Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-06-2020] Một cư dân ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã bị bỏ tù 10 tháng vì phân phát tài liệu về đức tin của mình là Pháp Luân Công. Trong thời gian bị bỏ tù, bà Cảnh Thục Lan đã bị bức thực và phải đeo còng tay và cùm chân trong 3 ngày liên tiếp, khiến cho bà bị thương ở cổ tay và ở lưng.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa bị chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Bà Cảnh, 58 tuổi, và bà Lý Đông Mai đã bị bắt vào ngày 18 tháng 7 năm 2019 sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Họ có mặt ở Tòa án Quận Kiều Khê vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 và bị kết án mỗi người 10 tháng tù vào tháng 4 năm 2020.

Trong vài ngày đầu tiên, bà Cảnh bị giam tại Trại tạm giam Số 2 Thạch Gia Trang, các lính gác đã không cho bà ngủ và ra lệnh cho các tù nhân cùng xà-lim đánh thức bà dậy 15 phút một lần.

449a8dd0aaf874da6731c488abc966cd.jpg

Miêu tả tra tấn: Chân và tay bị cùm lại với nhau

Vì bà từ chối đọc thuộc những quy định của trại giam, các lính gác đã bắt bà Cảnh phải đeo còng tay và cùm chân được xích lại với nhau trong 3 ngày. Trong khi xích bà, một lính gác đã đá vào lưng bà, khiến bà đau như bị dao đâm. Chuỗi xích nặng hơn 22 kg và bà không thể đứng lên được. Bà đã phải ngồi xổm để di chuyển, và cũng đã rất khó khăn khi dùng nhà vệ sinh và tắm. Các lính gác không cho phép bất cứ ai giúp đỡ bà hay nói chuyện với bà trong thời gian tra tấn này.

Chiếc cùm tay nặng đến mức da bà bị trầy xước và vết sẹo vẫn còn cho đến hiện nay. Bà bị đau lưng trong hơn một tháng và không thể đứng thẳng lên.

Bà Cảnh đã tuyệt thực vào tháng 8 năm 2019 để phản đối việc bức hại này. Để kích động lòng thù hận đối với bà, tù nhân cầm đầu trong xà-lim đã cấm những tù nhân khác không được ăn thức ăn mà họ đã mua thêm cho họ nếu bà không ngừng tuyệt thực. Những tù nhân này vì thế chỉ có thể ăn đồ ăn chất lượng thấp do nhà tù cung cấp, và họ đã đổ tội cho bà Cảnh vì điều này.

Ba ngày sau, các lính gác bắt đầu bức thực bà Cảnh hai lần mỗi ngày.

Khi luật sư của bà vào thăm một vài ngày sau đó, lính gác đã kiên quyết rằng họ phải bức thực bà Cảnh trước khi cho bà gặp luật sư. Trong quá trình bức thực, một tù nhân đã làm sái quai hàm bà trong khi giữ đầu bà. Bà bị đau đầu nặng và không thể ngậm miệng hay nói chuyện. Bà Cảnh bị đau đến mức không còn chút sức lực nào và không thể gặp mặt luật sư. Các lính gác sau đó nói với luật sư rằng bà Cảnh đã từ chối gặp ông và chế giễu bà vì để ông đến trại giam “vô ích” trong thời tiết nóng như vậy.

Bất chấp tình trạng của bà, các lính gác vẫn tiếp tục bức thực bà Cảnh. Việc bức thực kéo dài 15 ngày. Trong một lần bức thực, một lính gác đã đe dọa là sẽ cho bà Cảnh ăn phân của chính bà. Các lính gác cũng lấy của bà 35 Nhân dân tệ cho mỗi lần bức thực và rút hơn 1000 Nhân dân tệ từ tài khoản đại diện của bà.

Các lính gác cũng lấy của bà Cảnh 200 Nhân dân tệ cho một cái gọi là khám sức khỏe không lâu trước khi bà được trả tự do vào tháng 5 năm 2020.

Những lần bức hại trước đó

Bà Cảnh đã từng làm việc ở Nhà máy dệt số 4 ở thành phố Thạch Gia Trang. Bà từng bị chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng do phải làm ca đêm và có vấn đề về thận. Hai chân bà thường bị phù. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề của bà đã biến mất không lâu sau khi bà tập Pháp Luân Công vào năm 1996.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Cảnh đã đến Bắc Kinh để đòi công lý và bị bắt. Sau khi bà bị đưa trở về nhà, nhà máy dệt đã phạt bà bằng cách giảm lương của bà xuống còn 280 Nhân dân tệ mỗi tháng, nhưng bà vẫn phải làm cùng một khối lượng công việc như trước kia. Cảnh sát và nhân viên tổ dân phố địa phương kể từ đó thường sách nhiễu bà.

Bà Cảnh lại bị bắt vào năm 2000 sau khi bà đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Lần này bà đã bị chỗ làm cho thôi việc. Chồng bà đã không thể chịu được sức ép của cuộc đàn áp và ly dị bà.

Bà Cảnh lại đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lần thứ 3 vào đầu năm 2002 và lại bị bắt. Bà đã tuyệt thực trong 19 ngày tại trại tạm giam số 2 Thạch Gia Trang và bị bức thực. Một tháng sau đó, cảnh sát đưa bà vào Trại lao động cưỡng bức Thạch Gia Trang, mà không theo quy trình thủ tục nào cả, trong 3 năm.

Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà Cảnh sau khi bà được trả tự do. Bà đã buộc phải đi khắp nơi để tránh việc bị bức hại thêm nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/8/407432.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/19/185579.html

Đăng ngày 21-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share