[MINH HUỆ 19-09-2013]
Tôi đã tỉnh ngộ sau khi đọc bài “Phân tích về các chủng vọng niệm xuất phát từ tình” của một đồng tu được đăng tải trên Minh Huệ Net. Tôi nhận thức được rằng, trong tim mình không buông bỏ được “người ấy”, nhưng chính là do tôi chấp trước vào tình cảm nam nữ mà nảy sinh ảo tưởng “mẫu đàn ông mà trong tâm trong mắt ái mộ”. Thực sự vượt thoát khỏi cái tình này, vượt thoát khỏi hoang tưởng do vọng niệm của mình sinh ra, thì thấy rằng anh ấy chẳng qua chỉ là một người đàn ông ham muốn truy cầu “niềm vui” mà thôi.
Tôi đã tạo ra một hình ảnh một mẫu người lý tưởng và lồng ghép nó vào anh ấy để thỏa mãn những ham muốn yêu đương. Tôi mơ mộng viển vông rằng tôi là người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng và cuồng dại trong tình yêu với anh ấy và chúng tôi có một cuộc sống lứa đôi hoàn hảo nhất mà một người có thể có. Mặc dù cố tự kìm nén để không làm những điều không phù hợp bởi tôi là người tu luyện Đại Pháp, nhưng từ trong sâu thẳm trong lòng, tôi đã rất miễn cưỡng và thậm chí không thể hoàn toàn buông bỏ được những cảm xúc của mình.
Tác giả của bài viết nói rằng đối với một nam học viên, thì việc loại bỏ được tâm sắc dục là then chốt. Và với nữ học viên thì nên loại bỏ cảm xúc phụ thuộc vào người đàn ông. Xét về phương diện lịch sử nói chung, thì người đàn ông luôn mong muốn người phụ nữ phải ngoan ngoãn phục tùng và dựa vào mình, và người phụ nữ thì phó thác hạnh phúc của mình để yêu và duy trì gia đình êm ấm. Cho nên, hầu như mọi phụ nữ đều cảm thấy hài lòng khi họ tìm thấy người đàn ông mà họ cảm thấy có thể dựa dẫm và tin tưởng.
Tôi nghĩ nữ học viên nên loại bỏ tâm ỷ lại dựa dẫm, và những quan niệm của con người xuất phát từ đó, chẳng hạn như sự cô độc và yếu đuối. Người phụ nữ thường tìm kiếm sự đền đáp từ người đàn ông. Muốn làm hài lòng người khác, thậm chí không tiếc ủy khuất cầu toàn, đó không phải là “nhẫn” mà là một chủng tâm “nhu nhược” xuất phát từ tình. Điều này không sai với một người phụ nữ muốn làm vừa lòng người đàn ông mà mình yêu. Nhưng là một học viên, chúng ta nên loại bỏ đi những chấp trước về tình cảm, và tu luyện với tâm thuần tịnh, và với ý chí mạnh mẽ như một vị Thần. Tôi cũng muốn nhắc nhở các nữ học viên phải chú ý nhiều đến những suy nghĩ cũng như hành động của mình, và kiểm soát những chấp trước này trong khi phối hợp với các nam học viên.
Tình cảm không chỉ đơn thuần là giới hạn tình yêu giữa nam và nữ, nó bao gồm cả những chấp trước tình cảm với cha mẹ, con cái, bè bạn, gia đình, đồng nghiệp, đồng tu. Các học viên không được cư xử với người khác một cách ủy mị. Một biểu hiện rõ ràng nhất của việc bị mắc kẹt vào cái tình đó là hy vọng về một cuộc sống ấm cúng và yêu thương, và mong muốn mọi người đối xử thân thiện với nhau.
Nói một cách khác, một người có thể mong muốn những người xung quanh mình tốt bụng, công bằng, thân thiện và quan tâm đến hạnh phúc của mình. Điều này không thành vấn đề nếu như người học viên chỉ ước ao được như thế, nhưng nó có thể trở thành vấn đề lớn nếu như người học viên này kỳ vọng đạt bằng được điều đó, mơ tưởng về một cuộc sống tràn đầy ấm áp, yêu thương; lồng ghép hình ảnh lý tưởng về các mối quan hệ thương mến với mọi người xung quanh và vờ rằng mình đang sống trong “Thế giới tình yêu lý tưởng” do mình tạo ra. Khi những người khác đối xử khác với những hình ảnh mà người này mơ tưởng, thì họ dễ trở nên đau khổ, cảm thấy cô đơn và chán nản. Mối quan hệ về nghiệp lực vẫn luôn tồn tại với mọi người, và nó không thay đổi bởi những ảo tưởng của bất kỳ ai.
Nhưng điều đáng buồn nhất là trong những hoàn cảnh đau khổ, con người lại cảm thấy thỏa mãn từ những chấp trước về tình, do đó họ không muốn từ bỏ nó. Nhiều phụ nữ hy sinh bản thân mình cho con cái, cha mẹ, và người đàn ông mà mình yêu. Họ đã lãng phí cuộc đời mình vào cái tình, nhưng vẫn cảm thấy thỏa mãn, hài lòng cho đến tận cuối đời.
Khao khát tình yêu có thể làm hại người tu luyện. Những ham muốn của con người mà không thể từ bỏ được đó có thể hủy hại người tu luyện. Khi chúng ta loại bỏ được đi một chút tình, thì một phần thuần khiết sẽ hiển lộ, một phần từ bi thực sự sẽ xuất lai. Và khi xả tận đi cái tình, chúng ta sẽ xuất tâm đại từ bi, sẽ thấy ai cũng khổ, đối với ai cũng tốt, hoàn toàn vì lợi ích của người khác, và sẽ không còn cái tình ích kỷ của con người nữa.
Trên đây là thể ngộ tại tầng thứ của tôi, có điều gì không phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/16/也谈情中的妄念-275409.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/9/19/142141.html
Đăng ngày 28-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.