Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang
[MINH HUỆ 29-11- 2018] Chính quyền tại hơn 9 quận huyện thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã phát động một chiến dịch bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Có ít nhất 119 học viên được xác nhận đã bị bắt trong ngày đó. Một báo cáo cho thấy công an đã theo dõi điện thoại di động của các học viên và hoạt động của họ thông qua mạng xã hội trong nhiều tháng trước khi thực hiện bắt giữ. Các quan chức đã được cung cấp danh sách tên của những người sẽ bị bắt. Họ đang tăng cường nỗ lực truy tìm những học viên còn lại chưa bị bắt vào ngày 9 tháng 11. Cho đến thời điểm viết bài, còn rất nhiều học viên địa phương vẫn chưa được thống kê.
Hầu hết các học viên bị bắt đều bị lục soát nhà cửa và bị tịch thu những tài sản có giá trị. Tổn thất tài chính của họ là rất lớn. Một số học viên đã bắt đầu tuyệt thực tại trại tạm giam để phản đối việc bị bắt. Gia đình họ rất lo lắng cho sự an nguy của các học viên; một số đã lâm bệnh nặng, trong khi những người khác cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý cho các học viên.
Trong tình huống hỗn loạn như vây, một số đồng tu đã nhận ra rằng họ nên bước ra thu thập những chứng cứ trực tiếp để phơi bày cuộc bức hại ra bên ngoài thế giới và giải cứu những học viên đã bị bắt giam. Trong khi đó một số học viên đã bắt đầu đổ lỗi và cố gắng tìm ra những thiếu sót của các học viên đã bị bắt.
Hai năm trước khi tôi học thuộc cuốn Chuyển Pháp Luân (Cuốn sách chính của Đại Pháp) lần thứ năm, bốn từ đã xuất hiện trong đầu tôi “Tu xuất từ bi”. Tôi đã suy nghĩ về bốn từ này kể từ khi cuộc bắt giữ hàng loạt diễn ra gần đây và muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về tình huống đó với các học viên. Xin vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp.
Từ bi là thiên tính của đại giác giả
Sư phụ đã giảng cho chúng ta:
“Khi chư vị đụng phải kiếp nạn, thì tâm từ bi ấy sẽ giúp chư vị vượt qua quan [ải] khó khăn ấy, đồng thời Pháp thân của tôi sẽ coi sóc chư vị, bảo hộ sinh mệnh của chư vị, nhưng nạn ấy nhất định là khiến chư vị qua.” (Chương III, Pháp Luân Công)
“Từ bi” là bản tính tiên thiên của một vị giác giả và là đặc tính của vũ trụ. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp phải tu xuất khỏi người thường và hướng thế nhân về phía chính lộ. Chúng ta phải đồng hóa với nguyên lý vũ trụ “Chân-Thiện-Nhẫn”
Những người lưu truyền tin đồn giữa các học viên cần phải buông bỏ tâm người thường.
Tôi chứng kiến rất nhiều lần là khi một học viên bị bắt, những tin đồn về học viên đó sẽ được lan truyền giữa các đồng tu. Những người lưu truyền tin đồn hẳn phải có nhiều chấp trước khác nhau, và thậm chí một số người có chủ ý xấu. Các học viên Đại Pháp phải tu luyện tinh tấn để loại bỏ ảnh hưởng của văn hóa Đảng. Bất cứ ai có hành vi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đảng đều không thực sự từ bi.
Tôi xin đưa ra một ví dụ. Sau khi một học viên bị bắt, cô ấy không thể chịu đựng được tra tấn khốc liệt và đã tiết lộ tên của nhiều học viên khác. Sau khi được thả, một người bạn của cô không phải là học viên đã mời cô đi ăn tối và tặng quà cho cô và gia đình. Ngược lại, các đồng tu trong vùng hiếm khi hỗ trợ cô. Một số người thậm chí còn nói rằng cô là một đặc vụ và vì thế nhạo báng cô. Những người khác lan truyền tin đồn rằng cô đã ngoại tình với ai đó. Khi chồng cô nghe thấy những tin đồn đó, anh rất tức giận và bối rối – vợ anh trước khi tu luyện Đại Pháp thậm chí còn là một người rất bảo thủ, nên anh không hiểu tại sao những đồng tu đó lại lan truyền tin đồn về vợ mình khi cô ấy đang rất cần sự giúp đỡ.
Người trong xã hội bình thường đều biết câu nói rằng một người bạn khi cần mới là một người bạn thực sự. Tuy nhiên, do hàng thập kỷ tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy kế hoạch của Cộng sản, thiện lương của người Trung Quốc đã bị chôn vùi và tâm trí của họ bị méo mó. Thay vì cảm thông và giúp đỡ những người bị nạn, một số học viên lại đổ lỗi cho những học viên đang trải qua khổ nạn.
cựu thế lực nắm được sơ hở của các học viên và bức hại chúng ta
Tất nhiên, đằng sau các vụ bắt giữ hàng loạt này chắc chắn có nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là: cựu thế lực đã tóm được những sơ hở của hàng loạt nhân tâm khác nhau trong học viên để bức hại các đồng tu.
Sư phụ đã giảng:
“Có người nói rằng ‘Bạn cười tươi tỉnh một chút với người ta, bạn biểu hiện rất thân thiện, thì đó là Thiện rồi’. Đó chỉ là con người biểu hiện ra một loại trạng thái hữu hảo. Cái Thiện chân chính, là người tu luyện ở trong quá trình tu luyện, trong quá trình tu Thiện, đã tu thành Chân Thiện. Khi đối diện với chúng sinh, vì chư vị có phía mà chưa tu xong, do vậy chư vị không thể hoàn toàn biểu hiện ra phần thành Thần vốn tu luyện xong. Khi cần thiết, chư vị cần phải lý trí, thanh tỉnh như một người tu luyện, để trách nhiệm của mình, để chính niệm của mình làm chủ đạo, sau đó cái Thiện chân chính của chư vị mới có thể triển hiện xuất lai; đó chính là sự khác nhau giữa người tu luyện và Thần. Đây là Từ Bi; Ông không có cố ý biểu hiện ra, không phải là biểu hiện thiện ác hay vui thích của con người. Không phải là ‘bạn đối với tôi tốt thì tôi biểu hiện Thiện với bạn’. Ông không có đòi giá cả, không kể báo đáp; hoàn toàn là vì chúng sinh. Vì thế Từ Thiện này hễ xuất lai, thì lực lượng của Ông là vô tỷ; bất kể nhân tố bất hảo nào cũng đều bị giải thể. Từ Bi càng lớn, thì lực lượng đó càng lớn. Là vì trước đây xã hội nhân loại không có Chính Lý, vậy nên con người là không dùng Thiện để giải quyết vấn đề; con người xưa nay đều dùng thủ đoạn chinh phạt để giải quyết vấn đề của con người; do đó điều ấy trở thành cái Lý của con người. Người mong muốn thành Thần, bước xuất khỏi trạng thái con người, thế thì phải vứt bỏ loại tâm ấy, phải dùng Từ Bi để giải quyết vấn đề.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Washington DC năm 2009)
Chúng ta nên soi xét từng ý niệm của mình, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được những quan điểm khác nhau và ngăn các yếu tố tiêu cực xuất hiện. Chúng ta nên từ bi với các đồng tu.
Các đồng tu ở tỉnh Hắc Long Giang, xin đừng cố gắng tìm thiếu sót của nhau. Chúng ta nên loại bỏ những nhân tố của văn hóa Đảng và học cách từ bi hơn. Từ bi của chúng ta có thể giúp các học viên vượt qua khổ nạn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/29/377783.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/29/173796.html
Đăng ngày 11-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.