Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông
[MINH HUỆ 27-04-2025] Các học viên tại Hồng Kông đã cùng nhau chụp ảnh tập thể để kỷ niệm 26 năm Cuộc Thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4.
Ảnh chụp tập thể của các học viên kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4
Bà Dương bước vào tu luyện Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào năm 1997. Bà đã bị cầm tù 6 năm ở Trung Quốc đại lục vì đức tin của mình. Bà hồi tưởng lại những trải nghiệm của bản thân vào ngày 25 tháng 4 năm ấy.
Bà chia sẻ, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, bà về nhà cha mẹ của mình để chuẩn bị tham gia học Pháp nhóm cùng các học viên địa phương tại một ngôi trường nhưng đột nhiên, trường học lại từ chối không cho họ mượn phòng học. “Chúng tôi nghe nói các học viên ở Thiên Tân đã bị bắt giữ. Nhiều học viên đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra bởi Pháp Luân Công là tốt. Vì chúng tôi được thụ ích từ tu luyện nên chúng tôi cảm thấy cần phải giảng chân tướng và nói với mọi người rằng chúng tôi là người tốt và vô tội”.
Cư dân Hồng Kông ca ngợi Pháp Luân Đại Pháp
26 năm đã trôi qua, bà Dương cho hay càng ngày càng có nhiều người nhìn thấu những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và chuyển từ hận thù sang khâm phục Pháp Luân Công. Là một nhà môi giới bất động sản, vài ngày trước, bà đã đưa một khách hàng đi xem bất động sản và bà mặc một chiếc áo có ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”.
Khách hàng của bà nói: “Tôi thấy trên áo của bà có ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn nên tôi rất tin tưởng”. Sau khi nghe được những lời này, bà cảm nhận rằng trải qua nhiều năm, từ năm 1999 tới nay, các học viên đã giúp thế nhân hiểu được Pháp Luân Công là tốt. Bà nói: “Các học viên Pháp Luân Công tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, đây vốn là [các giá trị phổ quát] mang lại lợi ích cho bất kỳ xã hội nào”.
Trong nhiều năm gần đây, môi trường xã hội ở Hồng Kông đã thay đổi nên nhiều cuộc diễu hành và mít-tinh đã bị cấm. Bà Dương chia sẻ rằng mặc dù bây giờ hoàn cảnh đã khác xưa nhưng các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông vẫn luôn kiên định trong việc luyện công tập thể, giảng thanh chân tướng về cuộc bức hại và kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 theo cách của mình, bởi bà nghĩ tinh thần này nên được tiếp tục. “Ngày 25 tháng 4 thể hiện tinh thần dũng cảm của những người tu luyện. Mọi người đều nên cảm thấy rằng mình cần phải bước ra và vạch trần cuộc bức hại”.
Trong 26 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì giảng chân tướng, giúp nhiều người dân Hồng Kông thấy được sự chân thành, thiện lương, và khoan dung của các học viên, qua đó thấy được vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp. Bà Phùng, một người tham gia sự kiện ngày 25 tháng 4 khác, cũng có cảm nhận tương tự: “Nhiều người Hồng Kông đã biết Pháp Luân Công là gì. Bây giờ nhiều người trẻ tuổi đã đọc báo của chúng tôi, trong khi trước đây chủ yếu là người già đọc”. Bà cho hay khi phát báo trên phố, bà thường gặp những người khen ngợi các học viên: “Các bác thật tuyệt!”
Bối cảnh: Khái quát về cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc, vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện được thực hành tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã học các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, và đã có những chuyển biến tích cực về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1999, cảnh sát ở Thiên Tân, một thành phố gần Bắc Kinh, đã hành hung và bắt giữ hàng chục học viên tụ họp bên ngoài trụ sở của một tòa soạn để trao đổi về những sai lệch trong một bài báo mới đăng nhằm công kích Pháp Luân Đại Pháp. Khi tin tức về cuộc bắt giữ lan rộng, nhiều học viên hơn nữa đã tới hỏi thăm các cán bộ ở đây và được chỉ dẫn phải đến Bắc Kinh khiếu nại.
Hôm sau, ngày 25 tháng 4, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tự phát tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương tại Bắc Kinh theo chỉ dẫn của các quan chức Thiên Tân. Cuộc tụ họp này diễn ra hết sức ôn hòa và trật tự. Một số đại diện của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã được mời vào gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ và các cán bộ của ông. Chiều tối cùng ngày, các quan ngại của các học viên đã được giải đáp, những học viên bị bắt giữ ở Thiên Tân đã được thả, các học viên liền trở về nhà.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng lớn của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng nên đã ra lệnh cấm môn tu luyện này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên bị bức hại đến chết trong những năm qua. Con số tử vong thực tế được cho là cao hơn nhiều. Số người bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ còn cao hơn nữa.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ đã hậu thuẫn cho tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên bằng cách sát hại các học viên bị giam giữ để cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/27/493025.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/28/226418.html
Đăng ngày 30-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.