Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục
[MINH HUỆ 22-08-2024] Lại một năm nữa trôi qua, quay đầu nhìn lại chặng đường tu luyện hơn 20 năm, tôi thực sự cảm khái vô cùng. Từ thuở ban đầu vui mừng đắc Pháp, đến chứng thực Pháp trên Quảng trường Thiên An Môn khi cuộc bức hại bắt đầu, từ kiên định trong khi bị bức hại đến dần thành thục trong tu luyện, từng màn từng đoạn tái hiện lại như thước phim, lại như những bức ảnh chiếu từng khoảnh khắc trong tâm trí tôi.
Năm ấy…
Mùa đông năm ấy, vì kiên định tu luyện Đại Pháp, tôi đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ trong trại tạm giam. Một ngày, mới tờ mờ sáng, trong hành lang đã vang lên tiếng gọi tên tôi. Hóa ra là họ muốn đưa tôi cùng mấy vị đồng tu khác đến trại lao động cưỡng bức, lúc này đã giáp Tết cổ truyền.
Mùa đông năm đó lạnh lẽo đến dị thường, cửa kính xe chở chúng tôi bị một lớp sương dày bao phủ, không thể nhìn thấy chút gì bên ngoài. Đôi khi chúng tôi phải rướn người lên, rồi vươn cổ ngó qua kính chắn gió phía trước mới có thể thấy một phần tình hình bên ngoài. Trắng xóa, cảm giác lớn nhất bên ngoài chỉ là một màu trắng, tuyết trắng, sương trắng, cảm giác không khí cũng đông lạnh đến trắng luôn. Ngoài ra còn thêm cái lạnh của buổi sáng sớm khiến toàn bộ bầu không khí tràn ngập một luồng lạnh thấu xương.
Xe tải chạy lắc lư đung đưa, mọi người ngồi trong xe không ai nói lời nào, có lẽ trong lòng ai cũng có chút nặng nề. Công an địa phương không theo thủ tục pháp lý thông thường, lẽ ra trước khi đưa vào trại lao động cưỡng bức cần phải cho chúng tôi gặp mặt gia đình, nhưng không chỉ không cho gặp mặt, mà họ còn đột ngột đưa chúng tôi đi, mọi người không có chút chuẩn bị tâm lý nào. Ai cũng biết trại lao động cưỡng bức bức hại vô cùng thảm khốc, lần đi này không biết sẽ phải đối mặt với hiểm nguy ra sao. Tôi nhích lại gần đồng tu, mấy đồng tu khác cũng nghiêng người ghé lại. Tôi nhỏ giọng đọc thuộc kinh văn của Sư phụ cho mọi người nghe. Vào lúc này chỉ có Pháp của Sư phụ mới có thể giúp chúng tôi gạt bỏ mọi phiễn nhiễu, đi thật chính trên con đường tu luyện của mình.
Đột nhiên, xe phanh đứng lại, mọi người bất giác nhào người hướng về phía cửa sổ chắn gió, tôi ngẩn người nhìn: chồng tôi ôm đứa con bốn tuổi đứng ở phía trước cạnh xe. Vì trời lạnh, có lẽ đợi lâu, tóc chồng tôi phủ đầy sương trắng. Con tôi tuy mặc quần áo rất dày, nhưng lông mày, viền mắt, chóp mũi, và gò má đều đỏ ửng lên vì lạnh, mũ len cũng phủ trắng sương. Mắt chồng tôi đỏ hoe, còn ánh mắt con tôi sợ sệt. Lâu lắm rồi tôi không được gặp con, con còn quá nhỏ. Tôi không kìm được mà nước mắt tuôn rơi.
Chồng tôi chạy đến bên cửa xe, nhanh chóng dúi vào tay tôi một bức thư, nhưng bị nữ cảnh sát trại tạm giam giật lấy, cửa xe ngay lập tức đóng lại. Tôi theo bản năng đứng dậy, liền bị cảnh sát ấn trở lại ghế ngồi, tôi lại đứng dậy, họ lại ấn xuống. Cảm giác lúc đó như sinh ly tử biệt, gần trong gang tấc nhưng không có cơ hội nói một câu nào. Trong lúc bối rối, không biết là tôi hay chồng dùng móng tay cào một mảng sương giá trên cửa kính, để tôi có thể nhìn thấy chồng và con bên ngoài qua mảng nhỏ này. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau qua cửa sổ, như có ngàn lời muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu…
Trước đó, tôi nghe đồng tu vào trại tạm giam sau tôi kể rằng chồng tôi vì muốn cứu tôi ra, đã đi nhờ vả khắp nơi. Lúc này, cảm giác xe sắp chạy, tôi muốn nói với chồng rằng đừng vì muốn tôi sớm được về nhà mà đi nhờ quan hệ cửa sau, đừng trợ trụ vi ngược đưa tiền cho những người tham gia bức hại Pháp Luân Đại Pháp, bởi tôi biết đối với những học viên không từ bỏ tu luyện, họ sẽ không dám thả. Nhưng tôi không có cơ hội nói, cũng không được phép nói.
Xe đã khởi động, từng giây từng phút quý giá đang trôi qua, nhưng những lời đáng nói lại không nói ra được. Trong lúc gấp gáp, tôi lớn tiếng nói với chồng: “Đừng tìm người [giúp], tìm được người em cũng không về đâu”. Ngàn lời vạn ý chỉ gói gọn trong một câu nghe có vẻ rất buồn cười như thế. Tài xế cười, cảnh sát trên xe cũng cười, còn các đồng tu trên xe đều hiểu ý tôi. Tôi chỉ muốn chồng biết tâm ý của mình, cho anh ấy biết quyết tâm tu luyện Đại Pháp của tôi, như vậy, anh ấy mới có thể từ bỏ ý định tìm người đút lót.
Chồng tôi quả là hiểu ý tôi. Nữ cảnh sát xem xong bức thư chồng tôi đưa bèn trả lại cho tôi. Trong thư, anh chủ yếu lo lắng tôi không từ bỏ tu luyện mà bị bức hại tàn khốc. Anh nhẹ nhàng khuyên tôi đừng quá ngoan cố, nhưng anh cũng không tự tin với lời khuyên của mình. Vì rất hiểu tôi, nên trong thư anh cũng thể hiện sự bất lực trong lời khuyên đó.
Xe chạy ngày càng nhanh, tôi nhanh chóng không còn thấy chồng và con đâu nữa, nhưng trong đầu tôi vẫn có hình ảnh chồng tôi ôm con dần dần khuất xa, giống như một bức tranh, như một bức ảnh đọng lại trong tâm trí tôi.
Một cảnh sát có lương tri
Năm đó, vào một buổi tối cuối thu, vì để cho thế nhân minh bạch chân tướng, tôi và hai đồng tu khác đi treo biểu ngữ chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Khi chúng tôi sắp treo xong và chuẩn bị về nhà, đột nhiên từ bóng tối xuất hiện mấy cảnh sát mặc trang phục rằn ri, không nói năng gì đã muốn bắt chúng tôi đưa về đồn công an, họ cũng không nghe chúng tôi giảng chân tướng. Nhận thấy không còn cách nào khác, tôi liền chớp thời cơ chạy trốn.
Tôi dốc sức liều mạng chạy về phía trước, phía sau có một cảnh sát vừa đuổi theo tôi vừa hô tôi dừng lại. Tôi không để ý chút nào, tiếp tục chạy, trong lòng nghĩ không thể khoanh tay chờ họ đến bức hại tôi, như vậy cũng không tốt cho họ. Chạy được một lúc, đột nhiên, phía trước không còn đường nữa, tôi ngẩn người. Thực ra đó là một cây cầu để vãn cảnh đang thi công, bên dưới là một con sông chết, hai bên là lan can cầu. Cây cầu này rất dài, lúc đó mới xây được một nửa, nửa còn lại chưa hoàn thành, giữa cầu có một số thiết bị chặn lại, không có đường khác. Trong tình huống khẩn cấp, lại không thể nhảy xuống nước, tôi liền quay người lại, đối mặt với viên cảnh sát đó.
Lúc đó đêm đã rất khuya, xung quanh không có đèn đường, tối mịt, chúng tôi tuy khoảng cách rất gần nhưng không nhìn rõ mặt nhau. Tôi muốn giảng chân tướng cho cậu ấy, nhưng không có đủ thời gian, vì phía trước còn có cảnh sát khác. Nếu anh ta muốn chặn tôi, tôi chắc chắn không thể vượt qua. Tôi nói: “Cậu hãy làm chút việc tốt đi, chúng tôi không làm điều gì xấu cả.” Nhưng tôi không cầu xin, mà nói với giọng nghiêm túc. Cậu ấy sững người nói: “Gì cơ?” Nhân lúc cậu ta do dự, tôi nhanh chóng lách qua bên cạnh cậu ta bỏ chạy. Tôi không dám quay đầu lại, cứ thục mạng chạy. Lúc đầu tôi còn nghe thấy tiếng bước chân đuổi theo, dần dần, hình như không còn âm thanh nữa. Không kịp suy nghĩ nhiều, thấy phía trước có một cái ao cách mặt đất khoảng năm, sáu mét, tôi trượt người nằm nép dưới bụi cỏ trên sườn dốc giữa đường và mặt ao, tuy nín thở, nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch.
Sau một khoảng thời gian dài, tôi cảm giác phía trên hình như không còn tiếng động, bèn từ từ bò lên, từ từ thò đầu ra quan sát, xung quanh yên tĩnh, không một bóng người. Tôi nhanh chóng bò ra khỏi bụi cỏ, và bắt đầu chạy.
Chạy được một đoạn ngắn, đột nhiên phía trước có một chùm đèn lớn, làm tôi chói không mở mắt ra được. Đó là đèn xe của đồn công an, tôi lại cảm thấy căng thẳng. Con đường này là lối duy nhất để về nhà, không có đường khác, xung quanh lại toàn là ruộng lúa. Tôi không chạy nữa, vờ như bị xe chiếu sáng không nhìn rõ đường, nhân cơ hội dùng tay che nửa mặt. Chiếc xe chạy rất chậm, tôi cũng giữ bình tĩnh, tỏ vẻ không hoảng hốt, cuối cùng xe cũng đi qua. Tôi quay đầu nhìn lại, xác định xe đi xa rồi mới thở phào nhẹ nhõm, rồi tôi lại bắt đầu chạy.
Sau này tôi mới biết, chiếc xe đó là cảnh sát gọi đến để bắt hai đồng tu khác. Vì lúc đó chỗ chúng tôi treo biểu ngữ là một con đập bên bờ sông, không có xe, phải gọi xe đến. Để tránh bị bức hại, tối hôm đó tôi không về nhà, sau này nghe bảo vệ khu dân cư nói, tối hôm đó cảnh sát đã ngồi dưới nhà tôi cả đêm. Sau đó tôi phải rời quê hương, lưu lạc khắp nơi, còn hai đồng tu kia lần lượt bị kết án ba năm trong trại lao động cưỡng bức.
Toàn bộ quá trình thật sự chấn động, cảm giác như đang quay một bộ phim lớn. Sơ sểnh một chút là có thể bị vào ngục oan, nhưng cũng thoáng cái mà đã hóa nguy thành an. Thực ra, viên cảnh sát đuổi tôi lúc đầu thật sự đã đuổi theo tôi. Sau khi tôi nói câu đó, cậu ấy có một khoảnh khắc suy nghĩ và lương tri hồi phục, không còn đuổi theo tôi nữa, giống như trong câu chuyện người nâng súng lên một centimet, vị thẩm phán đã nói: Không thực hiện mệnh lệnh cấp trên là có tội, mà bắn không trúng là vô tội, anh có quyền nâng khẩu súng lên thêm một centimet, và đó cũng là nghĩa vụ lương tri mà anh nên chủ động đảm đương. Trong thế giới này, ngoài pháp luật còn có lương tri, khi pháp luật và lương tri xảy ra xung đột, lương tri mới là tiêu chuẩn hành vi cao nhất. Viên cảnh sát này đã lựa chọn lương tri “không đuổi kịp tôi”, cũng là lựa chọn cho mình một tương lai vô cùng tươi đẹp.
Kiên định
Xem bộ phim “Trở lại thành Thần”, khi xem đến đoạn Tống Quang Minh bị ép viết bảo chứng thư, tâm tôi thắt lại giống như chúng sinh trên thiên thượng, sợ cậu ấy không giữ được mình mà làm chuyện sai lầm. Khi đến cảnh Tiểu Phượng viết kinh văn của Sư phụ cho Tống Quang Minh, tôi đã rơi lệ. Chúng Thần nơi thiên giới thở phào nhẹ nhõm, thế giới Quang Minh lại tỏa ánh sáng rực rỡ. Điều này gợi cho tôi nhớ về những trải nghiệm đau thương khó quên nơi hang ổ hắc ám kia.
Trong hang ổ tà ác đó, cảnh sát và tội phạm hình sự cấu kết với nhau, tận lực làm nhục tôi. Họ vừa đánh vừa mắng, không cho tôi ngủ, không cho mặc áo bông ấm, lúc đó tôi thực sự cảm thấy như rơi vào địa ngục trần gian. Bởi vì tôi không thỏa hiệp nên họ không cho gặp mặt người nhà. Chồng tôi vì để có thể gặp mặt tôi một lần, đã tìm kiếm quan hệ nhờ vả khắp nơi. Họ cũng vì để người nhà có thể thuyết phục tôi nên mới đặc cách cho gia đình gặp tôi một lần.
Lâu ngày không gặp mặt người thân, bị giam cầm dài hạn, bị bức hại tàn khốc, nên tôi chưa kịp nói đã khóc, khóc không thành tiếng, nước mắt rơi như mưa…Chồng tôi thấy tôi ăn mặc nhếch nhác, sắc mặt tái nhợt, tình trạng sức khỏe không bình thường thì đau lòng nắm lấy tay tôi. Chồng tôi, người chưa bao giờ dỗ dành ai, chưa bao giờ nhận sai, chưa bao giờ cúi đầu trước người khác, vậy mà vì để tôi có thể sớm trở về nhà, không còn bị bức hại, đã quỳ gối không đứng dậy…Tôi khóc nức nở, nhưng tâm kiên tu Pháp Luân Đại Pháp không một mảy may dao động. Cuối cùng, thấy không đạt được mục đích, giám ngục tức giận đưa tôi trở lại buồng giam.
Kỳ thực chồng tôi vẫn luôn ủng hộ tôi tu luyện. Bởi vì anh ấy biết sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cả tâm tính lẫn sức khỏe của tôi đều phát sinh biến hóa rất lớn. Chẳng qua là dưới áp lực, anh mong tôi có thể giả vờ thỏa hiệp để trở về nhà. Tôi sao quên được Sư ân, không lời nào bày tỏ được lòng cảm ân Sư tôn cứu độ, sao tôi có thể vì lợi ích cá nhân mà phỉ báng Sư phụ, phỉ báng Pháp đây? Tôi tuyệt đối không thể làm như vậy. Dù cho gian nan thế nào, tôi biết tôi phải đi đến cùng con đường mà mình đã chọn.
Nhìn lại quá khứ, thật sự cảm khái vô cùng. Năm ấy tôi kiên trì giữ vững một niệm này, giờ đây nhìn lại thực là trân quý…
Một vị Thần vĩ đại với quang diệm vô biên, hạ phàm trở thành người trần mắt thịt, nhưng nhất cử nhất động, nhất tư nhất niệm của Ngài lại dẫn động toàn bộ chúng sinh trên thiên giới.
Đã hơn 20 năm rồi, trong hơn 20 năm tưởng chừng dài mà cũng ngắn ngủi ấy, những chông gai, những ngọt bùi đắng cay trên con đường tu luyện có ghi cả cuốn sách cũng không hết. Những trải nghiệm bình thường trong quá trình tu luyện, khi cầm bút viết ra mới phát hiện sự phi thường trong những điều bình thường ấy.
Nếu một ngày nào đó trong tương lai, con cháu tôi nhớ đến những gì đã xảy ra hôm nay, hỏi rằng khi Pháp Luân Đại Pháp bị vu khống, bị bức hại, tôi đã làm gì. Tôi có thể không hổ thẹn mà trả lời rằng: trong bức hại, trong áp lực mạnh mẽ, tôi đã từng sợ hãi, đã từng lo lắng, nhưng chưa từng dao động, mà còn dám đứng lên!
Sư phụ giảng:
“khi mà lịch sử lật sang trang mới, những người dân thế giới ở lại sẽ thấy được sự vĩ đại của chư vị; chư Thần trong tương lai sẽ vĩnh viễn ghi nhớ thời kỳ lịch sử vĩ đại này.” (Lý tính, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Tôi chỉ muốn ghi lại từng chi tiết trong quá trình tu luyện; ghi lại những kiến chứng lịch sử khi Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền nơi thế gian; ghi chép lại Pháp vĩ đại Sư phụ vĩ đại đã tạo nên những đệ tử Đại Pháp phi thường của thời kỳ lịch sử vĩ đại, ngay tại nơi thế gian con người mà diễn xuất vở kịch lớn của lịch sử, ngay tại nơi thế gian con người mà viết nên những áng thơ tráng lệ nhất trong lịch sử.
(Phụ trách biên tập: Lý Minh)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/22/480391.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/10/221179.html
Đăng ngày 22-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.