Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 22-06-2019] Một lần nọ, tôi có triệu chứng nghiệp bệnh nghiêm trọng. Tôi chia sẻ với một đồng tu về việc này khi đến thăm cô ấy. Cô ấy nói rằng: “Chị sẽ ổn. Đây chỉ là can nhiễu của cựu thế lực thôi. Đừng thừa nhận nó, nó chẳng là gì cả”.
Những lời của cô ấy đột nhiên khích lệ tôi. Khi trở về nhà, tôi thấy rằng chính niệm của mình trở nên mạnh mẽ hơn và tôi cũng cảm thấy ổn hơn.
Có một khoảng thời gian, tôi bị đau đầu bất cứ khi nào tôi dùng thức uống và thực phẩm có đường; và kết quả là tôi bắt đầu tránh mọi thứ có vị ngọt.
Vào một ngày rất nóng nực, tôi làm việc ngoài trời với một đồng tu. Anh ấy quyết định lấy một ít đồ uống lạnh. Tôi nói với anh ấy rằng tôi sẽ bị đau đầu nếu tôi uống bất cứ thứ gì ngọt, thế nhưng anh vẫn quay lại với một loại đồ uống ngọt. Anh ấy nói: “Sao chị không thử thêm lần nữa? Tôi nghĩ chị sẽ ổn thôi”.
Được anh khích lệ, tôi đã uống thứ nước này – và thật kỳ lạ là tôi đã không bị đau đầu. Kể từ đó, tôi không còn đau đầu vì ăn đồ ngọt nữa.
Vị đồng tu này không tin vào quan niệm rằng “đồ ăn hoặc thức uống ngọt sẽ khiến tôi bị đau đầu”. Anh ấy đã giúp tôi đột phá quan niệm này và loại bỏ sự bức hại của tà ác.
Tôi cảm kích cách mà hai học viên này giúp đỡ tôi theo hướng tích cực. Trong nhiều trường hợp, khi một học viên gặp phải các khổ nạn, các học viên khác sẽ nói rằng họ nên hướng nội, và sau đó chỉ ra chấp trước này hoặc chấp trước kia của họ.
Thật tốt khi chúng ta thiện ý chỉ ra chấp trước của các học viên khác để giúp họ đề cao, nhưng trên thực tế, cách mà chúng ta nói phản ánh sự tu luyện của chính mình. Nếu chúng ta có suy nghĩ rằng một học viên không tu luyện tốt, thì sự góp ý chân thành của chúng ta có thể dễ dàng trở thành lời chỉ trích. Do đó, thay vì giúp đỡ người khác thì chúng ta có thể vô tình tạo thêm áp lực cho họ, khiến họ khó vượt qua khảo nghiệm hơn.
Tâm lý trừng trị người khác
Tôi thấy rằng chủng tâm lý muốn trừng trị người khác một cách vô thức tương tự như cựu thế lực, vốn thường dùng hình phạt để giải quyết vấn đề.
Khi chúng ta nhìn thấy thiếu sót của các học viên khác, chúng ta thực sự cần xét lại suy nghĩ của chính mình để xem liệu chúng ta cũng có tiềm ẩn những tư duy muốn trừng trị người khác hay không.
Một người tu luyện làm sao có thể luôn hoàn hảo? Khi một người tu luyện có vấn đề, cựu thế lực liền tới quản? Chẳng phải chúng ta nên nghe theo lời Sư phụ và tu luyện chiểu theo Pháp hay sao? Cựu thế lực chỉ biết dùng ác để trừng phạt chúng sinh vì những thiếu sót của họ, vì chúng không biết cách nào khác. Vì Sư phụ đang Chính Pháp, nên chúng ta không nên để cựu thế lực làm theo ý chúng.
Tôi phát hiện ra chủng tâm này trong bản thân mình sau khi tôi bị tai nạn xe hơi. Tôi cảm thấy rằng mình đúng và đối phương là người vi phạm luật giao thông. Tôi đã có một suy nghĩ ẩn giấu là người tài xế sẽ phải gặp khổ nạn vì những gì anh ta đã làm với tôi.
Thế nhưng tôi nhận ra rằng suy nghĩ này không chỉ đối với người tài xế – mà tôi thấy mình cũng có những suy nghĩ tương tự đối với các đồng tu khi tôi nhìn thấy họ làm các việc không đạt tiêu chuẩn của Pháp.
Suy nghĩ vấn đề một cách chính diện
Tôi đã cố gắng để suy nghĩ tích cực về người khác, nhưng tôi nhận rằng mình không biết cách. Tôi gần như nghĩ theo bản năng rằng mọi người sẽ bị trừng trị nếu họ không chiểu theo Pháp. Thông qua việc học Pháp, cuối cùng tôi đã thay đổi được cách suy nghĩ của mình.
Giờ đây, khi tôi thấy hoặc nghe nói rằng ai đó đã làm việc không tốt, tôi nghĩ rằng người này đang sống trong thời khắc Đại Pháp đang được phổ truyền khắp thế giới, và Pháp có uy lực cải biến anh ấy trở nên tốt hơn. Là một học viên, anh ấy đã học Pháp và Sư phụ sẽ giúp anh ấy loại bỏ các chấp trước.
Một ngày nào đó, anh ấy có thể đột nhiên thay đổi và nhận ra thiếu sót của mình. Anh ấy sẽ tự sửa mình và đề cao. Sự cải biến sẽ đến từ chính ý nguyện của anh ấy chứ không phải vì bị chỉ trích.
Thực tế, tôi nhận ra lý do tôi nhìn thấy thiếu sót của người khác là vì tôi cần phải đề cao chính mình.
Một học viên ở địa phương của chúng tôi đã bị giam giữ nhiều năm. Vài năm sau anh ấy được thả ra, anh không làm bất cứ việc gì để cứu chúng sinh. Một học viên khác đã rất tức giận và phàn nàn anh ấy với tôi.
Tôi nói rằng tôi không có tư cách để đánh giá anh ấy. “Thứ nhất là vì tôi đã không giúp đỡ anh ấy. Thứ hai là tôi cảm thấy anh ấy có một nền tảng tu luyện rất vững chắc, và hồi đó anh ấy đã làm rất tốt. Sự thay đổi tư tưởng của một người có thể xảy ra trong tích tắc. Miễn là anh ấy học Pháp, thì một ngày nào đó anh ấy có thể lấy lại chính niệm và tinh tấn trở lại”.
Vài ngày sau, tôi nghe nói rằng người học viên đột nhiên trở nên rất tinh tấn.
Một đặc tính của các sinh mệnh trong cựu vũ trụ là họ hay phàn nàn và có những suy nghĩ tiêu cực về người khác. Họ vô thức cảm thấy rằng người khác không tốt như họ. Điều này đặc biệt rõ ràng trong lời nói và hành vi của họ bất cứ khi nào họ hoàn thành một điều gì, cho dù chỉ là việc nhỏ.
Trên thực tế, khi chúng ta có những suy nghĩ tiêu cực về người khác, lòng từ bi của chúng ta đã bị những tâm xấu xa thay thế. Tuy nhiên, mục tiêu tu luyện của chúng ta là trở thành những sinh mệnh giác ngộ chân chính và vị tha.
Câu chuyện của nhà sư Huyền Trang
Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về nhà sư Huyền Trang trong truyện Tây Du Ký, để nói lên nhận thức của tôi về chính niệm chân chính là gì.
Một lần nọ, nhà sư Huyền Trang đang đi cùng một nhóm người trên một chiếc thuyền hướng về chùa Na Lạn Đà. Một nhóm cướp đã tấn công thuyền của họ. Chúng vơ vét hết của cải và quyết định đem nhà sư Huyền Trang làm vật tế lễ. Huyền Trang khuyến thiện không thành, những người đồng hành với ông có cầu xin chúng cũng vô dụng. Bọn cướp đã dựng đàn tế, đem ông đặt lên tế đàn. Huyền Trang xin những tên cướp cho ông chút thời gian, để cho ông tự mình toạ hoá viên tịch. Đám thổ phỉ sớm đã bị phong thái bình tĩnh của Huyền Trang chấn nhiếp, tự động thoái lui. Đám người đồng hành khóc ầm ĩ, nhưng Huyền Trang nhất tâm tụng Phật, phát nguyện vãng sinh, nguyện được nghe chân kinh của Di Lặc, rồi hạ thế cứu độ những kẻ đạo tặc giết mình. Niệm này vừa xuất, trong chốc lát, hắc phong tứ phía nổi lên, sóng sông cuồn cuộn, những cây đại thụ đều bật gốc, đất cát bay mù mịt khắp trời, rất nhiều thuyền bè bên sông đều bị lật, sóng lớn kinh người.
Bọn cường đạo sợ tới mức quỳ hết xuống bái trời, hỏi mọi người: “Hoà thượng này là ai, lai lịch gì?” Có người nói: “Đây là Pháp sư Huyền Trang từ Đông Thổ Đại Đường đi thỉnh kinh. Thiên thần nổi giận, còn không sám hối!”. Bọn cường đạo vội vàng hướng đến Huyền Trang mà dập đầu. Lúc này Huyền Trang đang ngồi ngay ngắn nhập định, nhìn thấy bản thân đang bay qua ba tầng trời của núi Tu Di, nhìn thấy thế giới trang nghiêm của Phật. Sau khi Huyền trang xuất định, ông giảng Phật pháp cho chúng, bảo bọn chúng không được vì cái lợi nhất thời để tự chuốc lấy ác báo vô cùng. Kết quả, toàn bộ đám thổ phỉ đều tiếp nhận Ngũ Giới và quy y chính đạo.
Một đấng giác ngộ, người ở cảnh giới đại từ bi, trong ma nạn điều nghĩ đến không phải là được mất cá nhân, mà là được mất của người khác, thậm chí cả được mất của người bức hại chính mình. Nếu như trong lúc bức hại phát sinh, một học viên suy nghĩ đầu tiền là về chúng sinh đang phạm tội với Đại Pháp và sinh xuất lòng từ bi với những chúng sinh bị cựu thế lực khống chế, thì bức hại nhất định giải thể.
Khi đồng tu ở địa phương nghe tin bức hại phát sinh, nếu như niệm đầu tiên phát xuất là từ bi vô hạn đối với chúng sinh, bức hại nhất định giải thể. Nhưng mà sau khi phát sinh bức hại, thì các tư tưởng của học viên phát xuất ra thường là đủ loại.
Một đồng tu lúc giảng chân tướng, nhiều lần gặp phải người bị không chế làm điều tà ác, đồng tu này nhiều lần đều cầu xin Sư phụ không để cho cựu thế lực lợi dụng những sinh mệnh này để phạm tội với đệ tử Đại Pháp, cầu Sư phụ cứu giúp họ. Kết quả đều là “liễu ám hoa minh”.
Lúc gặp nạn cầu Sư phụ, nhưng lúc phát niệm ra không phải là chính niệm thì Sư phụ và các chính Thần lo lắng không có biện pháp nào.
Làm một người tu luyện, gặp phải bất kỳ sự tình gì thì đều là tuyển trạch, là lựa chọn triển hiện từ bi của Giác Giả, hay là gia cường chấp trước của con người, kỳ thực đều là trong nháy mắt.
Tầng thứ hữu hạn, có gì chưa đúng xin từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/22/389023.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/29/178640.html
Đăng ngày 15-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.