Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-10-2015] Theo số liệu thống kê của Minh Huệ Net, từ tháng 5 đến nay đã có 210 học viên Pháp Luân Công ở huyện Kỳ Đông, tỉnh Hồ Nam đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân.

Các học viên đã khởi tố cựu độc tài Trung Quốc vì đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công và bắt Giang phải chịu trách nhiệm về những thống khổ to lớn mà các học viên phải gánh chịu trong chiến dịch của ông ta. Những đơn kiện được gửi đến Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Rất nhiều trong số các học viên này cho biết Pháp Luân Công đã giúp họ lấy lại sức khỏe và mang đến cho họ một cái nhìn mới về cuộc sống. Tuy nhiên, giấc mơ về một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện vào năm 1999.

Chỉ đơn giản bởi vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn và nhà cửa bị lục soát, các tài sản cá nhân bị thu giữ. Nhiều người còn chứng kiến gia đình mình bị liên lụy vì tín ngưỡng của mình, trong khi một số còn bị ép buộc phải nộp khoản tiền phạt lớn.

Dưới đây, chúng tôi sơ lược tiểu sử của một vài học viên trong số đó:

Bà Chu Kiến Bình bị tra tấn

Bà Chu Kiến Bình bị bắt giữ và kết án bốn năm tù giam vào tháng 5 năm 2009 vì đã viết các chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên trên tường.

Trong đơn kiện bà viết: “Tháng 10 năm 2011, tôi bị đưa đến Khu vực Kiểm soát Nghiêm ngặt vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Tôi bị bắt phải đứng nghiêm giống như một binh lính trong quân đội từ 6 giờ sáng đến 4 giờ sáng trong một tháng trời. Nếu tôi nhắm mắt, họ sẽ hắt nước lạnh vào mặt tôi. Các tù nhân cũng nhét một mảnh giấy vào giữa hai chân tôi. Nếu tờ giấy bị rơi xuống sàn thì họ sẽ bắt tôi phải đứng lâu hơn nữa. Tôi chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh ba lần một ngày.

“Một tháng sau, hai chân của tôi bị sưng phù lên nghiêm trọng. Tôi không thể ngồi xổm khi đi vệ sinh. Mặc dù vậy, lính canh Hà Bình Châu hạ lệnh cho ba tù nhân ấn tôi ngồi xuống. Chân tôi đau đớn vô cùng. Họ bắt tôi phải ngồi xổm suốt cả ngày, nhưng tôi vẫn kiên định không từ bỏ đức tin của mình. Hai tay tôi bị còng ra phía sau lưng, với một tay bẻ quặt từ phía dưới lên, và tay kia vắt qua vai. Sau đó tôi bị treo lên một chiếc giường tầng trong một tuần.”

2014-10-7-minghui-pohai-kuxing-beikao--ss.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Còng tay ra sau lưng

Bà Đặng Thái Vân bị kết án bảy năm tù giam vì phân phát đĩa DVD Thần Vận

Bà Đặng Thái Vân, 61 tuổi, bị kết án bảy năm tù vào năm 2006 vì đã phân phát đĩa DVD Thần Vận và các tài liệu thông tin Pháp Luân Công khác.

Bà viết trong đơn kiện: “Sau khi bị bắt, tôi bị giam tại trại tạm giam huyện Kỳ Đông trong một tháng, rồi được thả ra sau khi lính canh tống tiền gia đình tôi 15.000 nhân dân tệ.

“Chưa đầy hai tháng sau, công an của Đội An ninh Nội địa đã xông vào nhà tôi và bắt tôi đưa đến phòng cảnh sát huyện ở địa phương. Họ dùng một cái móc treo quần áo để đánh tôi và họ còn đá tôi. Công an cũng túm tóc tôi, còng tay, và treo tôi lên trong bảy ngày. Cuối cùng, tôi bị kết án bảy năm tù.

“Họ bắt tôi phải lao động nặng nhọc và cấm tôi ngủ. Họ tiêm cho tôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc nhằm phá hủy hệ thần kinh trung ương của tôi.”

Bà Thạch Kim Hoa phải lao động cưỡng bức một năm vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Bà Thạch Kim Hoa, 74 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2004, khi bà đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Ở trong trại tạm giam Kỳ Dương, bà bị xích vào cùng với một học viên khác vì đã nói về việc Pháp Luân Đại Pháp tốt như thế nào. Họ không thể đi lại hay sử dụng nhà vệ sinh. Nữ lính canh Chu Bỉnh Sinh đi giày da đã đá vào lưng bà.

“Năm tù nhân giám sát tôi 24/24, và họ không cho phép tôi nói chuyện với người khác. Bởi tôi kiên định với đức tin của mình, họ bắt tôi phải đứng từ 5 giờ sáng đến tận nửa đêm. Tôi đã bị ngất đi một vài lần.

“Một buổi chiều trong tháng 5 năm 2008, bảy công an đã xông vào và lục soát nhà tôi. Họ tịch thu các sách Đại Pháp, một ti-vi, một đầu video, một máy DVD, và 5.000 nhân dân tệ tiền mặt. Sau đó, họ đưa tôi và chồng tôi đến Đội An ninh Nội địa của huyện. Họ treo người tôi lên khung cửa sổ cho đến nửa đêm. Tôi bị mất ý thức, và sau đó họ thả tôi xuống. Nhưng họ vẫn giam giữ tôi 15 ngày trước trong một trại tạm giam ở địa phương.”

2012-6-19-cmh-kuxingtu-38--ss.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Treo người lên khung cửa sổ với bàn chân gần như không chạm đất

Gia đình ông Lưu Kiểm Bảo bị bức hại

Ông Lưu Kiểm Bảo viết trong đơn kiện: “Hơn một thập niên của cuộc đàn áp vừa qua, con gái tôi Lưu Anh, 15 tuổi, bị giam giữ 18 tháng và bị tống tiền 3.500 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công. Cháu đã bị tước mất cơ hội được đến trường. Vợ tôi, Bành Phúc Bân, nhiều lần bị bắt và giam giữ với tổng thời gian hai năm chín tháng. Bà cũng bị tống tiền 7.350 nhân dân tệ.

“Tôi đã nhiều lần bị bắt và bị đánh đập đến suýt mất mạng khi ở trong trại tạm giam.

“Ngày 20 tháng 9 năm 2003, Lưu Dũng, bí thư đảng ủy của thị trấn, cùng với bảy công an đã đột nhập vào nhà tôi. Họ lục soát nhà và tìm thấy một số tờ rơi về Pháp Luân Công, nên họ đã đưa tôi đến đồn cảnh sát địa phương. Lưu Dũng đã ra lệnh cho bốn nhân viên đánh đập tôi. Đùi của tôi bị bầm tím. Trưởng đồn công an đã xiên các tăm tre vào dưới móng tay của tôi. Sau đó họ cũng xiên các tăm tre vào dưới móng chân của tôi. Các ngón tay và ngón chân của tôi đều đầm đìa máu, nó khiến tôi đau đớn khủng khiếp.”

Ông Tưởng Định Hùng phải xin phép khi đi ra ngoài

Ông Tưởng Định Hùng, 82 tuổi, nguyên là giáo viên. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu năm 1999, bởi những tuyên truyền, công kích và phỉ báng Pháp Luân Công của phương tiện truyền thông Trung Quốc, bè bạn, người thân, và hàng xóm đều sợ hãi khi giao tiếp với ông, và xa lánh ông.

Không lâu sau khi cuộc bức hại vừa mới bắt đầu, nhà ông bị lục soát. Họ tịch thu sách Chuyển Pháp Luân, băng ghi âm các bài công pháp, các băng ghi hình, và chứng minh nhân dân của ông.

Ông nói: “Họ đưa đến Đồn công an Quy Dương và tẩy não tôi. Họ bắt tôi phải ở nhà, và không cho phép tôi đi ra ngoài. Bất kể là đi đâu tôi cũng phải xin phép. Một hôm, tôi được phép đến thăm con trai cả của tôi, và tôi ở lại đó thêm một ngày. Công an đã ngay lập đức gọi điện cho tôi và yêu cầu tôi phải trở về nhà.”

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610 vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền này để đệ đơn kiện hình sự truy tố cựu độc tài Giang.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/10/11/317386.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/18/153284.html

Đăng ngày 27-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share