Viết bởi một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam

[MINH HUỆ 08-07-2009] Kể từ tháng Bảy năm 1999, Bưu cục tỉnh Hồ Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thao túng các cơ quan bưu chính và công đoàn trên địa bàn. Họ đã đưa ra nhiều chính sách bức hại Pháp Luân Công, ép buộc mỗi đơn vị phải thiết lập một “tiểu tổ lãnh đạo xử lý vấn đề Pháp Luân Công” hoặc là một Phòng 610. Việc bức hại đã không hề gián đoạn trong vòng 10 năm qua.

Lục soát nhà cửa và giam cầm

Vào năm 2000, tại Bưu điện thành phố Hành Dương, phó bí thư chi bộ Chu Khôn đã triệu tập nhân viên cho một cuộc họp. Y nói: “Đây là cuộc điều tra thứ ba về Pháp Luân Công. Nếu người nhân viên nghỉ hưu đó bị phạt 3.000 nhân dân tệ lần trước, lần này ông ta sẽ bị phạt thêm 5.000 nhân dân tệ. Hãy vắt kiệt tài chính của họ, hãy để ông ta không còn tiền mua thực phẩm, và xem liệu ông ta còn muốn thỉnh nguyện nữa hay không. Những nhân viên về hưu mà tập Pháp Luân Công phải báo cáo với Ủy ban quản lý Hưu trí và không được phép rời Hành Dương.”

Tần Kiến Quốc, giám đốc Bưu điện thành phố Sâm Châu, đã xúi giục cán bộ công đoàn theo dõi các học viên Pháp Luân Công. Họ đã in ra “giấy bảo đảm” và ép buộc mọi người phải ký vào những tuyên bố này, bất kể đó là khi bưu điện nhận tiền trợ cấp, chứng từ hay hàng hóa. Những người từ chối ký ngay lập tức bị đưa đến một trung tâm tẩy não và một vài người đã bị gửi đến các trại lao động cưỡng bức. Ngoài ra, các cán bộ công đoàn còn hợp tác với Phòng 610 và ép buộc bất cứ nhân viên nào tập Pháp Luân Công phải viết một giấy bảo đảm. Lương bổng của họ bị đình chỉ và nhà riêng của họ bị lục soát. Vào năm 2003, phó bí thư Đảng ủy Bưu cục tỉnh Hồ Nam Trần Nhạc Quốc đã ra lệnh lục soát nhà của một vài người bị tình nghi là học viên Pháp Luân Công. Điều này đã làm cho học viên Pháp Luân Công, ông Hồ Từ Vinh tại Công ty Dịch vụ kiểm toán bị lục soát nhà. Ông Vinh đã bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ thành phố Trường Sa, Trung tâm giam giữ Số 1 thành phố Trường Sa và nhiều nơi khác. Ông đã bị đánh đập bởi 11 tù nhân dưới mệnh lệnh của các viên chức ĐCSTQ tại địa phương.

Lừa dối công chúng nhằm kích động sự căm phẫn với Pháp Luân Công

Vào năm 2001, tờ “Tam Tương bưu báo” đã xuất bản năm bài viết miệt thị Pháp Luân Công trong các ngày Mùng 9 tháng Hai, Mùng 3 tháng Ba, Mùng 7 tháng Tư, 14 Tháng Bảy và 29 tháng Chín. Vào ngày 23-02-2001, Hiệp hội Sưu tập tem tỉnh Hồ Nam và trường Đại học quốc gia của Học viện Kỹ thuật Công nghệ Quốc phòng đã tổ chức một cuộc triển lãm tem nhằm lăng mạ Pháp Luân Công. Họ đã lừa dối 1.300 sinh viên và cho họ ký vào một tấm biểu ngữ viết “Ủng hộ khoa học và phản đối tà giáo” trong một cuộc họp nhân sự. Các cán bộ và tất cả đại diện công chức đều đã bị đe dọa và phải ký tên ủng hộ cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong năm 2002 và 2003, Cục bưu chính trung tâm quận Trường Sa đã tổ chức cho các nhân viên xem một đoạn băng phỉ báng Pháp Luân Công. Phòng an ninh công cộng địa phương đã hợp tác với sáng kiến của cảnh sát địa phương mang tên “Xuân lôi hành động”, một chiến dịch khác nhằm bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Ngăn chặn sự lan truyền thông tin về Pháp Luân Công và tiêu hủy các bức thư

Trong năm 2004 và 2005, phó bí thư Đảng ủy Trần Nhạc Quốc tại Bưu cục đã gửi đi các tờ fax và email, về vấn đề an ninh trong ngày nghỉ lễ, tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bưu cục tỉnh Hồ Nam. Điều này nhằm ngăn chặn các bức thư về Pháp Luân Công được phân phát. Trong năm 2005 và 2006, nhằm điều tra các tài liệu Pháp Luân Công được gửi qua đường bưu điện tỉnh, y đã tăng cường mức độ tuần tra an ninh, giám sát trên truyền hình và theo dõi đường truyền Internet. Y đặt trọng điểm vào việc theo dõi một cách phi pháp việc người dân truy cập mạng.

Sau đây là những gì được công bố thông qua hai thông tri công cộng tại khu nhà tập thể của Bưu cục tỉnh ở tiểu khu Kim Bưu: “Vào ngày 15 và 16 tháng Năm, các chuyên gia Internet đã được mời đến tiểu khu Kim Bưu, nhằm theo dõi dung lượng truy cập Internet hiện tại của cư dân,” “…việc theo dõi dung lượng truy cập hiện tại ở tiểu khu Kim Bưu đã hoàn tất, thiết bị mới đã được cài đặt, tránh việc tải về các tài liệu dung lượng lớn từ 8 giờ sáng tới 11 giờ tối.” Hai thông tri này đã được dán ở hành lang cầu thang máy tại tầng trệt của Bưu cục tỉnh Hồ Nam trong ngày 15 tháng Năm và 09 tháng Sáu năm 2006. Chúng được phê duyệt bởi Đảng ủy Bưu cục tỉnh Hồ Nam và Cục Tin tức Kỹ thuật Bưu chính tỉnh Hồ Nam. Trần Nhạc Quốc cũng đã chủ động hợp tác với các mật vụ thuộc Cục an ninh quốc gia, và y đã được cung cấp các thiết bị cho Bưu cục trung tâm quận Hồ Nam và Công ty dịch vụ chuyển phát nhanh nhằm ‘scan’ các bức thư có nội dung Pháp Luân Công. Trong năm 2004, y đã thao túng hệ thống bưu chính tỉnh Hồ Nam và phá hủy gần 10.000 lá thư giảng chân tướng của Pháp Luân Công qua đường thư tín.

Tới năm 2008 trong Thế vận hội mùa hè, các văn kiện đã được công bố để đàn áp Pháp Luân Công. Vào tháng Năm và tháng Sáu năm 2008, Cục bưu chính trung tâm quận Trường Sa đã chuẩn bị hai văn kiện về an ninh trong kỳ Thế vận hội nhằm phỉ báng Pháp Luân Công. Văn kiện số 27 (năm 2008) của Bưu khu quận Tương Trường đề: “Chú ý tăng cường hơn nữa công tác an ninh trong kỳ Thế vận hội” và Văn kiện số 35 (năm 2008) đề: “Lưu ý thiết lập tiểu tổ lãnh đạo công tác an ninh bưu chính trong kỳ Thế vận hội.” Chúng đã được sơ thảo bởi Tiểu Dũng, thuộc Trung tâm chế tạo, và Tả Học Vũ, từ Phòng an ninh công cộng, cùng với bốn người khác. Vào tháng Sáu, Công ty Bưu chính tỉnh Hồ Nam đã phân phát “Sổ tay về công tác an ninh bưu chính trong kỳ Thế vận hội” cho các cấp trực thuộc. Sổ tay yêu cầu cấm các sách Pháp Luân Công, đĩa và thư giảng chân tướng từ các kênh dịch vụ bưu chính, và nó đưa ra thứ tự theo dõi các thư nhận, thư sắp xếp và thư gửi. Nó phân công trách nhiệm cho từng cấp, và những người phản đối các luật lệ cấm tài liệu Pháp Luân Công này đều đã bị sa thải.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/7/8/204050.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/7/20/109323.html
Đăng ngày 27-07-2009; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share