Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-04-2025]
Họ và tên :Trần Chí Liên
Tên tiếng Trung: 陈志连
Giới tính:Nữ
Tuổi:79
Thành phố: Lạc Sơn
Tỉnh: Tứ Xuyên
Nghề nghiệp:Không
Ngày mất:Ngày 2 tháng 3 năm 2025
Ngày bắt giữ gần nhất:Ngày 8 tháng 6 năm 2018
Nơi giam giữ gần nhất:Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên
Bà Trần Chí Liên, một cư dân ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị nứt hộp sọ và đa chấn thương ở đầu sau khi bị tra tấn tàn bạo trong thời gian thụ án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sức khỏe của bà khó phục hồi sau khi được trả tự do vào cuối năm 2021, nhưng cảnh sát vẫn thường xuyên sách nhiễu bà. Bà đã qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2025, hưởng dương 79 tuổi.
Bà Trần, một phụ nữ nông thôn, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 1998 khi đang phải chật vật với tình trạng sức khỏe yếu và cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Bà tin rằng pháp môn đã giúp bà nhanh chóng cải thiện sức khỏe và mang lại cho bà hy vọng vào cuộc sống. Một năm sau khi chính quyền cộng sản phát động cuộc bức hại, bà đã luyện các bài công pháp Pháp Luân Công tại một quảng trường công cộng để phản bức hại và bà còn đến Bắc Kinh hai lần để lên tiếng cho Pháp Luân Công. Mỗi lần như vậy, bà đều bị bắt giữ và giam giữ từ một tháng đến nửa năm. Năm 2001, các quan chức chính quyền địa phương đã đánh đập bà và diễu hành bà trên phố để làm nhục bà. Chính quyền còn tịch thu 7.800 nhân dân tệ tiền mặt của bà.
Không thể chịu đựng sự sách nhiễu thêm nữa, bà Trần phải chuyển đến huyện Nhân Thọ trong cùng tỉnh, cách Lạc Sơn khoảng 80 dặm (khoảng 130 km). Bà bị bắt giữ lần nữa vì nói với mọi người về Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 2003. Bà bị tra tấn dã man tại Trại tạm giam huyện Nhân Thọ. Sau đó, Tòa án huyện Nhân Thọ đã kết án bà 6 năm tù. Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên ở thủ phủ Thành Đô, bà không được phép tắm rửa hay mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, đặc biệt là giấy vệ sinh. Lính canh từng lột quần áo bà chỉ để lại đồ lót vì bà từ chối mặc đồng phục tù nhân.
Tháng 5 năm 2010, bà Trần bị bắt giữ lần nữa khi đang làm việc ngoài đồng.
Vụ bắt giữ tiếp theo của bà xảy ra vào ngày 10 tháng 11 năm 2015 vì bà đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, người đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến trại tạm giam Thạch Trụ Sơn vào tối cùng ngày. Lính canh đã lấy mẫu máu của bà mà không cho biết lý do. Một tù nhân đã tát vào mặt bà hai lần vì bà không điểm danh. Bà được trả tự do sau 37 ngày.
Ngày 8 tháng 6 năm 2018, bà Trần đến thị trấn Cửu Lý thuộc thành phố Nga Mi Sơn ở lân cận để dự phiên chợ cộng đồng. Cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Cửu Lý đã bắt giữ bà sau khi tìm thấy hai tài liệu Pháp Luân Công trên người bà. Bà bị Tòa án thành phố Nga Mi Sơn đưa ra xét xử vào ngày 22 tháng 1 năm 2019 và bị kết án 3,5 năm tù cùng với 10.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 25 tháng 9. Bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên vào đầu năm 2020.
Bà Trần bị nứt hộp sọ, đa chấn thương ở đầu và xuất huyết nội sọ nghiêm trọng sau khi bị lính canh nhà tù đánh đập. Bà rơi vào tình trạng nguy kịch và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Sau khi được trả tự do vào cuối năm 2021, bà di chuyển vô cùng khó khăn và phải nhờ gia đình chăm sóc. Bà còn bị ảo giác và thường xuyên ở trong trạng thái mơ hồ. Gia đình bà nghi ngờ bà đã bị cho uống thuốc độc khi ở trong tù. Tuy nhiên, cảnh sát của Đồn Công an Lâm Giang vẫn tiếp tục sách nhiễu bà, hỏi người phụ nữ đã mất khả năng tự chủ này xem bà có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không.
Bà đã qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2025.
Bài liên quan:
Người phụ nữ 70 ở trong tình trạng nguy kịch sau khi bị lính canh đánh đập ở trong tù
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/8/492426.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/10/226181.html
Đăng ngày 27-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.