Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Texas
[MINH HUỆ 27-04-2025] Chiều ngày 24 tháng 4 năm 2025, các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Texas đã tổ chức một cuộc mít-tinh trước tòa nhà Quốc hội Austin để ghi dấu kỷ niệm 26 năm cuộc Thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4. Bà Angela Paxton, Thượng Nghị sỹ tiểu bang Texas, đã phát biểu tại cuộc mít-tinh.
Vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên đã đến Văn phòng Khiếu nại Trung ương ở Bắc Kinh để yêu cầu quyền được tự do luyện tập Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tại Trung Quốc. Sự việc này, còn được gọi là cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, đã được các phương tiện truyền thông nước ngoài ca ngợi là “cuộc thỉnh nguyện lớn nhất và ôn hòa nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc”. Lòng dũng cảm của các học viên trong việc bảo vệ Pháp Luân Đại Pháp, cũng như thái độ ôn hòa, lý trí của họ, đã được hoan nghênh trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố rằng các học viên đã “bao vây” Trung Nam Hải. Ba tháng sau, vào tháng 7, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phát động bức hại Pháp Luân Đại Pháp trên toàn quốc. Kể từ đó, vào dịp này hàng năm, các học viên trên khắp thế giới đều tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa nhằm phơi bày cuộc bức hại và cho mọi người thấy phong thái của nhóm người tu luyện Pháp Luân Công.
Các học viên ở Texas tổ chức một cuộc mít-tinh trước tòa nhà Đại hội đồng Tiểu bang Austin để kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4.
Các học viên luyện công chung
Học viên kể với người qua đường về cuộc bức hại và mời họ ký bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt các tội ác tàn bạo của ĐCSTQ.
Học viên Pháp Luân Đại Pháp kiên định với niềm tin của mình và bảo trì Chân-Thiện-Nhẫn
Ông Ân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp miền Nam Hoa Kỳ, phát biểu tại cuộc mít-tinh
Ông Ân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp miền Nam Hoa Kỳ, đã phát biểu tại cuộc mít-tinh và cho biết sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, ĐCSTQ đã sớm phát động cuộc đàn áp tàn bạo. Trong cuộc bức hại kéo dài 26 năm này, hàng nghìn học viên đã bị tra tấn đến chết khi bị giam giữ trong tù hoặc trại lao động. Ngay cả những học viên cao tuổi trên 80 tuổi cũng không được tha. Điều thậm chí còn gây sốc hơn là các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã trở thành nguồn thu hoạch nội tạng sống chính ở Trung Quốc.
Ông Dương cho biết, “Cho dù ở Trung Quốc hay các nơi khác trên thế giới, các học viên Pháp Luân Đại Pháp là nhóm người thiện lương và chính trực nhất, và tất cả những gì họ theo đuổi là sự nâng cao về tinh thần cảnh giới, chứ không phải danh lợi nơi thế tục. Bất chấp cuộc bức hại tàn bạo, các học viên chưa bao giờ đáp trả bằng bạo lực. Thay vào đó, họ vạch trần sự thật về cuộc đàn áp bằng một trái tim nhân hậu và không bao giờ khuất phục trước cái ác.”
Nghị sĩ Thượng viện Tiểu bang Texas: Tôi rất vinh dự khi được sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công để phản đối cuộc bức hại này.
Bà Angela Paxton, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Texas, có bài phát biểu tại cuộc mít-tinh
Bà Angela Paxton cho biết các học viên Pháp Luân Công trong khu vực bầu cử của bà đã đến văn phòng gặp bà. Họ kể cho bà nghe về những trải nghiệm của họ – Pháp Luân Công là gì, cũng như cuộc bức hại mà họ, các thành viên gia đình và bạn bè của họ ở Trung Quốc đã trải qua như bắt giữ, tra tấn và tệ hơn nữa là thu hoạch nội tạng. Bà thấy thật khó có thể tưởng tượng được ĐCSTQ lại thực hiện những tội ác tày đình như vậy, nhưng đó là sự thật.
Bà cho biết, “Nhờ có cuộc gặp mặt này, mà tại Thượng viện Tiểu bang Texas hai nhiệm kỳ trước, Thượng viện và Hạ viện đã thông qua Nghị quyết chung mang tên SCR3, ‘Lên án hành vi thu hoạch nội tạng không tự nguyện của Trung Quốc’.”
Bà nói thêm, “Tại kỳ họp Thượng viện gần đây nhất, Thượng nghị sĩ Lois Kolkhorst và tôi đã là đồng tác giả Dự luật Thượng viện 1040, một dự luật nhằm chống lại hành vi cưỡng bức lấy nội tạng người để cấy ghép (cưỡng bức thu hoạch nội tạng). Đây là luật đầu tiên của Hoa Kỳ chống lại hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng và tôi vô cùng tự hào về điều đó. Nhiều người trong số các bạn ở đây đã có mặt với tư cách là nhân chứng. Điều này không chỉ đáng ngưỡng mộ mà còn thể hiện lòng dũng cảm phi thường của các bạn.”
Thượng nghị sĩ Angela Paxton đã đăng một bài viết trên X (Twitter) sau khi phát biểu tại cuộc mít-tinh kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình bài đăng của bà)
Các học viên Trung Quốc và phương Tây vạch trần hành vi tàn bạo của ĐCSTQ
Một số học viên Pháp Luân Công Trung Quốc và phương Tây đến từ nhiều thành phố đã phát biểu tại cuộc mít-tinh.
Ông Diêu Ngạn Hội đến từ Trung Quốc bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Năm 1999, ông làm việc ở Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh và tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4. Khi nghe tin các học viên bị cảnh sát ở Thiên Tân bắt giữ, ông đã cùng các học viên khác đi tàu đến Bắc Kinh để kiến nghị trả tự do cho họ. Sáng hôm đó, họ đã đến Văn phòng Khiếu nại Trung ương. Mọi người đều đứng im lặng, không ai la hét hay nổi loạn. Sau đó, họ được thông báo rằng vấn đề đã được giải quyết, vì vậy ông liền trở về nhà.
Ông cho biết, “Năm đó tôi đã đi thỉnh nguyện lần nữa vào ngày 24 tháng 9 và tôi đã bị bắt. Tôi bị cùm chân, bị đánh đập dã man và bị yêu cầu từ bỏ đức tin của mình. Khi tôi từ chối, tôi đã bị kết án 3 năm trong trại lao động. Tại trại lao động ở Hồ Lô Đảo, tôi đã bị tra tấn dã man. Một cảnh sát đã đe dọa tôi: ‘Nếu anh không ngừng tập Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ đưa anh đến một nơi xa xôi và anh sẽ không bao giờ có thể trở về.’ Khi tôi vẫn kiên định với đức tin của mình, họ đã đánh tôi trong suốt hơn 10 giờ. Khuôn mặt tôi sưng tấy đến mức biến dạng, tôi không thể giơ tay lên và bất tỉnh. Tất cả răng của tôi đều rụng và tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay toàn bộ răng khi đến Hoa Kỳ.”
Vì tôi từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã bị chuyển đến trại lao động ở thành phố Phủ Thuận. “Tôi không được phép ngủ trong 8 ngày đêm liên tiếp. Chân tôi bị trói chặt bằng dây thừng và tôi bị treo lơ lửng ở góc tường. Vì sự tra tấn đó mà chân tôi đã bị liệt, tôi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng sau đó. Tôi đã tuyệt thực vào tháng 2 năm 2002 và được thả ra khi tôi đang trên bờ vực tử vong. Tuy nhiên, nhiều học viên Pháp Luân Công không được may mắn như vậy. Một số học viên xung quanh tôi như Vương Hoa Thần, Trần Đức Văn, Phạm Đức Trân, Bành Canh và Trâu Quế Vinh đã bị tra tấn đến chết. Tôi đã có thể ra khỏi tù mà vẫn còn sống là nhờ sự giúp đỡ của vô số người ở Trung Quốc và nước ngoài.”
Anh Keith Ware chia sẻ về trải nghiệm của mình khi tu luyện Pháp Luân Công.
Keith Ware, người phát biểu tại cuộc mít-tinh, đã lái xe 9 tiếng từ El Paso để tham dự sự kiện.
Anh cho biết đôi chân của anh bị tổn thương nghiêm trọng do chơi thể thao và anh gặp khó khăn khi đi lại. Một bác sĩ phẫu thuật uy tín đã đề nghị anh thực hiện một ca phẫu thuật nguy hiểm, nhưng ông không thể đảm bảo rằng ca phẫu thuật sẽ thành công. Sau khi tập Pháp Luân Công trong 3 tháng, đôi chân của anh đã hồi phục một cách kỳ diệu. Tương tự như vậy, vợ anh cũng bị hội chứng Raynaud và lưu thông máu ở tay rất kém. Cô đã dần hồi phục nhờ tập Pháp Luân Công và có thể tập các bài công pháp mà không cần đeo găng tay trong mùa đông lạnh giá.
Ngày 15 tháng 2 năm 2002, anh Keith cùng 12 học viên phương Tây từ khắp nơi trên thế giới đã đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Họ đã luyện các bài công pháp và giương cao biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trong một cuộc kháng nghị ôn hòa phản đối cuộc bức hại. Anh đã chia sẻ về trải nghiệm đó tại cuộc mít-tinh: “Chúng tôi muốn cho người dân Trung Quốc biết rằng Pháp Luân Công là tốt, có người tập luyện trên khắp thế giới”.
Anh Keith kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói, “Chúng tôi đến đây hôm nay để ngăn chặn cuộc thảm sát của ĐCSTQ. Cảm ơn Thượng nghị sĩ Paxton đã sát cánh cùng chúng tôi. Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn biết đến cuộc bức hại”.
Các học viên nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Sau cuộc mít-tinh, các học viên đã trình diễn các bài công pháp Pháp Luân Công trong tiếng nhạc thư giãn. Cảnh tượng yên bình đã thu hút sự chú ý của những người đi ngang qua khu vực này.
Anh Matthew, một cư dân của Austin, đã đến trò chuyện với các học viên. Thông qua người thân trong gia đình đã đến Trung Quốc với tư cách là một nhà truyền giáo, anh biết ĐCSTQ không dung thứ cho tôn giáo hoặc những người thúc đẩy một hệ tư tưởng khác ngoài Chủ nghĩa Cộng sản. Chính quyền này thậm chí còn thay đổi Kinh thánh. Anh Matthew cho biết anh quan tâm đến thiền định và anh đồng cảm với Pháp Luân Công. Khi anh phát hiện có một địa điểm luyện công ở Austin rất gần nơi anh sống, anh rất vui và nói rằng anh sẽ học các bài công pháp.
Một cặp đôi từ Mexico cho biết họ dự định sẽ học Pháp Luân Công khi trở về nhà sau khi xem các học viên trình diễn các bài công pháp.
Một cặp đôi từ Mexico đang đi nghỉ đã bị thu hút bởi màn luyện công của các học viên. Khi biết họ có thể đọc các bài giảng và học các bài công pháp trực tuyến, cũng như liên hệ với các học viên địa phương trong khu vực, họ đã rất vui và cho biết họ dự định sẽ học khi trở về nhà.
Bối cảnh: Khái quát về cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc, vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện được thực hành tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã học các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, và đã có những chuyển biến tích cực về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1999, cảnh sát ở Thiên Tân, một thành phố gần Bắc Kinh, đã hành hung và bắt giữ hàng chục học viên tụ họp bên ngoài trụ sở của một tòa soạn để trao đổi về những sai lệch trong một bài báo mới đăng nhằm công kích Pháp Luân Đại Pháp. Khi tin tức về cuộc bắt giữ lan rộng, nhiều học viên hơn nữa đã tới hỏi thăm các cán bộ ở đây và được chỉ dẫn phải đến Bắc Kinh khiếu nại.
Hôm sau, ngày 25 tháng 4, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tự phát tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương tại Bắc Kinh theo chỉ dẫn của các quan chức Thiên Tân. Cuộc tụ họp này diễn ra hết sức ôn hòa và trật tự. Một số đại diện của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã được mời vào gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ và các cán bộ của ông. Chiều tối cùng ngày, các quan ngại của các học viên đã được giải đáp, những học viên bị bắt giữ ở Thiên Tân đã được thả, các học viên liền trở về nhà.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng lớn của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng nên đã ra lệnh cấm môn tu luyện này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên bị bức hại đến chết trong những năm qua. Con số tử vong thực tế được cho là cao hơn nhiều. Số người bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ còn cao hơn nữa.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ đã hậu thuẫn cho tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên bằng cách sát hại các học viên bị giam giữ để cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Bảo lưu mọi quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/27/493018.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/28/226423.html
Đăng ngày 30-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.