Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 26-10-2024] Con kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các đồng tu!

Lần này, chủ đề tôi muốn chia sẻ là về sự thờ ơ, do thiếu từ bi. Nhìn qua thì thấy dường như rất bình tĩnh, như đã siêu thoát khỏi người thường sau khi đã trừ bỏ nhân tâm; nhưng trên thực tế lại không phải vậy.

Tu Thiện

Khi lần đầu đọc kinh văn “Kinh tỉnh”, tôi cảm thấy Sư phụ nhấn mạnh đến từ bi và thiện:

“Trong xã hội người thường, từ bi thể hiện ra thiện ý và yêu thương, đây cũng là trạng thái mà đệ tử Đại Pháp phản ánh ra từ trong sinh mệnh.” (Kinh tỉnh)

Tôi thấy lời cảnh tỉnh của Sư phụ là nhắm đến tôi. Tôi đã tu luyện Đại Pháp được 26 năm, nhưng liệu tôi đã từ bi đối đãi với mọi người, liệu tôi đã yêu thương tất cả mọi người chưa? Tôi cảm thấy hổ thẹn, tôi vẫn chưa đạt đến tầng thứ đó. Khi thấy các học viên đối đãi với người khác bằng sự thiện lương nơi xã hội người thường, chứ không phải là bằng từ bi của Đại Pháp, tôi bắt đầu nghiêm túc hướng nội. Khi nhìn ra điểm này, tôi nhận ra ở mức độ nào đó, mình cũng tồn tại vấn đề như vậy. Hết thảy những gì tôi đề cập đến trong chia sẻ này đều là nói về bản thân tôi.

Cách đây vài tháng, tôi phải cùng người thân giải quyết rất nhiều vấn đề, họ cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi đã phải vật lộn để thu xếp thời gian học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng. Tôi đã bỏ lỡ vài buổi học Pháp tập thể vào tối Thứ Sáu. Cuối cùng, khi tôi có thể tham gia, một học viên khác đến chỗ tôi và hỏi vì sao mấy buổi trước tôi không đến học và còn nói rằng là một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, tôi không nên vắng mặt. Khi đó tôi nghĩ: “Sao không hỏi xem liệu tôi có ổn không, hoặc thậm chí có thể gọi điện trước hỏi xem tình hình của tôi thế nào, như vậy chẳng phải sẽ thích hợp hơn ư?” Sau đó một niệm đầu lập tức xuất hiện: “Vậy trong tình huống tương tự khi có ai đó vắng mặt mình sẽ hành xử như thế nào?” Thực ra, tôi còn rất nhiều điều cần đề cao trong phương diện này.

Đáng tiếc là, tôi thường thấy các đồng tu thiếu từ bi, kể cả là từ bi với nhau. Một vài học viên coi thiếu từ bi là một trạng thái tốt, vì như thế họ sẽ không hành xử theo cảm tính. Tôi lại có lý giải khác: thiện tâm là một phương diện của từ bi, và từ bi là nền tảng của tu luyện.

Tôi thường thấy một số đồng tu thờ ơ, bất động tâm trước những vấn đề nảy sinh trong hạng mục của đồng tu khác, cũng như vấn đề mà đồng tu khác gặp phải. Khi tôi nói với họ về việc đồng tu cần giúp đỡ, họ khuyên tôi bình tĩnh, hãy lo cho tốt việc của bản thân mình. Họ còn nhắc nhở tôi tầm quan trọng của việc loại bỏ tình.

Thế nhưng, tôi nhận ra trong chúng ta nhiều người biểu hiện rất bình tĩnh và như đã siêu thoát khỏi người thường nhưng khi thực sự động chạm đến những thứ họ chấp trước thì họ lại không làm được. Tôi nhận ra rằng việc chúng ta thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề của người khác không có nghĩa là chúng ta không có tình hay chấp trước tương quan, cũng không có nghĩa là chúng ta từ cơ điểm thiện mà suy xét, điểm này vô cùng trọng yếu.

Tôi đã minh bạch được tầm quan trọng của việc tu thiện, bởi theo thời gian, thiện sẽ dần dần chuyển thành từ bi thâm sâu. Quá trình này tôi đã phải mất rất nhiều năm, và tất nhiên quá trình này vẫn chưa kết thúc.

Sư phụ đã nhiều lần khích lệ tôi, cho tôi cơ hội trong một khoảng thời gian ngắn tạm thời tiến nhập vào một trạng thái cao hơn. Trạng thái này không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được, cả cuộc đời tôi chưa bao giờ cảm thấy có thứ gì tốt đẹp hơn thế. Đặc biệt là vào những lúc chúng tôi tổ chức các hoạt động ở Khu phố Tàu, tôi đã nhiều lần được thể nghiệm loại trạng thái này. Những lúc đó, tôi không có tư duy phụ diện, không có tâm sợ hãi, oán hận, không có bất cứ cảm giác nào cả, chỉ có tâm từ bi vô hạn đối với hết thảy mọi người mà không có một ngoại lệ nào, bất kể họ xinh đẹp hay xấu xí, trẻ hay già, ốm yếu hay khỏe mạnh, tôi đều mang một nguyện vọng mạnh mẽ muốn cứu họ.

Khi Sự phụ cho tôi vào trạng thái đó, tôi không cảm nhận được bất cứ điều gì không phù hợp với Chân-Thiện-Nhẫn. Loại trạng thái ngắn ngủi mà tôi được trải nghiệm ấy, dường như là Sư phụ chỉ dẫn cho tôi rằng lúc bình thường cũng cần nỗ lực để luôn đạt được trạng thái đó.

Trừ bỏ chấp trước

Về chủ đề này, trang web Minh Huệ đã đăng rất nhiều bài chia sẻ. Tôi đã đọc nhiều bài trong đó, và quả thực rất hữu ích với tôi. Tôi nghĩ có rất ít người mà khi vừa mới nỗ lực trừ bỏ chấp trước, Sư phụ đã lập tức giúp chúng ta loại bỏ chúng. Thông thường, chúng ta cần phải trường kỳ nỗ lực mới có thể loại bỏ chấp trước.

Gần đây, tôi thấy mình gặp phải tình huống rất khó giải quyết liên quan đến vấn đề an toàn mạng Internet. Trên bề mặt, tôi thực hiện tất cả các bước cần thiết để giải quyết vấn đề. Nhưng sau đó, khi đả tọa tôi không sao nhập tĩnh được, phát chính niệm cũng không thể tập trung tinh lực. Tôi bắt đầu hướng nội, tôi tìm ra tâm muốn kiểm soát – hy vọng hoàn toàn nắm chắc được vấn đề an toàn mạng. Tôi nhớ mình thường tìm thấy chấp trước này trong rất nhiều tình huống khác nhau và chỉ sau khi hoàn toàn trừ bỏ chấp trước này, tôi mới có thể có được kết quả tốt trong những tình huống đó. Lần này, chấp trước đó ẩn giấu sau cách nghĩ rằng không muốn đồng tu gặp chuyện không tốt. Tôi thực sự muốn tu bỏ chấp trước muốn kiểm soát này, vậy nên tôi luôn cẩn thận chú ý đến tư tưởng của bản thân, đồng thời phát chính niệm để loại bỏ nó.

Tôi bắt đầu nhận thấy mình gần như không thể nào chịu được việc bị góp ý hay chỉ trích. Khi hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra tâm tự cao tự đại hình thành từ tham vọng và tự tư. Trong vấn đề này, tôi đã có một chút đề cao. Cho đến bây giờ, khi khảo nghiệm này đến, tôi có thể trầm lặng nhưng trong tâm không hoàn toàn bình tĩnh. Thực ra, tôi thực sự mong rằng bản thân có thể xem mọi khảo nghiệm là cơ hội để đề cao, hy vọng có thể lấy khổ làm vui.

Đôi khi khảo nghiệm kéo dài rất lâu, và tôi bắt đầu tự oán trách và tự thấy thương hại cho bản thân. Sư phụ đã lợi dụng mọi tình huống để giúp tôi trừ bỏ chấp trước, nhưng tôi lại thường xuyên thấy bất mãn và oán hận. Nếu tôi phàn nàn về những an bài đó, vậy chẳng phải là tôi đang oán trách Sư phụ sao? …. Đấng vĩ đại và từ bi nhất đã cứu vớt tôi cùng hết thảy chúng sinh! Nghĩ đến điều này, tôi nhanh chóng thanh tỉnh trở lại.

Sư phụ đã ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất; chúng ta hãy nỗ lực hơn nữa trên con đường tu luyện để sau này không phải hối tiếc.

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Philadelphia năm 2024)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/26/484267.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/28/221397.html

Đăng ngày 05-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share