Bài viết của Chính Ngôn

[MINH HUỆ 30-06-2019] Văn Thiên Tường người Giang Tây, tên ban đầu là Vân Tôn, tên chữ là Thiên Tường, sau này lấy tên là Thiên Tường, đổi tên chữ là Lý Thiện, Tống Thụy. Bởi vì ông đã từng ở núi Văn Sơn nên lấy tên hiệu là Văn Sơn. Ông sống vào thời kỳ cuối triều Nam Tống. Trước tác của ông gồm có “Văn Sơn tiên sinh toàn tập”, “Văn Sơn nhạc phủ”, và tác phẩm nổi tiếng “Chính khí ca”, “Quá linh đinh dương” đã trở thành tuyệt xướng thiên cổ.

Lúc Văn Thiên Tường 19 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi hương Lư Lăng. Năm sau ông vào học ở Bạch Lộ châu thư viện ở Cát Châu. Cũng trong năm đó, ông đỗ cống sinh Cát Châu, sau đó theo cha đến kinh đô Lâm An triều Nam Tống dự thi. Trong cuộc thi đình (thi điện), ông viết “Ngự thí sách” đã nhằm đúng vào tệ nạn đương thời, đề ra phương án cải cách thi cử, biểu lộ hoài bão chính trị. Tống Lý Tông đích thân chấm ông làm trạng nguyên, quan giám khảo là Vương Ứng Lân tấu rằng: “Bài thi này cổ điển, như một tấm gương, lòng trung như sắt đá, thần xin chúc mừng vì có được người này”.

Tháng Giêng năm 1275, quân Nguyên đem đại quân tấn công, phòng tuyến quân Tống bị sụp đổ, triều đình xuống chiếu các địa phương tổ chức binh mã cần vương. Văn Thiên Tường đem hết gia sản làm chi phí quân đội, chiêu mộ hào kiệt địa phương, dấy binh cần vương, tổ chức 3 vạn nghĩa quân tiến đến Lâm An, với thân phận quan văn xông pha chiến trường. Tháng Giêng năm sau, quân Nguyên tiến quân đến Lâm An, văn võ bá quan nháo nhào bỏ trốn. Văn Thiên Tường được bổ nhiệm làm thừa tướng kiêm khu mật sứ và phái ông ra khỏi thành đàm phán với tướng Nguyên là Bá Nhan. Đồng thời triều đình Nam Tống lại phái người đến doanh trại của Văn Thiên Tường và giải tán quân đội của ông để lấy lòng quân Nguyên. Thế là Văn Thiên Tường bị quân Bá Nhan bắt. Nhưng ông thà chết không chịu khuất phục, bị áp giải về phương Bắc. Giữa đường ông được nghĩa sỹ địa phương giải cứu thoát hiểm. Sau này triều đình Nam Tống đầu hàng quân Nguyên, nhưng Văn Thiên Tường vẫn dẫn quân dân triều Tống kiên trì kháng chiến. Năm 1278 ông chiến bại, bị quân Nguyên bắt làm tù binh.

Trên đường bị bắt làm tù binh: “Chỉ có thể chết, không thể sống”

Văn Thiên Tường xuất thân trạng nguyên, bút lực đương nhiên hùng mạnh, cả đời đã để lại những bút tích huy hoàng. Đầu tiên phải kể đến lời ca hào hùng của ông “trên biển lênh đênh”. Tháng Giêng năm 1279, ông chiến bại bị bắt làm tù binh, anh hùng mạt lộ. Chuyến đi này “Trăm năm vùng vẫy sinh nhai hết, vạn dặm mù xa khổ dặm trường”, “Tuẫn tiết vì Đạo chẳng sống hèn, Đạo sáng quang minh soi thiên cổ”. Ông không hề hoảng sợ, trước sự sống và cái chết ông vẫn thản nhiên lựa chọn tuẫn tiết vì Đạo.

Bài thơ thất luật “Quá linh đinh dương” (qua biển lênh đênh) có viết:

“Cần khổ tao phùng khởi nhất kinh,
Can qua liêu lạc tứ chu tinh.
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,
Thân thế phù trầm vũ đả bình.
Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng,
Linh đinh dương lý thán linh đinh.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.”

Dịch thơ:

“Cay đắng gian nan trải phận đành
Can qua lưu lạc bốn năm quanh
Cuộc đời bèo bọt mưa trôi dạt
Sông núi hoa cành gió tướp banh
Hãi sợ bến đầu nghe hãi sợ
Lênh đênh bể tận thán lênh đênh
Người đời tự cổ ai không chết
Lưu giữ lòng son sáng sử xanh.” (Bản dịch của Đông A)

Dọc đường đi, ông vừa uống thuốc độc, vừa tuyệt thực, tự nói rằng “chỉ có thể chết, không thể sống”. Nhưng sinh mệnh của ông vẫn chưa kết thúc, tháng 10 cùng năm, ông trong trạng thái cầu chết không được, muốn thoát không xong thì đến kinh đô Yên Kinh của nhà Nguyên.

Đối diện với dụ hàng

Ở đất Bắc, thử thách nhân cách của ông chính là dụ hàng, còn nghiêm trọng hơn chém đầu. Dụ hàng không có hình bóng của đao kiếm nhưng có thể tàn diệt tâm hồn con người. Các loại thuyết khách đủ thân phận thay nhau đến, trong đó Lưu Mộng Viêm chính là quân át chủ bài mà người Nguyên sử dụng.

Lưu Mộng Viêm và Văn Thiên Tường từng cùng là trạng nguyên, tể tướng nhà Nam Tống. Trong cuộc chiến bảo vệ Lâm An năm 1275, Lưu Mộng Viêm cùng nội gian Trần Nghi Trung ngầm thực hiện kế hoạch đầu hàng nhà Nguyên. Vì vậy ông ta dốc sức can thiệp ngăn cản Văn Thiên Tường dẫn quân bảo vệ. Sau đó ông ta bỏ thành, bỏ chức tháo chạy. Đến khi Lâm An thất thủ, ông ta lại lấy quê hương là Cừ Châu làm lễ vật dâng hiến, lắc mình biến thành Đình thần của triều Nguyên.

Lưu Mộng Viêm gặp Văn Thiên Tường liền nói: “Tín Quốc Công à, ngày nay Đại Tống đã bị diệt, Cung Đế đã bị phế, hai vua băng hà, thiên hạ đã quy thuận triều Nguyên hết cả rồi. Một mình ông khổ cực kiên trì thì có tác dụng gì? Cỏ cây đó, vẫn là cỏ cây của nhà Triệu. Nhật nguyệt đó, thì đã là nhật nguyệt của Hốt Tất Liệt Đại Hãn rồi”.

Văn Thiên Tường quay đi, lạnh lùng quay lưng về phía ông ta. Lưu Mộng Viêm vẫn khua môi múa mép, ồn ào mãi. Văn Thiên Tường không nén được lửa giận trong lòng, ông đột ngột quay người lại, chỉ mặt Lưu Mộng Viêm mắng rằng: “Ngươi hôm nay đến đây là để chỉ cho ta con đường này ư? Ngươi là tên gian tặc bán nước, bán tổ tông, bán mình. Ngươi thân là trọng thần của Đại Tống lại bán Tống, đó là kẻ bán nước. Ngươi thân là người con Cừ Châu lại bán Cừ Châu, đó là kẻ bán tổ tông. Ngươi thân làm người Hán mà lại bán khí tiết người Hán, đó là kẻ bán mình…”.

“Ngươi, ngươi, ngươi… Lão phu vốn có ý tốt, ngươi không nghe thì thôi, dựa vào đâu mà dám ngậm máu phun người?” – Lưu Mộng Viêm dẫu mặt dày, tâm đen tối thì cũng không chịu nổi Văn Thiên Tường vạch trần bóc mẽ như thế này, ông ta mặt lúc đỏ rực lúc trắng bệch, cúi đầu lủi đi mất.

Người Nguyên lại sai Triệu Hiển 9 tuổi khuyên hàng. Vị Cung Đế nhỏ tuổi của nhà Nam Tống này, khi nước hưng tình vẫn chưa làm vua ngày nào, những ngày mất nước này dường như cũng không cảm thấy thống khổ lắm.

Văn Thiên Tường đã dự liệu người Nguyên sẽ dùng chiêu này. Vì vậy về tư tưởng ông đã chuẩn bị kỹ rồi. Chưa chờ Triệu Hiển bước lên bậc thềm của quán, ông vội vàng bước ra khỏi cửa, ‘đánh phủ đầu’. Chỉ thấy ông bước vội lên trước mấy bước, ngăn Triệu Hiển lại, sau đó quay mặt về phía Nam và quỳ xuống, miệng hô: “Thần Văn Thiên Tường tham kiến Thánh giá”, nói rồi liền khóc lớn. Tiểu Hoàng đế bị tiếng khóc bất ngờ này làm cho ngây người ra, đứng ngây ra đó chẳng nói được lời nào.

Văn Thiên Tường khóc lớn thế này vốn là sách lược, nhằm khiến Cung Đế không thể nào mở miệng được. Nhưng ông khóc, khóc mãi, nghĩ đến ngày nay ấu chúa bị người ta khống chế mà không tự biết, còn bản thân ông cùng hàng ngàn hàng vạn trung thần nghĩa sĩ đổ máu sa trường, liều chết chiến đấu, chẳng phải là để bảo vệ giang sơn cho nhà Triệu Tống đó sao. Trong lòng bỗng trào lên vô vàn chua xót, bất giác thành tình cảm chân thật, ông quỳ mãi không đứng dậy, khóc mãi khôn nguôi, đồng thời vừa khóc vừa nói liên hồi: “Xin Thánh giá trở về”.

Triệu Hiển đứng bên bối rối chân tay, càng nghe Văn Tường khóc, Triệu Hiển thấy lòng càng rờn rợn, đã quên hết những lời người Nguyên dạy, đã quên sạch. Một lát sau, không chống đỡ nổi lời đốc thúc liên tiếp của Văn Thiên Tường, Triệu Hiển quay người ra về.

Nguyên Thế Tổ chiêu an

Các hoạt động khuyên hàng, chiêu an vẫn không vì thế mà dừng lại. Lần này nói đến Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, chính là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn kiêu dũng khắp thiên hạ một thời. Hốt Tất Liệt cũng xứng danh anh hùng đương thời, ông không chỉ có thể giương cung bắn chim điêu lớn mà còn hiểu phép trị vì thiên hạ. Ông hiểu rõ tiếp quản nhà Hán, chỉ dựa vào sức mạnh của người Mông Cổ thì không thể đạt được thuận lợi không trở ngại, cần phải có người Hán trợ giúp, thực hiện “dùng người Hán trị người Hán” thì mới được. Trong những người Hán thì người có sức hiệu triệu nhất, có ảnh hưởng nhất, có thể giúp ông củng cố trật tự thống trị thì chỉ có Văn Thiên Tường. Do đó Văn Thiên Tường càng không khuất phục thì ông càng muốn chiêu an.

Tháng 3 năm 1282, Nguyên Thế Tổ hỏi đại thần: “Tể tướng phương Nam, phương Bắc, ai tài năng?”. Quần thần đáp: “Người phương Bắc không ai bằng Da Luật Sở Tài, người phương Nam không ai bằng Văn Thiên Tường”. Thế là Nguyên Thế Tổ dự tính trao cho Văn Thiên Tường chức quan cao tước vị hiển đạt. Những người bạn cũ của Văn Thiên Tường đã hàng Nguyên tới tấp đến khuyên ông hàng, đều bị Văn Thiên Tường cự tuyệt.

Ngày 8 tháng 12, Nguyên Thế Tổ triệu kiến Văn Thiên Tường, đích thân khuyên hàng rằng: “Những ngày ông ở đây cũng đã lâu rồi, nếu có thể thay đổi tâm tư suy nghĩ, dùng lòng trung dốc sức cho triều Tống đó đối xử với trẫm thì trẫm có thể trao cho ông chức vị ở Trung thư tỉnh”.

Văn Thiên Tường đáp: “Tôi chỉ muốn mau chết, không muốn sống lâu”.

Nguyên Thế Tổ lại hỏi: “Vậy ông nguyện ý thế nào?”

Văn Thiên Tường trả lời: “Chỉ muốn một cái chết là đủ rồi”.

Nguyên Thế Tổ rất bực tức, bèn lệnh lập tức xử tử Văn Thiên Tường.

Ngày hôm sau, Văn Thiên Tường bị áp giải đến pháp trường. Ông quỳ về phương Nam bái lạy và nói: “Sự việc của ta đã kết thúc rồi, trong tâm không hổ thẹn”. Thế rồi vươn cổ lên nhận xử trảm, thong dong thành tựu chữ Nghĩa ở tuổi 47.

Sáng nghe Đạo, tối có thể chết

Văn Thiên Tường sau khi bị bắt đã viết rất nhiều thơ văn, và được lưu truyền hậu thế. Khí tiết của ông tỏa sáng ngàn thu. Trong thời gian này, ông đã gặp được cao nhân Đạo gia và tu luyện “Đại quang minh chính Pháp”.

Thông qua khảo chứng, trong quyển thứ 20 sách “Phân loại cổ kim bút ký tinh hoa”, cũng có tên là “Cổ kim bút ký tinh hoa lục” có một thiên là “Văn Văn Sơn ngộ Tiên”, bài văn không ghi danh tính tác giả, đã ghi chép lại nội dung như sau:

Văn Thiên Tường đời Tống, hiệu Văn Sơn. Trong tác phẩm “Chỉ Nam hậu lục” của ông có thuật lại việc ông đã gặp một vị cao nhân Đạo gia tên là “Linh Dương Tử”. Vị cao nhân này đã giảng thuật học vấn Đạo gia cho ông. Sau đó Văn Thiên Tường có viết một bài thơ nói nên tình cảm của bản thân:

“Xưa ta yêu suối đá,
Mãi xa rời công danh.
Dựng nhà dưới núi xanh,
Bồng Lai trong gang tấc.
Cao nhân không thể gặp,
Bụi trần bỗng vướng thân.
Gió nghiệp thổi hạo kiếp,
Lợi nhỏ tranh phù danh.
Ngẫu nhiên gặp Lã Công,
Như nguyện ước bao đời.
Đi theo nói xa rộng,
Chốc lát vạn lo tan”.

Trong bài thơ này, Văn Thiên Tường tự thuật ông đã từng rời xa cõi trần thế huyên náo, dựng nhà dưới núi xanh, muốn gặp cao nhân tu Đạo mà không được như nguyện ước. Trở về cõi trần thế, tranh công danh nhiễm nghiệp. Giờ đây gặp được Lã Công (Linh Dương Tử), đã thu được lợi ích giáo lý lớn.

Sau đó Văn Thiên Tường viết một bài thơ khác. Căn cứ vào lời đề tựa của bài thơ, tác giả cuốn sách này cho rằng, đó là sau khi Văn Thiên Tường viết sau khi bị bắt làm tù binh, trong ngục gặp được dị nhân.

Trong ngục, Văn Thiên Tường “gặp dị nhân, chỉ bảo Quang minh chính Pháp. Thế là bỗng nhiên ung dung buông bỏ sống chết”. Trong thơ ông viết:

“Ai biết chân hoạn nạn,
Bỗng ngộ Đại quang minh.
Trời mọc mây tĩnh lặng,
Gió tan nước tự yên.
Công danh diệt thiên tính,
Trung hiếu nhọc sinh linh.
Thiên hạ người hào kiệt,
Thần Tiên lập tức thành.”

Nếu nói bài thơ trước của Văn Thiên Tường là ông viết khi gặp Linh Dương Tử đến lúc nghe Đạo thọ ích, vậy thì bài thơ sau chính là ông viết khi đắc Đạo tu luyện.

Câu thứ 1, và 2 trong bài thơ:

“Ai biết chân hoạn nạn,
Bỗng ngộ Đại quang minh.”

Câu thơ cho thấy ông viết sau khi gặp đại hoạn hạn, tính mệnh chỉ trong sớm tối thì đắc được chính Pháp Đại quang minh, liễu ngộ được nhân sinh.

Câu thứ 3 và 4:

“Trời mọc mây tĩnh lặng,
Gió tan nước tự yên.”

Hai câu này tả ông tu luyện Đại quang minh Pháp, đắc được cảnh giới bình yên tĩnh lặng lạ thường, siêu thoát khỏi nỗi sợ sinh tử, lòng dạ bỗng bừng sáng.

Câu 5 và 6:

“Công danh diệt thiên tính,
Trung hiếu nhọc sinh linh.”

Hai câu này miêu tả nhận thức của ông đối với cuộc đời đã qua, ông đã xem nhẹ công danh lợi lộc chốn nhân gian, thậm chí cả trung hiếu nhân nghĩa, ông cũng coi chúng là gông cùm “diệt thiên tính”, “nhọc sinh linh”.

Hai câu cuối:

“Thiên hạ người hào kiệt,
Thần Tiên lập tức thành.”

Hai câu này miêu tả nhận thức của ông về người hào kiệt chân chính đội trời đạp đất chính là người có tâm tính cực cao, mới có thể siêu thoát hết thảy trong chốn nhân gian, có thể mau chóng tu thành sinh mệnh cao cấp: Thần Tiên. Đó cũng chính là những tâm đắc mà ông tự nói với mình.

Có thể thấy, sở dĩ Văn Thiên Tường có thể hoàn toàn siêu thoát coi nhẹ tử sinh là nhờ Đại quang minh Pháp, là nhờ tu luyện trong mấy năm cuối cùng của cuộc đời. Từ thơ văn của ông có thể thấy, khi đó đối với ý chí thành tựu chữ Nhân của ông đã xác định vững vàng, đã buông bỏ hết sạch danh, lợi, tình, không thứ gì còn có thể khiến ông dao động được nữa.

Trong “Luận ngữ” Khổng Tử nói: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân” (Dịch nghĩa: Kẻ chí sĩ, người nhân đức, không cầu sống mà làm tổn hại chữ Nhân, chỉ có nguyện sát thân để thành tựu chữ Nhân).

Sinh mệnh đối với mỗi người mà nói đều vô cùng trân quý, nhưng thứ còn quý giá hơn cả sinh mệnh là nhân đức và tín ngưỡng đối với chân lý của vũ trụ. Xả thân thành tựu chữ Nhân (Xả thân thành nhân) là chỉ những người trong hoàn cảnh sinh tử, thà buông bỏ sinh mệnh bản thân cũng phải bảo toàn được nhân đức. Điền Hoành và 500 tráng sĩ cuối đời Tần tuy bị lưu lạc nơi hải đảo nhưng thà tự sát cũng không muốn quỳ gối đầu hàng. Anh hùng dân tộc Văn Thiên Tường đời Tống nghiêm lời cự tuyệt lợi lộc dụ dỗ của quan cao lộc hậu của kẻ thống trị triều Nguyên, khảng khái thành tựu chữ Nghĩa, coi cái chết như trở về nhà, dùng sinh mệnh của mình để bảo vệ khí tiết dân tộc. Câu thơ ông để lại:

“Tự cổ nhân sinh thùy vô tử.
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.”

Dịch nghĩa:

“Tự cổ đời người ai chẳng chết,
Giữ tấm lòng son sáng sử xanh.”

Câu thơ này cũng đã trở thành tuyệt cú lưu danh thiên cổ người người đều yêu thích.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/30/舍身成仁的文天祥-387699.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/17/179927.html

Đăng ngày 18-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share