lại cuốn Chuyển Pháp Luân cho tôi. Tôi bị điều chuyển đến làm việc ở văn phòng thư ký và tại đó tất cả những việc tôi phải làm là quét nhà và đun nước. Thư ký và hiệu trưởng không bao giờ gây khó dễ cho tôi.

Sau kỳ nghỉ hè, vị hiệu trưởng này được thuyên chuyển đến một trường trung học có uy tín khác. Thay thế cậu ấy là một nữ hiệu trưởng. Khi tôi bị bắt vì giương biểu ngữ ở Quảng trường Thiên An Môn, vị hiệu trưởng này đã cử người giám sát ở phòng hậu cần và một bảo vệ đến để đưa tôi về nhà. Các cảnh sát nói rằng tôi đã bỏ ra 300 tệ để trả tiền taxi và yêu cầu cơ quan tôi phải trả khoản tiền đó. Tôi nói với người giám sát rằng tôi không đi taxi và đề nghị nhà trường không đưa cho cảnh sát bất kỳ một khoản tiền nào hết. Người giám sát nói: “Hiệu trưởng đã dặn chúng tôi nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của cảnh sát miễn là họ thả chị.”

Khi tôi trở về từ Bắc Kinh thì đã hơn 8 giờ tối. Ngày hôm đó khá lạnh, nhưng một số đồng nghiệp vẫn đang đứng bên ngoài chờ để gặp tôi. Họ sợ rằng tôi sẽ bị đưa đến một nhà tù ở nơi khác và họ sẽ không thể gặp được tôi. Trưởng phòng bảo vệ nơi tôi làm việc đã đưa tôi đến phòng thẩm vấn và dặn người thẩm vấn hãy đối xử nhẹ nhàng với tôi. Sau buổi thẩm vấn, tôi bị đưa đến trại tạm giam.

Khi bước ra khỏi phòng thẩm vấn, tôi đã nhìn thấy vị hiệu trưởng mới và thư ký. Họ đã đãi tất cả mọi người ở phòng bảo vệ một bữa ăn. Đúng ra tôi nên trả những chi phí này, nhưng hiệu trưởng nói với tôi rằng cô ấy coi những khoản chi này như khoản bồi hoàn cho chuyến đi công tác của tôi.

Sau đó một cảnh sát nói với tôi: “Hiệu trưởng của bà đã gọi điện và yêu cầu chúng tôi thả bà. Lần nào gọi điện, cô ấy cũng nhắc chúng tôi không được đánh đập bà. Những nơi làm việc khác sẽ sa thải nhân viên nếu biết nhân viên của họ đã tham gia kháng nghị. Thật lạ là nơi làm việc của bà lại muốn đưa bà về.”

Vị nữ hiệu trưởng này sau đó đã được thăng chức. Cô là viên chức có chức vị cao nhất ở trường chúng tôi.

Năm 2005, tôi trở lại trường để lấy tiền lương. Một hiệu trưởng nam khác đang phụ trách khi đó. Cậu ấy đã trả cho tôi tiền lương của 39 tháng mà tôi buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại. Đơn vị cấp trên cậu ấy đã yêu cầu nhà trường trả cho tôi một khoản tiền tối thiểu nhưng lãnh đạo của các phòng ban khác và hiệu trưởng đã có một cuộc họp và quyết định trả tôi 75% lương. Vị nữ hiệu trưởng cũ đã gọi điện cho thư ký và đề nghị họ trả tôi đầy đủ toàn bộ số tiền. Thời điểm đó, nếu một nhân viên nghỉ ốm, người đó sẽ được trả 75% lương, nhưng tôi đã nhận được nguyên lương.

Sau đó, vị nữ hiệu trưởng đã nhắc đến một sự việc mà chỉ có hai chúng tôi biết. Nhiều năm trước, có người đã mua cho tôi một chiếc áo lụa từ Thượng Hải. Tôi đã thử lên người nhưng nó quá nhỏ so với tôi. Vị hiệu trưởng này khi đó vừa mới tốt nghiệp và bắt đầu làm việc ở cùng trường với tôi. Tôi đã bán chiếc áo cho cô ấy. Cô ấy mặc được một lần và chiếc áo đã bị co lại sau khi giặt. Bởi vì chất liệu là lụa thật, nên đó là một món đồ khá đắt đỏ. Cô ấy vừa mới bắt đầu công việc đầu tiên của mình và dễ hiểu là cô ấy buồn bởi vì sau khi mới chỉ mặc chiếc áo được một lần mà đã không thể mặc được nữa. Tôi đã bảo cô ấy đưa lại chiếc áo cho tôi và tôi đã trả lại tiền cho cô ấy. Tôi đã quên việc này, nhưng cô ấy vẫn nhớ. Một hành động tốt có thể thức tỉnh thiện niệm ở người khác.

Những sinh viên cũ đề nghị giúp đỡ

Trong một lần tôi bị bắt giữ, một cậu cảnh sát tôi không quen nói với tôi rằng một trong những đồng nghiệp của cậu ta nói tôi là giáo viên của anh ấy. Cậu cảnh sát nói cậu ta coi tôi như giáo viên của mình và đối xử tốt với tôi. Một học viên ở cùng tôi đang mang bầu 3 tháng, nhưng các cảnh sát đã dội nước lạnh lên người cô. Tôi đã nói với cậu cảnh sát về sự việc đó và cậu ấy đã tìm được người có thể giúp đỡ. Người học viên này sau đó đã sớm được thả.

Tôi đã tuyệt thực để phản đối việc bị bắt giữ và bắt đầu nôn ra máu vào ngày hôm sau. Tôi đã được đưa đến bệnh viện. Tình cờ, bệnh viện nơi tôi được đưa đến lại trực thuộc một trường đại học mà tôi đã từng giảng dạy. Người giám sát bộ phận hậu cần, trưởng bộ phận CT, các bác sĩ và nhiều người khác nữa đều là những sinh viên cũ của tôi. Họ đã vội tới chào tôi.

Sau đó, ngày càng nhiều học viên được đưa đến bệnh viện đó, chúng tôi đã bị giam trong một căn phòng lớn, và lực lượng cảnh sát của bệnh viện đã giám sát chúng tôi. Trước đây tôi đã từng giảng dạy cho các cảnh sát đó và tất cả mọi người, từ người chỉ huy cho tới đầu bếp trong đội đều từng là sinh viên của tôi. Học viên nào được tiếp nhận vào bệnh viện đều được tự do đi lại và bất cứ ai cũng có thể vào thăm hoặc gửi đồ cho họ.

Một hôm, Trưởng phòng 610 địa phương đến. Ông ta trông lạnh lùng và đã chửi rủa tôi. Đứng sau ông ta là một chàng trai trẻ. Tôi đã nhận ra cậu thanh niên đó là một sinh viên mà tôi từng dạy tại trường đại học và gọi tên cậu ta. Cậu ta tiến đến và nói: “Cô giáo, đúng là cô rồi!” Tôi hỏi cậu ta là tôi sắp bị đưa đến đâu. Cậu ấy đã cam đoan với tôi rằng cậu ấy sẽ cố gắng để thả tôi.

Sau 56 ngày, tôi đã trở về nhà mà không viết một bản tuyên bố nào hứa từ bỏ đức tin của mình. Sau đó, tôi không bao giờ nghe thấy ai đề cập về việc cậu sinh viên này tham gia vào bức hại các học viên Pháp Luân Công nữa.

Trưởng đồn công an dừng bức hại các học viên

Sau khi tôi bị bắt tại Bắc Kinh, trưởng đồn công an đã đưa tôi trở về. Ông ta đã tích cực tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công. Tôi đã cầu xin Sư phụ giúp tôi thức tỉnh lương tâm của người đàn ông này. Tôi đã kể cho ông ta nghe một câu chuyện.

Tôi kể cho ông rằng khi xảy ra cách mạng văn hóa, tôi lúc đó 15 tuổi. Một giáo viên ở trường tôi có tên Quan Mẫn đã bị buộc tội là kẻ phản bội và bị lăng nhục công khai. Tôi không thể chịu đựng được cảnh thầy giáo mình bị tra tấn, nhưng một bạn nam cùng lớp đã bước lên bục để ấn đầu thầy xuống. Tôi đã mắng cậu ta và cấm cậu ta làm những việc như vậy.

Thầy Quan là một giáo viên tốt và chúng tôi cùng đi chung một con đường đến trường. Vào mùa xuân, tuyết tan từ trên núi chảy xuống và hình thành nên một con sông nhỏ. Chúng tôi không thể qua sông và thầy Quan đã dùng xe đạp của mình làm một hòn đá đệm để chúng tôi sang được đầu bên kia. Khi tôi tốt nghiệp và đi làm, nơi làm việc của tôi ở thành phố nơi thầy Quan sống. Khi đó, thầy đang hồi phục sức khỏe ở nhà sau một trận ốm, và tôi đã đến thăm thầy vào buổi tối. Người bạn cùng lớp đã tham gia vào việc lăng nhục thầy đã phải nằm liệt giường sau một trận đột quỵ khi chưa đến 40 tuổi.

Sự bất công đối với thầy Quan sau đó đã được cải chính và thầy trở thành giám đốc sở giáo dục. Tôi kết hôn và phải sống xa chồng vì chồng tôi là một quân nhân. Khi thầy Quan biết hoàn cảnh của tôi, thầy đã hỏi nơi đơn vị chồng tôi đóng quân và nói rằng người bạn cùng lớp trước đây của thầy là thị trưởng thành phố nơi chồng tôi ở. Thầy đã viết một lá thư đến người bạn cũ và bảo tôi gửi đi. Một tháng sau, tôi được chuyển đến thành phố đó. Khi đó tôi là một giáo viên làng, và vào năm 1974, để được chuyển lên một thành phố là việc không dễ dàng. Tôi đã lên tiếng cho thầy ở tuổi 15. Tôi đã được đền đáp cho hành động tốt đẹp của mình.

Trường đồn công an xúc động trước câu chuyện của tôi. Ông ta nói: “Tôi sẽ giúp bà nhiều nhất có thể. Ngay cả khi nếu tối đa là được 100% thì tôi sẽ giúp bà đến 120%. “Sau đó tôi nghe được rằng ông ta đã dừng bức hại các học viên. Ngược lại ông còn cố gắng giúp đỡ bất cứ khi nào có thể. Sau đó ông ta cáo ốm để xin thôi việc.

Hai tuần sau, người đàn ông này đến để đón tôi từ nhà tù. Chồng tôi đã được thả sau 40 ngày bị giam giữ. Vào thời điểm đó, không ai dám lên tiếng cho Pháp Luân Công. Đội trưởng Đội An ninh Nội địa đã thắc mắc rằng không biết tôi đã nhờ ai giúp đỡ, nhưng tất nhiên tôi đã không nhờ ai giúp tôi cả.

Gia đình tôi chuyển đến một vùng khác vào năm 2004. Tôi không bao giờ coi các cảnh sát hay bất kỳ ai là kẻ thù. Những người tôi gặp trong khi bị bức hại đã hiểu được chân tướng. Còn có những người khác mà tôi không thể giảng chân tướng. Tôi mong rằng các học viên ở quê nhà của tôi có thể nói cho những người này sự thật về Pháp Luân Đại Pháp, và ngăn họ tham gia vào cuộc bức hại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/5/395395.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/9/180657.html

Đăng ngày 19-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share