Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-10-2024] Ngày 10 tháng 10 năm 2024, Tòa án Trung cấp Thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Linh, ra phán quyết giữ nguyên bản án tù một năm đối với một nữ học viên 67 tuổi. Cùng ngày, hai con gái bà đã gửi đơn kiện hai thẩm phán phúc thẩm.

Bà Hà Minh Anh ở huyện Pháp Khố (thuộc thành phố Thẩm Dương), bị bắt giữ vào tháng 11 năm 2023 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999. Ngày 6 tháng 6 năm 2024, Tòa án Quận Hồn Nam, thành phố Thẩm Dương kết án bà 1 năm tù cùng 2.000 Nhân dân tệ tiền phạt. Ngày 14 tháng 6, bà đệ đơn kháng cáo nhưng đến ngày 10 tháng 10 đã bị bác bỏ.

b07767819c5c13244380fca14a1df1d8.jpg
Bà Hà Minh Anh

Tám đĩa DVD “bằng chứng” chỉ ra những hành động bất hợp pháp của cảnh sát

Hai con gái bà Hà là những người trực tiếp bào chữa cho bà trong vụ việc kháng cáo. Hai cô bị sốc khi phát hiện rằng tám chiếc đĩa DVD được đề cập trong phiên xét xử bà Hà đã biến mất khỏi hồ sơ kháng cáo. Trong bản án, thẩm phán đã viện dẫn bằng chứng do cảnh sát cung cấp được ghi lại trong các đĩa DVD, thế nhưng họ bị cấm xem nội dung các DVD trước phiên tòa và không có đĩa nào được phát trong phiên tòa.

Hai con gái bà đã hỏi Ôn Hiểu Hà, thẩm phán chủ tọa phụ trách xử lý phúc thẩm, người này tuyên bố rằng hồ sơ gửi tới tòa phúc thẩm không có đĩa DVD nào. Sau đó, các con gái bà đã gửi một yêu cầu viết tay vào ngày 31 tháng 7 năm 2024, yêu cầu Ôn xem lại video phiên tòa (để chứng thực rằng không có DVD nào được phát trong phiên tòa) và lệnh cho thẩm phán xét xử hay cảnh sát nộp các đĩa DVD. Cùng ngày con gái bà cũng gửi một yêu cầu mở một phiên xét xử phúc thẩm công khai dựa trên một số hồ sơ khác. Ngày 8 tháng 8, họ đã một lần nữa thông qua đường chuyển phát nhanh, gửi yêu cầu mở phiên tòa xét xử công khai.

Khi kiểm tra hệ thống theo dõi thư, các con gái bà nhận ra rằng tất cả hồ sơ đã được Tòa trung cấp tiếp nhận và ký. Thẩm phán Ôn chỉ trả lời nội dung liên quan đến các đĩa DVD. Vào khoảng ngày 10 tháng 8, bà Ôn trả lời các con gái bà Hà rằng, họ đã thấy các đĩa DVD. Bà Ôn còn nói hai cô con gái bà Hà có thể mang theo máy tính xách tay cá nhân để xem nội dung đĩa DVD tại tòa, nhưng không được phép sao chép. Thông thường, đối với các chứng cứ điện tử như các đĩa DVD, tòa cần cung cấp các thiết bị cần thiết để phát. Hai con gái bà Hà nghi ngờ rằng bà Ôn đang cố gây khó dễ không cho họ xem đĩa DVD.

Các con gái bà Hà dùng máy tính xách tay để mở các đĩa DVD và phát hiện ra các đĩa này có chứa nội dung là audio, video và các loại “bằng chứng” nhằm vào mẹ của họ. Tuy nhiên, những thông tin này lại chính là bằng chứng thuyết phục cho thấy cảnh sát vì đã vi phạm các thủ tục pháp lý trong việc bắt giữ và gài bẫy bà Hà.

Nội dung các đĩa DVD cho thấy, cảnh sát đã bắt giữ bà Hà và đột kích vào nhà bà mà không hề xuất trình giấy tờ tùy thân hay lệnh khám xét. Trong quá trình thẩm vấn, họ tra tấn bà để lấy lời khai. Viện Kiểm sát Quận Hồn Nam ban đầu quyết định không ban hành lệnh bắt giữ. Nhưng thay vì hủy bỏ vụ án, cảnh sát lại lừa một người nhà bà Hà cung cấp bằng chứng chống lại bà. Lời khai của người này đúng ra là không hợp pháp, nhưng lời khai này lại được cảnh sát sử dụng để thuyết phục viện kiểm sát truy tố bà.

Yêu cầu thẩm phán rút khỏi vụ kháng cáo và yêu cầu tổ chức phiên xét xử đều bị từ chối

Phản hồi về yêu cầu tổ chức phiên tòa công khai của hai con gái bà Hà, thẩm phán Ôn tuyên bố rằng các trường hợp kháng cáo thường được giải quyết mà không cần mở phiên tòa công khai và yêu cầu mở phiên tòa công khai cần có phê chuẩn đặc biệt. Tuy nhiên, theo luật, yêu cầu đó luôn được tôn trọng.

Bà Ôn cũng liên tục yêu cầu hai con gái bà Hà nộp hồ sơ biện hộ bằng văn bản để bà Ôn có thể ra phán quyết mà không cần tổ chức phiên tòa. Khi họ từ chối, bà buộc tội họ cố tống tiền bà để thúc đẩy phiên tòa công khai. Bà Ôn đe dọa sẽ sử dụng hồ sơ biện hộ của hai con gái bà Hà trong xét xử sơ thẩm nếu họ không nộp bản biện hộ phúc thẩm trước ngày 10 tháng 10.

Do bà Ôn vi phạm các thủ tục pháp lý, hai con gái bà Hà đã soạn một văn bản vào ngày 28 tháng 8 yêu cầu bà Ôn rút khỏi vụ việc kháng cáo. Ngày hôm sau, họ gửi văn bản này cho cấp trên của bà Ôn là ông Nhậm Diên Trung, Chánh án Tòa trung cấp, văn bản này được ký nhận ngày 30 tháng 8. Tại thời điểm viết bài, ông Nhậm vẫn chưa phản hồi.

Ngày 2 tháng 9, hai con gái bà Hà nhận được một cuộc điện thoại, yêu cầu họ tới tòa trung cấp vào 10 giờ sáng hôm sau để thảo luận trực tiếp về các thủ tục kháng cáo. Họ khẳng định đã gửi thư yêu cầu thẩm phán Ôn rút khỏi vụ kháng cáo. Người gọi khăng khăng yêu cầu họ tới để trao đổi trực tiếp. Họ yêu cầu trả lời bằng văn bản, người gọi đã nhượng bộ và nói rằng tòa sẽ gửi các tài liệu liên quan cho họ. Các con bà Hà cũng cung cấp cho người gọi địa chỉ thư như anh ta yêu cầu, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được bất cứ tài liệu nào từ tòa án. Một lần nữa, vào ngày 11 tháng 9, họ lại gửi yêu cầu cho ông Nhậm và ngày hôm sau, ông Nhậm đã nhận được. Một lần nữa, ông Nhậm lại phớt lờ yêu cầu của họ.

Đơn kháng cáo của bà Hà bị bác bỏ

Hai con gái bà Hà gọi cho thẩm phán Ôn vào ngày 8 tháng 10, nhưng bà ấy không nghe máy. Sau đó, họ gọi cho trợ lý của bà ấy là thẩm phán Hứa Minh Hiên, người này ban đầu không nghe máy nhưng đã gọi lại sau 20 phút và nói rằng bà Ôn yêu cầu ông chuyển tới họ ba thông điệp. Thông điệp thứ nhất là yêu cầu của họ đã bị bác bỏ, thông điệp thứ hai là sẽ không có phiên tòa công khai nào hết và thông điệp thứ ba là họ phải gửi văn bản biện hộ trước ngày 10 tháng 10.

Hai con gái bà Hà từ chối gửi văn bản biện hộ và nhất quyết yêu cầu có phiên tòa công khai với một thẩm phán khác. Bà Ôn ra phán quyết bất lợi cho bà Hà vào ngày 10 tháng 10. Cùng ngày, hai con gái của bà đã đệ đơn kiện hình sự bà Ôn và cấp trên của bà là ông Nhậm.

Ngày 13 tháng 10, hai cô con gái đã nhận được bản sao phán quyết kháng cáo chính thức. Họ cho hay, phán quyết có chữ ký của các thẩm phán là Ôn Hiểu Hà, Khổng Tường Lai và Vu Hiểu Vy, trợ lý thẩm phán Kim Lương và thư ký Phó Dịch.

Hai con gái bà Hà tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho mẹ mình.

Hai con gái bà Hà bị thẩm vấn và bị đe dọa

Sau khi bà Hà bị kết án oan sai vào ngày 6 tháng 6, hai con gái bà đã đệ đơn kiện vào tháng 7 năm 2024 để kiện tất cả các cảnh sát, công tố viên, thẩm phán liên quan đến việc bắt giữ, truy tố và kết án bà.

Hai cô đều bị sách nhiễu và bị đe dọa. Cảnh sát bắt giữ bà Hà đã kiểm tra với cơ quan công an nơi cư trú của hai con bà để xác nhận xem hai cô có tu luyện Pháp Luân Công không. Viện Kiểm sát Quận Hồn Nam cũng hai lần gọi cho con gái lớn của bà là cô Quan Anh Hoa vào các ngày 21 và 22 tháng 8, rồi lệnh cho cô tới trình diện để giải thích lý do chị em cô gửi đơn kiện họ. Cô không thể nghỉ làm nên đã không tới. Ngày hôm sau, cảnh sát tới gặp cô.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 2024, cô đang làm việc tại công sở thì một người đàn ông cao lớn khoảng 30 tuổi đột nhiên xuất hiện. Anh ta nói với quản lý của cô rằng anh ta cần phải đưa cô tới Đồn Công an Đạo Nghĩa. Khi cô Quan từ chối tuân theo, anh ta đe dọa cô và nói: “Tôi mặc thường phục tới là đang rất tôn trọng cô rồi. Nếu tôi mặc cảnh phục, việc đó chẳng phải sẽ khiến cô xấu mặt sao?” Sau vài phút giằng co căng thẳng, cô Quan đã nhượng bộ và đi cùng anh ta tới đồn công an.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ thẩm vấn tại đồn công an, viên cảnh sát đã hỏi cô Quan nhiều câu hỏi và bất cứ khi nào cô từ chối trả lời một câu hỏi nào đó, anh ta trở nên giận dữ. Tuy nhiên, cô đã cung cấp một số thông tin chi tiết về các phương thức chị em cô thực hiện để đòi lại công lý cho mẹ mình.

Cô cho biết chị em cô đã thảo luận với một luật sư và viết đơn kiện cảnh sát, các công tố viên và các thẩm phán xét xử. Sau đó họ mua tem thư và phong bì rồi tới một bưu điện gửi đơn đi. Cô từ chối tiết lộ nguồn của các hồ sơ bổ sung kèm theo đơn kiện liên quan tới việc các học viên Pháp Luân Công ở các nơi trên toàn quốc được trả tự do thay vì bị ban hành lệnh bắt giữ.

Sau đó, viên cảnh sát này hỏi rằng ngoài cảnh sát ra, chị em cô còn gửi đơn tới ai nữa không. Cô Quan nói rằng trong đơn kiện đã nêu rõ rằng đơn này sẽ gửi tới ai.

Câu hỏi tiếp theo là đơn kiện được gửi bao nhiêu lần tới ông Cốc Quân Doanh, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Thẩm Dương, một cơ quan ngoài vòng pháp luật chịu trách nhiệm giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cô Quan trả lời rằng cô không nhớ, nhưng cảnh sát có thể tự kiểm đếm số lượng đơn kiện nhận được.

Bởi chị em cô Quan cũng thu thập chữ ký ủng hộ của người dân địa phương để yêu cầu chính quyền trả tự do cho bà Hà, thế nên viên cảnh sát hỏi rằng tất cả những người ký tên ủng hộ có tu luyện Pháp Luân Công không. Cô Quan trả lời rằng những người này không tu luyện. Sau đó, anh ta hỏi mọi người có tập trung ở một địa điểm để ký ủng hộ không, cô Quan trả lời là có.

Cô nói thêm, cô viết tay đơn kiện vì cô không có máy vi tính hay máy in ở nhà. Sau đó, cô tới cửa hàng in ấn để đánh máy và in ra.

Viên cảnh sát này cáo buộc rằng đơn kiện có nhiều nội dung bất hợp pháp và anh ta có thể bắt giữ cô nếu cô cũng tu luyện Pháp Luân Công. Cô Quan nói rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hay coi pháp môn này là tà giáo. Anh ta cảnh báo cô không được nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” khi ra khỏi đồn công an.

Vài giờ sau, viên cảnh sát này cũng thẩm vấn em gái cô Quan là cô Quan Vân Hoa với các câu hỏi tương tự.

Cô Quan Vân Hoa yêu cầu viên cảnh sát cung cấp danh tính. Anh ta nói rằng anh ta là người của Cục Công an Thành phố Thẩm Dương (nhưng trước đó anh ta lại nói với cô Quan Anh Hoa rằng bản thân đến từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật). Anh ta đưa giấy tờ tùy thân của mình ra cho cô xem, nhưng cố ý lấy tay che tên đi.

Thay vì trả lời, cô Quan Vân Hoa luôn hỏi rằng câu hỏi viên cảnh sát đưa ra có liên quan gì đến vụ án của mẹ cô không. Giống như chị gái mình, cô cũng từ chối ký vào biên bản thẩm vấn.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/27/484307.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/29/221408.html

Đăng ngày 05-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share