Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục

[MINH HUỆ 03-08-2019] Một buổi tối, khi tôi đả tọa luyện bài công pháp thứ năm như thường lệ, đến ba mươi phút còn lại thì cơn đau dần dần dữ dội hơn. Tôi bắt đầu nghĩ cách để giảm bớt cơn đau. Tôi ngồi khom lưng, đưa đầu ra phía trước, rồi nghiêng người. Đột nhiên tôi nghĩ tới điều sai khiến tôi có cách nghĩ như vậy. Chính là trốn tránh thống khổ, truy cầu thoải mái. Đây chẳng phải là tâm cầu an dật sao?

Tôi xem xét thật kỹ, đào sâu hơn thì phát hiện tâm cầu an dật nhiều lúc đều có những phản ứng trên thân thể mình. Rất nhiều vấn đề cũng là tâm cầu an dật tạo thành, hơn nữa là vô cùng nghiêm trọng. Ví như là lười biếng, sáng sớm không thể thức dậy phát chính niệm, luyện công, mong được thoải mái. Thậm chí tôi đã đặt chuông báo thức cũng không cách nào thức dậy được, việc này cứ lặp đi lặp lại. Tôi hoàn toàn không có cách nào đột phá được. Tôi để cho công việc trì hoãn, muốn chừa lại để làm sau. Làm việc thì sợ gặp phiền phức, muốn thừa cơ trục lợi. Kết quả là nói thì hay nhưng làm không được. Bản thân nghĩ rằng mình thông minh nhưng chính là đang che giấu tâm lười biếng.

Tâm cầu an dật biểu hiện ra là không muốn chịu khổ. Bình thường làm việc gì thấy mệt một chút là trong đầu não liền sản sinh ra niệm đầu: Nghỉ ngơi một chút nào, lên máy tính lướt xem báo một chút, xem phim giải trí một chút. Kết quả là một khi tôi đã nghỉ ngơi thì nghỉ rất lâu, lãng phí rất nhiều thời gian, làm việc hiệu quả thấp, thậm chí là bỏ lỡ những việc cần làm.

Tôi đã phân tích một chút về căn nguyên của tâm cầu an dật. Hoàn cảnh, kinh nghiệm cá nhân và tính cách đều có ảnh hưởng. Cuộc sống người thường của tôi khá thuận lợi. Từ tiểu học cho đến đại học, tôi không phải hao phí quá nhiều sức lực, việc học hành khá tốt, công việc cũng không tệ. Tôi thiếu kinh nghiệm sống và sự rèn luyện trong khó khăn, trắc trở. Mặt khác, tư tưởng của tôi từ nhỏ vốn khá đơn giản, không có truy cầu và chí hướng gì lớn, tính cách cũng dễ chịu, mềm yếu. Nhìn từ một phương diện khác thì tôi có cá tính bảo thủ, thiếu tính chủ động và năng động. Kỳ thực là che giấu phương diện trốn tránh chịu khổ và tính cách không chắc chắn. Nó phản ánh vào trong tu luyện của tôi, đặc biệt sau cuộc bức hại ngày 20 tháng 7 thì có khi tôi rất khó làm được tu luyện một cách dũng mãnh tinh tấn, tôi không muốn làm. Thậm chí là tôi trốn tránh chịu khổ và khổ nạn. Trong hoàn cảnh bức hại, tâm cầu an dật bản thân không tự nhận ra duy trì trong thời gian dài, có thể bị cựu thế lực phóng to và làm cho nó mạnh hơn.

Tâm cầu an dật không chỉ biểu hiện ở lười biếng, trì hoãn, giải đãi; mà mọi lúc trong tu luyện nó còn khởi tác dụng phụ rất xấu. Khi có quan phải vượt, chịu khổ và độ khó thường rất khó qua được. Tâm không muốn chịu khổ sẽ cản đường chúng ta đi làm. Nó tạo thành quan nhỏ không qua được tích lại thành quan lớn lại càng khó vượt qua hơn. Hơn nữa, nguyên nhân của việc cựu thế lực bức hại dùi vào sơ hở hiện giờ chính là chưa buông bỏ những chấp trước nhỏ này.

Mặc dù, tâm cầu an dật nhìn thì không giống như tâm tật đố hay tự tâm sinh ma gây ra tội ác lớn, nhưng nó lại giống như “thuốc mê” khiến người tu luyện không cách nào đề cao, tu luyện bị hủy giữa chừng, những gì tu luyện được trước đây bị bỏ dở, hủy đi bản thân và chúng sinh mà mình cần cứu độ. Đệ tử Đại Pháp chúng ta gánh vác trên vai trách nhiệm trọng đại cứu độ chúng sinh. Chúng ta làm sao có thể tham thú hưởng thụ an nhàn để mặc chúng sinh bị hủy được? Giống như lính cứu hỏa cứu người trong biển lửa, đương nhiên là sẽ chịu khổ, chịu tội. Trong lúc cấp bách, chúng ta làm sao có thể truy cầu thoải mái và an dật tại quá trình ngắn ngủi này chứ.

Kỳ thực, chúng ta thực sự nghĩ đến vứt bỏ tâm này không khó. Chỉ cần chúng ta xem trọng chấp trước này, có đủ quyết tâm, mọi lúc đều nghiêm khắc với bản thân. Khi tâm cầu an dật xuất đầu lộ diện dù lớn dù nhỏ chúng ta lập tức bài trừ nó thì có thể đạt được hiệu quả. Tiêu trừ nó từng chút từng chút một, tâm cầu an dật sẽ càng ngày càng yếu, biểu hiện cũng sẽ càng ngày càng ít. Sau khi tôi thể ngộ ra tâm cầu an dật, lúc ngồi đả tọa, tôi đã kiên trì giữ thẳng lưng luyện hết bài công pháp. Về sau tôi đả tọa thì phần lưng rất nhẹ. Bình thường tôi ngồi trên ghế cũng có thể giữ thẳng lưng, không còn cảm thấy không thoải mái như trước đây nữa. Khi có vượt quan tâm tính khác, sau khi tôi nghiêm khắc nhắc nhở bản thân bài trừ cầu an dật, sợ chịu khổ thì chính niệm trở nên mạnh mẽ, vượt quan cũng dễ dàng hơn.

Đây là thể ngộ cá nhân cùng giao lưu với mọi người. Có điểm nào chưa thỏa đáng, mong các đồng tu chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/8/3/390978.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/8/179235.html

Đăng ngày 15-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share