Bài viết của đồng tu Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-10-2018] Trang web Minh Huệ đã đăng một vài bài chia sẻ liên quan đến việc duy trì chính niệm chính hành trong trại tạm giam. Tôi hy vọng được chia sẻ thể ngộ bản thân từ một góc độ khác.

Vô ý truy cầu bức hại

Trong nhiều năm tu luyện của bản thân, tôi ngộ ra rằng, vào thời điểm then chốt, một đồng tu đạt được thành công đến đâu là do trạng thái tu luyện của họ quyết định, đó là do họ có nền tảng thực tu, kiên tu mà đạt được, người khác có bắt chước cũng không đạt được đến điểm đó.

Cách làm như nhau nhưng trạng thái khác nhau, tâm tính người tu luyện khác nhau thì kết quả đạt được không như nhau. Có đồng tu có thể định trụ kẻ bức hại bằng chính niệm và rời đi một cách bình thản. Có đồng tu lại có thể khiến kẻ bức hại nhận quả báo tức thời, sợ tới mức trong lòng run sợ, hoặc quay đầu vội vàng bỏ chạy. Có đồng tu rơi vào tình trạng nguy hiểm nhưng không sợ hãi, mà bằng giảng chân tướng cứu được người, lại hóa giải được nguy cơ bức hại. Nhưng cũng có đồng tu đã giảng chân tướng, hơn nữa còn phản kháng nhưng vẫn bị bắt giữ. Có đồng tu còn bị tra tấn, một số phải nhận bản án hà khắc, thậm chí bị cực hình mà qua đời. Có đồng tu được thả ra khỏi trại tạm giam khi tuyệt thực hay hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”, nhưng những đồng tu khác cũng dùng đúng cách đó thì lại bị bức hại nghiêm trọng hơn.

Đệ tử Đại Pháp có nhiều trạng thái khác nhau, và có quá nhiều yếu tố phức tạp. Một vạn đồng tu có thể có vạn con đường tu luyện khác nhau. Tu luyện không có hình thức cố định, cũng không có người nào làm mẫu.

Sư phụ giảng:

“Đặc biệt là đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục, trong ma nạn bức hại thì mỗi suy nghĩ mỗi ý niệm đều rất then chốt. Chư vị làm được tốt hay không tốt, chư vị có thể bị bức hại hay không, chư vị làm được chính hay không chính, bức hại đến mức độ nào, đều có quan hệ trực tiếp với con đường chư vị tự mình đi, và vấn đề mà tư tưởng chư vị suy xét.” (“Thế nào là đệ tử Đại Pháp”, Giảng Pháp tại các nơi XI)

Nếu thấy đồng tu kia đã làm tốt lắm và nghĩ: “Nếu tôi bị bắt giữ, tôi sẽ làm giống như anh ấy.” thì suy nghĩ ấy có thể trở thành lý do bức hại của cựu thế lực. Một số người có thể nghĩ rằng, đồng tu này không thừa nhận bức hại, thế mà anh ấy lại bị bắt. Có đồng tu nói: “Thậm chí có chết, tôi cũng sẽ không chuyển hóa”, đồng tu này sau đó bị bức hại đến chết.

Đôi khi, chúng ta không dễ dàng phát giác một niệm nào đó của chúng ta có lậu ở đằng sau, vì thế mà để bức hại xảy ra, lại còn nghĩ biện pháp gặp tình huống đó thì phản ứng thế nào, để tà ác nắm thóp, vô ý thừa nhận bức hại. Tại sao chúng ta không xuất niệm triệt để phủ nhận bức hại? Câu hỏi: “Tôi sẽ làm gì nếu bị bức hại?” đều phải bị loại bỏ triệt để.

Mỗi niệm đều có quan hệ với kết quả

Khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, trang web Minh Huệ đăng một câu chuyện mà tôi vẫn không quên cho dù đã hơn 10 năm rồi. Theo câu chuyện này, một đồng tu mang tài liệu thông tin Đại Pháp đi qua trạm kiểm soát. Túi đồ của tất cả mọi người đều bị kiểm tra, không khí rất căng thẳng.

Ban đầu, đồng tu này nghĩ: “Nếu bị phát hiện, mình nên làm gì? Mình nên mạnh mẽ và chứng thực Đại Pháp.” Sau đó, anh ấy lại có suy nghĩ khác: “Họ không được phép kiểm tra mình, không được phép phạm tội với đệ tử Đại Pháp.” Với chính niệm này, anh ấy không bị kiểm tra khi đi qua trạm kiểm soát.

Đồng tu ấy nghĩ có thể làm như vậy vào lần sau. Nhưng rồi anh ấy lại thay đổi nhận thức và nghĩ: “Cớ gì lại cho phép tà ác kiểm tra? Để “khảo nghiệm” ư? Tà ác không xứng khảo nghiệm đệ tử Đại Pháp. Điểm kiểm soát của tà ác căn bản là không cho phép tồn tại.” Từ lần sau trở đi, khi anh ấy đi qua chỗ này, trạm kiểm soát không còn nữa.

Trong toàn bộ quá trình, chính niệm của đồng tu phù hợp với Pháp, không ngừng thăng hoa, nhất tư nhất niệm mà chính lại hoàn cảnh, chính lại quan hệ giữa đệ tử Đại Pháp và chúng sinh. Niệm thuần chính của đồng tu hoàn toàn phủ nhận cuộc bức hại. Do đó, chúng ta có thể phủ nhận cuộc bức hại đến đâu là thực sự có quan hệ với mỗi niệm mỗi hành của chúng ta.

Tôi cảm thấy là, chính niệm không phải ở chỗ suy nghĩ nếu bị bắt thì có thuận theo cảnh sát hay không, có bị còng tay hay không, mà là căn bản không cho phép xảy ra tình trạng bắt giữ, rồi phát sinh bức hại.

Nếu chúng ta không “đồng ý” bị bức hại thì tà ác cũng không dám

Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc. Hàng ngày, chúng ta đọc các báo cáo trên Minh Huệ thấy các vụ sách nhiễu, bắt giữ, và xét xử phi pháp. Vậy cuộc bức hại có chấm dứt hay không, có thể tránh bị bắt giữ hay không?

Qua nhiều năm tu luyện trong thực tiễn, tôi nhận ra rằng: Sư phụ chưa bao giờ thừa nhận cuộc bức hại này, càng không an bài cho chúng ta bị bắt giữ, bị đánh đập, tra tấn, v.v.. Toàn bộ cuộc bức hại là do cựu thế lực an bài. Sư phụ chỉ là lợi dụng cuộc bức hại này để thành tựu đệ tử Đại Pháp. Trong tình huống nào, Sư phụ cũng bảo hộ đệ tử, kể cả khi các đệ tử không thể phủ nhận an bài của cựu thế lực, như bị bắt cóc, giam giữ tại hang ổ tà ác, Sư phụ cũng có thể an bài cho đệ tử làm tốt ba việc trong hoàn cảnh đó, thành tựu đệ tử Đại Pháp, cứu độ chúng sinh. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, bức hại không phải là thứ chúng ta nhất định phải trải qua.

Trong những ngày đầu của cuộc bức hại, rất nhiều người đã nghe cái gọi là dự ngôn “Bất miễn vu ngục“ (Việc tống giam là không thể tránh được). Tại thời điểm đó, chúng ta chưa hiểu rõ Pháp lý nên rất nhiều đồng tu đã ít nhiều chấp nhận những lời này. Sau đó, chúng ta dần dần đã minh bạch rằng đó là an bài của cựu thế lực. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta phải triệt để phủ nhận nó. Vô số đệ tử Đại Pháp đã đạt được điểm này trong nhiều năm tu luyện.

Tu luyện của đệ tử Đại Pháp hôm nay khác với những người tu luyện trong quá khứ. Việc con người bức hại Thần đến cứu độ họ là biểu hiện của cựu vũ trụ đã bại hoại đang đi về hướng hoại diệt, không được chính Pháp hay vũ trụ mới thừa nhận.

Nguyên nhân của việc bức hại các đồng tu rất nhiều và phức tạp. Nhưng tôi nhận ra một trong những nguyên nhân rất lớn là bởi vì chính chúng ta thừa nhận, “đồng ý” bị bức hại. Tôi hiểu “đồng ý” này có hai phương diện:

Một là, một số đồng tu đã ký ước với cựu thế lực trong tiền sử, đồng ý là tới khi nào thì xuất hiện trạng thái như vậy, tình trạng như vậy. Đương nhiên, con người ở tầng này thì biểu hiện phải phù hợp với lý của tầng này. Ví như, cựu thế lực an bài cho đồng tu bị phương diện nào đó có nhân tâm, chấp trước mãnh liệt, không dễ tu khứ đi; mà để trừ bỏ được những vật chất này thì đồng tu phải bị bắt giữ và bỏ tù.

Hai là, cũng như những trường hợp trên, khi thừa nhận đủ loại hình thức bức hại có thể xảy ra, nghĩ chính mình nếu gặp tình huống đó hay bị bức hại thì làm thế nào cho tốt. Đó là tương đương với truy cầu bức hại, là “đồng ý” bị bức hại, chỉ có điều nó là vô tình, không tự giác.

Sư phụ giảng:

“Trong vũ trụ này của chúng ta có một [Pháp] lý: điều bản thân chư vị cầu thì không ai quản, điều bản thân chư vị mong cũng không ai quản… Điều bản thân chư vị muốn, Pháp Luân cũng không quản, mà Pháp thân của tôi cũng không quản, đảm bảo là như vậy.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Dùng chính niệm chủ động phủ nhận và giải thể cuộc bức hại

Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến một số đồng tu nói phủ nhận an bài của cựu thế lực, vậy vì đâu bức hại vẫn xảy ra với họ?

Trong thực tiễn, tôi nhận thấy một nguyên nhân rất lớn: Ngoài miệng, đồng tu đã nói phủ nhận cuộc bức hại do cựu thế lực an bài, nhưng lại không phải là nhận thức phát ra từ nội tâm. Đó chỉ là phủ nhận trên bề mặt nhưng hành vi lại thừa nhận, cho rằng bức hại là không thể tránh được.

Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, nhiều người trong chúng ta không hiểu được rằng, trong khi tu luyện, chúng ta gặp phải bất kể áp lực nào thì đều là khảo nghiệm xem chúng ta căn bản có kiên định với Pháp hay không; dưới áp lực của cuộc bức hại, nhiều người không hướng nội tìm mà lại bị chi phối bởi tâm sợ hãi, tâm cầu an nhàn, một số người thậm chí còn oán Sư phụ.

Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta càng phải dùng chính niệm để chủ động giải thể cuộc bức hại. Chính niệm ở đây cũng có hai phương diện:

Thứ nhất, niệm đầu phải phù hợp với Pháp, thông qua việc tinh tấn học Pháp và tu luyện, chúng ta phải hướng nội để loại bỏ các quan niệm người thường và chấp trước, tăng cường tín tâm đối với Sư Phụ, đi theo an bài của Sư phụ, và phủ nhận bất kỳ an bài nào khác, buông bỏ chấp trước sinh tử. Đứng trước áp lực, chúng ta phải nghĩ đến Sư phụ, nghĩ xem Sư phụ muốn gì, từ đó có thể đạt được chính niệm.

Sư phụ giảng:

“‘Ta là đệ tử của Lý Hồng Chí, các an bài khác thì đều không cần, đều không thừa nhận’, thì chúng không dám làm, chính là đều có thể giải quyết. Chư vị thật sự làm được thế, không phải trên miệng nói thế mà là ở hành vi là làm được thế, thì Sư phụ nhất định sẽ làm chủ cho chư vị.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu 2003)

Tôi hiểu, ở đây, Sư phụ yêu cầu chúng ta phải “thật sự làm được thế, không phải trên miệng nói thế mà là ở hành vi là làm được thế”. Chúng ta không chỉ là ngoài miệng nói cho người khác nghe, hoặc thấy người khác nói như vậy thì ta cũng theo đó mà nói, mà là thông qua thực tu, tìm ra tâm chấp trước của bản thân, có can đảm đối diện với sai sót, lỗi lầm của mình, kịp thời thành tâm quy chính, vãn hồi tổn thất, từ Pháp mà xuất ra chính niệm, để Sư phụ làm chủ hết thảy. Thực sự đạt được chính niệm như thế so với nói trên bề mặt thì hiệu quả là khác nhau.

Thứ hai, từ góc độ cứu độ chúng sinh, chúng ta phải chủ động, tích cực phát chính niệm để giải thể an bài cực kỳ tà ác của cựu thế lực là hủy diệt chúng sinh, không cho phép bất cứ sinh mệnh nào phạm tội với Đại Pháp và các đệ tử Đại Pháp.

Bất kể chúng ta cảm thấy bản thân tu tốt hay chưa, nhất thời làm nhiều việc không tốt, chúng ta không thể phó mặc cho tà ác tự ý bài bố. Bất kể chúng ta thấy kém cỏi và hổ thẹn đến đâu, chúng ta vẫn phải để Sư phụ quyết định; nếu không, tà ác sẽ phóng đại mặc cảm tự trách bản thân và tăng cường cảm giác tội lỗi của chúng ta, khiến chúng ta không những không vượt qua được, mà còn tạo thành càng nhiều tổn thất hơn nữa.

Trên thực tế, khi một đệ tử Đại Pháp bị bức hại, tất cả những sinh mệnh tham gia bức hại đều đang phạm tội. Bất kể họ là thế nào trong cựu vũ trụ, kể cả họ nghĩ họ cao đến đâu, hễ bức hại đệ tử Đại Pháp – cho dù là đệ tử Đại Pháp có biểu hiện kém cỏi đi nữa – thì đều không thể trốn thoát. Đó là vì đệ tử Đại Pháp chỉ quy về Sư phụ quản, bất kể sinh mệnh nào cũng không xứng quản.

Chúng ta cần thanh tỉnh nhận thức rằng: không thừa nhận, triệt để phủ nhận cuộc bức hại là không để cho người thường phạm tội với Đại Pháp và đệ tử Đại Pháp, không để chúng sinh bị tà ác hủy diệt. Niệm ấy không phải xuất phát từ tâm sợ hãi, sợ chịu khổ hay mất đi sự thoải mái và lợi ích vật chất, mà thực sự có thể từ nội tâm nghĩ như vậy thì có thể được Sư phụ gia trì, chính niệm nhất định sẽ mạnh mẽ.

Chúng ta cũng cần phải loại bỏ quan niệm rằng nếu không làm tốt thì có thể bị bức hại. Nhận thức được những thiếu sót trong quá khứ, chúng ta không nên nghĩ đến khả năng bị bức hại tiếp nữa hay làm thế nào để bù đắp những tổn thất khi bị bức hại, mà là thuận theo an bài của Sư phụ, làm tốt ba việc mà bù đắp.

Bất kể hoàn cảnh bên ngoài biểu hiện nghiêm trọng đến thế nào, chúng ta cũng không nên xem đó là quá lớn, quá sức hoặc không thể tránh khỏi, mà đều không để trong tâm, cứ tĩnh tâm học Pháp, hướng nội tìm, và tăng cường phát chính niệm phủ nhận nó.

Sư phụ đã giảng rõ:

“[Dẫu] có chuyện gì trọng đại đến mấy xảy ra [thì] vẫn cứ như là không có gì cả, cứ bình thường mà làm những gì mà đệ tử Đại Pháp cần làm; đó chính là con đường mà chư vị đang đi hôm nay; đó chính là uy đức mà chư vị lưu lại. ” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2004”, Giảng Pháp tại các nơi VI)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/26/376255.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/17/174669.html

Đăng ngày 01-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share