Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 23-01-2019] Trung Quốc vốn có nhiều tai tiếng về tình trạng đàn áp và kiểm duyệt truyền thông, song ngày 23 tháng 1 năm 2001, hai tiếng sau khi vụ tự thiêu xảy ra trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh — một trong những nơi nhạy cảm nhất ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã đã đưa tin bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Trước sự “minh bạch” và “nhanh nhẹn” bất thường này, một số nhà báo đã tiến hành tự điều tra để tìm hiểu chân tướng vụ việc.

Tân Hoa Xã cáo buộc các học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu. Song nhiều nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, căn cứ vào kết quả điều tra độc lập của họ, đã chỉ ra rằng vụ tự thiêu này là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dàn dựng để bôi nhọ Pháp Luân Công.

Philip Pan của tờ Washington Post đưa tin rằng, Lưu Xuân Linh, một người tham gia vào vụ tự thiêu này, không hành xử như học viên Pháp Luân Công, cũng chưa có ai từng thấy cô ta tập Pháp Luân Công.

Tương tự, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Tổ chức Ân xá Quốc tế, và Thời báo Epoch Times đều phát hiện ra những sơ hở trong câu chuyện được đăng tải chính thức trên Tân Hoa Xã. Lửa giả, một bộ phim tài liệu do Đài Truyền hình NTD đã phân tích cụ thể vụ tự thiêu này được dàn dựng như thế nào. Bộ phim đã nhận được Bằng khen Danh dự tại Liên hoan Phim & Video Quốc tế Columbus lần thứ 51. Hơn nữa, đã có không biết bao nhiêu nhân chứng cung cấp bằng chứng độc lập rằng tình trạng thiết quân luật đã được thực thi trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày hôm đó, và toàn bộ vở kịch này là được dàn dựng.

Ngọn lửa dối trá cuồng hận

Song người Trung Quốc lại không biết điều này. Tin tức tràn ngập ngày này qua ngày khác về vụ việc trên hầu hết các kênh tin tức ở Trung Quốc đã dấy lên và gia tăng lòng thù hận Pháp Luân Công trong công chúng. Cuộc bức hại Pháp Luân Công, bấy giờ đã diễn ra 18 tháng, lại gia tăng cả về cường độ lẫn phạm vi, gây ra thảm họa kéo dài hàng thập kỷ mà chúng ta đã thấy ngày nay. Theo Minh Huệ, trong gần 20 năm ấy, hơn 4.200 học viên Pháp Luân Công đã mất mạng do bị tra tấn trong thời gian bị cảnh sát giam giữ, số người bị bắt, bị giam giữ, và bị ngược đãi tàn bạo cả về thể xác lẫn tinh thần còn lớn hơn nhiều.

ĐCSTQ tiếp tục bôi nhọ Pháp Luân Công bằng vụ tự thiêu được dàn dựng đó. Năm 2014, một doanh nhân Trung Quốc được chỉ đạo tổ chức một cuộc họp báo tại New York, khi ông này đưa hai người tham gia vào vụ tự thiêu năm 2001 sang New York để vu khống Pháp Luân Công giữa nơi công cộng. Thông tin mà Minh Huệ nhận được cho thấy, mãi đến cuối năm 2018, ĐCSTQ vẫn dùng vụ việc này để phỉ báng Pháp Luân Công.

Độc giả có thể tham khảo các báo cáo trước đây của Minh Huệ để có thể nhận định cụ thể vụ việc này. Chẳng hạn, ít nhất đã có 54 bằng chứng cho thấy vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn là được dàn dựng (tiếng Anh). Bài báo này chỉ tập trung vào những nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công và lý do chứng tỏ những người tham gia vào vụ tự thiêu kia không thể là học viên.

Pháp Luân Công cấm sát sinh và tự sát

ĐCSTQ đã lừa gạt đại bộ phận dân chúng khi tuyên bố rằng những người tham gia vào vụ tự thiêu năm 2001 là học viên Pháp Luân Công. Vì những người này hoặc đã chết, hoặc không được cho phỏng vấn, cùng với lệnh cấm tất cả các sách Pháp Luân Công trên toàn quốc, người ta khó mà phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Song, sự thực là Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tự thân ôn hòa, giúp mọi người trở thành người tốt hơn. Trong Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, cũng như nhiều bài giảng khác của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, đều giảng rõ rằng người tu luyện không được sát sinh hay tự sát.

“Do vậy, những người làm cái gọi là tự thiêu ấy hẳn là chẳng có mối quan hệ gì với Pháp Luân Công cả. Đây chẳng qua là chiêu bài dùng để chĩa mũi nhọn vào chúng tôi mà thôi”, ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn cho Pháp Luân Công giải thích.

Ai đã giết những người này?

Pháp Luân Công là môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Trên thế giới có hàng chục triệu học viên có được thân thể và tinh thần khỏe mạnh nhờ môn tu luyện này. Không ai trong họ từng có những hành động như vụ tự thiêu ấy.

Hành vi của những người tham gia vào vụ tự thiêu Thiên An Môn đi ngược lại với Pháp lý của Pháp Luân Công, yêu cầu mọi người sống ngay chính và trở thành công dân gương mẫu, biết trân quý sinh mệnh, bao gồm sinh mệnh của chính họ.

Những quan chức tham gia vào việc lên kế hoạch và thực thi vụ tự thiêu phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người bị thiệt mạng trong thảm kịch này.

Đã đến lúc dập tắt ngọn lửa độc hại

Trong lịch sử đương đại đã có rất nhiều vụ tự thiêu. Chẳng hạn, năm 2011-2012, có khoảng 30 người Tây Tạng, đại đa số là tu sỹ Phật giáo, đã tự thiêu tại các khu vực người Tây Tạng ở Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh đàn áp tôn giáo và tìm cách tiêu diệt nền văn hóa dân tộc Tây Tạng; năm 2012, Jamphel Yeshi, 27 tuổi, một thanh niên Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ, đã tự thiêu nhằm phản đối sự cai trị của ĐCSTQ ở Tây Tạng.

Vì sao truyền thông nhà nước Trung Quốc chẳng màng đến những vụ tự thiêu như thế, nhưng lại phát đi phát lại trên toàn quốc vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn năm 2001?

Những nỗ lực làm sáng tỏ sự thực về vụ việc này của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc luôn bị đàn áp dã man. Sau khi Lưu Thành Quân (Liu Chengjun) và một số học viên Pháp Luân Công khác chèn sóng truyền hình thành công để phát bộ phim Lửa giả ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, hàng ngàn học viên đã bị bắt giữ, một số học viên, trong đó có Lưu Thành Quân đã bị tra tấn đến chết.

Sự trả đũa tàn khốc của chính quyền đối với Lưu Thành Quân và các học viên khác chỉ cho thấy vụ tự thiêu giả là một âm mưu được dàn dựng để quy chụp Pháp Luân Công; nếu không, họ đã chẳng cần phải dùng đến những biện pháp cực đoan như thế để ngăn chặn việc phơi bày sự thật ra công chúng. 18 năm đã là quá dài và đã đến lúc phải dập tắt ngọn lửa độc hại đó, chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vui lòng tham khảo thêm các báo cáo liên quan về Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môntại đường dẫn bên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/23/380750.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/28/174794.html

Đăng ngày 01-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share