Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại New Zealand
[MINH HUỆ 28-06-2023] Ngày 26 tháng 6 năm 2023 là Ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn của Liên Hợp Quốc. Vào đúng ngày này, các học viên Pháp Luân Công ở New Zealand đã tổ chức mít-tinh và diễu hành trên Quảng trường Elizabeth ở trung tâm thành phố Auckland nhằm kêu gọi mọi người trợ giúp chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên ở Trung Quốc.
Các học viên tổ chức diễu hành ở Auckland vào ngày 24 tháng 6 năm 2023
Luật sư nhân quyền: Chỉ bằng cách giải thể Đảng, nạn tra tấn mới có thể bị xóa bỏ ở Trung Quốc
Ông Kerry Gore, luật sư nhân quyền, phát biểu tại cuộc mít-tinh, “Ngày 12 tháng 12 năm 1997, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 26 tháng 6 là Ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn của Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết, với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tra tấn và thực hiện hiệu quả công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.”
Ông phát biểu tiếp: “Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] sử dụng tra tấn để buộc các tù nhân lương tâm từ bỏ niềm tin tôn giáo hoặc tín ngưỡng [hoặc niềm tin chính trị] của họ, tùy theo từng trường hợp. Nó cũng sử dụng tra tấn như một phương pháp để lấy lời khai của các nghi phạm hình sự.
“Những người theo đạo Cơ đốc tại các nhà thờ tại gia, Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, học viên Pháp Luân Đại Pháp, người khiếu kiện và luật sư nhân quyền Trung Quốc đều là đối tượng bị tra tấn ở Trung Quốc. Khi làm như vậy, ĐCSTQ không chỉ vi phạm Công ước Chống Tra tấn, mà còn vi phạm các quy định quốc tế khác, các công cụ pháp lý về nhân quyền, cũng như hiến pháp của chính nó.“
“Không có triển vọng thực tế nào có thể cải cách ĐCSTQ! Cách duy nhất là giải thể nó.”
Điều quan trọng là cho nhiều người hơn biết đến cuộc bức hại
Cô Audrey Lebret đến từ Pháp là chuyên gia công nghệ y sinh. Cô nói: “Tôi biết sự thật tàn khốc rằng các học viên Pháp Luân Công đang bị thu hoạch nội tạng khi vẫn còn sống ở Trung Quốc. Tôi đã đọc các tài liệu thông tin liên quan và muốn biết thêm. Tôi nghĩ điều quan trọng là cho nhiều người hơn biết đến vấn đề này và tôi dự định chia sẻ nó với gia đình và bạn bè của mình.”
Về nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, cô Audrey nói: “Tôi nghĩ những giá trị này rất tốt và Pháp Luân Công cũng là một môn tu luyện tuyệt vời. Những người thực hành theo Chân-Thiện-Nhẫn lại bị bức hại đến vậy. Điều này thật điên rồ.”
Cô cho biết thêm, “Điều quan trọng là các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc có thể làm những việc này [nâng cao nhận thức]. Tôi nghĩ họ rất dũng cảm và tôi hoàn toàn ủng hộ họ.”
Bà Carolyn Clark kêu gọi người dân New Zealand lên tiếng.
Bà Carolyn Clark, cư dân ở New Zealand, từng đọc một cuốn sách về một học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ bất hợp pháp ở Bắc Kinh và chạy trốn đến Melbourne sau mười năm lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Bà nói: “Học viên Pháp Luân Công ấy bị buộc phải đan áo len trong một trại lao động. Cô ấy đã bị giam giữ trong trại lao động mười năm. Tôi đã bị sốc. Nếu cô ấy không kể câu chuyện của mình, mọi người sẽ không biết rằng một điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra ở Trung Quốc. Tôi cũng được biết rằng ĐCSTQ tiến hành thu hoạch nội tạng sống, điều này thật không thể tin được.”
Bà Carolyn cho hay điều quan trọng là có thêm nhiều người New Zealand biết đến cuộc bức hại. Bà nói: “Sau khi đọc xong cuốn sách đó, tôi đã đưa nó cho một người khác và bảo ông ấy đọc xong thì chuyển cho người tiếp theo, rồi lại chuyển cho người tiếp theo. Mọi người cần phải thông tin cho những người họ biết về cuộc bức hại, chẳng hạn như thông qua mạng xã hội.“
“Tôi nghĩ mọi người nên tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. [Các học viên Pháp Luân Công] nên phổ biến cho càng nhiều người càng tốt. Càng nhiều người biết câu chuyện đằng sau thì càng có nhiều cơ hội chấm dứt cuộc bức hại này.”
Ngoài ra, bà kêu gọi tất cả người dân New Zealand và người dân ở các quốc gia khác lên tiếng. Bà nói: “Nếu bạn biết về cuộc bức hại, đừng nhắm mắt làm ngơ mà hãy hành động. Mọi người đều có trách nhiệm [chấm dứt cuộc bức hại].”
Cuối cùng, bà nói với các học viên: “Ở New Zealand, xin hãy nâng cao nhận thức, ví như tổ chức sự kiện như ngày hôm nay. Các bạn thật dũng cảm. Hãy tiếp tục làm điều này nhé.”
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và vì sao bị ĐCSTQ bức hại?
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện đã được thực hành ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người sau khi noi theo những lời dạy dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và học năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, đã có những chuyển biến tích cực cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng rộng của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, do đó, ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh tiêu diệt môn tu luyện này.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật có quyền lực vượt trên ngành an ninh và tư pháp, với chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.
Trang Minghui.org xác nhận rằng, 24 năm qua đã có hàng nghìn học viên bị bức hại đến chết. Con số tử vong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều, hơn nữa, số học viên bị cầm tù và tra tấn chỉ vì kiên định tu luyện là không thể kể hết.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại để thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm làm nguồn cung cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/6/28/462436.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/1/210121.html
Đăng ngày 02-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.