Bài viết của Trịnh Ngữ Yên, phóng viên Minh Huệ
[Minh Huệ 22-12-2018] Bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam gia đã được trình chiếu tại trường Đại học Quốc gia Đài Loan vào ngày 19 tháng 12 năm 2018. Bộ phim mô tả chi tiết về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Pháp Luân Công. Khán giả thấy kinh hoàng và kêu gọi thêm nhiều người xem bộ phim này.
Tù nhân lương tâm mạo hiểm tính mạng
Bộ phim mở đầu bằng cảnh một bức thư viết tay được tìm thấy trong hộp đồ trang trí Halloween, được cô Julie Keith, một phụ nữ ở Oregon, mua tại một trung tâm thương mại ở Hoa Kỳ.
Bức thư là một lời kêu gọi giúp đỡ được viết bởi một tù nhân lương tâm bị giam ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Cô Keith đã đăng bức thư trên các lên mạng truyền thông xã hội, câu chuyện nhanh chóng được giới truyền thông trên toàn thế giới đưa tin và châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền dẫn đến hệ thống “cải tạo thông qua lao động cưỡng bức” của Trung Quốc bị hủy bỏ, ít nhất là ở cái tên, vào năm 2013.
Tác giả của bức thư, ông Tôn Nghị, đã bị giam trong trại lao động cưỡng bức chỉ vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ông đã mạo hiểm tính mạng của mình để đưa câu chuyện của ông ra thế giới, và gần đây, tiếp tục mạo hiểm sinh mệnh trong thời gian thực hiện bộ phim tài liệu này để vạch trần chi tiết hơn về nạn khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc.
Trong khi bị chính quyền Trung Quốc theo dõi, ông Tôn Nghị đã quay những cảnh phim về cuộc đời ông ở Trung Quốc và phỏng vấn các cựu tù nhân khác ở Mã Tam Gia. Ông còn giới thiệu những bức hình ông vẽ mô tả những hình thức tra tấn mà ông từng phải chịu đựng và chứng kiến tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia.
Cô Julie Keith (bên trái), người tìm thấy bức thư, gặp tác giả bức thư, ông Tôn Nghị (bên phải) sau khi ông bay đến Indonesia (ảnh trong phim Thư từ Mã Tam Gia)
Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp ở trường đã mời luật sư nhân quyền Teresa Châu và các luật sư khác tham gia hội thảo. Ông Leon Lee, giám đốc sản xuất bộ phim, cũng tham gia thông qua cuộc gọi video trên mạng để trả lời các câu hỏi của khán giả.
Việc nhỏ tạo ra thay đổi lớn
Giám đốc Lee cho biết: “Cô Julie đã mua đồ trang trí được sản xuất ở Trung Quốc và tìm thấy bức thư kêu gọi giúp đỡ. Những vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, tưởng như rất xa vời, đã được đưa đến cho các khán giả phương Tây.”
Ông Lee cho hay những gì cô làm đã dẫn đến việc bãi bỏ hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc: “Điều đó khích lệ tất cả chúng ta. Khi chúng ta đối mặt với khó khăn, chúng ta nên làm gì? Nếu bạn muốn góp phần vào sự thay đổi, thì một hành động nhỏ cũng có thể tạo ra một cuộc cách mạng.” Một sinh viên Đại học Đài Loan đã bình luận về hai lính canh của trại lao động cưỡng bức trong phim, những người đã thú nhận việc tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mặc dù họ bị hiểu nhầm bởi tuyên truyền của ĐCSTQ và “chỉ là người thi hành”, họ đã cảm động trước ý chí kiên định của ông Tôn Nghị khi bị tra tấn. Một trong những lính canh trong phim thậm chí đã sốc khi kể lại những gì đã diễn ra. Người sinh viên nói rằng cô đã cảm động khi xem các cựu lính canh lên tiếng cho ông Tôn.
Khâm phục các học viên Pháp Luân Công
Ông Tôn Nghị cầm bức thư mà ông đã nhét vào trong hộp đồ trang trí Halloween (ảnh từ phim Thư từ Mã Tam Gia)
Anh Cao, một sinh viên khác, nói rằng anh muốn chia sẻ bộ phim này với bạn bè và gia đình anh, vì anh biết rằng nhiều người chưa nhận thức được về cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Anh nói: “Chiến dịch tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã làm nhiều người hiểu nhầm. Trước đây, tôi không có ấn tượng tốt đối với Pháp Luân Công. Sau khi xem bộ phim này, tôi đã thay đổi quan điểm. Tôi đã được truyền cảm hứng.”
“Những người này, gồm cả sinh viên và luật sư, đã lên tiếng cho nhân quyền. Họ không sợ cuộc đàn áp. Tôi thực sự khâm phục họ.”
Cô Tiền cho hay ông Tôn Nghị đáng được khâm phục vì không chịu từ bỏ trong khi bị bức hại, ông vẫn kiên định với đức tin của mình. Sau khi được thả ra từ trại lao động cưỡng bức, khi ông tìm thấy bức thư cầu cứu của mình được đăng trên mạng, ông muốn tham gia vào việc làm bộ phim để giúp thêm nhiều người hiểu rõ về cuộc bức hại.
Cô Tiền nói: “Tôi nghĩ ông ấy là người vị tha, và muốn giúp đỡ những người khác bằng cách hy sinh lợi ích của bản thân mình.”
Cô chia sẻ rằng trước khi xem bộ phim này, cô đã không biết những việc tàn bạo như vậy vẫn đang diễn ra hiện nay. Cô nói: “Tôi muốn giúp đỡ những người này. Với những gì tôi đã được học, và với các mối quan hệ của tôi, tôi cần giúp đỡ để thay đổi việc này.”
Cô Lý, một cựu sinh viên của Đại học Đài Loan cho rằng bộ phim thật cảm động, và nói: “Tôi không thể hình dung được những việc như thế lại có thể diễn ra trong một xã hội văn minh. Tôi tiếc rằng không có một tin tức gì trên truyền thông hay bộ phim nào về vấn đề này. Thật không thể tin được. Các phương tiện truyền thông ở Đài Loan nên đưa tin về sự việc này.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/22/378778.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/27/173775.html
Đăng ngày 31-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.