Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đài Nam, Đài Loan

[MINH HUỆ 29-11-2019] Kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Trong kinh văn “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp”, Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên đã là đệ tử Đại Pháp mà giảng, những việc chư vị cần làm, đặc biệt là ba việc này, là không được buông lơi, quyết không được lơi lỏng. Uy đức của chư vị, tu luyện của chư vị, hết thảy những gì chư vị gánh vác, đều ở trong đó.”

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017]”, Sư phụ cũng giảng:

“Làm đệ tử Đại Pháp mà nói, làm thật tốt ba việc, ấy chính là việc lớn nhất.”

Tại đây tôi xin chia sẻ cùng mọi người tâm đắc thể hội của bản thân về làm ba việc trong quá trình tu luyện và trong khi chứng thực Pháp.

1. Học thuộc Pháp đề cao tâm tính

Tôi năm nay bảy mươi tuổi. Từ nhỏ tôi đã không thích đọc sách. Đối với tôi học thuộc Pháp là một việc khó khăn nhất. Trong kinh văn Sư phụ có giảng về làn sóng học thuộc Pháp của các học viên ở Trường Xuân. Minh Huệ Net cũng đăng nhiều bài chia sẻ về học thuộc Pháp. Điểm luyện công ở khu vực của tôi cũng bắt đầu luân phiên đọc thuộc Pháp sau khi luyện xong năm bài công pháp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Khi đến lượt tôi đọc thuộc Pháp, tôi mang tâm lý bài trừ nhưng thật khó để mở miệng cự tuyệt việc này. Tôi đành phải tìm cách học thuộc. Lần đầu tiên khi đối diện với nhiều đồng tu như thế, tôi vô cùng căng thẳng khi đọc thuộc Pháp, áp lực rất lớn; nhưng tôi vẫn lắp bắp đọc thuộc cho xong, xem như là đã vượt qua được bước đầu tiên.

Một lần tôi xem bài viết “Khang Hy dạy con đọc thuộc sách 120 lần” trên Minh Huệ Net, lúc đó tôi mới phát hiện vốn dĩ trước đây mình đọc thuộc sách chưa tốt; bởi vì tôi không chuyên tâm đọc thuộc và lại đọc quá nhanh. Kể từ khi điều chỉnh lại tâm thái, mỗi ngày tôi học thuộc Pháp chiểu theo quy định thời gian tự mình đặt ra. Hiện tại cho dù phạm vi học thuộc Pháp mỗi tuần tăng lên so với trước đây nhưng tôi vẫn có thể theo kịp tiến trình. Tôi học thuộc xong phạm vi được đặt ra cho mỗi tuần. Hơn nữa, kể từ sau khi tôi tự mình học thuộc Pháp thì tâm tính cũng đề cao lên, thể hiện rõ ràng nhất trong mối quan hệ vợ chồng của chúng tôi.

Tính khí của tôi không tốt. Trước khi đắc Pháp, vợ chồng tôi chỉ vì một chuyện bé như hạt vừng cũng cãi cọ với nhau. Giữa hai vợ chồng đối xử với nhau như “những chiến sĩ”. Sau khi đắc Pháp, tôi thường tham gia các hoạt động Đại Pháp. Trước đây tôi chỉ ở nhà cùng vợ sau khi đi làm về, nhưng đến nay thì không như thế nữa. Cuộc sống thay đổi đột ngột nên vợ tôi là một người không tu luyện đã không lý giải được. Có ngày hơn mười giờ đêm tôi mới về nhà, vợ tôi đã khóa cửa không cho tôi vào nhà. Lúc đó bởi vì tâm tính vẫn chưa đề cao lên, chúng tôi thường “chiến tranh lạnh” với nhau. Cả hai người đối xử lạnh lùng với nhau. Cho đến khi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi mới thật sự cải thiện được quan hệ của chúng tôi. Thông qua học thuộc Pháp, tâm tính đề cao lên, tôi mới thể ngộ được điều gọi là “tương kính như tân” giữa hai vợ chồng từ lời nói cho đến cách giao tiếp.

Tôi không thích đọc sách cũng không thích viết chữ. Nét chữ nguệch ngoạc đến nỗi ngay cả bản thân tôi cũng luận không ra. Tôi nhớ khi còn học năm thứ sáu tiểu học, tôi bị thầy giáo bắt chép phạt bài văn 100 lần. Tôi không phục nên đã không chép bài. Kết quả là tôi bị thầy giáo đánh cho một trận. Khi học thuộc Pháp, tôi cũng muốn chép Pháp. Tôi cũng biết là phải viết chữ cho ngay ngắn, nắn nót. Khi bắt đầu chép Pháp, tôi viết từng nét từng nét một, nhưng tâm tính chưa lên đến đó nên càng viết càng nhanh. Viết chưa được vài chữ thì bắt đầu viết nguệch ngoạc, nhưng tôi vẫn chép hết một lượt “Chuyển Pháp Luân”. Sau khi có đột phá trong học thuộc Pháp thì tôi lại chép Pháp một lần nữa. Tâm tính đã đề cao lên, khi viết ra rất tự nhiên không cầu viết cho nhanh, nét chữ viết ra cũng ngay ngắn, gọn gàng.

2. Coi trọng việc phát chính niệm

Tôi không mẫn cảm đối với phát chính niệm, có thể nói là không có cảm giác gì; nhưng tôi vẫn phát chính niệm đúng giờ. Có một lần trước khi phát chính niệm lúc 6 giờ tối, đột nhiên tôi nhận một cuộc điện thoại gọi đến. Sau đó tôi tiếp tục xem một chút tin nhắn trên mạng, vì vậy mà bỏ qua thời gian phát chính niệm. Sau khi ăn tối xong, lúc tôi chuẩn bị gọi điện thoại thì tin nhắn hiển thị mạng bị gián đoạn. Trong tâm tôi thầm nghĩ trước khi phát chính niệm lúc 6 giờ mạng vẫn bình thường! Cớ sao đột nhiên mạng lại bị gián đoạn? Tôi tiến hành vài thao tác kỹ thuật đơn giản để xử lý nhưng không có hiệu quả. Tôi đành gọi cho nhân viên cục viễn thông. Sau khi kiểm tra, họ nói là đường dây bị sự cố, ngày hôm sau mới sửa được. Tôi hướng nội tìm, là Sư phụ điểm hóa, tôi đã bỏ qua phát chính niệm lúc 6 giờ. Sau khi tìm được vấn đề của bản thân mình, ngày hôm sau nhân viên cục viễn thông còn chưa đến sửa thì mạng thông báo là đã sửa được rồi, mạng đã hoạt động bình thường trở lại. Trải qua sự việc này, khiến tôi càng coi trọng hơn việc phát chính niệm.

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006]”, Sư phụ giảng:

“…đệ tử Đại Pháp tiến về viên mãn cần làm tốt ba việc; phải vậy không? Phát chính niệm là một việc trong đó, trọng yếu như thế thì vì sao thực hiện chưa tốt?! Tại sao coi nó [quá] đơn giản, không coi trọng nó? Đã biết được rằng trọng yếu đến vậy rồi, ngoài ra một trong ba việc ấy chư vị thực hiện không tốt thì làm sao đây?”

3. Gọi điện thoại giảng chân tướng

Gọi điện thoại cứu chúng sinh là hạng mục giảng chân tướng chủ yếu mà tôi tham gia. Khi địa khu chúng tôi thành lập nhóm giảng chân tướng qua điện thoại, một vị đồng tu chịu trách nhiệm liên lạc điện thoại tận dụng sau khi luyện công sớm vào mỗi ngày Chủ nhật, anh ấy lấy ra một danh sách các trường hợp giải cứu đồng tu Đại lục bị bức hại rồi hỏi các đồng tu xem có cần gọi điện thoại không? Lúc mới bắt đầu đều có đồng tu lại lấy danh sách, nhưng dần dần đồng tu chủ động đến lấy danh sách càng ngày càng ít đi, cuối cùng chỉ còn lại thưa thớt vài người. Sau một đoạn thời gian, vị đồng tu chịu trách nhiệm liên lạc đó không rõ vì lý do gì cũng rất ít khi xuất hiện. Vì thế, đối với những trường hợp đồng tu bị bức hại cần phải giải cứu cũng không có ai gọi điện thoại nữa. Nhìn thấy như vậy, tôi chủ động đề xuất với người điều phối là tôi sẽ làm việc đó, sau đó tôi đã đảm nhiệm việc liên lạc cho đến tận bây giờ.

Sau khi đảm nhiệm việc liên lạc, tôi lấy ra các trường hợp bức hại đã nhận được vào mỗi tuần trước đó, tôi quy hoạch lại theo thành phố để phân ra năm vùng, rồi người đảm nhiệm liên lạc của từng vùng lại phân cho các đồng tu trong vùng tương ứng gọi điện thoại, cứ như thế thuận lợi mà làm cho đến bây giờ. Bản thân tôi là người chịu trách nhiệm liên lạc, trước tiên phải hiểu được các loại công cụ, các nền tảng hệ thống để gọi điện thoại. Như thế mới có thể giới thiệu, truyền đạt, trợ giúp các yêu cầu và giải đáp thắc mắc của đồng tu.

Đồng thời tôi cũng tham gia vào hệ thống RTC toàn cầu. Mỗi ngày tôi sẽ cố định phát thông thoại RTC15, phân công gọi điện thoại giải cứu các đồng tu bị bức hại, gọi điện thoại hành động chuyên án trọng điểm Đài Loan (như luật sư, công an, viện kiểm sát, cơ quan tư pháp v.v.), gọi điện thoại chuyên án toàn cầu v.v. Mỗi ngày thời gian gọi điện thoại sẽ từ một tiếng đến ba tiếng đồng hồ. Nhờ sự nỗ lực của các đồng tu làm về kỹ thuật, các công cụ tự động ngày càng phát triển đa dạng. Thêm vào đó các hạng mục giảng chân tướng càng ngày càng nhiều, vô hình trung nhân lực bị phân tán ra.

Có một vị đồng tu nói rằng: “Rất nhiều tinh anh trong nhóm gọi điện thoại chân tướng của chúng ta bị lôi kéo sang các hạng mục khác rồi.” Cũng có đồng tu nhìn tôi nói là: “Ông thật không đơn giản nha! Lâu như vậy rồi vẫn một mạch kiên trì với nhóm gọi điện thoại giảng chân tướng.”

Tôi không thể nhịn cười được, rốt cuộc thì tôi là cát hay là vàng đây? Bất kể người khác nhìn như thế nào, tôi nhất định sẽ kiên trì với tổ điện thoại chân tướng, cho đến khi tà đảng Trung Cộng giải thể mới thôi.

Ban đầu giảng chân tướng bằng cách gọi điện thoại, mọi thứ đều phải mò mẫm, một lần nọ có một phụ nữ nhận điện thoại, khi vừa nghe đến Pháp Luân Công thì cô ấy dập máy ngay. Tôi quay số gọi lại, cô ấy tiếp điện thoại và nói: “Pháp Luân Công tự sát, giết người, bảo người ta không uống thuốc…” Rồi cô ấy dập máy! Lần thứ ba tôi không chờ cho cô ấy trả lời, tôi liền nói: “Cô đừng vội dập điện thoại. Cô vừa nói Pháp Luân Công tự sát, giết người, bảo người ta không uống thuốc… Những điều này cô có tận mắt nhìn thấy chưa? Là người nhà của cô? Người thân của cô? Hay là cô xem thấy trên báo chí và các kênh truyền hình truyền thông trong nước? Nếu như là cô tận mắt thấy thì tôi lập tức xin lỗi cô. Người tu luyện Pháp Luân Công một cách chân chính sẽ không làm như thế. Nếu như là cô xem thấy trên báo chí và truyền hình, vậy tôi xin cô cho tôi thời gian khoảng 2, 3 phút để nói cho cô nghe về vụ án giả tự thiêu ở Thiên An Môn.”

Cô ấy không dập máy mà im lặng lắng nghe tôi nói xong hết về vụ án giả tự thiêu ở Thiên An Môn. Sau khi nghe xong, cô ấy nói: “Cảm ơn ông. Cuối cùng cháu cũng đã hiểu.” Sau đó cô ấy nói mình là sinh viên đại học. Cuộc điện thoại này cuối cùng cũng đã có thể hoàn thành một cách thuận lợi, khiến chúng sinh minh bạch chân tướng, tất cả những việc này con xin cảm tạ sự gia trì và khích lệ của Sư phụ!

Trong quá trình gọi điện thoại, điều mà tôi cảm thấy lo lắng nhất là họ nghe không hiểu tiếng Đài Loan của tôi, và tôi nghe không hiểu tiếng địa phương của họ. Chúng sinh nhận điện thoại của tôi thường nói: “Xin ông hãy đặt lưỡi cho thẳng, hoặc là ông về luyện lại tiếng phổ thông cho tốt rồi hãy nói chuyện lại với tôi.” Tôi nói: “Tôi sẽ nói chậm một chút, anh lắng nghe cho kỹ là có thể nghe hiểu được.”

Trung Quốc vốn là một đất nước rộng lớn, tiếng địa phương các nơi rất nhiều, khi nghe không hiểu tiếng địa phương tôi xin họ nói bằng tiếng phổ thông. Những người trẻ sẽ chuyển sang nói tiếng phổ thông, còn những người lớn tuổi thì sẽ có khó khăn. Để giảm thiểu việc đối phương dập máy, tôi cũng tự yêu cầu bản thân mình nói chuyện với tốc độ thật chậm. Với khẩu âm quốc ngữ Đài Loan, tôi không nản lòng, kiên trì không ngừng giảng chân tướng khuyên tam thoái. Kể từ năm 2008, tôi đã khuyên trên 2.000 người làm tam thoái rồi.

Gọi điện thoại nói về bức hại so với khuyên tam thoái bằng RTC thông thường sẽ có khó khăn hơn, nào là không chịu nghe, dập máy, chửi rủa, bỏ điện thoại sang một bên không nghe đều sẽ xảy ra. Nếu như gặp phải chửi rủa thì tôi sẽ tiếp tục gọi cho đến khi đối phương biết kiềm chế không mắng chửi nữa, hoặc là cho đến khi họ không tiếp điện thoại nữa. Có một chúng sinh sau khi chửi xong thì dập máy, tôi lập tức gọi lại nói: “Trung Quốc năm nghìn năm giảng về lòng hiếu thảo, luân lý đạo đức, dưới sự thống trị 70 năm Đảng cộng sản dạy người ta mở miệng hay ngậm miệng đều là mắng chửi người khác. Nếu như anh là nói lời của con người thì không nên chửi những lời dơ bẩn đó.”

Sau khi nghe tôi nói xong, anh ta nói đó là tiếng ghi âm. Tôi bèn nói lại, dù cho là ghi âm thì anh cũng không nên chửi người ta. Anh không biết rằng anh chửi người khác chính là đang tạo khẩu nghiệp à, anh xem có đúng vậy không? Anh ta lập tức xin lỗi tôi. Tôi nói với anh ấy rằng, trước khi tôi chưa tu luyện Pháp Luân Công, tính tôi rất xấu cũng hay chửi mắng người ta, sau khi tu luyện tôi không chửi người khác nữa, tính tình cũng trở nên tốt. Sau khi nghe tôi nói xong, anh ta nói Pháp Luân Công thật là lợi hại, rồi nhờ tôi truyền đạt lại lời: Xin cảm tạ Sư phụ Lý Hồng Chí. Tôi đã từng gọi cho luật sư khi gọi điện thoại trong tổ chuyên án trọng điểm Đài Loan. Ấn tượng với luật sư thông thường sẽ là hùng biện. Họ dùng những thuật ngữ chuyên nghiệp khiến cho chúng ta không cách nào nói tiếp được. Kỳ thực luật sư mắng người là vô cùng ít, có luật sư cũng nói chuyện rất khách khí.

Giống như có một vị luật sư họ Hoàng nghe tôi nói đến những vị luật sư chính nghĩa ở trong nước, khi ở tòa án, đứng trước quan tòa khẳng khái vô tư biện hộ cho học viên Pháp Luân Công vô tội. Anh ta nói là đã từng nhận tài liệu chân tướng từ học viên Pháp Luân Công ở Paris. Anh ta nói nơi anh ở là thành phố nhỏ nên không có vụ án loại này, cơ quan công tố cũng không khởi tố những vụ án như thế, nhưng sau này anh ấy có thể biện hộ vô tội cho học viên Pháp Luân Công. Khi tôi khuyên tam thoái, anh ta nói đã vào đoàn nhưng đã tự động thoái rồi. Tôi nói với anh ta phải từ trong nội tâm vạch rõ giới hạn với đảng cộng sản thì mới tính là đã thoái một cách chân chính, cuối cùng anh ta trả lời là thoái đoàn. Trước khi kết thúc cuộc gọi, anh ta nói: “Nhìn xem nguy cơ kinh tế trước mắt, đảng cộng sản sẽ không còn chịu được lâu nữa.”

4. Lời kết

Người thường nói: Cuộc sống bảy mươi tuổi mới là bắt đầu. Con đắc Pháp vừa tròn 18 năm, năm nay cũng vừa tròn bảy mươi tuổi, may mắn đắc được Đại Pháp, khiến thân tâm của con có được trạng thái tốt đẹp nhất. Ngoài việc cảm tạ Sư phụ và Đại Pháp ra, con cũng thời thời khắc khắc ghi nhớ sứ mệnh bản thân là đệ tử Đại Pháp, trong khoảng thời gian có hạn cuối cùng này tranh thủ thời gian cứu nhiều người, tinh tấn thực tu, báo đáp ân trạch của Sư tôn ban cho sự tái sinh của sinh mệnh.

Tầng thứ cá nhân có hạn, nếu có chỗ nào thiếu sót, xin từ bi chỉ rõ. Cảm tạ Sư phụ! Cảm tạ đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Giao lưu Tâm đắc thể hội Đài Loan 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/29/做好三件事以报师恩-396246.html

Đăng ngày 30-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share