Bài viết của học viên tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 11-9-2014] Gần đây, tôi có tham gia một hạng mục với vai trò là điều phối viên. Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận vai trò này. Tôi nhận ra rằng hầu hết các mâu thuẫn xảy đến với người điều phối là khác với những mâu thuẫn mà tôi gặp phải trước đây.

Thể ngộ của tôi cũng thay đổi và tôi phải điều chỉnh lại thể ngộ của bản thân sao cho phù hợp với Pháp. Giờ tôi mới hiểu tại sao Sư phụ lại giải thích rất nhiều lần trong nhiều bài giảng khác nhau về việc làm thế nào để có thể hiểu và giải quyết mẫu thuẫn giữa các học viên, điều phối viên và Phật Học Hội.

Tôi cũng hiểu được tại sao Sư phụ liên tục nhắc các học viên hãy buông bỏ tự ngã và phối hợp như một chỉnh thể, và tại sao Ngài phải liên tục nhấn mạnh rằng hướng nội là một Pháp bảo.

Thử thách đầu tiên và cũng là mâu thuẫn trực tiếp nhất mà tôi gặp phải đó là không phải ai cũng hiểu vấn đề giống nhau. Thậm chí, đôi khi mọi người còn hiểu ngược nhau hoàn toàn. Tôi phải giải thích tới giải thích lui và mất rất nhiều năng lượng chỉ để mọi người cùng hiểu rõ một vấn đề.

Tôi thường tự hỏi: “Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn trong việc hiểu vấn đề? Chẳng phải chúng ta tu cùng một Pháp hay sao? Không phải chúng ta đang làm những việc tương tự, và có cùng một mục đích hay sao?”

Mặc dù tất cả chúng ta đều học các bài giảng giống nhau nhưng có rất nhiều nhân tố có thể khiến cho các đệ tử Đại Pháp hình thành những hiểu biết và suy nghĩ khác nhau. Đôi lúc, nếu chúng ta không hành xử chiểu theo Pháp thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu phối hợp hoặc thậm chí là phá hoại có chủ ý.

Theo thể ngộ của tôi, nhân tố đầu tiên là do các đệ tử Đại Pháp đã từng là các vị vương, bản sự của mỗi người đều rất lớn. Sư phụ giảng:

“một vị Vua quyết định thì dễ rồi; chà, nhưng mà có nhiều Vua đến như thế cùng nhau, thì chủ ý sẽ nhiều lên, ý kiến sẽ nhiều lên, hơn nữa đều là có tính độc đoán rất mạnh mẽ. Đó chính là khó khăn lớn nhất mà đệ tử Đại Pháp gặp phải khi phối hợp với nhau; loại trở ngại này đến từ tự thân chư vị. Nơi đây mỗi người đều có năng lực, thậm chí năng lực rất lớn; việc làm ra là sánh với nhiều người nơi người thường; tuy nhiên tương đối mà giảng thì về phối hợp đó chính là phiền phức.” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên)

Nhân tố thứ hai chính là tầng thứ của mỗi đệ tử Đại Pháp đều khác nhau nên đương nhiên sự hiểu biết và suy nghĩ cũng khác nhau. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng hiểu biết của mình là đúng và của người khác là sai.

Sư phụ giảng:

“Có lẽ trong một vạn người mới có thể tìm thấy hai người ở cùng một tầng.” (Chuyển Pháp Luân)

Đệ tử Đại Pháp thường có xu hướng nghĩ rằng hiểu biết của chính họ mới là đúng.

Nhân tố thứ ba chính là sự can nhiễu của cựu thế lực đối với việc phối hợp của chúng ta.

Sư phụ giảng:

“Nếu mỗi cá nhân ai trong họ cũng cảm thấy bản thân có bản sự, họ đều cảm thấy năng lực của mình mạnh, họ đều cảm thấy điều mình nói là đúng, cứ cứng nhắc không thôi, kỳ thực vào lúc ấy, những ai cứng nhắc không thôi kia là có vấn đề. Tư tưởng họ nghĩ rằng ‘biện pháp của tôi có thể làm tốt hơn cho Pháp’, chứ họ tuyệt [đối] không nghĩ rằng ‘tôi đang hiển thị bản thân tôi’, mà cựu thế lực liền tóm chắc điểm mà họ nắm cứng đó, không ngừng tăng cường nó lên —bạn là đúng, bạn là đúng, bạn làm rất là đúng!— do đó lúc ấy là không thanh tỉnh” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc vào Tiết Nguyên Tiêu năm 2003 – Phần hỏi đáp)

“Ngoài ra cựu thế lực cảm thấy [ý kiến] càng không viên mãn càng tốt, chư vị cứ làm đi, đủ thứ sơ hở lộ ra, và ai có khả năng bù đắp chúng thì mới là xuất sắc, cho cơ hội để mọi người cùng nhau tu luyện, chúng là nhìn nhận thế.” (Giảng Pháp ở Pháp hội vùng đô thị New York năm 2013)

Nhân tố thứ tư chính là chúng ta là người đang tu luyện, không phải Thần. Vì vậy, ở bề mặt thì chấp trước của người thường là không giống nhau. Người tu luyện đôi khi bị chính những giả tướng này đánh lừa.

Sư phụ giảng:

“Phía mặt tốt đã không nhìn thấy, đã tách ra rồi, những gì chư vị nhìn thấy vĩnh viễn là phía mặt chưa tu xong, nhưng chư vị không được không ôm giữ tâm từ bi, không được nhìn người một cách cố định.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp)

Nói cách khác, cái chúng ta nhìn thấy là phía chưa tu luyện xong, và kết quả là chúng ta thường có xu hướng cảm thấy người này người kia không tu luyện tốt hoặc có vấn đề.

Nếu chúng ta không hướng nội, chúng ta sẽ nghĩ rằng chúng ta tu luyện tốt hơn những người khác và ý kiến của bản thân chúng ta đúng đắn hơn. Như vậy, chúng ta sẽ có xu hướng từ chối quan điểm của người khác.

Nhân tố thứ năm liên quan đến việc chúng ta cần phải đề cao như một chỉnh thể:

“Nếu người phụ trách này thật sự cũng giống như Sư phụ, hay là nghĩ vấn đề toàn mọi mặt, tuyệt đối không có sai sót, như vậy thì rất nhiều người địa phương ấy sẽ tu không xuất lai được, vì họ đã nghĩ toàn diện về mọi mặt rồi, không có phần suy nghĩ của chư vị nữa, những việc họ làm đều là tốt nhất, cũng không có phần tốt của chư vị nữa. Là đạo lý như vậy phải không?” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương)

“Tôi bảo mọi người rằng, dẫu người phụ trách về phương diện đó làm không tốt đi nữa, thì đều vẫn cần phối hợp để cho nó làm cho tốt, không thể lôi kéo người ra làm đơn lẻ; ai làm thế là đều là làm sai; tôi, Sư phụ, sẽ không thừa nhận việc đó.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Tu luyện trong môi trường nhóm thường xuất hiện nhiều vấn đề hơn là khi tu luyện cá nhân. Những mâu thuẫn này có thể khá nghiêm trọng và rất khó xử lý, khiến chúng ta dễ bị mất quan điểm.

Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng mặc dù các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phối hợp phức tạp hơn các mâu thuẫn cá nhân, nhưng cách giải quyết là như nhau: hãy học Pháp thật nhiều và hướng nội vô điều kiện.

Trước khi trở thành một điều phối viên, tôi có mâu thuẫn với hai học viên A và B. Trạng thái tu luyện của họ có vẻ lạ đối với tôi. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa chúng tôi là khi chúng tôi phải phối hợp với nhau để làm các việc cứu độ chúng sinh, cả ba chúng tôi sẽ phải đối diện với những khảo nghiệm về tâm tính.

Tôi thường hay nổi giận với họ. Chúng tôi không thể cùng nhau làm tốt. Sau đó, nhờ đề cao trong tu luyện, tôi đã nhận ra rằng trạng thái của A và B không có gì lạ. Chính những quan niệm của bản thân tôi đã gây ra vấn đề.

Lý do khác là cựu thế lực đã lợi dụng những sơ hở của tôi để chúng tôi không thể cứu được nhiều người. Mặc dù tôi đã nhận ra được trạng thái không chính của bản thân, nhưng tôi vẫn không thể tìm ra chấp trước của mình trong một thời gian dài.

Sau đó vào một ngày, tôi đọc được đoạn sau trong Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế tại Washington DC năm 2009:

“Đa số là ý kiến của bản thân không được chấp nhận, hoặc coi thường người khác; phản ánh của loại tâm ấy là mạnh mẽ nhất. Tôi thấy được rằng hiện nay vẫn còn hiện tượng đó tồn tại.”

Vấn đề tôi gặp phải với học viên A trên thực tế là vấn đề của chính tôi. Tôi xem thường anh ấy và nghĩ rằng anh ấy tu luyện không được tốt. Sau khi nhận ra những quan niệm người thường của mình, tôi bắt đầu thấy rằng anh ấy có nhiều mặt đã tu luyện rất tốt .

Tôi cũng nhận thấy rằng tôi đã bực bội, kêu ca và phàn nàn vì A không giúp tôi nhiều như tôi hi vọng. Một lần nữa, đó cũng là vấn đề của cá nhân tôi. Vì vậy, tôi đã giải quyết vấn đề bằng việc phối hợp với học viên A.

Cách tôi giải quyết mâu thuẫn với học viên B trực tiếp hơn. Một hôm, chúng tôi cùng làm hạng mục với nhau và không thể phối hợp tốt, tôi đã nổi giận khi nhìn thấy anh ấy và khó chịu ngay khi anh ấy mở miệng nói.

Tuy vậy, tôi không bị ảnh hưởng bởi những giả tướng này. Tôi nói thật lớn với cựu thế lực trong tâm mình rằng: “Này cựu thế lực, ta sẽ giải thể ngươi.” Tôi bắt đầu phát chính niệm trong tâm mình trong khoảng một giờ. Sau đó, tôi không còn giận dữ nữa. Khi tôi nhìn lại học viên B, mọi thứ đã trở lại bình thường.

Khi tôi đề cao hơn trong tu luyện, tôi nhận thấy rằng mình có một vấn đề đã bám rễ rất sâu: đó là sự ích kỷ. Có lúc, tôi đã phàn nàn về học viên A với một học viên khác trong nhóm học Pháp của tôi.

Khi phàn nàn, tôi chỉ đơn thuần là trút ra những gì mình muốn nói chứ không thật sự có trách nhiệm với học viên A và chỉ ra những thiếu sót của anh ấy để giúp anh ấy đề cao. Tôi không nhìn xem mình có thể làm được gì để giúp anh ấy vượt qua khổ nạn.

Hóa ra tất cả những gì tôi đã làm đơn thuần chỉ là từ góc độ ích kỷ. Tôi đã không nghĩ cho người khác. Kể từ đó, tôi cố gắng hết sức để không phàn nàn.

Khi muốn phàn nàn, tôi sẽ bảo bản thân nghĩ đến việc làm sao để có thể giúp đỡ học viên này. Nguyên lý của Pháp dường như rất đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đã phải mất rất lâu để thật sự đề cao và hành xử theo các nguyên lý này. Nó không dễ chút nào.

Với nền tảng tu luyện vững vàng mà tôi đã xây dựng được, tôi có thể hướng nội vô điều kiện khi nhận công tác điều phối. Cho dù ảnh hưởng của khổ nạn có mạnh đến thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ biết điều chỉnh bản thân mình và cố gắng hết sức để hợp tác. Tôi không còn phàn nàn, cũng như không còn xem thường người khác nữa.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/11/实修才能更好的协调、配合-297581.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/17/3294.html

Đăng ngày 14-10-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share