Bài viết của Dịch Minh

[MINH HUỆ 22-06-2020] Khủng hoảng virus corona (viêm phổi Vũ Hán) còn chưa chấm dứt, nhưng người dân Trung Quốc đã phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa — khủng hoảng kinh tế. Giá nhà đất và tiền cho thuê nhà đã giảm, nhưng tiền trả nợ hàng tháng cho ngân hàng không thay đổi; tiền lương và thưởng đã giảm, nhưng học phí và chi phí y tế cho người cao tuổi vẫn giữ nguyên. Trong khi người dân Trung Quốc đang vật lộn để sống qua ngày thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại hào phóng xóa nợ lớn cho 77 quốc gia. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Cuộc sống trong thời gian phong tỏa

Ở Trung Quốc, khi số ca nhiễm virus corona ở một thành phố tăng lên, nó sẽ lập tức bị phong tỏa và bị xem như một khu vực có chiến tranh. Cư dân ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), thành phố Cát Lâm và Thư Lan (tỉnh Cát Lâm) biết quá rõ cuộc sống sẽ khủng khiếp ra sao dưới kiểu phong tỏa đó.

Bắc Kinh cũng trở thành nạn nhân vào giữa tháng 6, khi một loạt ca nhiễm bùng phát tại Chợ Đầu mối Tân Phát Địa ở quận Phong Đài.

Một cư dân có bút danh “hạt gạo” đã đăng lời kêu gọi giúp đỡ trên truyền thông xã hội ngày 17 tháng 6. Cô cho biết cô sống trong một khu phố ‘có nguy cơ cao’ gần chợ đầu mối Tân Phát Địa, và khu phố này đã bị phong tỏa từ 3 giờ sáng ngày 13 tháng 6. “Nhiều gia đình đã hết đồ ăn. Người lớn khỏe mạnh còn có thể chịu đựng được, nhưng còn trẻ nhỏ và người già thì sao? Lúc đầu, chúng tôi vẫn có thể đặt mua, nhưng bây giờ thì không thể vì đường đã bị chặn. Người thân và bạn bè cũng không thể giúp được, vì không ai được phép di chuyển.”

Cô cho biết: “Hôm nay là ngày phong tỏa thứ năm, nhà chúng tôi cũng đã hết gas. Chúng tôi thực sự tuyệt vọng và cần sự giúp đỡ khẩn cấp!”

Trong môt bài đăng, một cư dân mạng khác cho biết: “Chúng tôi đang vật lộn để sống qua ngày. Chúng tôi có thể làm gì? Giá cả đã tăng vọt, còn mức sống ngày càng tồi tệ. Cứ như sống trong tù vậy. Tôi thực sự hy vọng mọi người đừng nghe theo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi đã tin những gì họ nói, và không dự trữ thực phẩm cho cuộc khủng hoảng, và bây giờ chúng tôi thậm chí còn không được rút tiền của mình từ ngân hàng quá hạn mức mà họ đặt ra. Họ chưa bao giờ quan tâm đến cuộc sống của người dân cả!”

Thất nghiệp tăng cao

Theo Đài Phát thanh Châu Á Tự do (RFA), một học giả đã cảnh báo người dân Trung Quốc thông qua một video chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội ngày 4 tháng 6: “Nhiều người Trung Quốc đang hả hê trước vụ bạo loạn gần đây ở Hoa Kỳ, mà không nhận thức được tính nghiêm trọng của nạn thất nghiệp ở Trung Quốc. Khi Trung Quốc không có đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ, ít nhất 10% nhân công ở Trung Quốc sẽ mất việc làm. Đóng cửa các doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu.”

Ông Ngô Hạo, một doanh nhân ở tỉnh Giang Tô, nói với RFA rằng cuộc sống người dân Trung Quốc có thể tồi tệ hơn nhiều so với những gì người bình thường có thể tưởng tượng. “Không phải chỉ là ‘thắt lưng buộc bụng’. Ở Trung Quốc ngày nay, ai cũng mắc nợ, đặc biệt là những người trẻ sinh vào những năm 1980 và 1990. Nhiều người tiêu quá nhiều tiền từ thẻ tín dụng, nợ trung bình từ 30.000 đến 50.000 Nhân dân tệ. Có những người thậm chí nợ hơn 100.000 Nhân dân tệ. Bây giờ, khi bị mất việc, họ thậm chí không trả được tiền lãi thẻ tín dụng.”

Mặc dù ĐCSTQ đã mở cửa nền kinh tế trở lại vào ngày 1 tháng 3, nhưng nó không hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này sử dụng 70% lực lượng lao động thành thị. Khi các doanh nghiệp này đóng cửa, số người thất nghiệp tăng vọt, hiện vẫn chưa có giải pháp nào khả thi.

Theo bản tin của Bloomberg News ngày 21 tháng 5, Đồng bằng Châu Giang, một động cơ chủ lực trong tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa, hiện đang trải qua một làn sóng thất nghiệp. Một số nhà sản xuất ở Đông Quan cho biết chín trong số mười nhà máy ở khu vực này đã đóng cửa, và những nhà máy còn lại chỉ có thể trả mức lương ngang với mười năm trước.

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang phải chịu khó khăn, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính của ĐCSTQ lại nhận được những khoản tiền hào phóng từ ngân sách nhà nước. Nhiều chính quyền địa phương bắt đầu bán đất công với giá cao, khiến giá nhà đất bị đẩy lên mức cao mới. Trên thực tế, những gì họ đang làm chỉ là sử dụng tiền ngân hàng nhà nước cho các giao dịch đầu cơ đất đai để tăng số liệu GDP của ĐCSTQ.

Đối với người dân, việc in thêm tiền mặt sẽ chỉ làm giảm giá trị tiền trong ngân hàng của họ. Đồng thời, ĐCSTQ đã khởi xướng một chính sách thí điểm để hạn chế việc rút nhiều tiền mặt, khiến thị trường có phần hoảng loạn. Các hoạt động ngân hàng căng thẳng thế này đã diễn ra ở một số thành phố.

Ông Lưu Trần Kiệt, nhà kinh tế trưởng tại Công ty TNHH Quản lý tài sản Vọng Chính Thâm Quyến cho biết, dịch virus corona có thể khiến 205 triệu người ở Trung Quốc mất việc, tương đương 1/4 dân số trong độ tuổi lao động (775 triệu) bị mất việc, cao hơn nhiều so với con số 6,2% được chính quyền ĐCSTQ công bố.

Số liệu chính thức của Trung Quốc ghi nhận chỉ có 442 triệu lao động thành thị, không tính 290 triệu lao động nhập cư từ nông thôn, những người dễ bị ảnh hưởng hơn trước những biến động kinh tế. Ngoài ra, ĐCSTQ chỉ sử dụng khoảng 120.000 hộ gia đình trong cuộc khảo sát hàng tháng, chỉ chiếm 0,03% lực lượng lao động thành thị. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thất nghiệp chính thức của ĐCSTQ không phản ánh sự thật.

“Ném tiền qua cửa sổ”

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã ném một lượng tiền lớn qua cửa sổ sang các quốc gia và tổ chức được coi là hữu ích trong việc nâng cao vị thế và hình ảnh của nó trên trường quốc tế.

Trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch, không như các nước phương Tây hay Nhật Bản, Đài Loan, những nước triển khai chương trình cứu trợ quy mô lớn, viện trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp và cá nhân, ĐCSTQ lại ném tiền ra nơi khác trong khi nhân dân trong nước đang gặp khó khăn.

Ngày 7 tháng 6, chính quyền ĐCSTQ tuyên bố sẽ hoãn nợ cho 77 quốc gia và khu vực đang phát triển, nói rằng, trong đại dịch, “bạn bè xích lại gần nhau và mở rộng tình hữu nghị”. Các chuyên gia tin rằng hành vi của ĐCSTQ không gì khác là hối lộ.

Theo dữ liệu từ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, trong bốn năm qua, viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đã lên đến 6.0365 tỷ Nhân dân tệ.

Có người tính toán rằng, nếu số tiền đó được phân phối đều cho 3.000 công ty giao dịch công khai ở Trung Quốc thì mỗi công ty sẽ nhận được 2 tỷ Nhân dân tệ. Nếu cho các doanh nghiệp nhỏ và vi mô trong nước vay, nó có thể giải quyết được hầu hết mọi vấn đề tài chính của 10 triệu doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp nhận được 600.000 Nhân dân tệ. Nếu rót vào nông nghiệp, khu vực nông thôn và nông dân thì 100 triệu người sống ở nông thôn có thể duy trì mức sống vừa phải, trung bình mỗi hộ gia đình nhận 60.000 Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, xem ra các nhà quyết sách của ĐCSTQ có vẻ không quan tâm đến phương án nào bên trên. Rõ ràng ưu tiên hàng đầu của họ là mở rộng sự kiểm soát và thống trị của Đảng trên toàn thế giới, và “ném tiền qua cửa sổ” là một trong những chiến lược của họ để có được “tình bạn thân thiết” và sự ủng hộ của các nước.

Thật ra mà nói, ĐCSTQ chưa bao giờ bị cô lập hơn bây giờ do hành vi vô đạo đức của nó trong việc che giấu thông tin quan trọng về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, trốn tránh trách nhiệm bằng cách truyền bá thông tin sai lệch và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, và ban hành “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” gây tranh cãi lớn.

Việc cấm người châu Phi ở các nhà hàng, siêu thị và nơi công cộng khác ở Quảng Châu đã dấy lên làn sóng giận dữ bất thường đối với chính quyền ĐCSTQ ở các quốc gia “thân thiết” của Đảng như Ghana, Kenya và Nigeria.

Một số chính trị gia ở các nước châu Âu từng rất thân với chính quyền ĐCSTQ cũng đã lên tiếng chỉ trích.

Ví dụ, chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc của Ý Matteo Salvini cho biết nếu Trung Quốc cố tình che đậy khi dịch virus corona mới lây lan, thì đó chính là tội ác phản nhân loại: “Kẻ truyền bệnh cho thế giới không thể được coi là vị cứu tinh.”

Gần đây, các nghị sỹ quốc hội từ tám quốc gia và các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu đã thành lập “Liên minh Liên Nghị viện về Vấn đề Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC)” để cùng nhau chống lại các mối đe dọa của ĐCSTQ về thương mại, an ninh và nhân quyền trên toàn cầu. Liên minh này còn được gọi là “Liên minh tám quốc gia mới”.

Từ khủng hoảng virus corona đến khủng hoảng kinh tế

Ở hầu hết các quốc gia, tính hợp pháp của một chính phủ là dựa trên sự chấp thuận của công dân của nó. Trước một đại dịch, miễn là chính phủ làm những gì cần làm thì người dân sẽ hiểu, ngay cả khi có thảm họa, và sẽ phối hợp với chính phủ để ứng phó.

Trong chế độ toàn trị của ĐCSTQ, quyết định được đưa ra bởi vài cá nhân do các lãnh đạo nhiệm kỳ trước lựa chọn. Dân chúng không được tham gia ý kiến, cũng không có quyền chấp thuận hay không. Ngoài việc tẩy não có hệ thống, phát triển kinh tế đã trở thành một “cơ sở pháp lý” nữa đối với sự cai trị của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, sự “hỗ trợ kinh tế” này đã bắt đầu sụp đổ khi các doanh nghiệp nước ngoài lần lượt chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc do lo ngại về chi phí lao động tăng, các quy định về môi trường khắt khe hơn, và sự bất chắc của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng của virus corona càng làm tăng tốc độ di dời này.

Theo một bản tin của Nikkei Asian News ngày 22 tháng 6, các tập đoàn Samsung Electronics, Hyundai Motors, Kia Motors và LG Electronics đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức khiến họ dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh ở Trung Quốc, mâu thuẫn về địa chính trị, và những bất lợi về kinh tế. Hyundai Motors đã tạm thời dừng hoạt động một nhà máy với năng suất 300.000 xe mỗi năm ở Bắc Kinh. Chi nhánh Kia sẽ dừng sản xuất ô tô thương hiệu Kia tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô vào cuối tháng này. Nhà sản xuất thiết bị LG Electronics gần đây đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất tủ lạnh phục vụ thị trường Hoa Kỳ từ một cơ sở ở tỉnh Chiết Giang về Hàn Quốc.

Tính đến tháng 5, đã có ít nhất 180 công ty Đài Loan đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về nước, đầu tư 751 tỷ Đài tệ (39,01 tỷ đô la Úc) trên chính mảnh đất của mình.

Các khảo sát được thực hiện bởi UBS, một ngân hàng Thụy Sỹ, cho thấy trong hơn 1.000 giám đốc điều hành cấp cao của các công ty lớn từ Mỹ, Trung Quốc và Bắc Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) được phỏng vấn, 76% các công ty Mỹ, 85% các công ty Bắc Á và thậm chí 60% các công ty Trung Quốc cho biết họ đã hoặc đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các chính phủ phương Tây cũng đã nhận thức được sự mong manh tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc và sự không đáng tin cậy của chính quyền ĐCSTQ, đặc biệt là việc che giấu nguồn gốc của đại dịch, và bày tỏ mối lo ngại lớn về nguy cơ và mạo hiểm khi đặt các chuỗi cung ứng cho các sản phẩm trọng yếu của họ ở một đất nước như Trung Quốc, vốn không có chung các nguyên tắc và giá trị đạo đức trong kinh doanh.

Tất cả điều này là một dấu hiệu cho sự kết thúc kỷ nguyên Trung Quốc khi “Công xưởng của thế giới” sắp biến mất, và nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, đang trên đường đến hủy diệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/22/408025.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/10/185820.html

Đăng ngày 14-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share